Cô gái mù bán táo đỏ

Thứ Bảy, 24/02/2024 06:07

Yến Ca Linh sinh năm 1958, lớn lên trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải, Trung Quốc. Bà xuất bản tập thơ Đối thoại giữa thước đo và quân bài năm 1978, gia nhập Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc năm 1986, sang Mĩ du học năm 1989, năm 1990 nhận bằng thạc sĩ về viết văn tại Trường Cao đẳng Columbia, Chicago.

Các tác phẩm chính của Yến Ca Linh bao gồm các tiểu thuyết dài tập như Green Blood, Whispers of a Female Soldier, A Woman’s Epic; các tập truyện ngắn Bà chủ nhà, Người hư... Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của Yến Ca Linh như Phù Tang, Tắm tiên... đã giành được nhiều giải thưởng từ Hiệp hội phê bình phim Hoa Kì và Giải Kim Mã.

************

Xe từ từ bò lên núi, cua thêm ba bốn đoạn ngoằn ngoèo, sương mù đặc quánh như sữa. Lên tới đỉnh trời quang đãng hẳn, cậu tài xế của chúng tôi quanh năm chạy cung đường Tứ Xuyên - Tây Tạng đỗ xịch lại, quay đầu ngoái lại phía sau than vãn ngày nào trời cũng mù mịt như thế này. Mấy cô nữ quân binh chạy ào xuống, trẹo cả chân. Suốt dọc đường tịnh không thấy có cái nhà vệ sinh nào, chắc pháo đạn cháy hết cả rồi. Thấy có một lối mòn, chạy tạt vào, bốn năm chị cởi chiếc áo khoác lông, quay lưng dàn hàng hai tay giơ chiếc áo khoác lên quây lại, lần lượt từng chị thay phiên nhau chui vào giữa chỗ trống giải tỏa nhịn nén. Cứ nghĩ tới chiếc váy truyền thống của các cô gái Tây Tạng, nửa cúi, nửa xổm, cái tư thế giải quyết nín nhịn ấy thật đẹp thật điệu.

Chúng tôi quay về chỗ xe đậu, mấy chú lính trẻ sốt ruột cau có: Chạy xa thế để tìm bồn cầu giật xả à?

Chiếc xe lại nổ máy xịch xịch, xe chạy tới một khúc cua bắt gặp một cô gái vẫy vẫy: “Cho quá giang với”. Thường thì nhiều cô gái Tạng không biết tiếng phổ thông, nhưng câu này thì nói rõ lắm. Cô gái không nhìn thẳng vào chúng tôi mà cứ đung đưa sang phải sang trái nom rất nhí nhảnh điệu đà. Cả xe muốn dừng lại, cuối cùng thì cũng có một chú can đảm thốt lên: “Cô gái Tạng này xinh thế!”

Dọc hai bên đường, thường thấy cảnh những cô gái đang tuốt lúa mì, hay nấu vắt bơ sữa bò trước hiên nhà, nóng rực người lên thì cởi tuốt hết áo ra, hai cái miếng “bánh dày” trên ngực méo mó không ra hình thù gì chuyển động giống như đòi trợ giúp. Thấy nhiều nhìn nhiều đến mức quên mất họ là phụ nữ. Nhưng cô gái này thì không giống. Cô mặc chiếc váy màu xanh đen, nếu không cũ bẩn thì sẽ ra là màu xanh chàm. Đôi bờ vai cô gái rất gầy, cái cổ, cái cằm cũng thon thon nhọn nhọn. Chờ có người tới gần, cô gái ngước lên, huơ huơ đôi tay về phía trước. Có ai đoán ra thốt lên: “Cô ấy bị mù”.

Chúng tôi đỡ cô gái lên xe. Cô ấy và chiếc gùi đựng táo đỏ được xếp ngồi vào một góc. Cô gái nhìn quanh trong xe, rồi lại nhìn ra phía ngoài. Cả xe chúng tôi được cô gái ngắm nhìn như đang xem phong cảnh. Nom như cô gái hai sáu hai bảy tuổi. Nhưng chúng tôi biết thực ra chỉ khoảng mười sáu mười bảy tuổi vì phụ nữ Tạng thường nhìn già hơn chục tuổi.

Đến đồn quân sự Á Giang, cô gái xuống xe.

Đồn Á Giang có hai suối nước nóng lớn, nghe nói được tắm ở đây, mọi người đều ồ lên. Vào đến Tây Tạng bẩn đến mức ai cũng cảm thấy nặng bình bịch. Có câu chuyện một vài chiến sĩ kể, rằng họ đóng quân ở Tây Tạng vài năm mà bẩn đến mức nếu một hạt lúa mạch rơi vào rốn của họ thì chắc chắn nó sẽ nảy mầm. Suối nước nóng được đơn vị quây rào lại, họ đào thành hai cái bể to rồi trát xi măng. Chỉ có cấp trên kiểu như Tư lệnh quân khu vào Tạng thì anh em chiến sĩ tiếp đãi tắm nước khoáng nóng. Đoàn văn công cũng được ưu ái tiếp đón nồng hậu.

Vào phòng tắm, chúng tôi thấy cái lưng trần của một người đàn ông trong bể, trông có vẻ to, cái cằm xệ xuống chạm tận ngực. Thấy cả đoàn binh nữ bước vào, gã luống cuống vớ lấy cái quần chùi người vội vàng, hai ống quần tuột thõng rơi xuống, lơ lửng trong bể nước. “Đồng chí” này được phân công đến để lọc váng trong bể. Váng rêu nổi hết lớp này chồng lên lớp khác, sắc màu lúc nổi lúc lặn như men ngọc gốm Đường Tam.

Chúng tôi hỏi bà con Tạng đi hái cái cây ở cái gò kia về làm gì. Anh ta thoáng giật mình, thoạt nhìn quanh rồi mới tin chắc chúng tôi đang hỏi anh ta.

“Để tắm... Lễ hội tắm”. Anh ta nói giọng Cam Túc, mặt thâm xanh lại. Chứ người Tạng thì đen, nhưng tóc lại tím. Chân răng của anh ta ố vàng nước chè, nhưng vết ố trên mặt răng thì xỉn đỏ. Anh vớ cái áo rách tã vắt bên thành bể khoác lên người, tàn tạ trông không nhận ra là áo quân phục nữa, anh thau bể cho chúng tôi. Tắm xong cái thì cũng chính ngọ, nhiệt độ ngoài trời mới đang 100C. Nghe loáng thoáng có tiếng ai đó xuỵt xoạt: “lạnh muốn chết!...” Ngó ra phía sau nhà tắm, hơi nước nóng bốc lên, rồi lại một đống thân xác cả nam và nữ đen đen tím tím. Nước từ trong nhà tắm chảy rỉ xuống một cái hố đất đào tạm. Nước đen kít, ghét bẩn chúng tôi tắm cả buổi sáng nổi lên, tựa như lớp váng mỏng trên mặt chậu sữa thiu. Bể bơi đặc kín người, cả nam cả nữ. Trước kia khi chưa bị đồn trạm rào lại thì cái suối nước nóng này là của họ. Hồi đó, họ tắm giặt thoải mái, và cũng không phải dùng nước thừa của người khác.

“Ơ, thế vẫn chưa đi à!” Bỗng có ai phát hiện ra.

Chúng tôi đang vừa sợ vừa mừng định chạy thì thấy cô gái mù xinh đẹp đứng đằng xa. Cô cởi một mé tay áo choàng, chiếc áo ngực cuốn rất tuyệt, không để hở lộ cái gì, nhưng lại khiến cho mọi người đều thấy được mọi thứ rất đẹp. Một bên vai nhô ra khỏi cánh tay áo nhìn mỏng mảnh cực kì. Xem ra như cô gái đang hướng về phía bể tắm. Chiếc tạp dề trải xuống đất, những quả táo đỏ xếp đầy lên trên. Cô nhặt một quả, liếm liếm rồi lau vào vạt áo. Những quả táo đỏ óng lên.

Tối đến, sân khấu dựng lên, các đồng chí văn công nam nữ tha hồ được dịp cười trộm với nhau, nhìn trộm nhau một cái. Ở đồn trạm có kỉ luật, cấm mấy ngày trong tuần lễ hội tắm không ai được phép xuống suối nước nóng. Mà ở hiện trường, ai nhìn ai người đó chịu trách nhiệm. Dân bản Tạng tha hồ nô đùa, nhưng nếu có bộ đội đứng cạnh thì họ lại im không nô nữa. Quân với dân ở đây thường khó hòa đồng được với nhau.

Minh họa: Công Quốc Hà

Trước khi trang điểm văn công phải rửa mặt, thế là gã thanh niên Cam Túc gánh năm sáu gánh nước nóng đổ vào. Anh ta ngồi xổm xuống, vân vê một điếu thuốc. Một chú lính đi tới đá huých vào mông anh ta, kệ, không một chút phản xạ. Thêm mấy chiến sĩ nữa đi tới, kéo sụp cái vành mũ quân đội cũ che kín nửa mặt anh ta, kệ, anh ta vẫn đang hút dở dang điếu thuốc. Sau tiếp, một đồng chí trung đội trưởng trực ban đi tới, đeo băng đỏ ở cánh tay, chỉ tay về phía anh ta hất hất như đuổi con vật nuôi. Anh ta đứng phắt dậy, khòng khòng cái lưng, hai bàn tay to lõng thõng của hai cánh tay dài tong tẩy hai bên.

“Các cô đứng đây xem cái gì thế?” Tay đội trưởng nheo nheo mắt nhìn ra vẻ nói với đám mấy cô văn công đang thoa phấn lên mặt. “Trước kia các cô nhìn vẫn chưa đủ à?!” Không ai hiểu được ý ổng. “Không nhanh mà đi gánh nước đi!”

Anh ta ậm ừ, vẻ mặt tỉnh bơ. Tất cả chúng tôi đều nói đủ nước rồi. Tay trung đội trưởng cười cười với chúng tôi: “Thương hắn làm gì. Bắt hắn đi đi!”

Anh ta đặt đòn gánh lên vai gồ lên như bướu con lạc đà và lật khật bước đi. Tay trung đội trưởng nhìn phía sau lưng anh ta thở dài, hừ một tiếng: “Mệt với ông lắm!”

“Tại sao lại có lính già thế nhỉ?” một người hỏi. “Ai là lính cơ? Ông này là lính á?...” Trung đội trưởng chỉ ra phía anh ta đằng xa. Và chúng tôi được nghe câu chuyện của anh ta trực tiếp từ trung đội trưởng kể.

Anh này vốn là lính trấn áp dân Tạng. Hồi đó, hai suối nước nóng này mở cửa, vào mùa lễ hội tắm, các chàng trai cô gái Tây Tạng tụ tập về đây để chơi lễ hội té nước. Một hôm, gã thanh niên Cam Túc đứng trân trân nhìn như thôi miên, bị dân bản Tạng túm lấy dọa đánh chết. Đồn trạm bênh được lôi anh ta về. Mùa đông năm đó giải quyết cho anh ta phục viên về Cam Túc. Năm sau, anh lại quay lại bộ dạng như một bộ xương. Nhiều người ở quê anh đã chết đói, và anh là người duy nhất còn sống trong một gia đình chết hết. Đơn vị cũng không đuổi anh đi nữa, mà anh cũng không muốn rời đi. Anh ta lượm quần áo cũ rách của người ta để mặc, vét cặn thừa trong từng cái nồi ở bếp để ăn và làm những việc mà không ai làm.

Hôm sau chúng tôi vào dạo quanh trung tâm huyện hiếm hoi ở Nhã Giang, và lại bắt gặp cô gái mù với “thanh niên” Cam Túc. “Thanh niên” Cam Túc gùi cái sọt, đựng đầy những quả táo màu đỏ. Cô gái mù đi tay không túm chặt lưng áo quân phục phía sau rách tã của gã. Bước chân của gã dài, bước chân của cô gái mù ngắn hơn, đi thế nào cũng không đều bước. Cả hai chẳng nói câu nào, đối thoại của họ chỉ là những tiếng cười đáp lại nhau, cái tiếng cười ngốc nghếch hồn nhiên. Trên đầu cô gái mù phủ đầy hoa, dày đặc trông như chiếc vương miện của nhân vật Mục Quế Anh. “Thanh niên” Cam Túc cài một bông hoa trên ngực. Những bông hoa dại ở vùng cao nguyên này không có cành dài để bó, chỉ có thể kết thành từng chùm thôi.

Một hôm, sau đêm diễn, chúng tôi đã hẹn nhau đi tắm suối nóng. Sắp phải rời Nhã Giang nơi này rồi, đếm được số lần tắm tiếp theo là rất khó và tôi không biết lần tắm tiếp theo sẽ đi đâu. Đi đến suối nước nóng, chúng tôi phải khe khẽ như kẻ trộm, sợ các sếp mà biết thì sẽ cấm. Sếp của chúng tôi dạy không được kì thị người Tạng, nhưng họ cũng dặn chúng tôi rằng người Tạng sẽ bắt các cô nữ quân binh cho vào túi da bò và mang đến các khe núi để trông nuôi các nữ binh nhí nhi đồng.

Khu vực suối nước nóng là một lưu vực, chưa leo lên dốc thì không thể nhìn thấy. Đã sắp nửa đêm mà mặt trời vẫn chưa lặn, non nửa ngày trời lờ mờ ánh vàng ánh đỏ. Những đàn quạ ban ngày giờ đã biến mất đi đằng nào, đồng bào Tạng vui vẻ, ban ngày hung thần dữ tợn giờ cũng không biết đâu mất.

Có người trong đám chúng tôi thì thầm: “Trời đẹp y như nam đường Nhân Dân!” Mọi người cười nhạo và mắng: “Cứ cái gì nhìn đẹp thì lại ví là nam đường Nhân Dân, hẳn là hiểu về nam đường Nhân Dân ghê!” Cô ấy phản ứng: “Người huyện nhỏ xíu Tứ Xuyên như chúng tôi cũng có người này người kia đấy chứ. Tôi thì hiểu nam đường Nhân Dân, còn ai thì hiểu được “thanh niên” Cam Túc kì quặc kia?”

Có người liền chọc lại cô: “Vâng, anh bự đến phát ớn!”

Lính ở đồn trạm kể rằng, có lần chở cam đến, anh ta còn gặm cả vỏ, nhìn rõ khổ. Không ai bảo anh ta ăn cam phải bóc vỏ nên họ mặc cho anh ta gặm. Sau đó mọi người thi nhau dúi cam cho anh ta, nhưng anh ta lại nhường cả cho người khác”.

Chưa xuống hết dốc, chúng tôi đã không thể nhúc nhích được nữa rồi. May mà không có ai rên rỉ. Thường là trong những trường hợp thở không ra hơi như thế này thì kiểu gì cũng có người trong số chúng tôi sẽ rên rỉ. Trời đã sáng lên và có ấm hơn.

Cô gái mù đứng trong cái hố nước hứng sẵn từ suối nước nóng, hai tay chậm chậm xoa khắp người. Cô không biết rằng nước trong hố toàn bùn bẩn thế nào. Những bông hoa bị vứt bừa bãi vương vãi rất nhiều. Bụng dưới của cô gái mỏng, lép. Nước ngập đến bẹn. Cô khuỵu chân xuống, vốc nước vã lên người. Động tác đơn điệu lặp đi lặp lại này khiến người ta cảm thấy cô ấy không hề cử động, cô ấy hoàn toàn tĩnh và ngây dại. Giả sử chỉ có một mình cô ấy cấu thành nên bối cảnh này thì chẳng ai quan tâm. Nhưng tâm điểm đáng ngạc nhiên lại chính là anh ta. Anh ta vốn to con như thế, ngồi xổm cũng như quỳ. Vẫn cái cằm to bự chảy xệ xuống. Hơi một tí, cái thân hình cứng đơ tuyệt đối này lại khiến người ta cảm thấy chuyển động, chính cái chuyển động vô hình đó đã làm thay đổi cái tĩnh lặng trong con người anh ta.

Không ai trong số chúng tôi báo cáo việc này. Tất cả đều mang cái cảm giác uể oải lên giường. Gần sáng, trong quân đồn xôn xao. Nói có người đã bị bắt. Bắt anh ta.

Đoàn văn công tham gia hỗ trợ bắt anh ta. Người dân bản Tạng sớm đã canh chừng với “thanh niên” Cam Túc và cô gái mù, đêm hôm qua tất cả đã được đánh động trước. Tất nhiên anh ta chạy đến đồn trạm. Đơn vị không cho phép anh ta trốn trong đó vì sợ dân bản Tạng sẽ quần nát trạm. Anh ta bỏ chạy. Đồng bào Tạng được tháo khoán cho vào lục soát, cả đồn cũng chung tay tìm kiếm. Làm thế để cho đồng bào Tạng khỏi nghĩ rằng anh ta là người của trạm. Lục soát kiếm tìm cả trong rừng, khiến cho cả thế giới của bầy quạ giật mình, bầu trời xám xịt đến mức ảm đạm. Lúc tóm được anh ta, cái chân của anh ta bị đồng bào Tạng bắn trọng thương, chiếc quần quân phục thẫm máu rách bươm, đôi chân to bè máu me đỏ loét.

Một người dân bản Tạng và một chiến sĩ khiêng anh ta về. Anh ta có vẻ chẳng sợ hãi vì hình như anh ta không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi tất cả đều ngạc nhiên và phát hiện ra là ở đây có rất nhiều đồng bào Tạng, như thể thoáng cái mọc ở đâu ra. Chẳng ai hiểu được ở nơi này có nhiều thứ bí hiểm. Trời nắng nóng gắt đến nỗi đàn quạ vụt lên cao quạc quạc từng chập.

“Thanh niên” Cam Túc bị đẩy ra sân đồn. Giữa đám đông, cô gái mù xinh đẹp cũng quay mặt về phía cái lưng lù lù một đống thịt đang chảy máu giữa sân. Gùi táo đỏ vẫn trên người cô, đỏ đến mức ấm áp.

Quân và dân đã thỏa hiệp xong, trói anh ta đưa về đồn tiểu khu. Không ai khiêng nổi anh ta. Chiếc xe bên cạnh nổ máy xình xịch ồn ào phát phiền. Anh ta ngẩng mặt lên, lo và ngại vì cái thân xác vụng về to bự của mình. Nhồi anh ta lên xe, anh ta rên rỉ “Khát nước” mấy lần nhưng tất cả mọi người vờ như không nghe thấy.

Đoàn văn công lại lên đường, cả người và xe đều rất mệt mỏi. Đồn trạm cũng ảm đạm, u uất điều gì đó, mệt mỏi về chuyện gì đó.

Vượt núi rồi, tuyết rơi rồi. Ở đây tháng sáu tuyết rơi chẳng ai than vãn cả. Qua khúc cua, cô gái ấy lại xuất hiện. Xe từ từ giảm tốc, cậu tài xế ngần ngừ xem ý chúng tôi định thế nào. Cả xe chúng tôi im lặng như thể đây là chiếc xe tải chở hàng.

Cô gái chạy đuổi theo vài bước, chiếc xe bất ngờ chồm qua vai cô. Cô gái mù bay lên không trung, những quả táo đỏ lăn tràn trên tuyết, một màu đỏ thấm đẫm trên tuyết, như một vũng tuyết nát bét nhoe nhoét.

Nguyễn Hà dịch từ bản tiếng Trung

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)