Kí ức ấu thơ về biển cả đã khơi gợi cho nhà văn người Anh gốc Libya – Hisham Matar những suy ngẫm về sức mạnh của văn chương và thư viện, trong việc giúp cho chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc đời mình.
Vào độ 5, 6 hoặc 7 tuổi khi ý thức về bản thân dần dần trở nên cụ thể hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng ngoài việc là một phần của gia đình và xã hội, còn có một điều gì đó trong sâu thẳm ta chỉ thuộc về ta.
Đối với riêng tôi, điều này xảy ra ở Tripoli bên cạnh bờ biển Địa Trung Hải thuộc Libya. Tôi nhớ cuộc sống trong thời gian đó đầy an ủi và sôi động biết bao. Nó thay đổi tôi ở nhiều khía cạnh. Thành phố mà chúng tôi sống liên tục biến động. Người ta kết hôn rồi li dị, ra đời rồi chết đi, thế nhưng tất cả đều không thay đổi một điều căn cốt: Biển vẫn hoang sơ và bất biến trong sự phong nhiêu của mình. Suy đồi lúc này cũng bị lãng quên.
Nhà văn Hisham Matar.
Một phần của sự ngạc nhiên mà tôi cảm thấy chính là vùng nước mà mình bơi vào. Nó đầy ắp tai tôi, miệng tôi và đôi mắt mở to của tôi, nhưng cũng đồng thời chính là vùng nước mà đã chạm tới những bờ biển xa. Đó là những nơi như đảo Síp, đảo Crete, Barcelona, Sanremo, dải Gaza, Marseille; hoặc là những nơi gần hơn, chẳng hạn như Alexandria - nơi mà với gia đình tôi thì đó là chốn thần thoại. Đó là nơi bà ngoại tôi đã sinh ra và cả 2 bên gia đình đã sống một thời gian dài. Và chỉ sau khi chống lại sự chiếm đóng của Mussolini, thì gia đình tôi mới chuyển đến nước láng giềng Ai Cập. Những sự gần gũi như vậy khiến tôi ngạc nhiên, nhưng nó cũng cho tôi biết có một thực tế là thế giới luôn luôn tồn tại 2 mặt gần như song hành: ngày ấy và bây giờ, và ở đó có sự chia rẽ cả về thời gian cũng như không gian.
Sách, bất kể về chủ đề gì, thường được chúng tôi đọc lấy đọc để để thu hẹp khoảng cách với những tình huống khác nhau trong những giờ phút đơn độc hay đang chạy trốn. “Cordelia rồi sẽ làm gì?” Cordelia tự hỏi mình như thế trong vở Vua Lear của Shakespeare. Và câu trả lời đến với cô ấy đến một cách nhanh chóng và thật dễ dàng: “Chỉ cần yêu thương và im lặng thôi”. Đó là một câu trả lời đơn giản nhưng cũng phức tạp. Cần có tự tin để yêu cũng như được yêu. Sự tự tin ấy có phần nào đó gần với niềm tin. Niềm tin vào sự phù hợp mà trong thực tế nó chỉ đơn giản là những gì chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc mà không cần nói. Trên thực tế, loại đức tin này là sự lo lắng, là nỗi hoài nghi về lời nói, về tác hại có thể gây ra khi nó bật khỏi khuôn miệng chúng ta. Tuy nhiên, làm sao có thể thực sự biết rõ được người nào đó, và làm sao chúng ta có thể khiến họ hiểu mình, nếu lời nói thôi vẫn là chưa đủ?
Nỗi sợ hãi về từ ngữ và nhu cầu truyền đạt là lo ngại chính của văn học. Nếu như cho rằng sách vở tạo thành từ những từ ngữ, thì thật nghịch lí khi một trong những mối quan tâm thường trực của chúng lại là những điều không thể nói ra và không được nói. Văn học có niềm đam mê cống hiến cho sự im lặng. Nó tin tưởng vào sự kết nối mơ hồ nhất và được tạo ra một cách tinh tế nhất. Những câu chuyện hay nhất làm được điều này: chúng tập hợp những yếu tố dường như biệt lập và bộc lộ những mối quan hệ tự nhiên. Đây là lí do tại sao mà thư viện được định nghĩa là một tập hợp các mối liên kết bất ngờ, gần như ngẫu nhiên của các từ ngữ dường như khác nhau.
Sự pha trộn đặc biệt giữa phấn khích và sợ hãi, giữa buồn bã và vui vẻ, giữa chán nản và ngạc nhiên… mà tôi cảm thấy khi còn là một đứa trẻ đứng bên bờ biển giống một cách kì lạ với cảm giác khi tôi bước vào một thư viện lớn. Cả hai đều có khả năng mang đến sự dịch chuyển tự do, những cuộc gặp gỡ bất ngờ, sự vô định, nguy cơ chết đuối, sự cám dỗ cũng như nỗi sợ khi bị lạc lối... Đây là lí do tại sao mà việc cấm sách hoặc là bác bỏ một số nhà văn - chẳng hạn như mới xảy ra gần đây ở Hội sách Frankfurt, khi lễ trao giải tôn vinh tiểu thuyết gia người Palestine Adania Shibli đã bị hủy bỏ vì lí do quốc tịch - đã xúc phạm chúng tôi như việc tước bỏ nhu cầu thiết yếu và tự do nhất của mỗi con người.
Các tác phẩm của Hisham Matar.
Thời đại chúng ta đang sống ngày càng sợ sách. Nó lo lắng về các biểu hiện không thể kiểm soát. Nó thường nhầm tác giả là người có thẩm quyền đối với tác phẩm mà họ viết ra, trong khi thực tế chỉ có tác phẩm mới có thẩm quyền thực sự. Những ai từng viết một cách trung thực đều biết điều này. Thêm vào đó là nỗi sợ hãi về mặt chủng tộc cũng như giai cấp thật lâu đời hơn, rằng chúng có nguy cơ làm gián đoạn câu chuyện, khi khiến những người mà chính chúng ta đã quyết định về cơ bản là khác xa mình trở nên đồng hiện và rồi bình đẳng, ngang hàng.
Đây là lí do vì sao mà bạo lực chiến tranh, chết chóc, chiếm đóng và các vấn đề di dân lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các thư viện. Chiến tranh muốn vươn xúc tu giết người vào các giá sách công cộng cũng như cá nhân, trong từng trang sách cũng như những thứ ta mang trong mình.
Trong nửa đầu thế kỉ 20, Albert Camus đã cố gắng khẳng định thời đại của mình và định nghĩa nó. Ông viết “Thế kỉ 17 là thế kỉ của toán học; thế kỉ 18 là của khoa học vật lí; thế kỉ 19 là của sinh học. Thế kỉ của chính chúng ta - thế kỉ 20 - là thế kỉ của sự sợ hãi.”
Nếu chúng ta cố gắng theo sát tuyên bố nói trên, thì vẫn có thể gọi thế kỉ 21 tiếp tục là thế kỉ của sự sợ hãi, nhưng nó khác biệt ở chỗ là còn có thêm cả sự phân mảnh. Rất ít người trong số chúng ta, ngay cả những người đã sống ở quê cha đất tổ, cảm thấy có sự kết nối với ý thức cộng đồng. Nhưng tôi cũng muốn nói đến sự phân mảnh theo nghĩa rộng hơn, chẳng hạn như việc được kết nối với các nguyên tắc phổ quát về công lí và nhân quyền. Hãy cư xử như thể chúng ta thực sự tin rằng mạng sống của mỗi con người dù cho ở đâu thì cũng quý giá như nhau, và nó không bị ảnh hưởng dù họ thuộc về quốc tịch hay chủng tộc nào.
Chiến tranh thật là khủng khiếp vì tất cả những lí do mà chúng ta đã biết trong hàng triệu triệu năm qua. Thế nhưng những gì là sự đối lập với chiến tranh không phải hòa bình - nó chỉ như một sự vắng mặt mang tính tạm thời của chiến tranh thôi. Có thể thay sự hợp tác như là đối trọng khi đặt lên bàn cân với chiến tranh. Và không có tác phẩm văn học nào có thể phát huy tác dụng nếu không có sự hợp tác từ những yếu tố khác nhau.
Mặc dù không câu hỏi nào là dễ trả lời, nhưng hầu hết mọi người đều hỏi những nhà nhà văn rằng cuốn sách của họ bắt đầu thế nào và vào khi nào. Thế nhưng ít ai hỏi rằng nó sẽ kết thúc ra sao và làm thế nào để biết cái kết thật sự hợp lí? Nhà thơ Marianne Moore đã từng lo lắng về câu hỏi thứ 2 này. Làm sao để bà biết rằng thế nào là “đủ” cho tập thơ của mình. Và khi mà bà chia sẻ những nghi ngờ này với TS Eliot, người lúc đó là biên tập viên tại nhà xuất bản Faber, thì nhà thơ này đã trả lời rằng: “Thời điểm mà một người viết cảm thấy là ‘đủ’ không chỉ về mặt định lượng… Người ta chỉ thấy chưa đủ khi cảm thấy rằng những bài thơ ấy còn đòi hỏi thêm nữa những sự hợp lực từ những tác phẩm còn chưa được viết ra, để nó trở nên riêng biệt, hoàn toàn là mình”.
Hợp lực giúp tạo nên một tác phẩm văn học – và cũng có thể chính nó - được phản chiếu rộng rãi trong một thư viện. Có nghĩa là, cũng như mọi thứ lấp đầy chính nơi chốn này, nó cũng là một phép ẩn dụ cho một xã hội bình đẳng và thấu hiểu nhau. Một thư viện xuất sắc là nơi chấp nhận những mặt đối lập nhất và nhiệt tình nhất. Nó cũng là nơi có thể thỏa mãn được sự tò mò. Nó luôn tìm cách để làm hài lòng ham muốn của mỗi chúng ta, nhưng bản thân nó cũng là bằng chứng cho thấy hi vọng và sự đam mê của mỗi một người luôn rất bao la.
NGÔ MINH dịch từ The Guardian
VNQD