Cuốn tiểu thuyết xoay quanh mối quan hệ chênh lệch tuổi tác đầy sóng gió vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ đã giành được giải thưởng cao nhất ở giải Booker Quốc tế năm nay. Tác giả người Đức Jenny Erpenbeck và dịch giả Michael Hofmann đã thảo luận về cách mà nó gắn kết các vấn đề cá nhân và chính trị trong bài viết sau.
Tác giả Jenny Erpenbeck và dịch giả Michael Hofmann nhận giải Booker Quốc tế.
“Thật dễ hiểu nhỉ?” - cả hai hỏi nhau như thế vào buổi sáng sau khi họ cùng nhau nhận giải Booker Quốc tế vào tối hôm trước. Hofmann dùng câu cảm thán này để diễn tả quyết định của ban giám khảo khi trao chiến thắng cho cuốn tiểu thuyết mới nhất Kairos của Erpenbeck.
Thế nhưng vinh dự này không phải là điều hiển nhiên ở quê nhà bà, nơi mặc dù Erpenbeck là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất nước Đức, thì từ trước đến nay, bà vẫn không xuất hiện trong danh sách rút gọn của bất cứ giải thưởng văn chương danh giá nào. Và giờ thì Erpenbeck trở thành nhà văn người Đức đầu tiên giành được giải thưởng Booker Quốc tế kể từ lần đầu nó được thành lập cách đây gần một thập kỉ, khiến giới xuất bản nước Đức rơi vào tình trạng chao đảo như bà vừa cười vừa nói: “Họ đang hoảng loạn”.
Người phụ nữ 57 tuổi này mới chỉ viết 4 cuốn tiểu thuyết và tất cả đều được dịch sang tiếng Anh, bắt đầu với tác phẩm đầu tay Visitation được hoan nghênh vào năm 2010. Tên tuổi của bà cũng thường xuất hiện vào khoảng thời gian diễn ra giải Nobel Văn chương, và tờ The New York Times gần đây đã mô tả bà là “một trong những tiểu thuyết gia tinh tế và ấn tượng nhất mà chúng ta có”. Cuốn sách thứ hai The End of Days kể về một phụ nữ Do Thái sinh ra ở Galicia năm 1900 đã đoạt giải Independent vào năm 2015 cho tiểu thuyết nước ngoài. Cuốn thứ ba Go, Went, Gone kể về câu chuyện của một nhóm người tị nạn châu Phi ở Berlin đã lọt vào danh sách dài của giải Booker Quốc tế 2017. Bên cạnh tiểu thuyết, bà cũng viết truyện ngắn, kịch và sách phi hư cấu.
Tương tự, Hofmann cũng là một trong những nhân vật văn chương có tầm ảnh hưởng nhất nhì ở Đức. Ông là nhà thơ, nhà phê bình và dịch giả được đánh giá cao. Tuy vậy Kairos chỉ mới là lần đầu tiên mà ông làm việc với Erpenbeck. Ông nói: “Tôi chủ yếu dịch các tác phẩm kinh điển thế kỉ 20 của đất nước mình. Lần đầu tiên đọc Kairos, tôi nhận thấy đây là một cuốn sách hoàn toàn tuyệt vời, không thể cưỡng lại, không thể đoán trước”.
Tác phẩm Kairos chiến thắng năm nay.
Kairos kể lại mối tình đầy sóng gió giữa Katherina - một phụ nữ 19 tuổi và Hans - nhà văn kiêm người dẫn chương trình phát thanh đã kết hôn, hơn cô 34 tuổi. Phần lớn cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Đông Berlin từ năm 1988 - 1992, mặc dù câu chuyện cũng thường đan xen với những phân cảnh thuộc về thời nay. Erpenbeck giải thích: “Một mặt nó là câu chuyện tình yêu, mặt khác nó là câu chuyện chính trị. Tôi đã cố gắng để chúng giao hòa vào nhau, đan xen sự kiện lịch sử với câu chuyện tình yêu rắc rối riêng tư”. Hofmann xen vào “Nếu bạn muốn tôi tóm tắt nó thật ngắn gọn, thì đó là một cuốn sách về sự ép buộc”.
Trong tác phẩm này, mối tình bắt đầu một cách nồng nhiệt ngày càng trở nên bị lạm dụng, trở thành bạo lực, tàn ác và cuồng giám sát khi Hans ngày càng ghen tuông. Không có gì ngạc nhiên khi cuốn tiểu thuyết được nhiều người coi là câu chuyện ngụ ngôn về sự sụp đổ của Đông Đức. Hofmann nói: “Tôi nghĩ từ ngụ ngôn là một ‘thảm họa’ đối với cuốn sách bởi vì bạn tưởng nó là cái này thế nhưng thật ra nó là cái khác. Cách mô tả chính xác hơn sẽ là nó như một sự thâm nhập đan xen giữa cá nhân và chính trị”.
Erpenbeck bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết sau khi những sự ồn ào của lễ kỉ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ lắng xuống vào năm 2019. Bà nói: “Điều ta cố gắng với tư cách là một nhà văn là luôn thoát khỏi những sự nhộn nhạo để có không gian viết thật sự yên bình. Việc viết liên quan nhiều đến cảm xúc và cả lịch sử cá nhân. Suy ngẫm là một quá trình, nó không thực hiện được nhanh chóng đâu. Nếu bạn viết về điều gì đó, bạn nhìn mọi thứ theo một cách khác so với khi bạn chỉ trải nghiệm chúng”.
Các tác phẩm của Erpenbeck trong suốt sự nghiệp kéo dài 25 năm đã mang lại ánh sáng mới cho lịch sử Đức ở thế kỉ trước. Ở Kairos, bà muốn lên tiếng cho những người dân Đông Đức đã mất đất nước. Bà nói: “Trong thế giới nói tiếng Anh, mọi người rất quan tâm đến việc hiểu sâu hơn về các câu chuyện; cần phải hiểu rõ chuyện gì đã thật sự xảy ra”. Hofmann đồng ý: “Ngay cả ở Đức, những câu chuyện về Đông Đức cũng ít được thể hiện. Có cảm giác như chúng tôi đã làm được gì đó cho khu vực này. Người ta thường nghĩ vùng đất phía đông thì không thú vị. Bản thân tôi là người nơi đây và điều đó với tôi thật vô lí. Kairos là một cuốn sách có thể bị đánh giá là lỗi thời, bởi cần thời gian để tiếp thu, hiểu thấu và sẵn sàng nói về chúng”.
Ban đầu Erpenbeck dự định viết một cuốn sách mà không nhắc đến Stasi - cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hòa Dân chủ Đức - mặc dù chắc chắn nó sẽ len lỏi vào. “Tôi nghĩ điều duy nhất mà mọi người biết về Đông Đức là họ có Stasi và một bức tường. Và thế là hết, đó là tất cả những gì họ biết. Vì thế tôi muốn thêm điều gì đó vào bức tranh này”.
Hans là một cậu bé bị cuốn vào vòng xoáy của Thế chiến thứ hai, trong khi Katherina chỉ mới ngoài 20 khi Bức tường sụp đổ. Giống như tác giả sinh năm 1967, Katherina lớn lên trong một tòa nhà cách bức tường chỉ vài bước chân và bà cũng đưa phần nào đó tiểu sử bản thân vào nhân vật nữ này. Khi xuất bản, dư luận nước Đức suy đoán rằng nhân vật Hans được dựa trên một nhân vật có thật, nhưng Erpenbeck đã nhấn mạnh rằng ông là sự kết hợp của những người đàn ông mà bà đã đọc trong quá trình nghiên cứu. Bà nói: “Có rất nhiều hồ sơ Stasi được tiết lộ sau khi Bức tường sụp đổ. Với tôi, đã đến lúc phải kể câu chuyện của tôi và bạn bè mình. Nhiều bạn bè tôi cảm thấy nhẹ nhõm, họ có cảm giác như là được hiện diện trong cuốn sách vậy.”
Thống nhất, áp bức, độc lập và tự do – những điểm tương đồng giữa câu chuyện lãng mạn và bối cảnh lịch sử của nó xuất hiện khi Erpenbeck đang viết. Hans đại diện cho lịch sử, còn Katherina là tương lai. Kairos nắm bắt được tổn thương và mâu thuẫn của sự thống nhất, và như tác giả chia sẻ, lợi thế thú vị là bà cũng như dịch giả “biết đến cả hai thế giới, một thế giới xã hội chủ nghĩa và một thế giới tư bản chủ nghĩa. Đâu đó trong cuốn sách cũng đã xuất hiện một sự so sánh”.
Ở những trang cuối, Katharina đã bị chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan của phương Tây đẩy lùi, và “quyền tự do lựa chọn ai cũng ca tụng hóa ra chẳng là gì cả”. Erpenbeck cảm thấy điều quan trọng là “làm rõ thế giới này kì lạ như thế nào đối với chúng ta. Chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy người ăn xin trên đường phố, chúng ta không có mại dâm, không có cửa hàng tình dục… tất cả đều hoàn toàn mới. Tôi cố gắng làm cho mọi người hiểu hầu như không có thứ gì chỉ đen hoặc trắng. Mọi thứ cần được xem xét cẩn thận và sâu sắc hơn để có thể hiểu được. Tôi cố gắng giúp mọi người đưa ra quan điểm mà trước đây họ chưa từng có, để họ có thể thể hiện một người mà họ không quen thuộc, để hiểu rõ hơn mọi thứ có thể được cảm nhận như thế nào.”
Khi được hỏi bản thân đã làm gì vào buổi tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, Erpenbeck đáp rằng mình đã uống rượu với bạn bè. “Và thế là xong”. Họ không nghĩ đến việc bật TV hay đi đến cây cầu Bornholmer nổi tiếng dẫn vào phía Tây nằm ngay gần đó. “Nếu ra ngoài, có lẽ chúng tôi sẽ gặp hàng triệu người ào vào vùng đất mới. Nhưng chúng tôi không ra ngoài và do ở trên tầng 4 của một tòa nhà nên không thể biết sự kiện lịch sử nào đang diễn ra. Nếu mọi thứ khác đi, cuốn sách này hẳn có dáng hình khác”.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài viết trên The Guardian
VNQD