Rất dễ để khẳng định rằng không ai viết được những nhân vật phản anh hùng đặc sắc như Patricia Highsmith. Hãy lấy Tom Ripley, nhân vật chính lừa đảo “nhẹ nhàng, dễ chịu và hoàn toàn vô đạo đức” trong cuốn tiểu thuyết giật gân Ripley tài năng ra mắt vào năm 1955 của bà ra làm ví dụ. Đó là một người dối trá, lừa đảo và là một tay “đao phủ” lẩn khuất khắp châu Âu, nhưng bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn luôn ủng hộ khi hắn làm vậy.
Gần 70 năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện, nhân vật nói trên vẫn cực kì hấp dẫn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bộ phim chuyển thể mới đây của Netflix - Ripley - với sự tham gia của nam tài tử Andrew Scott là một trong những tác phẩm được mong đợi nhất năm 2024.
Một nhà văn kì lạ
Nói rộng ra hơn, tiểu thuyết của Highsmith chứa đầy những nhân vật, giống như Ripley, trông hoàn toàn bình thường nếu ta đi ngang qua họ trên phố, nhưng lại chứa đựng trong mình những xung lực ngầm, những bí mật khủng khiếp và nỗi sợ bị phát hiện. Và cũng giống như các nhân vật có thể vừa kinh khủng lại vừa hấp dẫn, bản thân Patricia cũng có hai mặt của một con người, chẳng hạn như chứng nghiện rượu và những thói quen kì lạ như mang ốc sên theo trong túi xách. Vậy nhân vật kì lạ này là ai, người bị ám ảnh bởi việc đào sâu vào tâm trí của những kẻ sát nhân ấy? Làm thế nào bà lại có thể thiết lập mạch truyện một cách chi tiết cho cuốn tiểu thuyết tâm lí tội phạm hiện đại?
Nhà văn Patricia Highsmith.
Sinh năm 1921 tại Fort Worth, Texas, Patricia trải qua tuổi thơ tương đối khó khăn. Theo đó, cha mẹ bà li hôn chỉ 10 ngày trước khi bà chào đời. Mẹ bà - Mary - sau đó nói với Patricia rằng bà đã uống nhựa thông khi mang thai với hi vọng rằng nó sẽ khiến bà không thể ra đời. Tính cách tàn ác này rồi sẽ trở lại trong các nhân vật ở các tiểu thuyết sau này. Khi bà 12 tuổi, Mary đã bỏ rơi con mình ở Texas suốt một năm trời mà không báo trước hay giải thích gì, để cô bé lại cho bà ngoại chăm sóc. Vụ việc nói trên chính là nguồn gốc cho sự oán giận suốt đời đối với Patricia. Bà từng viết cho một người bạn rằng “Tất nhiên, tôi lặp lại khuôn mẫu về việc mẹ mình đã chối từ tôi. Tôi chưa bao giờ vượt qua được nó. Vì vậy, tôi tìm kiếm những người phụ nữ sẽ làm tổn thương mình theo cách tương tự.”
Mary kết hôn với Stanley Highsmith vào năm 1924, và cô gái trẻ Patricia lấy họ của ông. Họ chuyển đến thành phố New York vài năm sau đó, nhưng cặp đôi đã tranh cãi gay gắt và chia tay nhiều lần. Khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Barnard ở New York, bà bắt đầu viết truyện ngắn và gửi chúng cho các tạp chí. Là người thường xuyên viết nhật kí, Patricia đã để lại khoảng 8.000 ghi chú viết tay về cuộc sống hàng ngày của mình, và một trong số đó viết vào năm 1942: “Sự bệnh hoạn, tàn nhẫn, bất thường đều mê hoặc mình.” Bà dường như đã sớm tìm ra chủ đề lí tưởng cho văn nghiệp riêng.
Nhật kí của bà ở thời kì này là một “tàu lượn siêu tốc” của cảm xúc. Có lúc bà tự ngợi ca tài năng (“Tôi ngạo mạn mọi lúc mọi nơi - điều mà bản thân thực sự không muốn hoàn toàn”), nhưng cũng có khi tự trách vì đã không làm việc chăm chỉ. Bà liên tục vật lộn với cảm giác nôn nao sau khi nốc quá nhiều martini và kể chi tiết về những tình nhân của mình, chủ yếu là những phụ nữ (bà cũng có những người đàn ông vây quanh, nhưng như bà nói, “hôn họ giống như hôn cá bơn nướng”). Những mê đắm này hầu như chỉ tồn tại trong thời gian ngắn xen kẽ với những cơn tự ghê tởm bản thân, dường như được thúc đẩy bởi sự kì thị đồng tính trong nội tâm bà. Bà cố tình phá hoại các mối quan hệ (của mình và cả người khác) bằng cách sẽ không liên hệ thêm lần nào nữa khi họ trở nên thân thiết. Bạn của bà - Phyllis Nagy, nhà biên kịch sau này sẽ giành được giải Oscar nhờ chuyển thể Carol thành phim, đã mô tả bà là “một người đồng tính nữ không thích ở gần những người phụ nữ khác”.
Sau thời gian ngắn làm nghề viết quảng cáo cho một thương hiệu khử mùi và dài hơi hơn là một nhà văn truyện tranh (một đồng nghiệp từng sắp đặt một cuộc gặp cho bà với Stan Lee – “cha đẻ” của vũ trụ siêu anh hùng Marvel), bà đã tham gia một trại sáng tác dành cho các nhà văn ở ngoại ô New York theo đề nghị của Truman Capote. Tại đây bà đã sáng tác Người lạ trên tàu, cuốn sách cuối cùng được xuất bản vào năm 1950 với thành công về mặt thương mại cũng như phê bình. Một năm sau đó, Alfred Hitchcock đã chuyển thể nó thành phim, gây được tiếng vang tại Hollywood. Cũng tác phẩm này rồi sẽ đặt khuôn mẫu cho các cuốn tiểu thuyết kinh điển của Patricia. Ở đó có một cặp nhân vật bị cuốn vào nhau bởi nỗi ám ảnh và cảm giác tội lỗi, cùng một cốt truyện hồi hộp đến thắt ruột. Nhưng đối với tác phẩm tiếp theo, bà lại chuyển hướng sang một câu chuyện lãng mạn mà không ai ngờ.
Vào cuối những năm 1940, Patricia bắt đầu gặp gỡ bác sĩ trị liệu. Nhiều người phụ nữ bà từng qua lại giờ đang bắt đầu ổn định cuộc sống và kết hôn. Bà nghĩ mình đã đến lúc yên bề gia thất. Bạn của bà - Marc Brandel - một tiểu thuyết gia người Anh đã liên tục cầu hôn bà, và việc trị liệu nhắc đến ở trên là điều bà làm để “khiến bản thân có đủ tỉnh táo để kết hôn” như bà viết trong nhật kí. Bác sĩ trị liệu đề nghị bà tham gia một buổi họp nhóm với những người phụ nữ đã kết hôn, vốn là “những người đồng tính tiềm ẩn” (Bà cũng tinh nghịch viết trong nhật kí: “Có lẽ tôi sẽ tự giải trí bằng cách quyến rũ một vài người trong số họ”).
Từ ẩn ức đến tội ác
Vào một ngày tháng 12 nọ, một người phụ nữ tóc vàng quyến rũ mặc áo khoác lông bước vào quầy đồ chơi và mua một con búp bê cho con gái mình từ Patricia. Cảm thấy chấn động bởi cuộc gặp ấy, bà đã về nhà và phác thảo cốt truyện cho Tận đáy cảm xúc mà được biết đến nhiều hơn với cái tên Carol qua bộ phim chuyển thể của Todd Haynes, với sự tham gia của 2 minh tinh Cate Blanchett và Rooney Mara. Bà cũng ngừng đến gặp bác sĩ trị liệu ngay sau đó.
Các tác phẩm của Patricia Highsmith.
Trong cuốn tiểu thuyết, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở cửa hàng này là khởi đầu cho câu chuyện tình yêu giữa Therese - nhà thiết kế trẻ đầy tham vọng và Carol - một người đàn bà đã kết hôn. Patricia Highsmith đã xuất bản nó dưới một bút danh và chỉ tiết lộ mình là tác giả của nó vài năm trước khi qua đời. Đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất của bà không có hình thức bạo lực tàn bạo nào được mô tả. Như bà viết trong lời tựa: “Sự hấp dẫn của Tận đáy cảm xúc là nó có một kết thúc có hậu cho hai nhân vật chính, hoặc ít nhất là họ sẽ cố gắng để có một tương lai cùng nhau”.
Thế nhưng đằng sau Carol lại là một câu chuyện đen tối khác. Sau khi gặp người phụ nữ quyến rũ đó ở cửa hàng, Patricia đã ghi nhớ địa chỉ của cô ấy - rồi hơn một năm sau, bà đã phải mất hàng giờ đi đến con phố mà cô ấy sống ở New Jersey chỉ để ngắm nhìn. Bà viết trong nhật kí: “Hôm qua tôi đã gần như sắp giết người khi đến thăm nhà của người phụ nữ khiến tôi động lòng ngay khi nhìn thấy. Giết người là một loại làm tình, một loại chiếm hữu.” Trong nỗi ám ảnh nham hiểm này về một người lạ xinh đẹp, giàu có, chắc chắn có những sắc thái của Tom Ripley, người sẽ trở thành nhân vật xuyên suốt mà bà gắn bó nhất trong cuộc đời mình. Nhà văn Edmund White đã viết trên tờ The New York Times rằng “Patricia Highsmith là Tom Ripley đã được loại bỏ sức quyến rũ đàn ông”.
Patricia bị nhân vật của mình mê hoặc đến mức bà bắt đầu kí vào những bức thư dưới cái tên “Tom”. Bà từng nói rằng khi viết tiểu thuyết, “Ripley xuất hiện ngay cạnh bên bà, và điều bà làm chỉ là gõ nó”. Bà thừa nhận rằng khi viết Ripley tài năng, bà không chỉ muốn “thể hiện chiến thắng rõ ràng của cái ác trước cái thiện, mà còn “làm cho độc giả vui mừng với điều đó”. Bà chắc chắn đã thành công - và cuối cùng trở lại với nhân vật của mình trong 4 cuốn tiểu thuyết khác sau này.
Nhân vật Tom Ripley của Patricia Highsmith do nam diễn viên Andrew Scott thủ vai.
Ngoài series về nhân vật Ripley, bà cũng đi sâu vào những chủ đề đen tối là cái chết và nỗi ám ảnh tình dục. Trong Deep Water ra mắt vào năm 1957, một người chồng thất bại bị ám ảnh bởi vụ sát hại một trong những bạn trai của người vợ không chung thủy đã cố gắng nhận mình là hung thủ để xua đuổi những người hăm he lấy cô. Trong A Suspension of Murder được xuất bản vài năm sau đó, tội ác của các nhân vật ngày càng thực hơn, đi vào đời sống. Chẳng hạn như Tiếng cú kêu ra mắt vào năm 1962 là câu chuyện đầy hoang tưởng về một kẻ rình rập. Đến những năm 1970, giới phê bình nhất trí cho rằng tác phẩm của bà đã mất đi phần nào độ sắc nét ban đầu, nhưng vẫn còn đó những “viên ngọc quý”, chẳng hạn như Edith’s Diary ra mắt vào năm 1977 xoay quanh một bà nội trợ mất đi khả năng nắm bắt thực tế.
Khi chuyển từ Mĩ sang châu Âu, Patricia ngày càng nghiện rượu và có xu hướng căm ghét con người. Bà từng thừa nhận: “Tôi chọn sống một mình vì trí tưởng tượng của tôi hoạt động tốt hơn khi tôi không phải nói chuyện với ai”. Và cũng khi ấy sự lập dị của bà ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Patricia bị ám ảnh bởi những con ốc sên và nó cũng được truyền lại cho Vic Van Allen - nhân vật chính của Deep Water - người thường rút về gara để xem những con ốc “cưng” giao phối trong khi vợ mình thì ngủ với người khác. Bà sẽ mang chúng đến các bữa tiệc bằng một lá rau diếp gói trong túi xách, và từng lẻn đưa chúng qua cửa hải quan khi đi từ Anh đến Pháp bằng cách giấu chúng trong áo lót. Bạn bè nhớ lại bà cũng từng ăn thịt sống, cố tình đốt tóc ngay trên bàn ăn và ném một con chuột chết vào một vị khách qua cửa sổ đang mở...
Vào thời điểm bà qua đời vào năm 1995, Patricia là một người cô độc ẩn dật. Người cuối cùng nhìn thấy bà còn sống là nhân viên kế toán. Ba thập kỉ trôi qua, địa vị văn chương của bà chưa bao giờ mạnh mẽ hơn giờ đây, khi sách của bà được thừa nhận một cách đúng đắn là đỉnh cao của thể loại giật gân, có cốt truyện hoàn hảo trong khi đào sâu những chiều sâu âm u của tâm lí con người. Bà được ca ngợi bởi các tác giả cũng nổi tiếng không kém gồm Gillian Flynn và Paula Hawkins như một nguồn cảm hứng. Trong khi Richard Osman, người rất nổi tiếng ở mảng tiểu thuyết tội phạm hiện nay, cũng đã nói rất nhiều về tình yêu của ông đối với tác phẩm của bà.
Nhờ việc xuất bản nhật kí và nhiều cuốn tiểu sử khác nhau, chân dung của Patricia Highsmith chưa bao giờ sáng rõ như là hiện nay. Tuy vậy, có thể nói rằng, giống như những nhân vật xuất sắc nhất của mình, bà vẫn là một câu hỏi hóc búa không thể giải đáp, khi vừa tạo nên sự khủng khiếp nhưng cũng đồng thời khiến người ta say mê và không ngừng ghê tởm.
NGÔ MINH dịch từ The Independent
VNQD