Một đời buồn - vui của Carson McCullers

Thứ Bảy, 09/03/2024 11:02

4/6/1940 là ngày xuất bản cuốn Trái tim là thợ săn cô đơn. Carson McCullers lúc ấy 23 tuổi đang ở một mình trong căn nhà trọ rẻ tiền ở khu West Side của New York. Người chồng chung sống 3 năm của cô thì ở nơi khác, trên một chiếc thuyền với bạn bè mình. Đây là thời điểm mà sự “đảo phách” rồi sẽ xảy ra trong cuộc hôn nhân của 2 người họ, vì cuốn sách đầu tay mất hơn 2 năm để viết cuối cùng cũng được ra mắt.

Cuốn sách thay đổi tất cả

Carson lúc ấy hầu như không quen biết ai ở New York này, ngoại trừ một người phụ nữ lớn tuổi từng giúp đỡ cô tìm căn phòng trọ. Cô gần như không còn một xu dính túi, nhưng phải dành dụm để mua bộ quần áo mới để đến cuộc họp với biên tập viên vào tuần tới. Vì vậy ngày 4/6 là một khoảng dừng. Ngược chiều thời gian chính là những năm Carson lớn lên ở Columbus, Georgia, rồi đến thời điểm mà cô cho rằng cuộc sống thú vị, xa hoa ở New York sẽ giúp bản thân gặp mặt, hòa vào đời sống của giới văn nghệ sĩ ngay tại nơi đây.

Tác giả Carson McCullers.

Cuốn tiểu thuyết ấy đã nhận được nhiều phản ứng tương đối tích cực khi NXB gửi đi các bản đọc thử. Nhân viên bán hàng cũng rất nhiệt tình để trưng bày nó, trong khi kế hoạch quảng bá đến nhiều thành phố cũng được lên lịch. Mọi người trong NXB thì thầm to nhỏ rằng biên tập viên của Carson, Robert Linscott, hầu như luôn chọn được người chiến thắng 1.

Nhưng cuốn sách này là một ngoại lệ. Nó không phù hợp với bất kì thể loại hư cấu chính thống nào được chấp nhận và mong đợi ở thời điểm đó. Nó không phải là câu chuyện tình yêu hay tuổi trưởng thành, nó cũng không có nhân vật mà người đọc có thể lẫy ra vài nét giống mình, có kết thúc có hậu hay là mạch truyện được viết chặt chẽ. Thay vào đó, nó kể về một nhóm những kẻ kì quặc và lạc loài - những cư dân của một thành phố nhỏ phía Nam - những người từng đặt hi vọng và nỗi sợ hãi vào chính những người trông giống như mình.

Điều gây ấn tượng với hầu hết mọi người là nữ tác giả đã viết ra nó khi còn quá trẻ. Độc giả vô cùng ngạc nhiên khi biết cuốn sách họ cầm trên tay là tác phẩm của một người trẻ, và mặc dù có cái tên không rõ ràng về giới tính, nhưng lại là một phụ nữ. Một nhà phê bình cho rằng thật khó tin rằng Carson biết nhiều đến vậy về “trái tim cô đơn” của những người khác. Cô ấy có vẻ đặc biệt, độc đáo và hóa ra cũng kì quặc như một số nhân vật của mình. Nhưng để tìm lời giải thích cho điều gì đó mới mẻ, các nhà phê bình chuyển sang so sánh, và Carson nhanh chóng được đặt lên trên bàn cân với Hemingway, Faulkner, Sherwood Anderson, Dostoyevsky và Gertrude Stein. Mặc dù một số so sánh cũng có giá trị nhưng chúng không nắm bắt được những điều độc đáo về chính tác phẩm và bản thân của cô.

Tuy vậy đứng trước bất cứ điều hoài nghi nào, hay như điều mà Clifton Fadiman trên tờ The New Yorker gọi là “điểm nhấn độc đáo trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà các nhà phê bình đang tìm kiếm”, thì giới chuyên gia đã nhiệt tình chào đón Trái tim là thợ săn cô đơn. “Người ta không thể không nhận xét,” Ray Redman viết trong Tạp chí Văn học Thứ Bảy, “rằng đây là một cuốn tiểu thuyết phi thường được viết bởi một thanh thiếu niên.” Trong khi đó nhà phê bình của tờ New York Times cho biết: “Tiêu chuẩn cô ấy đặt ra quá cao, và nhiều khả năng sẽ không thể đạt được nó thêm lần nào nữa.” Nhà thơ May Sarton cũng than thở rằng phải “một hoặc hai năm nữa” mới có một cuốn sách khác của “người phụ nữ trẻ phi thường này”. Nhưng Fadiman cho biết anh sẽ “đặt cược vào tương lai của cô ấy”.

Một cá tính đặc biệt

Carson trông giống như một cậu chàng hơi cao và gầy, và với cái mà Ray Bradbury gọi là “mềm mại”, cô đã tạo nên rất nhiều nhân vật độc đáo ở Manhattan. Với đôi chân trẻ con, đôi khi cô mặc quần short tennis và áo nỉ giản dị, bất chấp lệ thường của thành phố này. (Chồng cô thường nói rằng cô có thể trở thành một vận động viên chạy nước rút đoạt giải.) Mặt khác, khi có đủ tiền, cô thích diện sơ mi nam màu trắng tinh tươm với quần tây hoặc vest, và hầu như luôn đi giày oxford 2, đôi khi là giày brogan 3 hoặc bốt cao đến đầu gối với tất màu trắng.

Mái tóc nâu của cô dài thẳng đến vai, cắt thành từng lọn ở ngang giữa trán. Điều này cùng cái bĩu môi có vẻ trẻ con (khi cô không cười) khiến cô trông như đứa trẻ “bơi” trong bộ đồ người lớn. Lần đầu tiên Truman Capote gặp Carson, ông viết rằng cô “là một cô gái cao ráo, mảnh khảnh, hơi khom lưng và có khuôn mặt quyến rũ, vừa vui vừa u sầu.” Cô có đôi mắt to, trong, màu nâu sâu và nói giọng miền Nam đặc sệt. Capote cũng nhấn mạnh thêm đôi mắt cô sáng với “giọng nói đều đều, cùng hơi thở nồng ấm, giống như một buổi chiều mùa hè chậm rãi êm đềm nhưng không buồn ngủ”. Tuy nhiên sẽ thật khôn ngoan khi lắng nghe cô, vì Carson có tính cách sôi nổi, hóm hỉnh và không câu nệ. Vài năm sau cô cũng tự nói về bản thân mình: “Tôi đã trở thành một nhân vật văn học nổi tiếng chỉ sau một đêm, và tôi còn quá trẻ để hiểu chuyện gì đã xảy ra hoặc trách nhiệm nào mà nó kéo theo. Tôi đã sợ hãi một chút.”

Tiểu thuyết Trái tim là thợ săn cô đơn.

Cuộc hôn nhân sớm của Carson không được thông báo một cách rộng rãi. Cô kết hôn năm 19 tuổi với một anh chàng quyến rũ đẹp trai sinh ra ở Alabama, người là nhân viên tín dụng ở một loạt thành phố nhỏ miền Nam. Giống như Carson, Reeves McCullers - cô thích họ này hơn họ Smith của mình - đã quyết tâm rời khỏi miền Nam vì anh cũng rất thông minh và đầy tham vọng. Cả hai đều biết New York là một nơi tốt cho những cá nhân có quan điểm khác biệt, những người không hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực thông thường: rằng ở đó họ có thể tìm thấy, nếu không phải là một ngôi nhà, thì là những tâm hồn đồng điệu mà khi ở bên họ sẽ bớt cô đơn hơn.

Nhưng cuộc hôn nhân của họ trở nên căng thẳng vào thời điểm Trái tim là thợ săn cô đơn xuất hiện. Theo đó trong vòng một tháng sau khi đến đây, Carson đã yêu điên cuồng một nhà văn Thụy Sĩ xinh đẹp và tài năng cũng đang đến New York để thăm bạn bè. “Cô ấy có một khuôn mặt,” Carson nói, “mà tôi biết mình sẽ bị ám ảnh cho đến cuối đời.” Người ấy chính là Annemarie Schwarzenbach. Nhưng cô rồi sẽ qua đời một cách bi thảm 2 năm sau đó trong một tai nạn xe đạp trên dãy núi Alps. Cô ấy chỉ đáp lại niềm đam mê của Carson trong thời gian ngắn. Nhưng tình yêu của Carson dành cho Annemarie đã tạo nên một khuôn mẫu sẽ tiếp tục gần như đến cuối đời mình, đó là yêu thương những người phụ nữ lớn tuổi hơn, trần tục hơn, những người đôi khi đáp lại tình cảm của cô nhưng lại hiếm khi muốn có quan hệ thể xác, bất chấp sự theo đuổi cuồng nhiệt của nữ tác giả.

Reeves trong vòng một năm bắt đầu ngoại tình với một người đàn ông khác, một nhà soạn nhạc, người ban đầu yêu cả anh và Carson. Điều đó khiến cho tam giác tình yêu mang lại nỗi đau cho cả ba người. Tuy vậy tình yêu của Reeves dành cho Carson thì chưa bao giờ dễ bị nghi ngờ. Nhưng anh dần hiểu tình yêu của mình dành cho những người đàn ông khác sẽ không mất đi, cùng chứng nghiện rượu cũng như nỗ lực tìm kiếm nghề nghiệp trong sự tuyệt vọng.

Ngược lại, Carson hoàn toàn thoải mái với bản dạng mới là một phụ nữ lưỡng tính - mặc dù phần lớn là đồng tính nữ. Cô thoải mái và cởi mở về những mong muốn của mình dù cho nước Mĩ những năm 40, 50 vẫn chưa “mở cửa” một cách hoàn toàn. Sự linh hoạt về giới tính là sợi chỉ xuyên suốt các tác phẩm chính và là nền tảng tạo nên những sự kì lạ, đánh dấu cho sự khác biệt cho dàn nhân vật đáng chú ý trong tiểu thuyết và truyện ngắn của cô.

Ngay sau khi Trái tim là thợ săn cô đơn ra mắt, Carson đã chuyển đến sống trong một ngôi nhà bằng đá nâu ở Brooklyn tụ hợp rất nhiều “thiên tài” gồm những tên tuổi như WH Auden, Jane và Paul Bowles, Benjamin Britten, Peter Pears và Gypsy Rose Lee. Trong suốt quãng đời còn lại, hầu hết những người bạn này, những người ủng hộ và đôi khi cũng bảo vệ Carson đều là những người đồng tính nam.

Những thiên tài, những kẻ lập dị và đôi khi là những kẻ tâm thần tuyệt vọng trong tiểu thuyết của Carson rất phù hợp với thể loại văn học mà tiểu thuyết gia Ellen Glasgow đã gọi là “kiểu Gothic miền Nam”, tương tự hai tác giả lớn là Erskine Caldwell và William Faulkner. Nhưng giới tính phức tạp của các nhân vật luôn được đặt lên hàng đầu; họ cũng phản ánh những nỗ lực của Carson nhằm tìm hiểu nền chính trị phân biệt chủng tộc tàn khốc vào thời điểm đó. Và chúng được rút ra từ cuộc sống, đặc biệt là từ cuộc sống của cô.

Thế nhưng bệnh tật đã làm quỵ ngã vị tác giả này. Hai cơn đột quỵ ở tuổi 30 khiến cho Carson chỉ còn 20 năm nữa để sống trong những năm tháng ngày càng đau đớn. Trên hết, cô đã uống rượu quá mức, điều này khiến cuộc sống trở thành một cuộc đấu tranh cũng như sáng tạo gần như bất khả khi cô ngày càng phụ thuộc nhiều vào người khác, cũng như tự hủy hoại mình thông qua nghiện rượu. Tuy nhiên mặc cho bệnh tật và chứng nghiện rượu, Carson vẫn là nghệ sĩ kiên cường với tài năng phi thường, người luôn tiến lên như thể cô đang thực hiện sứ mệnh tìm hiểu ý nghĩa cho sự tồn tại của bản thân mình và thể hiện nó trong tác phẩm.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài viết của Mary V. Dearborn trên LitHub

------------------

 

1. Linscott đã làm việc cho NXB Houghton Mifflin ở Boston từ năm 1904 đến năm 1944. Ông là một trong những biên tập viên của các tác giả như Carson McCullers và Truman Capote, đồng thời là cộng sự thân cận của William Faulkner.

2. Giày Oxford là giày thường được làm từ da, kiểu dáng classic có phần dây buộc kín được giấu trong phần trên của giày.

3. Một loại giày cao đến mắt cá chân, được sản xuất và mang ở Ireland và Scotland ngay từ thế kỷ 16 cho mục đích quân sự.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)