Dấu cảm thán(1)

Thứ Bảy, 03/02/2024 07:43

Đọc xong truyện ngắn này độc giả sẽ thấy, đối với Anton Chekhov, “viết cái gì” không quan trọng bằng “viết như thế nào.” Truyện có vài trang, nhưng có tới vài hình thức “diễn ngôn trần thuật” khác nhau và mỗi hình thức đều có chức năng riêng biệt: lời người kể chuyện “ẩn tàng” giữ chức năng cầm chịch cho diễn tiến và tiết tấu truyện; lời các nhân vật: thông qua các kiểu đối thoại trực tiếp và gián tiếp (đối thoại trong tâm tưởng;) bước chuyển “diệu nghệ” từ độc thoại nội tâm sang đối thoại nội tâm… Bên cạnh đó những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, nhân cách hóa chuyển động lúc chậm, lúc nhanh, bện xoắn, biến hình… khiến truyện giống như một bộ phim nhỏ.

Tất cả các thủ pháp kể chuyện đa dạng nêu trên, đương nhiên, không phải sự phô diễn kĩ thuật viết, mà chính là những phương tiện nghệ thuật hữu hiệu nhằm làm nổi bật tiếng cười hài hước mang tính nội dung tràn ngập sắc thái châm biếm, phê phán của truyện. Ở đây tuyệt nhiên không thấy tác giả “nhảy xổ” vào truyện với những lời đao to búa lớn, hay thuyết giảng dài dòng, tác giả chỉ giúp sự vật và sự việc tự bộc lộ, thể hiện mình. Một cách tự nhiên nhất. Nghệ thuật nhất. Và vì thế một câu chuyện nhỏ lại có thể mang khả năng khái quát cao và ý tứ của nó thì thật sự sâu xa.

***********

Vào đêm trước Giáng sinh, Efim Fomich Perekladin, thư kí của trường trung học, nằm ngủ cạnh vợ trong tâm trạng của một người đang chịu uất ức, thậm chí bị sỉ nhục.

- Đừng có ám, linh hồn ác quỷ! - Ông ta giận dữ mắng vợ khi bà này hỏi chồng tại sao lại ủ rũ như vậy.

Chuyện là thế này, viên thư kí vừa mới từ chỗ làm khách về, ở đó người ta đã nói rất nhiều điều khó chịu và xúc phạm đối với ông ta. Lúc đầu, họ nói về lợi ích của nền giáo dục nói chung, sau đó, không biết từ lúc nào, họ chuyển sang trình độ học vấn của công chức trong ngành, bày tỏ nhiều điều đáng tiếc, trách móc, thậm chí còn chế giễu trình độ thấp kém của những người này. Và sau đó, như thường thấy trong tất cả các hội nhóm ở nước Nga, họ chuyển từ những đề tài chung sang công kích cá nhân.

- Lấy ví dụ, chẳng hạn ngài Yefim Fomich đây, - một chàng trai trẻ quay sang Perekladin. - Ngài chiếm một địa vị đàng hoàng... nhưng ngài đã có được trình độ học vấn nào chưa?

- Không có trình độ nào cả, thưa ông. Chỗ chúng tôi không đòi hỏi trình độ nào cả, - Perekladin trả lời nhũn nhặn. - Viết cho đúng, chỉ cần thế thôi…

- Thế ngài học cách viết đúng ở đâu vậy?

- Là do thói quen thôi ạ... Sau bốn mươi năm làm việc tay nó cũng quen dần. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, viết nhiều lỗi, nhưng sau đó thì quen ạ... và chẳng sao cả...

- Thế các loại dấu chấm thì sao?

- Tất cả dấu chấm cũng không sao... Tôi đều chấm đúng chỗ.

Perekladin im lặng, thậm chí còn nở một nụ cười dễ thương (cậu thanh niên là con trai của một ủy viên hội đồng nhà nước và bản thân cậu có đủ điều kiện xếp hạng thứ 10 theo phẩm hàm(2)), nhưng bây giờ, khi đi ngủ, ông ta tỏ ra vô cùng phẫn nộ và tức giận.

“Mình làm việc đã 40 năm nay không có một ai gọi mình là thằng ngốc, vậy mà bây giờ, lạy Chúa tôi, mình lại gặp phải những lời chỉ trích ghê gớm thế chứ! “Vô ý thức! Phản xạ tự nhiên! Sản phẩm máy móc!” Ôi đồ khốn, quỷ bắt mày đi! Bố mày đây, có thể, còn hiểu biết nhiều hơn mày, mặc dù chưa một ngày ngồi ở ghế các trường đại học của mày!”

Sau khi trong ý nghĩ tuôn ra một tràng những câu chửi rủa quen thuộc hướng tới kẻ phê phán mình và được sưởi ấm dưới tấm chăn, Perekladin trở nên bình tĩnh hơn.

“Mình biết... mình hiểu chứ… - Viên thư kí nghĩ trong lúc lơ mơ ngủ - không đặt dấu hai chấm ở chỗ cần dấu phẩy, thế có nghĩa mình cũng có ý thức đấy chứ, và cả hiểu biết nữa… Phải… Thế nên, ông trẻ ạ… Trước hết phải sống đã, phải làm việc đã, sau đó mới phê phán những người già…”

Trong đôi mắt nhắm nghiền của Perekladin đang vào giấc, một dấu phẩy rực lửa bay như một ngôi sao băng xuyên qua những đám mây đen đang mỉm cười. Đằng sau nó là dấu phẩy khác, rồi cái thứ ba, và chẳng mấy chốc, toàn bộ nền tối vô tận trải rộng trước trí tưởng tượng của ông ta bị bao phủ bởi những đám dấu phẩy bay dày đặc...

Minh họa: Công Quốc Hà

“Ít nhất cứ lấy những dấu phẩy này mà xét… - Perekladin nghĩ, cảm thấy các bộ phận trong cơ thể mình đê mê ngọt ngào bởi giấc ngủ đang tới. - Mình hiểu chúng một cách hoàn hảo… Mình có thể tìm chỗ cho mỗi dấu phẩy, với lại, cũng chả phí công vô ích đâu… cứ thử đi mà kiểm tra những chỗ khác xem, cậu sẽ thấy dấu phẩy bị đặt lung tung, chỗ cần không đặt, chỗ không cần lại đặt. Cái công văn nào càng rối rắm, mơ hồ, khó hiểu, thì càng cần thật nhiều dấu phẩy. Chúng được đặt trước katoryi và trước sto(3). Còn nếu trong công văn liệt kê danh sách các quan chức, thì mỗi người trong số họ phải cách nhau bằng một dấu phẩy… Đây cũng biết cả đấy.”

Những dấu phẩy vàng quay tròn rồi bay đi. Thế vào vị trí của chúng là những đốm lửa…

“Còn dấu chấm thì đặt ở cuối tờ giấy... Chỗ nào cần nghỉ dài một chút và để nhìn người nghe, thì cũng phải có một dấu chấm. Sau tất cả những chỗ viết dài dòng, cần một dấu chấm để thư kí khi đọc không chảy nước miếng. Ngoài ra thì không có chỗ nào cần đặt dấu chấm cả…”

Một lần nữa những dấu phẩy lại bay vào… Chúng trộn lẫn với những dấu chấm, xoay tròn, và Perekladin nhìn thấy một đống đầy những dấu chấm cùng với dấu phẩy và dấu hai chấm…

“Mình biết những thứ này…” - viên thư kí nghĩ. “Ở những chỗ có ít dấu phẩy nhưng có nhiều dấu chấm, thì cần có dấu chấm phẩy. Mình luôn đặt dấu chấm phẩy trước nhưng và do đó... Chà, còn dấu hai chấm thì sao? Dấu hai chấm được đặt sau các từ đã ra nghị quyết, đã quyết định…”

Những dấu chấm phẩy và hai chấm mờ dần. Đến lượt những dấu chấm hỏi. Những dấu này chạy xổ ra từ những đám mây và nhảy vũ điệu cancan(4)...

“Ồ, mình vẫn chưa nhìn thấy dấu chấm hỏi! Dẫu chúng có đông đến hàng nghìn, mình vẫn tìm được chỗ cho tất cả. Chúng luôn được đặt khi cần đưa ra yêu cầu, hoặc, giả sử, để đặt những câu hỏi trong giấy tờ, công văn... Số tiền còn lại trong năm đó, năm đó… đã đi đâu? hoặc Liệu Sở cảnh sát có thể tìm thấy bà Ivanova không? Vân vân và vân vân...”

Các dấu hỏi gật đầu tán thành bằng những cái móc của chúng và ngay lập tức, như thể theo lệnh, kéo dài ra thành dấu chấm than...

“Hừm, cái dấu này thường được sử dụng trong các bức thư. Thưa ngài! Hoặc Thưa ngài, cha và ân nhân của chúng tôi!... Thế còn khi viết trong công văn thì sao nhỉ?”

Những dấu cảm thán càng kéo dài ra tợn và dừng lại chờ đợi...

“Chúng được đặt trong các công văn, khi... cái này... cái này... gọi là cái gì nhỉ? Hừm! Mà thực ra thì khi nào người ta sử dụng chúng trong các công văn giấy tờ nhỉ? Đợi chút… Xin Chúa ban cho con chút trí nhớ… Hừm!”

Perekladin mở mắt và trở mình sang phía bên. Nhưng ông ta còn chưa kịp nhắm mắt thì trên cái nền tối đen lại xuất hiện những dấu cảm thán.

“Quỷ bắt chúng đi… Khi nào thì dùng chúng nhỉ? - Ông ta nghĩ, cố đuổi ra ngoài trí tưởng tượng của mình những vị khách không mời này. - Chả lẽ mình lại quên? Hoặc là mình quên, hoặc chả bao giờ mình dùng chúng cả…”

Perekladin bắt đầu nhớ lại nội dung của tất cả các công văn mà ông đã thảo trong suốt bốn mươi năm hành nghề của mình; nhưng dù ông có nghĩ như thế nào đi nữa, dù có nhăn trán thế nào, ông vẫn không tìm được một dấu chấm than nào trong quá khứ.

“Lạ thật đấy chứ! Mình viết lách suốt 40 năm qua, thế mà chưa một lần đặt dấu cảm thán… Hừm!... Nhưng khi nào thì nó, đồ quỷ dài đuôi ấy, được dùng đây?”

Từ đằng sau những dấu chấm than bốc lửa thấp thoáng nụ cười của chàng thanh niên - kẻ phê phán ông. Còn những cái dấu thì mỉm cười cuộn lại thành một dấu hỏi to tướng.

Perekladin lắc lắc đầu và mở mắt ra.

“Có quỷ mới biết là cái gì… - ông nghĩ, - Sáng mai mình phải dậy, thế mà trong đầu mình cái đồ quỷ sứ này vẫn chẳng chịu thò ra… T-phù! Nhưng… khi nào thì phải dùng đến nó chứ? Đấy, thói quen của mày đấy! Đấy, viết nhiều quen tay đấy! Bốn mươi năm làm việc mà chả có lấy một lần dùng dấu cảm thán! Sao thế nhỉ?”

Perekladin làm dấu thánh và mở mắt, nhưng ngay lập tức nhắm mắt lại; trên cái nền tối vẫn đứng đó một dấu hỏi to tướng…

“T-phù! Thế là cả đêm mình không ngủ”.

- Marphusa! - ông gọi bà vợ, người thường xuyên khoe khoang từng tốt nghiệp trung học. - Vợ yêu ơi, em có biết khi nào thì trong các thứ giấy tờ sử dụng dấu cảm thán không?

- Chứ lại không biết! Không biết thì bảy năm học trung học làm gì. Tôi thuộc lòng ngữ pháp nhé. Cái dấu này được đặt trong những lời kêu gọi, khi cảm thán, thể hiện niềm hân hoan phấn khởi, sự phẫn nộ, vui mừng, tức giận và những cảm xúc khác.

“Thế đấy… - Perekladin. - Hân hoan, phấn khởi, tức giận, vui mừng, phẫn nộ và những cảm xúc khác…”

Thư kí trường suy nghĩ lung lắm… Bốn mươi năm ông ta thảo hàng nghìn, hàng chục nghìn các thứ giấy tờ, nhưng không nhớ một dòng nào thể hiện sự hân hoan phấn khởi, sự căm phẫn hoặc những thứ đại loại thế…

“Những tình cảm đại loại thế… - ông nghĩ. - Nhưng chẳng lẽ trong công văn giấy tờ lại cần những thứ tình cảm ấy? Người vô cảm cũng có thể viết được…”

Bản mặt của chàng thanh niên - nhà phê bình lại ló ra từ sau cái dấu cảm thán rực lửa, mỉm cười ranh mãnh. Perekladin ngồi dậy trên giường. Đầu ông ta đau nhức, trán toát mồ hôi lạnh... Trong góc phòng, ngọn đèn ngủ tỏa thứ ánh sáng ấm áp, trìu mến, đồ đạc trông sạch sẽ mang khí sắc ngày lễ, từ tất cả những thứ đó tỏa ra mùi ấm áp và sự hiện diện của bàn tay phụ nữ, nhưng viên chức tội nghiệp lại thấy lạnh lẽo, khó chịu, như thể ông ta đang mắc bệnh sốt phát ban. Dấu chấm than không còn ở trong đôi mắt nhắm nghiền của ông, mà ở trước mặt ông, trong phòng, gần bàn trang điểm của bà vợ, nháy mắt giễu cợt ông…

- Cái máy đánh chữ! Một cái máy! - cái bóng thầm thì, phả vào tay viên chức một thứ hơi khô và lạnh. - Một que củi vô cảm!

Tay viên chức lại lấy chăn đắp lên người, nhưng ngay dưới tấm chăn ông ta cũng nhìn thấy cái bóng. Tựa mặt vào vai vợ, nhưng từ đằng sau bả vai cái bóng ấy vẫn lù lù đứng đó... Perekladin tội nghiệp đã đau khổ suốt đêm, nhưng cả ban ngày nó vẫn không để ông yên. Ông ta nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi: trong đôi bốt đi hàng ngày, trong cốc trà, ở Stanislav...

“Và những cảm xúc khác... - ông nghĩ. - Đúng là không có cảm xúc gì... Bây giờ mình sẽ đến gặp thủ trưởng để lấy chữ kí... Nhưng liệu những bức thư chúc mừng(5) có nên viết bằng cảm xúc? Như thế thật vô ích... Một cỗ máy chuyên sản xuất những lời chúc mừng...”

Khi Perekldin ra tới ngoài phố và gọi người đánh xe ngựa, thì ông ta có cảm giác, thay vì người đánh xe, một cái dấu chấm than đang chạy tới.

Bước vào phòng chờ của thủ trưởng, thay vì người gác cửa ông ta lại nhìn thấy đúng cái dấu ấy... Và tất cả chúng nói với ông ta về sự mừng rỡ hân hoan, về tức giận, phẫn nộ... Cả cái bút lông ngỗng cũng nhìn ông ta bằng dấu chấm hỏi. Perekladin cầm lấy bút, chấm vào đĩa mực đen và kí:

Thư kí trường trung học Ephim Perekladin!!!

Và khi đặt liền một lúc ba cái dấu cảm thán, ông ta đã hân hoan, giận dữ và sôi sục căm thù.

- Cho mày này! Cho mày này! - Ông ta lẩm bẩm, ấn mạnh ngòi bút.

Cái dấu rực lửa lấy làm thỏa mãn và biến mất

Đào Tuấn Ảnh dịch và giới thiệu

--------

1. Dấu chấm than (!) trong tiếng Việt.

2. Hệ thống cấp bậc phẩm hàm mới của Đế quốc Nga không có 9 cấp như thời nhà nước Moskva, mà là 14 cấp. Nhân vật “chàng thanh niên” ở đây đạt cấp 10.

3. Katoryi và sto trong trường hợp này đóng vai trò liên từ, tương tự trong tiếng Anh là “which” và “what”.

4. Một vũ điệu nổi tiếng của nước Pháp một thời bị coi là thiếu đứng đắn.

5. Trong văn cảnh là thư chúc mừng lễ Giáng sinh.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)