Khi tác giả trên khắp thế giới khám phá những nỗi sợ hãi của mình, thì tiểu thuyết kinh dị ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ để mang đến những phản ánh rùng rợn về thời đại chúng ta.
Cách đây vài thập kỉ, tiểu thuyết kinh dị chỉ có một vài cái tên nổi bật. Đó là Stephen King và Dean Koontz ở Mĩ, James Herbert và Clive Barker ở Anh. Đây là thời kì mà thể loại này bùng nổ về doanh số bán hàng nhưng không được giới phê bình đánh giá cao. Và sau đó, vào giữa những năm 1990, dòng chảy tác phẩm nói trên gần như “cạn nguồn”. Các nhà văn viết này bắt đầu chuyển hướng để “thân thiện” hơn với thị trường lúc đó, gồm các thể loại li kì, giả tưởng, đen tối hoặc kinh dị vừa phải, hấp dẫn, hồi hộp.
Bây giờ thì sách “kinh hoàng” đã quay trở lại và nó không còn phải “pha tạp” nữa. Trong khi các nhà xuất bản có quy mô lớn như Titan và Nightfire gần như dành toàn bộ tâm sức để giới thiệu thể loại này, thì những thương hiệu nhỏ hơn cũng giúp quảng bá những cái tên mới và hình thành một cộng đồng đọc tương đối gắn kết, gồm độc giả, nhà văn và các nhà phê bình.
Các tác phẩm kinh dị nổi bật ở thị trường Âu - Mĩ.
Từ làn sóng mới của sự bùng nổ tiểu thuyết kinh dị ở Argentina đến các truyện dân gian “cách tân” của Anh, từ tác phẩm kinh dị đậm chất Á Đông của các tác giả như nhà văn người Canada gốc Hoa - Ai Jiang đến di sản châu Phi của Nuzo Onoh – tác giả người Anh gốc Nigeria; các nhà văn trên khắp thế giới vẫn đang sáng tạo bất chấp biên giới. Kinh dị đang dần thay đổi, chuyển từ thể loại từng chỉ dành cho nam giới da trắng thành một thể loại đa dạng và phong phú hơn.
Trong đó Out There Screaming: An Anthology of New Black Horror (tạm dịch: Tiếng thét ngoài kia: Tuyển tập truyện kinh dị mới) được biên tập bởi đạo diễn danh tiếng Jordan Peele, người đã thực hiện Us và tác phẩm đoạt giải Oscar - Get Out, như là đại diện cho hiện tượng này. Peele đã viết trong phần giới thiệu: “Tôi xem kinh dị như sự giải trí bằng những giây phút hồi hộp. Đó là cách để ta vượt qua nỗi đau và sự sợ hãi sâu thẳm nhất.”
Tập truyện nói trên được Peele biên soạn cùng với John Joseph Adams, như một cơ hội để “những tác giả da đen xuất sắc nhất có dịp được giới thiệu rộng rãi hơn”. Ông nói “Tôi hi vọng rằng khi thấy những cơn ác mộng được cá nhân hóa, thì độc giả có thể nhận ra những con ‘quái vật’ chưa được đặt tên ẩn bên trong mình”. Điểm mới của tác phẩm này là nó đã tránh nói về sự phân biệt chủng tộc một cách công khai - đặc biệt là khi khai thác chấn thương từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong cộng đồng những người Da màu.
Qua thể loại này, rất nhiều tiểu thuyết ngoài thị trường lớn là Anh và Mĩ đang được sáng tạo, góp phần phản đối một cách trực tiếp chủ nghĩa đế quốc mới, quyền bá chủ văn hóa và những chấn thương chính trị. Điều này bao gồm lối viết khác biệt như Nothing But Blackened Teeth (tạm dịch: Không gì ngoài cái răng đen) của tác giả người Malaysia - Cassandra Khaw, trong đó một số khách du lịch phương Tây đáng ghét đã phải chịu đựng những sự dày vò siêu nhiên của người Đông Á. Nhà văn người Hungary - Attila Veres, người có tập truyện The Black Maybe (tạm dịch: Gần như đen tối) cũng mô tả lại một cách mới mẻ những yếu tố kinh dị truyền thống quen thuộc...
3 nữ nhà văn nổi bật của châu Mĩ Latinh, gồm Agustina Bazterrica, Samanta Schweblin và Mariana Enríquez.
Ở Anh, thể loại nói trên cũng đang phản ánh rối ren chính trị có tính cấp bách. Trong The Loney (tạm dịch: Đảo Loney) và Starve Acre (tạm dịch: Mảnh đất đói khát), nhà văn Andrew Michael Hurley đã tái hiện lại sự căng thẳng giữa nổi loạn và truyền thống thành phong cách gothic mới, trong khi tiểu thuyết Tell Me I'm Worthless (tạm dịch: Hãy nói rằng tôi vô dụng) đáng kinh ngạc của Alison Rumfitt trình bày nước Anh như một ngôi nhà ma ám, đang gặp rắc rối bởi tinh thần bất an của chủ nghĩa phát xít và các định kiến ngày càng gia tăng…
Tuy nhiên, không ở đâu sự bùng nổ của thể loại kinh dị phù hợp với ý tưởng “bạo lực sinh ra bạo lực” hơn ở châu Mĩ Latinh. Đặc biệt, trọng tâm tập trung vào Argentina, nơi một cuộc cách mạng rùng rợn đang được dẫn dắt bởi bộ 3 nữ nhà văn: Agustina Bazterrica, Samanta Schweblin và Mariana Enríquez. Đây là số ít tác giả đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, dù viết bằng ngôn ngữ gốc thì số lượng này còn nhiều hơn nữa. Theo Bazterrica và Enríquez, rất nhiều nhà văn đến từ khu vực này hiện được đánh giá rất cao tại quốc gia của họ, nhưng phần lớn vẫn chưa được biết đến đối với những người hâm mộ kinh dị đọc tiếng Anh.
Đối với Bazterrica, sự trỗi dậy của nỗi kinh hoàng ở Argentina phản ánh một quốc gia “đầy rẫy bạo lực, nơi mà sức nặng khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố đã tra tấn, giết chết và làm biến mất hàng nghìn người mỗi ngày”. Kí ức về sự khủng bố thể chế như vậy luôn hiện diện trong Tender Is the Flesh (tạm dịch: Dịu dàng là máu thịt), mô tả một thế giới trong đó thịt động vật không thể ăn được, dẫn đến những nỗi kinh hoàng khi con người ăn thịt đồng loại. Đó là sự pha trộn có phần tàn bạo giữa khoa học viễn tưởng đen tối, bình luận xã hội và kinh dị thuần chất, một kiểu kết hợp mà Bazterrica gọi là “thoát khỏi những khuôn mẫu thường thấy”.
Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết Little Eyes (tạm dịch: Những đôi mắt nhỏ) của Schweblin tập trung vào sự gắn kết của chúng ta với công nghệ và chủ nghĩa tư bản. Đây là câu chuyện mang tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm và cẩn trọng hơn khi chính con người bị biến thành các cảnh tượng và nội dung ngắn cho đối tượng khác chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng nhận thấy trong cơn hoang tưởng công nghệ này tiếng vang của lịch sử áp bức và giám sát nhà nước gần đây của quốc gia cô.
Mariana Enríquez có lẽ là nhà văn nổi bật nhất về thể loại kinh dị Mĩ Latinh. Bản dịch tiếng Anh của tập truyện ngắn Things We Lost in the Fire (tạm dịch: Những thứ đã mất trong ngọn lửa) và The Dangers of Smoking in Bed (tạm dịch: Hiểm nguy khi hút thuốc trên giường) đã mang lại cho cô thành công vang dội ở nước ngoài. Năm ngoái, cô đã phát hành tập truyện kinh dị có dung lượng lớn Our Share of Night (tạm dịch: Cùng trải qua màn đêm), ghi lại sự man rợ của một trật tự huyền bí trong nhiều thập kỷ. Enríquez không cố gắng che giấu mối liên hệ giữa sức mạnh khủng khiếp của các yếu tố kinh dị và chính quyền quân sự của Argentina.
Tác phẩm mới này là sự giao thoa giữa không khí kinh dị độc đáo của Argentina và truyền thống Anglo có phần quen thuộc. Đôi khi nó giống như cuộc phiêu lưu của tuổi mới lớn của Stephen King được dùng để làm cảm hứng trên đường phố Buenos Aires. Ngoài ra cũng có một phần văn bản lấy bối cảnh ở London những năm 60 chìm đắm trong chứng ảo giác dân gian ở Anh, trong khi một phần khác thì bị ám ảnh bởi cái chết hoàn toàn có thật của cậu bé 13 tuổi Omayra Sánchez, thiệt mạng do một trận lở đất ở Colombia… Đó là sự kết hợp giữa những điều được mong đợi và những điều không quen thuộc mà chúng ta có thể tìm thấy ở làn sóng mới của sách kinh dị.
Nói về điều này, Enríquez cho biết các nhà văn ở Mĩ Latinh “đọc King và Lovecraft, đọc Poe và Jackson… nhưng cũng từ đó họ kể câu chuyện thực tế của bản thân mình và đất nước mình”.
NGÔ MINH dịch từ The Guardian
VNQD