Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ Elizabeth Gilbert.
Nhà văn Ann Patchett tại hiệu sách độc lập Parnassus của mình. Ảnh The New York Times.
- Bà thường thức dậy lúc mấy giờ vào thứ Hai và việc đầu tiên thực hiện sau khi thức dậy là gì?
+ Đâu đó từ 6 đến 6 giờ 30. Điều đầu tiên làm là tôi mặc quần áo và dắt chó đi dạo, nó tên là Sparky. Nó là một chú chó giống chó sục nhỏ và nặng 17 pound.
- Cafe thì sao?
+ Tôi không uống cà phê. Tôi chỉ uống trà và yêu ghích nó. Tôi thường pha trà trong chiếc cốc lớn nhất mà chúng tôi có, đó là của Homeboy Industries 1 . Vì vậy, tôi nghĩ về Cha Greg Boyle 2 và Homeboy Industries mỗi sáng khi mình uống trà. Tôi có một cái lọc xác trà nhỏ có hình một con khủng long và phần đầu nhỏ bằng cao su của nó nghiêng qua thành cốc. Nó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui.
- Thứ Hai của bà khác với các ngày khác trong tuần như thế nào?
+ Tôi thật sự thích buổi sáng thứ Hai. Dẫu quyến luyến chồng nhưng việc anh phải làm việc cho tôi thời gian sử dụng ngôi nhà theo cách riêng mình. Tôi thích cảm giác được trở lại làm việc. Tôi cố gắng không làm nhiều việc vào cuối tuần vì tôi muốn dành thời gian cho gia đình mình.
- Tôi được biết bà đã viết toàn bộ cuốn tiểu thuyết mới - Tom Lake trên máy chạy bộ. Trải nghiệm đó diễn ra như thế nào?
+ Tôi yêu nó. Tôi thường đi làm vào khoảng 9 giờ sáng, nên tôi sẽ tập trên máy chạy bộ từ 2 cho đến 3 giờ với tốc độ 1,5 dặm một giờ, tương đối là chậm. Thông thường, tôi sẽ rời máy khi chân mỏi nhừ và bắt đầu nghĩ: “Ồ. Thật là mệt mỏi.” Sau đó tôi sẽ rời máy và không đọc lại những gì mình viết trong phần còn lại của ngày.
Tôi luôn nghĩ về Elizabeth Gilbert và những lời khuyên của cô ấy. Cô ấy từng nói trong cuốn Điều kì diệu lớn rằng mọi người đều có hai giờ mỗi ngày để thể hiện hết khả năng của mình, và ai cũng biết đó là khi nào, vì vậy: “Đừng dành hàng giờ để trả lời email.” Do đó thời gian trên máy chạy bộ chính là lúc ấy của tôi. Một trong những điều khiến bàn máy chạy bộ trở nên tuyệt vời là nó có thể kết hợp hai việc tôi muốn làm vào buổi sáng khi thức dậy là viết và tập thể dục. Tôi giống như, “Ồ. Nhìn này. Tôi làm được cả hai. Thật tuyệt vời.”
- Điều gì khiến bà muốn viết một cuốn tiểu thuyết về đại dịch? Và bà đã thực hiện nó ra sao?
+ Tôi đã bắt đầu nghĩ về cuốn sách này từ trước đại dịch. Tôi dành một thời gian dài để sắp xếp ý tưởng trong đầu và sau đó viết ra. Điều quan trọng khi lớn lên ở một trang trại là bạn được trở về đó vào mỗi mùa hè và làm việc tại đó. Tôi muốn nói rằng kì nghỉ hè không được thiết kế để con cái bạn phải đi một nơi nào khác hay là cắm mình vào việc học tập. Vì vậy, tôi đã luôn định viết cuốn sách kể về ba cô con gái khoảng 20 tuổi về nhà và làm việc ở trang trại vào mùa hè. Sau đó đại dịch xảy ra, và tôi nghĩ, “Thực ra, điều này còn tốt hơn nữa, vì giờ bọn chúng đang làm việc ở trang trại và không thể rời đi.”
- Một trong những phần của cuốn sách mới thực sự khiến tôi thích thú là sự thiền định về trí nhớ và sự mỏng manh của kí ức. Bà có thường viết nhật kí hay làm bất cứ điều gì khác để duy trì kí ức của mình không?
+ Mỗi đêm tôi đều viết lại những gì xảy ra vào ngày hôm đó. Tôi không viết ra hi vọng và ước mơ của mình về thế giới này, hay là nỗi sợ, ý tưởng sáng tạo... Tôi viết những thứ như kiểu, “Tôi đã đến hiệu sách. Tôi đã đọc cuốn này…” Tôi luôn viết ra những gì bản thân đã đọc. Thời điểm tôi sử dụng nó nhiều nhất là khi tôi viết Truth and Beauty (tạm dịch: Chân lí và Cái đẹp) về tình bạn của tôi và Lucy – người đã qua đời. Do đó tôi dùng những ghi chép này để tái hiện lại những gì chúng tôi đã có với nhau, chẳng hạn như là: “Hôm đó tôi đã nói chuyện với Lucy. Chúng tôi đã ở đó. Chúng tôi đã làm điều này. Đó là lúc chúng tôi nhìn thấy nhau. Đó là lúc cô ấy đến thăm.”
- Bà thích viết ở đâu trong nhà?
+ Tôi có hai phòng làm việc. Ban đầu thì chỉ một thôi, vì cái còn lại là của chồng tôi. Sau đó, chiếc bàn trên máy chạy bộ là cái thứ hai. Nó không vừa với phòng làm việc của tôi và vì thế tôi đặt nó vào phòng làm việc của chồng mình.
2 tiểu thuyết nổi bật của Ann Patchett.
- Thói quen viết lách của bà đã thay đổi như thế nào theo thời gian?
+ Hầu như không thay đổi. Tôi không phải tuýp người đặt ra bất kì yêu cầu nào cho bản thân mình. Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi phải viết mỗi ngày hoặc là phải viết một số lượng từ nhất định nào đó. Đối với tôi, đó là toàn bộ niềm vui của việc trở thành một nhà văn. Nếu mẹ bạn gọi và nói: “Mẹ cần con chở đến chỗ bác sĩ,” bạn sẽ có thể làm được. Tôi thực sự tin rằng bạn phải có thời gian để sống, nảy ra ý tưởng, xử lí chúng và phát triển chúng. Đó là nguồn gốc của việc viết lách đối với tôi. Đối với tôi, nó không đến từ việc mỗi ngày ngồi xuống và viết.
- Đã gần 6 năm sau khi bà viết trên tờ New York Times về việc ngừng mua sắm. Bà thấy điều này có tác động lâu dài nào không?
+ Chắc chắn là có. Nó làm mất đi thói quen mua sắm của tôi. Tôi đã từng có niềm vui trong hành động ấy. Nhưng bây giờ đây khi nhìn thứ gì đó mà mình yêu thích, sẽ có giọng nói vang lên trong đầu tôi rằng, “Ồ, làm ơn đi, Ann. Mày nghiêm túc á? Suy nghĩ kĩ chưa? Có cần đến nó không?
- Tôi cũng yêu thích bài luận của bà về việc thành lập hiệu sách độc lập Parnassus từ năm 2012. Hơn một thập kỉ, bà cảm thấy thế nào về tương lai của các hiệu sách độc lập, khi gần đây Amazon cũng đã đóng cửa các hiệu sách của mình?
+ Tôi cảm thấy tuyệt vời, không chỉ với tư cách là một chủ hiệu sách, mà còn với tư cách là người tham quan những cuốn sách mới và đi khắp nơi để gặp gỡ những người bán sách. Mọi chuyện vẫn ổn. Không ai trở nên giàu có khi làm điều này, ngoại trừ Jeff Bezos 3 . Nhưng hầu như bất kì ai trong lĩnh vực kinh doanh này đều làm việc đó vì họ yêu sách, họ thích đọc sách và muốn có một cộng đồng gồm những người này, ý tôi thực sự là những người làm việc tại hiệu sách. Họ có thể kiếm sống bằng cách làm những gì mà bản thân thích: ở gần với sách, ở gần với các tác giả, được giới thiệu sách, được nói về sách... Đó là một điều tuyệt vời. Nó thực sự, thực sự rất vui.
- Gần đây bà đã đọc sách gì hay xem điều gì?
+ Tôi đọc liên tục. Tôi không xem bất cứ điều gì bao giờ. Gần đây tôi đọc The Comfort of Crows: A Backyard Year (tạm dịch: Sự thoải mái của những con quạ: Một năm ở sân sau) của Margaret Renkl. Đây là tập sách gồm 52 bài luận rất ngắn về sân sau của cô ấy trong suốt một năm, từ đó nhìn nhận thế giới tự nhiên theo một góc nhìn rộng hơn. Đó là cuốn sách hoàn hảo. Ngoài ra còn có Absolution (tạm dịch: Sự tuyệt đối) của Alice McDermott. Đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất của cô ấy, nó nói được điều to lớn, bởi vì cô ấy là một trong những nhà văn yêu thích nhất mọi thời đại của tôi.
- Trong cuộc đời mình, đâu là lời khuyên nào quan trọng nhất với bà?
+ Chà, một trong những câu nói tôi yêu thích nhất đến từ cha tôi. Ông đã nói rằng, “Nếu con không muốn gắn kết với ai đó thì đừng ở gần họ.” Ông ấy thực sự tuyệt vời. Khi bạn nghĩ, “Ồ. Vâng, tôi ít nhất nên trả lời lại. Tôi nên giải thích tại sao. Tôi nên làm cái này hay làm cái khác…” thì kiểu như, không, cha tôi luôn nói: “Không. Đừng nói gì cả. Cứ ngoảnh mặt thôi.”
NGÔ MINH dịch từ bài viết trên The Wall Street Journal
--------------------------------
1. Một tổ chức giúp các thành viên của băng đảng, cải tạo và tái hòa nhập xã hội.
2. Người sáng lập tổ chức nói trên.
3. Là CEO và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Amazon, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất nước Mĩ, trong đó sách cũng là một ngành hàng.
VNQD