Có một Toni Morrison khác biệt trong ngành xuất bản

Thứ Ba, 07/11/2023 07:09

Việc xuất bản sách đã (và đang) “trắng” đến mức không thể chịu nổi. Năm 1971, khi Toni Morrison trở thành biên tập viên (BTV) chính thức, khoảng 95% tiểu thuyết đến từ các NXB lớn là của tác giả da trắng. Nửa thế kỉ sau, vào năm 2018, con số nói trên chỉ giảm vỏn vẹn xuống 6%, hiện đang ở mức 89%.

Chênh vênh giữa hai thế lực

Bên cạnh là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, Toni Morrison cũng có thời gian làm việc trong ngành xuất bản gian nan.

Marie Brown là người phụ nữ da màu duy nhất làm biên tập viên tại NXB Doubleday trong ngày hiện tại. Theo bà, những người như mình thường phải đối mặt với những định kiến về mặt chủng tộc cũng như giới tính, khiến những thành tựu của Morrison từ trong quá khứ ngày càng trở nên rất đáng kinh ngạc. Theo đó nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 1993 đã bắt đầu sự nghiệp trong ngành xuất bản với tư cách là BTV sách giáo khoa cho Syracuse, một chi nhánh con của Random House.

Trong thời của mình, Morrison đã cho xuất bản sách phi hư cấu của Muhammad Ali và Angela Davis, tiểu thuyết cũng như thơ ca của Toni Cade Bambara, Lucille Clifton, Leon Forrest, June Jordan và Gayl Jones. Có thể nói rằng bà đã cố gắng đạt được một chút tiến bộ trước sự “trắng trơn” của giới xuất bản. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Morrison gần như tiến thoái lưỡng nan ở thời bấy giờ. Trong giới xuất bản bà phải tranh đấu giành quyền xuất bản trước người da trắng, thế nhưng với người da màu thì sự mâu thuẫn, quan điểm cực đoan cũng khiến nỗ lực của bà giảm đi ảnh hưởng.

Theo đó vào thập niên 1970 của thế kỉ trước, Morrison từng cho xuất bản tuyển tập gồm thơ và các tiểu thuyết của Henry Dumas - một nhà văn da màu bị sát hại bởi lực lượng cảnh sát vào năm 1968. Chuyện quan trọng là trước khi bản in này được ra mắt, thì các tác phẩm của Dumas đã từng xuất hiện trong các tờ báo của người da màu, vậy nên nỗ lực in nó ở một NXB da trắng khiến cho những người da màu không mấy hài lòng. Những người bị đàn áp này cáo buộc Morrison chỉ quan tâm đến bản thân và “sự nghiệp vốn đã danh giá” của bà. Morrison sau đó đã trả lời rằng bà bị tổn thương một cách sâu sắc vì chỉ trích này.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Morrison dần dần trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Bà đã xuất bản cuốn sách đầu tiên - Mắt nào xanh nhất - với Holt, Rinehart vào năm 1970. Khi Robert Gottlieb, biên tập viên của Knopf, biết rằng tác giả cuốn sách làm việc trong cùng tòa nhà với mình, ông đã gặp bà và rồi trở thành BTV cho phần lớn tác phẩm còn lại của Morrison. Trong cuốn tiểu thuyết A Mercy (tạm dịch: Thương xót) ra mắt vào năm 2008, bà đã đề tặng tác phẩm cho người đàn ông này. Bà cho xuất bản tiểu thuyết thứ 2, Sula, vào năm 1973.

Khi gửi lời mong muốn James Baldwin viết lời đề tặng trong sách của mình, bà đã than thở rằng mình đã không thể là người biên tập cuốn sách mới nhất của ông, If Beale Street Could Talk (tạm dịch: Nếu đường Beale có thể nói ra). Bà viết trong thư “Nó đẹp đến mức tôi muốn giấu nó, chạm mạnh vào nó, quảng bá cho nó và tìm hiểu nó.” Sau khi xuất bản cuốn sách thứ 3, Song of Solomon (tạm dịch: Bài hát của Solomon) vào năm 1977, bà thấy mình cần có thêm thời gian để tập trung vào việc viết lách. Vì vậy bà đã bắt đầu đến văn phòng một ngày mỗi tuần và làm phần việc còn lại ở nhà của mình.

Trong những năm cuối làm BTV, Morrison góp phần dẫn dắt những cuộc đứng lên giành lại thu nhập xứng đáng cho công việc này. Năm 1981, bà đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Nhà văn Hoa Kì trước đám đông gần 3 nghìn người. Bà nói, các BTV ngày nay “đang bị coi thường”. “Họ bị lợi dụng khi các ông chủ cảm thấy hài lòng, và bị đuổi việc khi họ chán ghét”. Đáp lại lời bà là tiếng reo hò cũng như vỗ tay. Bà tiếp tục nói “Cuộc sống của cộng đồng viết văn đang bị tấn công […] Các BTV giờ đây được đánh giá dựa trên lợi nhuận của những cuốn sách, hơn là nỗ lực mà họ bỏ ra. Việc chấp nhận cái luôn sẵn có của thị trường này khiến cho chúng ta luôn thiếu hiểu biết.”

Những ẩn ý ngầm

Tiểu thuyết Yêu dấu có nhiều khả năng ngầm chứa phần nào câu chuyện về giới xuất bản.

Vào năm 1983, bà đã kết thúc công việc tại Random House. “Rời đi là một ý hay”, bà đã viết thế trong cuốn Yêu dấu ra mắt vào năm 1987. Trong lời nói đầu, bà trần tình rằng: “Những cuốn tôi đã biên tập không kiếm được quá nhiều tiền.” Bà cũng ngấm ngầm tiết lộ danh sách mình muốn xuất bản hiếm khi được phép thông qua. “Sự nhiệt tình của tôi thường được số ít cá nhân quan tâm chia sẻ, nhưng những người khác thì phản đối nó vì lượng bán ra ít ỏi”.

Nghỉ việc cho bà thời gian để đắm mình vào tiểu thuyết Yêu dấu, và trên thực tế nó sẽ trở thành thành công lớn nhất của bà. Tác phẩm dựa trên sự kiện hoàn toàn có thật, khi người nữ nô lệ Margaret Garner mong muốn thoát khỏi chế độ nô lệ đã di chuyển từ Kentucky đến Ohio cùng 4 người con vào năm 1856. Khi những kẻ buôn nô lệ bắt được bọn họ, Garner đã giết đứa con 2 tuổi thay vì để chúng tiếp tục trở thành làm nô lệ. Morrison đã chuyển câu chuyện của Garner sang nhân vật chính mang tính hư cấu Sethe, và viết thêm phần sau khi nhân vật này bị ám ảnh bởi đứa trẻ đã chết mà mình đặt tên là Yêu dấu.

Đó là một cuốn tiểu thuyết vô cùng ám ảnh về chế độ nô lệ. Nó đã đoạt giải Pulitzer năm 1988, góp phần giúp bà đoạt giải Nobel 1993, cũng như trở thành tiểu thuyết Hoa Kì được lưu giữ nhiều nhất trong hệ thống các thư viện. Nó cũng đồng thời là tác phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trên các tạp chí học thuật, và rồi chi phối cả nền văn học của người Mĩ gốc Phi trong những thập kỉ tới.

Theo lời kể của Morrison, Yêu dấu đâu đó cũng có ngụ ý về nghề xuất bản. Nhìn vẻ bề ngoài thì đây có thể là một tuyên bố có phần “lố bịch”, bởi nó chỉ có kẻ buôn nô lệ, cái chết và những tổn thương. Nó không có BTV, không có cả NXB. Thế nhưng trong lời đầu sách bà đã nói rằng: “Sau ngày làm việc cuối được ít hôm, khi đang ngồi trước nhà trên cầu tàu chìa ra sông Hudson, tôi chợt cảm thấy một nỗi bồn chồn, bứt rứt thay vì là sự bình yên tôi hằng mong đợi. Tôi soát lại khắp danh mục vấn đề của mình nhưng không tìm được cái gì mới lạ phát sinh hay là thôi thúc. Tôi dò không ra cái gì làm mình băn khoăn trong một ngày tuyệt hảo như thế, khi đang ngắm nhìn một con sông thanh tịnh. Tôi không có kế hoạch gì và cũng không nghe thấy nếu điện thoại reo.”(1)

“Thế nhưng tôi nghe được con tim mình, nó đập thình thịch trong lồng ngực này như con ngựa non. Tôi quay trở vào nhà để xem lại nỗi e sợ, thậm chí là hoảng loạn này. Tôi biết sợ hãi cảm giác ra sao; cái này thì khác. Thế rồi nó ập vào tôi: tôi đang hạnh phúc và thật tự do theo cách mình chưa từng có. Đó là cái cảm giác kì lạ vô cùng. Không phải ngây ngất, không phải mãn nguyện, không phải một sự quá độ vì vui mừng hay vì thành tựu. Đó là một niềm vui thuần khiết hơn, một sự mong đợi ngông cuồng nhưng chắc chắn. Yêu Dấu xuất hiện”.

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ chính cơn chấn động vì được tự do khiến tôi suy ngẫm về chuyện ‘tự do’ có thể nghĩa là như thế nào”. Morrison rõ ràng đang nói về việc rời khỏi Random House đã giúp bà cảm nhận được, trong cơ thể mình, một sự tự do mà bà có thể quy nó với sự giải phóng nhân vật của mình ra khỏi chế độ nô lệ. Vì vậy có thể nói rằng Yêu dấu là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đáng sợ và đẹp đẽ, và nó cũng là một “ngụ ngôn” cho ngành xuất bản, khi một phụ nữ da màu làm BTV tại một NXB lớn trong 16 năm, và bị kìm kẹp bởi hai thế lực gần như đối đầu.

Nhưng đó cũng là câu chuyện về niềm hân hoan của sự tự do. Morrison kết thúc lời nói đầu của mình cho Yêu dấu bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ, đảm bảo rằng người đọc sẽ cảm nhận được nhịp tim của cả chính bà và Baby Suggs – mẹ chồng của Sethe: “Tôi để khoảnh khắc trên cầu tàu đó cho con sông lừa mị, cái khả năng tức thì được nhận ra với trái tim đập rộn, nỗi cô độc và cả những mối hiểm nguy”.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch theo nghiên cứu của Dan Sinykin đăng trên LitHub.

--------------------

1. Các trích dẫn từ sách được lấy theo bản dịch của Thiên Nga, do Nhã Nam và NXB Văn học liên kết ấn hành.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)