Adania Shibli:

Tạo ra mối liên hệ giữa hư cấu và hiện thực là hành động bạo lực chống lại trí tưởng tượng

Thứ Tư, 15/05/2024 07:27

Adania Shibli sinh ra ở Palestine vào năm 1974. Bà là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, truyện ngắn và tiểu luận. Cuốn sách gần nhất của bà là Minor Detail đã được đề cử giải Booker Quốc tế cũng như giải Sách Quốc gia Mĩ. Shibli hiện giảng dạy và tham gia nghiên cứu tại các đại học trên khắp châu Âu và thường trực tại Đại học Birzeit (Palestine). Vào năm 2023, bà được trao giải LiBeraturpreis tại Hội chợ sách Frankfurt, nhưng do những diễn biến phức tạp tại Trung Đông, giải thưởng cuối cùng đã bị hủy bỏ. Sau đây là bài phát biểu mà bà đã viết cho sự kiện này.

“Hút thuốc có thể bị cấm ở các hội sách, trong khi việc sách bị cấm ở những nơi này dường như bất khả. Ngay cả khi một nhân vật của một trong những cuốn sách được trưng bày tại hội sách hút thuốc, thì nó cũng không dẫn đến lệnh cấm người viết không được để các nhân vật của mình hút thuốc, hoặc thậm chí là cấm cả cuốn sách đó. Lí do cho những điều trên vô cùng đơn giản, gần như hiển nhiên, bởi văn chương không phải hiện thực. Tiểu thuyết có cách hoạt động và cần xem xét theo tiêu chí riêng. Hút thuốc trong cuộc sống thực tác động tiêu cực đến sức khỏe của cả người hút cũng như người khác, vì vậy cấm nó là rất hợp lí. Còn việc hút thuốc trong một cuốn sách chỉ có thể được đánh giá dựa trên mức độ liên quan của nó với nhân vật và hành động của y trong văn bản mà thôi.

Nhà văn người Palestine Adania Shibli.

Năm 1988, khi việc hút thuốc vẫn được cho phép ở nhiều không gian trong nhà (hội sách có lẽ cũng thuộc số đó), tôi được cho biết về việc thành lập thư viện công cộng đầu tiên ở làng của mình. Khi biết tin, tôi chạy vội vàng đến thư viện ấy, nơi sách đang được tập hợp và đề nghị người thủ thư cho mình giúp đỡ xếp chúng lên kệ. Tôi yêu thích sách và muốn chia sẻ nó với người khác.

Cũng trong năm đó, Những vần thơ của quỷ Satan do Salman Rushdie viết được ra mắt. Làm việc cùng nhau, viên thủ thư và tôi đã thảo luận về việc xuất bản và các chủ đề mà nó đề cập. Cả hai đều đồng ý rằng không nên đánh giá cuốn sách trước khi đọc nó, và quyết định rằng thư viện nhỏ này nên có một cuốn. Sau khi đọc nó, người thủ thư ở độ tuổi đôi mươi cảm thấy nó rất thú vị. Còn tôi, một cô bé 14 tuổi và thích văn học đầu thế kỉ 20 thì thấy nó chẳng hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là hai chúng tôi đều đánh giá nó dựa trên giá trị văn học chứ không phải các tiêu chuẩn của thực tế chúng ta đang sống hoặc bởi bất kì hệ thống tín ngưỡng tâm linh hay hệ tư tưởng nào.

Vài tháng sau đó, có người để ý đến Những vần thơ của quỷ Satan trên kệ thư viện, và sau đó người thủ thư đã rút nó khỏi danh mục mượn sách. Thầy ấy nói rằng mình làm điều đó vì sợ phản ứng và có thể là tranh cãi lớn hơn, ảnh hưởng đến thư viện này. Thầy muốn nó mở cửa cho tất cả mọi người, cung cấp cho nhiều độc giả những cuốn sách hay. Riêng tôi không đồng ý lắm, và niềm đam mê với thư viện này cũng bị giảm dần.

Khi Rushdie bị tấn công trước buổi nói chuyện mà ông dự định tổ chức cách đây 2 năm, giống như một số dịch giả và nhà xuất bản của ông đã từng như thế, chúng ta một lần nữa chứng kiến ​​mối nguy hiểm của việc tạo ra mối liên hệ giữa tính hư cấu trong một cuốn sách và hiện thực của những ngày này.

Nhắm mục tiêu vào sách không phải là điều mới mẻ mà thật ra nó đã có một lịch sử vô cùng bạo lực. Người ta kể rằng khi binh lính của Húc Liệt Ngột chiếm được Baghdad vào năm 1258, họ đã ném hàng chục nghìn cuốn sách xuống sông Tigris, khiến cho dòng chảy của nó hóa đen do mực hòa tan trong nước. Ở Đức, vào năm 1933, sách không những bị cấm mà còn bị đốt, lần này chữ biến thành khói.

Phiên bản tiếng Đức của Minor Detail đã bị từ chối trao giải ở Hội sách Frankfurt.

Trở lại Palestine nhưng không phải năm 1988 mà là 1948. Khi lực lượng dân quân theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đột kích các thị trấn của người Palestine, họ đã cướp bóc những cuốn sách quý từ các gia đình sinh sống tại đây, hình thành nên Thư viện Quốc gia Israel sau này.

Khalil al-Sakakini - nhà tư tưởng, nhà văn và nhà thơ người Palestine - là một trong số nhiều người có thư viện bị cướp phá. Ông buộc phải chạy trốn khỏi Jerusalem vào ngày 30/4/1948 chỉ vài giờ trước khi các thành viên của lực lượng dân quân Haganah và Palmach chiếm đóng khu vực nơi mình sinh sống. Ông chỉ thu xếp một số đồ đạc trước khi chuyển đến một nơi an toàn. Ông đã viết trong nhật kí hôm đó: “Chúng tôi bỏ một ít quần áo cần thiết vào vali và bỏ lại phần còn lại ở lại […] với hi vọng rằng sẽ sớm quay lại… Chúng tôi rời nhà, trong khi quần áo, đồ đạc, thư viện, thức ăn và chiếc đàn piano khổng lồ vẫn nằm ngổn ngang… Vĩnh biệt ngôi nhà của tôi!… Chia tay thư viện của tôi; từ biệt ngôi nhà trí tuệ, hội trường triết học, viện khoa học, ủy ban văn học… mà đã bao đêm tôi mất ngủ trong đó, để đọc và viết”.

Trong những năm bị buộc phải sống lưu vong ở Ai Cập, al-Sakakini đã bị ám ảnh bởi việc mất sách. Các thư viện giống như của ông bao gồm những cuốn không còn xuất bản hoặc được buôn bán. Chúng phần lớn gồm các tập sách học thuật bằng tiếng Ả Rập, nhiều cuốn trong số đó ngày nay rất hiếm, không còn nhìn thấy. Vào ngày 11/10/1948, vài tháng sau khi đến Cairo, ông viết trong cuốn nhật kí: “Tạm biệt những cuốn sách quí giá, được chọn lọc kĩ càng của tôi. Tôi nói sách của tôi, nghĩa là tôi không thừa kế bạn từ cha mẹ hay ông bà tôi… Và tôi cũng không mượn chúng từ những người khác…”

Ông viết tiếp: “Ai mà tin rằng các bác sĩ từng mượn sách y khoa của tôi vì chúng chỉ được tìm thấy trong thư viện ấy? Khi có vấn đề nào đó về mặt ngôn ngữ xảy ra trong các cơ quan chính phủ, họ liền tìm đến tôi, bởi biết rằng thư viện này có nhiều khả năng tìm ra giải pháp hoặc tôi sẽ biết tìm nó ở đâu. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với thư viện của mình sau khi rời đi: Chúng bị cướp phá hay là đốt cháy? Chúng sẽ trở thành thư viện công cộng hay thư viện tư? Hay tồi tệ hơn là được chở đến cửa hàng tạp hóa để dùng làm giấy gói hàng? Tạm biệt những cuốn sách của tôi! Các bạn quá quý giá để tôi có thể sống tiếp mà thiếu các bạn”. Al-Sakakini qua đời 5 năm sau đó, vào ngày 13/8/1953 tại Cairo mà không bao giờ được nhìn thấy lại những cuốn sách của mình.

Năm 1957, chính quyền Israel quyết định rằng khoảng 26.000 cuốn trong tổng số bị đánh cắp từ các thư viện tư nhân trên khắp Palestine vào năm 1948 là “không phù hợp để sử dụng trong các trường học Ả Rập và Israel [vì] toàn bộ hoặc một phần có chứa tài liệu kích động chống lại Nhà nước [Israel], do đó việc phân phối hoặc bán các cuốn sách đó có thể gây thiệt hại cho nhà nước.” Sau đó chúng bị tiêu hủy và “được bán ra như là giấy vụn”.

Cho dù một cuốn sách bị cơ quan chính phủ cấm hay biến thành khói, thành tro hoặc thành bột giấy, thì kết quả vẫn như nhau thôi: một cuốn sách, vì những lí do phi văn học, bị coi là một kẻ thù. Và trong những trường hợp như vậy, sách không được phép đến tay độc giả không phải vì thiếu giá trị văn học mà vì những lí do khác vốn phi văn học.

Vào tháng 6/2023, tiểu thuyết Minor Details của tôi đoạt giải LiBeraturpreis của Đức và cũng bị đe dọa bởi lí do tương tự. Rất lâu trước đó, cuốn sách đã bị các nhà xuất bản ở Đức từ chối nhiều lần một cách lịch sự bởi chính những người đã từng nói rằng mình hâm mộ nó. Một biên tập viên của một nhà xuất bản uy tín thậm chí còn gọi cho một người bạn là nhà văn của tôi để hỏi quan điểm của tôi đối với phong trào BDS 1.

Minor Details đã được ban giám khảo nhất trí lựa chọn cho giải LiBeraturpreis, nhưng trước khi giải thưởng được công bố, 2 thành viên của ủy ban sơ tuyển đã từ chức. Sau đó, một hội sách quốc tế 2 đã rút lại cam kết tổ chức lễ trao giải sau khi nhận được thông tin bày tỏ lo ngại rằng cuốn sách của tôi trình bày một câu chuyện chống Israel, do đó có thể bị hiểu là bài Do Thái. Những tuyên bố này có liên quan đến một chi tiết trong sách, khi một lính Israel hãm hiếp cô gái Palestine. Vì vô tình trùng khớp mà yếu tố này của cuốn tiểu thuyết khiến nó trở nên “chống Israel”, dẫn đến chính phủ của đất nước này đã thông qua luật cho phép các thẩm phán xử tội một người Palestine tấn công tình dục một người Israel gốc Do Thái với mức án gấp đôi so với một người nước họ làm điều tương tự. Kẻ hiếp dâm, trong trường hợp đó, được cho là có động cơ của "chủ nghĩa dân tộc" hoặc "phân biệt chủng tộc", hay nói cách khác là chống Israel một cách vô lí.

Với cá nhân tôi, bất cứ khi nào gặp phải sự hạn chế của hiện thực thì trí tưởng tượng sẽ lại lao vào và hỗ trợ tôi. Nhà văn thường viết tiểu thuyết để bỏ lại đằng sau sự ngột ngạt của thế giới hiện tại. Tạo ra mối liên hệ giữa hư cấu và hiện thực là một hành động bạo lực chống lại trí tưởng tượng.

Trong tiếng Ả Rập, từ văn học và đạo đức là một: “adab”. “Adab” gợi ý rằng từ văn học có thể tạo ra đạo đức để hướng chúng ta đến điều đúng đắn trong cuộc sống này. Văn học có thể chỉ ta cách để hành động, và không ai trong chúng ta có quyền định hướng văn học phải như thế nào. “Adab” - văn học như đạo đức - không giống như một cơ quan tôn giáo hay chính phủ, không bị quy định bởi một văn bản, một đường hướng hay một ai đó. Đối với tôi, đạo đức là một mảnh đất không ngừng được vun trồng, chăm bón và làm giàu thêm qua việc đọc và viết. Văn học chưa bao giờ tiến hành hoặc đe dọa bạo lực như các cơ quan chính phủ hoặc tôn giáo đã làm. Việc coi văn học như là đạo đức sẽ cho phép chúng ta giữ được nhân tính trong thời buổi này.

Khi còn nhỏ, tôi thích nhìn theo làn khói khi nó bay lên, lần theo dấu vết trên trời cao xanh. Khi nó đến gần, tôi sẽ cố gắng ngăn nó bay nữa bằng bàn tay mình, nhưng mỗi lần làm thế, làn khói sẽ chỉ len lỏi qua kẽ ngón tay và tiếp tục bay. Có nhiều thời điểm trong cuộc đời này tôi như đang đuổi theo làn khói ấy, nơi những giới hạn của thực tế đã dẫn tôi vào địa hạt văn chương. Có lẽ ngôn từ giống với làn khói, khi bị đàn áp hoặc bị cấm đoán thì nó vẫn sẽ tiếp tục trên con đường riêng, không bị cản trở bởi bất kì ai cố gắng ngăn chúng. Và tôi cũng vậy, vẫn sẽ đi trên con đường văn học bất kể ra sao.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo bài viết trên The Paris Review

-----------

1. Chiến dịch Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) là một phong trào bất bạo động do Palestine lãnh đạo, thúc đẩy quốc tế tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt kinh tế đối với Israel.

2. Ý chỉ hội sách Frankfurt nổi tiếng.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)