Carrie của Stephen King đã làm cả thế giới kinh ngạc vào năm 1974. Tác phẩm đã tạo nên sự nghiệp cho “ông hoàng truyện trinh thám”, bán được hàng triệu bản, kiếm được hàng triệu USD, truyền cảm hứng cho 4 bộ phim và được bàn tán từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuốn sách đã, đang và sẽ tiếp tục là một hiện tượng.
Carrie là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của King. Ông bắt đầu nó với những suy nghĩ vốn được khởi phát từ một tờ tạp chí nam giới, trong đó một nhóm đàn ông xem ảnh của các hoạt náo viên và tưởng tượng họ không có mảnh vải nào. Khi càng viết tiếp, King nhận ra cuốn sách này không phải là một chủ đề được mọi người quan tâm, do đó ông đã vò nát vài trang bản thảo và ném chúng vào thùng rác.
2024 đánh dấu 50 năm ra mắt Carrie của Stephen King.
Nhưng vợ ông, Tabitha - một tâm hồn dũng cảm và rõ ràng là có tính tình tò mò - đã lôi chúng ra, làm chúng thẳng thóm, đọc và thuyết phục chồng tiếp tục câu chuyện. Bà muốn biết nó sẽ như thế nào cho đến tận cùng, và những mong muốn như vậy của một “độc giả quan trọng” có lẽ là động lực tốt nhất mà một nhà văn có thể có.
Vậy là King tiếp tục. Cuốn tiểu thuyết phát triển thành một cuốn sách có nhiều giọng kể xen lẫn với nhau. Tất nhiên, đầu tiên là bản thân Carrie – cô gái bị người mẹ sùng đạo cuồng tín, các bạn học trung học và toàn bộ thị trấn Chamberlain (Maine)… điều tiếng. Cô vụng về, khao khát, ngốc dại... cuối cùng sinh ra năng lực điều khiển từ xa đầy thù hận.
Chúng ta cũng được nghe những lời chứng từ người hàng xóm bên cạnh, người đã chứng kiến màn trình diễn bạo lực về những biểu hiện thần giao cách cảm của cô bé Carrie. Ngoài ra cũng còn rất nhiều bài báo khác nhau về sức mạnh bất thường của Carrie và sự tàn phá thị trấn do hỏa hoạn và lũ lụt, hay từ Susan Snell - người duy nhất trong số các bạn nữ cùng lớp của Carrie cố gắng chuộc lại những sai trái mà họ đã làm... Sau đó là giọng nói nội tâm của nhiều nhân vật khác, do Carrie tình cờ nghe được. Cô ngày càng cho thấy bản thân có khả năng ngoại cảm và có thể lắng nghe những suy nghĩ thầm lặng và cuộc sống nội tâm của người khác. Cùng nhau, nhiều giọng nói kể lại câu chuyện kinh hoàng với nhiều dị bản.
Nhà văn Stephen King.
Vậy thì điều gì ở Carrie khiến tôi tò mò? Đó là một trong những cuốn sách có khả năng đi sâu vào vô thức tập thể của thời đại và xã hội chúng ta. Trong dòng chảy văn chương, những nhân vật nữ với sức mạnh gần như siêu nhiên dường như xuất hiện trong văn học vào những thời điểm mà cuộc đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ lên hàng đầu. Có thể kể đến She của H. Rider Haggard xuất hiện vào cuối thế kỉ 19, khi áp lực đòi bình đẳng hơn đang ngày càng gia tăng. Trong cuốn sách này, nhân vật nữ chính có năng lực giết người chỉ bằng một ngón tay và một ý nghĩ, từ đó phóng ra những tia lửa điện. Một thế kỉ sau, Naomi Alderman, tác giả cuốn tiểu thuyết The Power trùng hợp xuất hiện với sự nổi lên của phong trào #MeToo, đã sáng tạo hơn, mang đến cho hầu hết các cô gái trẻ khả năng giết người bằng cách bắn ra các tia năng lượng, giống như lươn điện.
Carrie được viết vào đầu những năm 1970, khi làn sóng thứ 2 của phong trào nữ quyền lên đến đỉnh điểm. Có một số điểm tôi hoàn toàn đồng tình với hình thức nữ quyền mới trong cuốn tiểu thuyết, và bản thân King cũng từng nói rằng ông khá lo lắng trước những tác động mà nó có thể tạo ra đối với nam giới cùng thế hệ mình. Nhân vật phản diện nam giới trong cuốn sách này - Billy Nolan - là sự quay trở lại với hình tượng đàn ông chải tóc vênh váo, thích khoe cơ bắp của những năm 1950, vốn được coi là đã lỗi thời nhưng vẫn nguy hiểm.
Ngoài yếu tố nữ quyền, King cũng cài cắm một phần nào đó vấn đề giai cấp, khi Carrie cũng được kể lại dựa trên giọng kể hai cô gái cùng lớp, mà đặc điểm chung là nghèo nàn, áo quần rách rưới và cùng bị người khác chế nhạo, coi thường, bắt nạt. Mọi người trong thị trấn đều là những kẻ yếu thế trong cơ cấu giai cấp được “điều chỉnh cẩn thận” của nước Mĩ, khi không dành cho họ những trường tư thục và giáo dục đại học ưa thích, trừ khi họ thực sự, thực sự may mắn.
King là một nhà văn có nội tâm và là bậc thầy về việc miêu tả chi tiết. Như Marianne Moore đã nói, lí tưởng văn học là “những khu vườn tưởng tượng có những con cóc thật trong đó,” và thật lòng mà nói, có rất nhiều con cóc trong tác phẩm của King! Ông viết tiểu thuyết “kinh dị”, thể loại hư cấu nhất, đặc biệt là khi nói đến siêu nhiên, vốn chắc chắn phải được lấy cảm hứng từ những câu chuyện và sách có sẵn. Tất cả trò bịp gần như khoa học về khả năng điều khiển từ xa chỉ là một sự che đậy, từ đó nói lên những điều cốt tủy hơn.
Nhưng bên dưới “nỗi kinh hoàng” trong các tác phẩm của King, luôn là những hiện thực khốc liệt thật sự: tình trạng nghèo đói, bị bỏ rơi, nạn đói và bị lạm dụng. Carrie trong tác phẩm này đã từng nói rằng: “Tôi đến trường với những đứa trẻ đeo cùng một chiếc khăn quấn cổ trong nhiều tháng liền, những đứa trẻ có làn da mưng mủ, lở loét và phát ban, những đứa trẻ có khuôn mặt búp bê khô quắt kì lạ do bỏng không được điều trị, những đứa trẻ được gửi đến trường mà không có gì trong hộp cơm tối hay bình giữ nhiệt”.
King nói trong Bàn về việc viết rằng nỗi kinh hoàng tột cùng, đối với ông, cũng như với Dickens, là sự tàn ác của con người, và đặc biệt là sự tàn ác đối với trẻ em. Chính điều này đã bóp méo “lòng bác ái”, mặt tốt hơn trong bản chất của chúng ta và cũng đồng thời là mặt thúc giục chúng ta quan tâm đến người khác. Vì vậy Carrie tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng đã thể hiện một cách rõ ràng nhất những ngầm ý của King về xã hội Mĩ những năm 50, 60, 70 nhiều đối kháng và tội ác. 50 năm sau, nó vẫn còn đúng trong những ngày này.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The New York Times
---------------------------
1. Margaret Atwood là nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động môi trường, nhà phát minh người Canada. Bà đã viết hơn 60 cuốn sách ở nhiều thể loại và đề tài. Trong sự nghiệp, bà đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như Man Booker, Arthur C. Clarke, Franz Kafka, Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Văn bút Hoa Kì... Tại Việt Nam, 2 tác phẩm Chuyện người tùy nữ và Tay sát thủ mù của bà đã được ra mắt và giới thiệu.
VNQD