Khám phá của tôi về Juan Rulfo – giống như về Kafka – chắc chắn sẽ là một chương quan trọng trong cuộc đời mình. Tôi đến Mexico vào ngày Ernest Hemingway tự sát, 2/7/1961 và tôi không những không đọc sách của Juan Rulfo mà thậm chí còn chưa bao giờ nghe đến anh ấy.
Điều đó thoạt nghe có vẻ kì lạ: trước hết là vì hồi đó tôi luôn cập nhật những diễn biến mới nhất trong thế giới văn chương, và thậm chí còn sát sao hơn khi nói đến tiểu thuyết Mĩ Latinh. Thứ hai là bởi những người đầu tiên mà tôi liên lạc ở Mexico đều là những người biết vô cùng rõ về Juan Rulfo. Tuy nhiên, phải mất ít nhất là 6 tháng sau thì mới có người nhắc đến anh ấy. Có lẽ bởi vì Juan Rulfo, trái ngược với những gì xảy ra với hầu hết các tác giả vĩ đại, là một nhà văn được đọc rất nhiều thế nhưng ít được nói đến.
Lúc ấy tôi sống trong một căn hộ không có thang máy trên phố Renán ở khu Anzures của Mexico City cùng với Mercedes và Rodrigo1, lúc đó chưa đầy 2 tuổi. Có một tấm đệm trên sàn phòng ngủ chính, một chiếc cũi nhỏ ở phòng bên cạnh, bàn bếp dùng để viết lách đặt trong phòng khách với 2 ghế đơn. Chúng tôi đã quyết định ở lại thành phố mà vào lúc này vẫn còn ở mức có thể chịu đựng. Bầu không khí vẫn thường trong trẻo và những bông hoa rực rỡ sắc màu trên các đại lộ, thế nhưng cơ quan quản lí về người nhập cư dường như không có ý định cho tôi tận hưởng một cách trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy. Cuộc đời chúng tôi tại Mexico gắn liền với việc xếp hàng bất động, đôi khi là dưới trời mưa hay trong sân nhà của Bộ Nội vụ.
Trong những giờ rảnh rỗi không biết làm gì, tôi thường viết những ghi chú về văn học Colombia và đọc trực tiếp trên đài Radio Universidad, dưới sự bảo trợ của Max Aub 2. Những nghiên cứu này trung thực đến mức vào một ngày nọ, đại sứ Colombia gọi điện cho đài phát thanh để khiếu nại chính thức. Theo ông, những ý kiến của tôi không phải là về văn học Colombia, mà là cách làm đơn phương để chống lại nó. Max Aub gọi tôi đến văn phòng của anh, và tôi thoáng chút run rẩy, vì đây là nguồn thu nhập duy nhất mà tôi có được trong 6 tháng qua. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra. Max Aub nói rằng: “Tôi chưa có thời gian để nghe chương trình. Nhưng nếu đúng như lời đại sứ của nước cậu nói thì hẳn chương trình đó rất chất lượng.”
Lúc ấy tôi 32 tuổi, có sự nghiệp báo chí tương đối “phù du” ở Colombia, vừa trải qua 3 năm khó khăn ở Paris, và 8 tháng ở New York, muốn viết kịch bản ở Mexico. Cộng đồng nhà văn Mexico vào thời điểm đó cũng giống ở Colombia, và được ở đó bản thân tôi thấy rất đỗi thân thuộc.
6 năm trước đó, tôi đã xuất bản tiểu thuyết đầu tiên - Bão Lá, và tôi có 3 cuốn sách chưa được xuất bản, gồm có: Ngài đại tá chờ thư, Giờ xấu và tập truyện ngắn Đám tang bà mẹ vĩ đại. Vậy là tôi đã là một nhà văn với 5 cuốn sách. Với tôi điều đó không phải vấn đề, vì chưa bao giờ mà bản thân tôi mưu cầu danh tiếng thông qua văn chương, mà chỉ đơn thuần là để bạn bè yêu mến tôi hơn, và tôi tin rằng mình đã làm được điều đó. Vấn đề lớn nhất của tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia là sau những cuốn sách đó, tôi thấy chính mình đã tự đẩy mình vào một ngõ cụt, và tôi vẫn đang tìm kiếm lối thoát. Tôi đã quen với rất nhiều nhà văn, những người có thể hướng tôi khỏi đoạn trũng sáng tác ấy, tuy nhiên tôi vẫn thấy mình đang đi vòng quanh những vòng đồng tâm có phần vô định.
Tôi cảm thấy mình vẫn còn có thứ gì đó có thể viết ra, nhưng tôi không nghĩ ra được cách viết chúng thật thuyết phục và đầy chất thơ. Và đó là khi Álvaro Mutis 3 leo bảy tầng lên căn hộ của tôi với một chồng sách mà anh mang theo, và rồi lấy ra từ “ngọn núi” này cuốn sách nhỏ nhất cũng như ngắn nhất, vừa nói vừa cười: “Hãy đọc thứ chết tiệt này và học hỏi đi!”. Cuốn sách đó là Pedro Páramo.
Đêm đó tôi không thể ngủ cho đến khi đọc nó lần thứ 2. Kể từ đêm tuyệt vời tôi đọc Hóa thân của Kafka trong một khu nhà trọ sinh viên tồi tàn ở Bogotá – gần 10 năm trước – thì tôi mới lại cảm thấy choáng ngợp đến thế. Ngày hôm sau tôi liền tìm đọc Bình địa trong lửa, và sự ngạc nhiên vẫn còn nguyên vẹn. Rất lâu sau đó, trong phòng chờ của bác sĩ, tôi tình cờ thấy tạp chí y khoa có một kiệt tác rải rác khác của Rulfo: Di sản của Matilde Arcángel. Khoảng thời gian còn lại trong năm tôi không thể đọc tác giả nào khác, vì tất cả họ có vẻ kém cỏi so với Rulfo.
Tôi chưa thoát khỏi những sự kinh ngạc khi có người nói với Carlos Velo 4 rằng tôi có thể thuộc lòng toàn bộ Pedro Páramo. Sự thật thậm chí còn đi xa hơn: tôi có thể đọc được vanh vách toàn bộ cuốn sách từ đầu đến cuối và ngược lại, từ cuối lên đầu, mà không mắc một lỗi đáng kể nào, tôi có thể cho bạn biết mỗi cảnh có thể tìm thấy được ở trang nào, và không có một khía cạnh nào của tính cách của các nhân vật mà tôi không mấy quen thuộc.
Vì đặc điểm ấy, Carlos Velo đã giao cho tôi chuyển thể một truyện ngắn khác của Juan Rulfo thành kịch bản điện ảnh, và đó là truyện duy nhất mà tôi chưa đọc: Con gà trống vàng. Có 16 trang, rất nhàu nát, được đánh bởi 3 chiếc máy đánh chữ khác nhau trên một loại giấy rất dễ nhàu nát. Ngay cả khi họ không nói ai viết bản gốc, thì tôi vẫn biết người ấy là ai. Ngôn ngữ không phức tạp như phần còn lại trong tác phẩm của Juan Rulfo và có rất ít nghệ thuật viết đặc trưng, thế nhưng phong cách của ông hiện diện trong mọi lúc mọi nơi. Sau đó, Carlos Velo và Carlos Fuentes 5 yêu cầu tôi đọc và phê bình kịch bản của họ cho bộ phim chuyển thể đầu tiên của Pedro Páramo.
Tôi đề cập đến hai công việc này - kết quả của chúng còn lâu mới gọi là tốt - bởi vì chúng đã buộc tôi đào sâu hơn nữa vào cuốn tiểu thuyết mà tôi biết rõ hơn cả tác giả của nó (nhân tiện, tôi đã không biết điều đó vào chính lúc ấy). Carlos Velo đã làm một điều rất đáng chú ý: ông đã cắt rời các mảnh thời gian của Pedro Páramo và tập hợp cốt truyện theo trình tự thời gian chặt chẽ. Là một phương pháp đơn giản để hiểu nó, và nó có vẻ hợp lí, thế nhưng thứ thu lại được thì rất khác biệt so với bản gốc. Nó phẳng cũng như rời rạc. Nhưng đó là một bài tập hữu ích cho tôi để hiểu được ngón nghề bí mật của Juan Rulfo và tiết lộ rất nhiều về trí tuệ hiếm có của ông.
Có hai vấn đề cơ bản khi chuyển thể Pedro Páramo lên màn ảnh rộng. Đầu tiên là câu hỏi về tên. Nghe có vẻ chủ quan, nhưng ở một khía cạnh nào đó, mọi cái tên trong cuốn sách này đều nghe rất khác ở trong đời thực. Juan Rulfo đã nói - hoặc được cho là đã nói - rằng ông lấy tên của các nhân vật từ chỗ bia mộ trên các ngôi mộ ở nghĩa trang Jalisco. Đối với riêng tôi, dường như không thể - thực sự, vẫn dường như không thể - tìm được một diễn viên nào có thể phù hợp với tên nhân vật mà mình sẽ đóng.
Vấn đề còn lại – không thể tách rời khỏi vấn đề đầu – đó là tuổi tác. Trong suốt cuốn tiểu thuyết ấy, Juan Rulfo rất ít quan tâm đến tuổi tác của các nhân vật. Nhà phê bình Narciso Costa Ros gần đây đã thực hiện một nỗ lực thú vị để xác lập chúng. Tôi luôn nghĩ rằng, hoàn toàn chỉ bằng trực giác thi ca, rằng khi Pedro Páramo cuối cùng đưa Susana San Juan đến Media Luna, lãnh địa rộng lớn của ông, thì bà đã 62 tuổi. Pedro Páramo chắc phải hơn bà đâu đó độ khoảng 5 tuổi.
Và trên thực tế, thì một tác phẩm vĩ đại và đầy chất thơ như vậy sẽ không thể nào có thể tái hiện trong rạp chiếu phim. Những rạp phim đó thì đầy tối tăm, trong khi đời sống tình cảm của những người già không thể lay động được bất cứ ai.
Điều khó khăn khi nhìn mọi thứ theo cách có chủ ý này là cảm giác thơ ca không phải lúc nào cũng phù hợp với sự thật thông thường. Trong các tác phẩm thơ ca, thì có thể nói Pedro Páramo có đẳng cấp cao nhất – các tác giả thường viện dẫn các tháng trong năm vì những lí do nằm ngoài trình tự thời gian nghiêm ngặt. Hơn nữa: trong nhiều trường hợp, tác giả có thể thay đổi thời gian như tháng với ngày, hoặc thậm chí là năm sự kiện diễn ra sự kiện chỉ để tránh một vần điệu không thật phù hợp.
Điều này xảy ra không chỉ với ngày và tháng mà còn đối với những đặc điểm khác nhau như là hoa nữa. Có những nhà văn sử dụng những cái tên này hoàn toàn vì sự phức tạp ở trong danh xưng mà không chú ý đến việc chúng có tương ứng với sự thật không. Đây là lí do tại sao không có gì lạ khi ta dễ dàng tìm thấy trong những cuốn sách có hoa phong lữ nở trên bãi biển và hoa tulip nở bừng trên tuyết. Ở Pedro Páramo, nơi không thể hoàn toàn chắc chắn ranh giới giữa sự sống và cái chết, mọi sự đều rất chính xác đến mức không thể nào mà ta diễn đạt được. Tất nhiên, không ai có thể biết cái chết có thể kéo dài suốt bao nhiêu năm.
Tôi muốn viết tất cả những điều này để nói rằng sự khám phá sâu sắc của tôi về tác phẩm của Juan Rulfo là điều cuối cùng đã chỉ cho tôi cách tôi tiếp tục công việc viết lách của mình, và vì lí do đó, tôi sẽ không thể viết về nhà văn lớn này mà không có vẻ như là viết về chính bản thân tôi. Tôi cũng muốn nói rằng mình đã đọc lại tất cả tác phẩm của anh trước khi chấp bút viết nên những hồi tưởng này, và một lần nữa tôi lại là nạn nhân bất lực của chính sự kinh ngạc đã từng ập đến vào lần đầu tiên. Chúng có dung lượng chỉ hơn 300 trang thôi, nhưng chúng vĩ đại - và tôi tin là cũng bền bỉ nữa – như các tác phẩm của Sophocles.
NGÔ MINH dịch từ LitHub
---------------------
1. Vợ và con trai của Marquéz.
2. Max Aub Mohrenwitz (1903 - 1972) là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mexico gốc Tây Ban Nha.
3. Álvaro Mutis Jaramillo (1923 – 2013) là nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận người Colombia. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là loạt tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu và những sai lầm của Maqroll, xoay quanh nhân vật Maqroll el Gaviero. Ông đã giành được Giải thưởng Nonino vào năm 1991 tại Ý, giải Miguel de Cervantes 2001 và Giải Văn học Quốc tế Neustadt năm 2002.
4. Carlos Velo (1909 –1988) là đạo diễn phim người Tây Ban Nha. Ông đã đạo diễn 45 bộ phim từ năm 1934 đến năm 1983. Bộ phim Torero! được đề cử giải Oscar cho Phim tài liệu hay nhất.
5. Carlos Fuentes (1928 –2012) là một tiểu thuyết gia và nhà tiểu luận người Mexico. Ông được mệnh danh là "một trong những nhà văn được ngưỡng mộ nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha" và có ảnh hưởng quan trọng đến "sự bùng nổ của văn học Mỹ Latinh trong những năm 1960 và 70". Tại Việt Nam tiểu thuyết Nàng Aura của ông đã được chuyển ngữ cũng như giới thiệu.
VNQD