Các tiểu thuyết gia gồm Lorrie Moore, Judy Blume… đã giành chiến thắng quan trọng ở giải National Book Critics Circle Awards do hơn 700 nhà phê bình sách bình chọn.
Tuần qua, giải National Book Critics Circle Awards đã công bố người chiến thắng cho các hạng mục tại một buổi lễ tổ chức tại New School, New York. Đây là một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất ở Mĩ, khi khác với những giải khác, người chiến thắng được lựa chọn bởi các nhà phê bình sách thay vì ủy ban gồm các tác giả hoặc học giả.
Tổ chức của các nhà phê bình sách theo đó được thành lập vào năm 1974, bao gồm hơn 700 nhà phê bình và biên tập viên. Nó trao thường niên cho các tác giả viết bằng tiếng Anh tại Mĩ. Các hạng mục của nó gồm hư cấu, tiểu sử, phê bình, tự truyện và thơ ca. Ngoài ra giải thưởng cũng vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp lớn cho nền văn học.
Các tác giả được vinh danh năm nay.
Năm nay, tiểu thuyết gia Lorrie Moore đã giành chiến thắng cho hạng mục hư cấu với cuốn tiểu thuyết I Am Homeless If This Is Not My Home (tạm dịch: Tôi vô gia cư nếu đây không phải là nhà của tôi). Cuốn sách có nhân vật chính là một giáo viên trung học, người đến thăm người anh trai đang hấp hối ở Bronx và gặp phải những sắp đặt bất ngờ của số phận. Các nhà phê bình mô tả đây là cuốn sách táo bạo, trầm tư, kịch tính, với lối viết hài hước và đầy trí tuệ.
David Varno - thành viên ban giám khảo, ca ngợi cuốn tiểu thuyết là “một câu chuyện đau lòng và vui nhộn” và “một thành tựu khó quên của một tác giả người Mĩ mang tính bước ngoặt”.
Năm nay, Becca Rothfeld, nhà phê bình sách phi hư cấu của tờ The Washington Post và là tác giả của tuyển tập tiểu luận đầu tay sắp ra mắt All Things Are Too Small (Tất cả đều quá nhỏ), đã nhận được giải Nona Balakian cho hạng mục Phê bình xuất sắc. Giải thưởng này được đặt theo tên của một cựu biên tập viên của New York Times Book Review.
Giải thưởng thành tựu trọn đời Ivan Sandrof năm nay được trao cho Judy Blume, tiểu thuyết gia được yêu mến nhờ những tác phẩm kinh điển như Chúa có ở đó không? Con là Margaret hay Những câu chuyện về một đứa trẻ lớp bốn gần như vô hình. Năm ngoái bà được bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất do Tạp chí TIMES bình chọn. Chia sẻ về chiến thắng này, Blume cũng đồng thời ca ngợi các thủ thư vì công việc thầm lặng nhưng ý nghĩa của mình. Bà cũng cám ơn bố mẹ vì đã cho mình sự tự do tiếp xúc với văn chương.
Hiệp hội thủ thư Hoa Kì - ALA - những người phải chịu áp lực từ phụ huynh và các nhà lập pháp khi lệnh cấm sách gia tăng trên khắp đất nước trong nhiều năm qua, cũng được vinh danh với Giải thưởng Thành tựu Toni Morrison. Chủ tịch giải thưởng, Jacob M. Appel, cho biết: “Vào thời điểm mà các thư viện đang bị tấn công không ngừng từ các lực lượng chính trị và kinh tế trên khắp đất nước, thì ALA vượt lên trên bối cảnh văn học như một ngọn hải đăng cho những tiếng nói dễ bị tổn thương nhất của chúng ta”.
Năm nay, cuốn hồi kí How to Say Babylon: A Memoir (Làm sao để nói về những người phụ nữ) của Safiya Sinclair nói về việc lớn lên trong một gia đình Rastafarian 1 nghiêm khắc và nỗ lực thoát khỏi chế độ gia trưởng đã được vinh danh ở hạng mục tự truyện. Jane Ciabattari – thành viên ban giám khảo, gọi đây là “lí do mà các nhà thơ nên viết văn xuôi”. Trên sâu khấu, Sinclair chia sẻ chiến thắng lần này dành cho “tất cả những người phụ nữ ở giai đoạn trước, những người đã sống vô danh có đời thầm lặng”.
Ở hạng mục tiểu sử, Jonny Steinberg giành chiến thắng với Winnie & Nelson: A Portrait of a Marriage (Winnie & Nelson: Chân dung một cuộc hôn nhân), ghi lại cuộc hôn nhân của nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela và vợ Winnie Madikizela-Mandela. Nó tập trung vào hơn một thập kỉ xa cách, khi Mandela bị giam cầm trên đảo Robben còn Madikizela-Mandela trở thành nhân vật chính trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Với sách phi hư cấu, We Were Once a Family: A Story of Love, Death, and Child Removal in America (Chúng ta từng là một gia đình: Câu chuyện về tình yêu, cái chết và việc xóa bỏ trẻ em ở Mĩ) của Roxanna Asgarian đã được gọi tên. Trong tác phẩm này, Asgarian đã điều tra một thảm kịch kinh hoàng xảy ra vào năm 2018, khi một chiếc SUV lao xuống vách đá dọc theo đường cao tốc ven biển, giết chết một gia đình 8 người. Tác phẩm đã kể lại những chi tiết kinh hoàng mà các nhà điều tra kết luận là một vụ giết người, đồng thời tiết lộ những sai sót mang tính hệ thống trong hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng có thể đã góp phần dẫn đến cái chết của những đứa trẻ.
Ở hạng mục thơ, tác giả Hàn Quốc Kim Hyesoon và dịch giả Don Mee Choi giành chiến thắng với Phantom Pain Wings (Đôi cánh đau đớn ma quái). Đây là tập thơ được đánh giá là ám ảnh, kì lạ và kinh dị.
Các tác giả, dịch giả cũng được ca ngợi.
Giải thưởng dịch thuật Gregg Barrios năm nay thuộc về Cold Nights of Childhood (tạm dịch: Những đêm lạnh giá của tuổi thơ) từ cố nhà văn Thổ Nhĩ Kì Tezer Özlü và dịch giả Maureen Freely. Được xuất bản lần đầu vào năm 1980 và được Transit Books phát hành bằng tiếng Anh tại Hoa Kì năm ngoái, cuốn sách kể về một người phụ nữ người đang chiến đấu với bệnh tâm thần và khám phá khả năng tình dục của mình.
Dịch giả Maureen Freely chia sẻ: “Trên hết, tôi muốn cảm ơn nhà văn Tezer Özlü vì đã để lại cho chúng ta cuốn sách này”. Cô cũng nói thêm “Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1980, nó đã truyền cảm hứng cho hai thế hệ phụ nữ Thổ Nhĩ Kì bước ra khỏi khuôn khổ bó buộc của giới tính để sống theo ánh sáng của riêng mình, trân trọng vẻ đẹp ở nơi họ tìm thấy nó. Tôi hi vọng bản dịch này sẽ truyền cảm hứng nhiều cho độc giả nói tiếng Anh”.
Giải thưởng John Leonard năm nay gọi tên cuốn hồi kí Waiting to Be Arrested at Night: A Uyghur Poet’s Memoir of China’s Genocide (Nỗi ám ảnh vào ban đêm: Hồi kí của một nhà thơ Duy Ngô Nhĩ về nạn diệt chủng ở Trung Quốc) của tác giả Tahir Hamut Izgil và do Joshua L. Freeman chuyển ngữ. Cuốn xoay quanh những sự đàn áp của một nhà thơ thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về sự đàn áp, phân biệt mà mình phải chịu. Nó được đánh giá là một tác phẩm “kinh dị cổ điển khi trạng thái bình thường biến thành một cơn ác mộng”.
Hạng mục phê bình dành cho Deadpan: The Aesthetics of Black Inexpression (Gỉa vờ: Vẻ đẹp của sự thiếu biểu cảm của người da đen) từ nhà phê bình Tina Post. Bà là trợ lí giáo sư tiếng Anh tại Đại học Chicago, và tác phẩm này khám phá một trong những “công cụ quan trọng” trong nền văn hóa của người da màu.
LINH TRANG dịch từ The Independent
------------------
1. Rastafari là một tôn giáo thuộc dòng Abraham của Tây Á được phát triển ở Jamaica trong những năm 30 của thập kỷ trước. Cũng như các tôn giáo khác, Rastafari có đấng tối cao của họ, Chúa Jah.
VNQD