Toni Morrison từng bị hắt hủi. Hoặc đó ít nhất là điều mà gần 50 nhà văn và nhà phê bình da màu đã từng nhắc đến trong một thư ngỏ được đăng trên tờ The New York Times sau khi Giải Sách Quốc gia năm 1987 trao cho Chuyện của Paco nói về chiến tranh Việt Nam của Larry Heinemann, thay cho Yêu dấu của Morrison.
Từ khi kết quả này được công bố tại phòng khiêu vũ của khách sạn Pierre ở New York, nó đã gây ra một cơn chấn động khắp văn đàn Mĩ. Trên tờ The New York Times, nhà báo Michiko Kakutani đã mở đầu bài đánh giá của mình về giải thưởng này với câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
Tất nhiên, một phần lí do khiến những nhà phê bình tiếp tục trở lại với sự kiện này là vì nó vẫn khiến cho những người yêu thích văn học bị sốc. Yêu dấu là cuốn tiểu thuyết đương đại kinh điển nhất của nước Mĩ - trong số những tác phẩm được đọc, được viết và được ngưỡng mộ trong nửa thế kỉ qua, thế nhưng Chuyện của Paco mới là tác phẩm giành lấy chiến thắng. Làm thế nào mà một giải thưởng có thể sai lầm đến mức như thế?
Trước hết, không phải Giải Sách Quốc gia đã làm hỏng việc vào tháng 11/1987, cũng không phải Giải Pulitzer khắc phục điều đó khi cuốn Yêu dấu lại giành giành chiến thắng vài tháng sau đó. Nói cho đúng hơn, đó là vấn đề thuộc về ban giám khảo giải thưởng: các nhà văn, nhà phê bình, học giả, nhà báo, những người bán sách… được giao nhiệm vụ chọn người chiến thắng. Những giám khảo có gu thẩm mĩ này thường vô hình, ẩn sau chính những quyết định mà họ đưa ra.
Hơn nữa, ban giám khảo giải thưởng có xu hướng chỉ xuất hiện khi giải thưởng nào đó dính phải bê bối. Và đó chính xác là lí do tại sao 3 giám khảo của Giải Sách Quốc gia năm 1987 – nhà phê bình Richard Eder, tiểu thuyết gia Gloria Naylor và nhà viết truyện ngắn Hilma Wolitzer – lại được chú ý. Báo chí năm đó đưa tin quyết định chọn người chiến thắng gây ra chia rẽ, với kết quả bỏ phiếu sau cùng là 2 chọi 1. Vậy ai đã chọn cuốn nào?
2 tác phẩm làm dấy lên cuộc tranh cãi vào năm 1987.
Wolitzer sau đó gọi quá trình này là “một cuộc cân nhắc kĩ càng và đầy đau đớn”. Eder thì cho ta biết nhiều manh mối hơn, khi trước đó ông đã đánh giá tích cực về cuốn Chuyện của Paco trên tờ Los Angeles Times và chỉ viết ngắn gọn về Yêu dấu ở cuối phần về “Chủ nghĩa hiện thực kì diệu ở Mĩ”. Thế nhưng điều này không đủ cơ sở để “quy chụp” vị giám khảo này bỏ qua tác phẩm của Morrison, khi ông cũng sẽ là thành viên ban giám khảo của giải Pulitzer sau đó gọi tên Yêu dấu là cuốn sách chiến thắng.
Naylor, giám khảo da màu và là duy nhất trong ban đánh giá, được đồn đại là đã không bỏ phiếu cho một nhà văn cùng chủng tộc với mình. Và tin đồn này đã dẫn đến việc ông bị rút lại học bổng viết văn sáng tạo tại SUNY Stony Brook. Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn ai đã bỏ phiếu thế nào. “Rất nhiều người đã hỏi tôi,” Naylor nói vào thời điểm đó và nói thêm rằng cả 3 giám khảo đã cùng để lại một “lời thề máu” giữ kín các cuộc thảo luận của mình. Cả 3 đồng ý rằng đó không phải một câu chuyện đáng để bật mí.
Những điều nói trên đã nhấn mạnh rằng với tư cách là độc giả, chúng ta biết rất ít về việc đánh giá trong các giải thưởng. Thế nhưng cho dù chúng ta có thích hay không, thì các giải thưởng vẫn luôn quan trọng. Ngay cả những cuốn sách chỉ lọt vào danh sách rút gọn cũng có nhiều khả năng được đọc, giảng dạy trong các lớp học đại học và được học giả nghiên cứu nhiều hơn.
Một phần sự kì diệu của các giải lớn thường nằm ở sự bí ẩn về việc chọn ra những người chiến thắng. Chúng ta nhanh chóng biết rằng cuốn này đã được đưa vào danh sách rút gọn cho giải Pulitzer, hoặc tác giả đó là người chiến thắng giải thưởng Booker… Nhưng ai là người thảo ra danh sách và ai là người chọn ra kết quả thì ta hoàn toàn mù tịt. Chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác điều gì đã xảy ra trong căn phòng nơi lịch sử văn học đang khắc lên mình những dấu vết mới. Tuy nhiên, nhờ dữ liệu mới về các giải thưởng văn học Mĩ, giờ đây chúng ta có thể biết được một vài chi tiết về xu hướng này.
Mùa xuân năm ngoái, công ti dữ liệu Post45 đã tiến hành thống kê để xem có sự tương quan nào giữa ban giám khảo và người chiến thắng ở các giải thưởng không. Theo đó đầu vào bao gồm thông tin về người chiến thắng và giám khảo từ gần 40 giải thưởng (trị giá 10.000 USD trở lên) từ năm 1918 đến năm 2020 đã được sử dụng.
Điều đầu tiên mà dữ liệu này cho ta thấy được là việc chọn ra những tác phẩm hay vốn nằm trong tay của rất ít người. Trong 35 năm qua, có 25 cá nhân đã từng có mặt trong ban giám khảo hơn 700 lần, cho hơn 30 giải thưởng có danh tiếng khác nhau. 25 người này chiếm 25% tổng số các vị giám khảo trong thời kì đó.
Trong số này, Joy Williams - nhà viết truyện ngắn, tiểu thuyết gia và người lọt vào chung khảo của giải Pulitzer - là người đã làm giám khảo trong 75 giải thưởng và cũng chọn ra hơn 150 người chiến thắng, với tổng cộng là hàng triệu đô la tiền thưởng. Khi hỏi về sự xuất hiện đặc biệt có phải quá nhiều của mình, người đại diện của Williams từ chối bình luận, nhưng nói thêm rằng nữ tác giả không nghĩ kết quả của các giải thưởng luôn luôn đúng đắn.
Ngoài thực tế là nhiều người trong số thành phần giám khảo thường xuyên lặp lại, thì họ hầu như cũng đều là người da trắng. Theo đó 5 năm sau khi Yêu Dấu của Morrison được xuất bản, chỉ có 15% giám khảo cho 2 giải Sách Quốc gia và Pulitzer là người da màu. Hơn nữa, có đến 16 năm mà ban giám khảo của giải Pulitzer không có người da màu nào. Nhưng tình hình này đã được cải thiện, khi trong 5 năm vừa qua, các giám khảo da màu chiếm hơn một nửa số lượng cho cả Giải Pulitzer và Giải Sách Quốc gia (tương ứng là 52% và 56%).
Thành phần giám khảo da màu của giải sách Quốc gia Mĩ.
Dù cho vấn đề thành phần ban giám khảo trở nên ngày càng đa dạng là một điều tốt, thế nhưng điều đó cũng không tạo kết quả nào quá đỗi bất ngờ. Nhưng đây là lúc mọi thứ trở nên rắc rối, bởi lẽ một ban giám khảo đa dạng thì không đồng nghĩa với các tác phẩm lọt vào chung khảo sẽ đa dạng hơn.
Trong 35 năm qua, ban giám khảo gồm 5 thành viên của Giải Sách Quốc gia gồm toàn là giám khảo da trắng hay chỉ bao gồm một giám khảo da màu, cũng không tạo ra nhiều điều khác biệt. Trong 2 trường hợp, trung bình chỉ có 1 người vào vòng chung khảo là người da màu. Chỉ khi phần lớn giám khảo là người da màu (điều này chỉ xảy ra 5 lần, và tất cả đều diễn ra trong thập kỉ qua), thì danh sách rút gọn mới trở nên đa dạng hơn đáng kể (khoảng 3/5 tác phẩm).
Thành phần giám khảo khác nhau có thể cho ra danh sách rút gọn có sự góp mặt của người da màu khác nhau.
Những con số trên một phần nào đó đã cho thấy được ảnh hưởng của sự đa dạng về thành phần ban giám khảo đối với người chiến thắng sau cùng. Đôi khi cái tên được gọi không phải là xuất sắc nhất, mà chỉ đơn giản là phù hợp với người đánh giá của mùa năm ấy. Thêm một lần nữa, câu ngạn ngữ cổ nhưng chưa bao giờ thôi đúng xuất hiện trở lại, “Đừng đánh giá một cuốn sách chỉ qua bìa sách”, nhưng ở đây là dòng tít phụ “Tác phẩm đã chiến thắng giải…”
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài viết của Public Books.
VNQD