Được ca ngợi là một trong những tác giả vĩ đại nhất còn sống của nước Mĩ ngày nay, Glück đã pha trộn chất liệu cá nhân với các chủ đề về thần thoại và thiên nhiên, từ đó khắc họa lại những tổn thương và nỗi đau của mình.
Nhà thơ Louise Glück.
Từ tuyệt vọng đến hi vọng
Louise Glück, nhà thơ người Mĩ gần như đã giành được mọi giải thưởng văn chương danh giá, bao gồm cả Pulitzer, Sách Quốc gia Mĩ và Nobel Văn chương, đã qua đời vào hôm thứ Sáu tại nhà riêng ở Cambridge, Massachusetts (Mĩ), hưởng thọ 80 tuổi.
Sự qua đời này đã được xác nhận bởi Jonathan Galassi, biên tập viên tại nhà xuất bản Farrar, Straus & Giroux của bà. Richard Deming, bạn bè và đồng nghiệp cũ ở khoa tiếng Anh tại Yale cho biết nguyên nhân có thể là do ung thư.
Bà Glück nhiều thập niên qua đã được công nhận là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của nước Mĩ, thậm chí rất lâu trước khi bà được vinh danh tại giải Nobel Văn chương 2020.
Bà bắt đầu xuất bản vào những năm 1960 và đã nhận được vài lời khen ngợi vào đầu những năm 1970, nhưng rồi vẫn sẽ củng cố danh tiếng của mình trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 bằng một loạt tác phẩm, trong đó có Triumph of Achilles (tạm dịch: Vinh quang của Achilles, 1985) giành được giải thưởng trao bởi các nhà phê bình (National Book Critics Circle Award). Sau đó Ararat (1990) và The Wild Iris (tạm dịch: Hoa diên vĩ dại, 1992) cũng sẽ đoạt giải Pulitzer ở hạng mục thơ.
Tác phẩm của bà được giới phê bình đánh giá là vừa mang tính cá nhân sâu sắc - chẳng hạn như Ararat kể về nỗi đau mà bà trải qua trước cái chết của cha mình - nhưng cũng đồng thời mang tính phổ quát, có được khả năng tiếp cận một cách rộng rãi với độc giả phổ thông.
Tính cho đến nay bà đã xuất bản 14 tập thơ, và mỗi một tập đều có được dấu ấn riêng. Nhà phê bình Wendy Lesser trong bài đánh giá về Triumph of Achilles trên tờ The Washington Post đã viết rằng: “Ngôn ngữ của Glück tương đối thẳng thắn, gần gũi với cách diễn đạt của lối nói thông thường. Tuy nhiên, sự lựa chọn cẩn thận về nhịp điệu và sự lặp lại, cũng như tính chất cụ thể của ngay cả những cụm từ mơ hồ về mặt ngữ nghĩa, cũng giúp cho thơ của bà có được sức nặng.”
Bà từng nói khi nhận giải Nobel Văn chương rằng: “Những nhà thơ mà tôi đọc khi trưởng thành là những vĩ nhân mà tác phẩm của họ, với tư cách độc giả, đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi”. Với sự hóm hỉnh và cũng đôi khi là không khoan nhượng, qua ngôn từ sắc bén, bà đã gắn liền cá nhân đối với xã hội, gắn cái cụ thể với cái phổ quát, lặp lại những sự suy ngẫm về cuộc đấu tranh của mình với các chủ đề về gia đình, cái chết và sự mất mát.
Khi trao cho bà giải thưởng nói trên, Ủy ban Văn chương Nobel đã ca ngợi bà là “một giọng thơ không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khắc khổ khiến sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”. Theo đó “ảm đạm”, “xa lánh” và “khắc khổ” đều là những tính từ mà nhiều độc giả vốn quen tìm thấy trong bài phê bình về tác phẩm của bà. Nhà phê bình Don Bogen từng viết: “Bà ấy thực chất chính là nhà thơ của một thế giới sa ngã”.
Trong đó thiên nhiên cũng hiếm khi có vẻ đẹp trong tác phẩm của bà. Nó đầy đau buồn, nguy hiểm và thất vọng. Trong bài thơ có lẽ là nổi tiếng nhất mang tên Mock Orange (tạm dịch: Cam dỏm) bà đã viết rằng: “Chúng ta bị lừa phỉnh/ Và cái mùi cam dỏm ấy/ trôi giạt qua cửa sổ/ Làm sao tôi có thể nghỉ ngơi?/ Làm sao tôi có thể vừa lòng?/ khi vẫn còn/ cái mùi ấy trên đời?” (1)
Nhưng nếu công việc của bà hiếm khi mang lại sự cứu chuộc nào, chứ đừng nói đến niềm vui, thì bà cũng vẫn tìm kiếm những sự an ủi. Chẳng hạn như đối với bà, “ơn gọi” của Achilles chính là cái chết, khi cũng từ đó mà người anh hùng có được hi vọng tái sinh lần nữa.
Trong bài thơ The Wild Iris trích từ tuyển tập cùng tên, bà đã viết từ góc nhìn của một bông hoa: “Các người những kẻ không nhớ/ lối đi từ thế giới kia sang,/ tôi nói cho nghe tôi có thể cất tiếng lần nữa: bất cứ thứ gì/ trở về từ lãng quên đều trở về/ để tìm một giọng nói:/ từ giữa đời tôi chảy lên/ một suối nguồn vĩ đại, những bóng xanh thẳm / trên nước biển xanh trong.” (2)
E ngại với sự nổi tiếng
Louise Elizabeth Glück sinh ngày 22/4/1943 tại Thành phố New York và lớn lên ở Cedarhurst, trên Bờ Nam của Long Island. Cha bà, Daniel, là một doanh nhân cũng sáng tác thơ, trong khi mẹ bà, Beatrice (Grosby) Glück, là người nội trợ.
Louise theo đó đã được đánh giá là có trí tuệ ngay từ tấm bé. Trong diễn từ nhận giải Nobel, bà đã nhớ lại một buổi tối nọ, đâu đó khoảng độ 6 tuổi, bà đã thức khuya để chỉ tranh luận với bản thân mình đâu là “bài thơ hay nhất thế giới”, và rồi không thể quyết định giữa 2 tác phẩm lọt vào vòng cuối: The Little Black Boy (tạm dịch: Cậu bé da đen) của William Blake và Swanee River (tạm dịch: Sông Swanee) của Stephen Foster. (Thế nhưng sau nhiều giằng co, cuối cùng thì Blake cũng giành chiến thắng).
Các tác phẩm nổi tiếng của bà.
Trong thì quá khứ, bà đã từng phải vật lộn với chứng biếng ăn khi còn thiếu thời, có lúc cân nặng chỉ khoảng gần 75 pound (khoảng 35 kg). Bà nói: “Sau này, tôi bắt đầu hiểu những hiểm nguy cũng như hạn chế của tư duy phân cấp, nhưng thời thơ ấu, việc phân định ấy dường như là rất quan trọng”. Có điều nói trên là bởi việc nhịn ăn ấy là một hình thức mà bản thân bà tự phê bình mình.
Vào giữa những năm 1960, bà làm thư kí vào buổi ban ngày và sáng tác mỗi khi rảnh rỗi. Chẳng bao lâu sau, bà đã được xuất bản trên các tạp chí nổi tiếng ở mảng văn chương như The New Yorker, The Atlantic và The Nation. Tập thơ đầu tiên Firstborn (tạm dịch: Đứa con đầu lòng) đã khiến cho Glück rơi vào kiệt sức cũng như bế tắc trong việc viết lách.
Mặc dù cho lúc bắt đầu sự nghiệp, bà đã nói mình không muốn đảm nhận công việc giảng dạy, thế nhưng cuối cùng bà đã chấp nhận một vị trí nọ tại trường Cao đẳng Goddard (Vermont). Điều khiến bà hơi ngạc nhiên là sau đó hóa ra việc này rất hợp với bà, thậm chí bà còn lấy nó làm nguồn cảm hứng.
Bà đã xuất bản 14 tập thơ, trong đó có tuyển tập Thơ ca: 1962-2012 như bản tóm tắt hoàn chỉnh di sản của bà. Ngày nay nó được coi như “tài liệu bắt buộc” đối với bất kì nhà thơ đầy tham vọng nào, và có thể nói là bất kì ai nghiêm túc về văn học Mĩ hiện đại.
Bà cũng đã viết 2 tập tiểu luận và vào năm 2022, Marigold and Rose: A Fiction (tạm dịch: Vạn thọ và hồng) – tác phẩm nằm giữa ranh giới giữa tiểu thuyết và thơ, cũng được ra mắt. Năm 2016, cựu tổng thống Barack Obama đã trao tặng bà Huân chương Nhân văn Quốc gia trong một buổi lễ tại Nhà Trắng.
Tuy vậy thì Glück vẫn chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với sự nổi tiếng của mình. Cho đến ngày nay bà vẫn còn lo rằng việc được coi là một nhà thơ nổi tiếng là nửa chặng đường trên chính con đường trở nên tầm thường. Bà từng chia sẻ “Khi biết tôi có lượng độc giả lớn, tôi nghĩ, 'Ồ, thật là tuyệt vời, tôi sắp trở thành Longfellow (3)' - một người dễ hiểu, dễ thích, theo kiểu trải nghiệm một lần rồi thôi. Nhưng tôi không muốn trở thành Longfellow. Xin lỗi Ngài nhé, nhưng tôi không muốn mình thế”.
Bà cũng nói trong diễn từ của mình: “Một số nhà thơ không thích việc được tiếp xúc theo kiểu không gian, như trong khán phòng chật kín những người; mà là theo kiểu thời gian, một cách tuần tự chầm chậm trôi chảy. Rất nhiều tác giả đi theo hướng này, và cũng do đó, mà những độc giả đến từng người một, theo cách riêng lẻ.” Độc giả của bà, cho đến ngày nay vẫn chầm chậm đến.
LINH TRANG dịch từ The New York Times
-------------------
1. Bản dịch của nhà thơ Hoàng Hưng.
2. Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng.
3. Henry Wadsworth Longfellow (1807 – 1882) người Mĩ, nổi tiếng với các thể loại trữ tình.
VNQD