Yiyun Li (Lý Dực Vân) là tác giả của nhiều tiểu thuyết được đánh giá cao, như Chốn cô độc của linh hồn, Những kẻ lang thang và tập truyện ngắn Ngàn năm thiện nguyện. Bà là tác giả gốc Trung viết bằng tiếng Anh từng đoạt được nhiều giải thưởng với các tác phẩm sâu sắc, lạnh lùng và đầy phản kháng. Tiểu luận sau đây bàn về tiền bạc nói riêng và các khía cạnh vật chất khác nói chung trong văn chương cũng như trong cuộc đời bà.
Nhà văn Lý Dực Vân.
“Một trong những câu tôi thường hỏi sinh viên trước khi đọc bản thảo của họ là: Thế kế sinh nhai của nhân vật này là gì? Hẳn nhiên sự quan tâm đến tiền bạc ấy thường bị một số người coi là tầm thường hoặc quá thực tế hay không “văn chương”. Nhưng tôi muốn chỉ ra rằng nhân vật không sống chỉ nhờ không khí. Bánh mì họ ăn từ đâu và giấy vệ sinh họ dùng đến từ chỗ nào? Đại văn hào Lev Tolstoy trong Chiến tranh và Hòa bình cũng không bỏ qua hành động mô tả từng ngôi nhà một. Sự cô đơn và cô lập của một nhân vật có thể tạo được cảm xúc, nhưng chúng cũng giống như những chiếc váy hay những chiếc bánh của người sành ăn, là một phần của đời sống này, vì vậy nó phải hiện diện.
Vào tháng 8 năm 1996, tôi đã đến Mĩ với hai chiếc vali có đủ mọi thứ mà tôi nghĩ bản thân sẽ cần cho cuộc sống mới – quần áo cho mùa hè và mùa đông, hai chiếc khăn quàng cổ, một đôi găng tay, một đôi giày thể thao, một đôi xăng đan, hai gói băng vệ sinh và một con dao gấp mà chị tôi mới mua rồi nhét vào vali của tôi. Tôi cũng có năm tờ 100 USD mới toanh. Và bạn biết không, tôi chỉ bỏ chiếc ví ấy mới 2 tháng trước, sau 27 năm sử dụng. Nó đã rất rách nát vào năm 2023.
Giá thuê căn hộ studio rộng 200 feet vuông của tôi vào năm đầu tiên ở Iowa là 275 USD. Tôi đã kiếm được khoản trợ cấp 15.600 USD khi là sinh viên tại Đại học Iowa. Tuần đầu tiên sau khi ổn định cuộc sống, tôi tìm được công việc lật bánh mì kẹp thịt tại Hội sinh viên, nhưng một tuần sau tôi được thông báo rằng mình không còn được phép làm công việc này nữa vì khoản học bổng mà tôi vốn có đã ngang với 20 giờ làm việc của sinh viên sau đại học. Và người nước ngoài không có thị thực sinh viên F-1 thì không được phép làm việc quá 20 giờ một tuần.
Cub Foods ở thành phố Iowa là nơi tôi thực hiện hầu hết việc mua hàng tạp hóa. Năm đầu tiên tại nước Mĩ này tôi đã mua loại bánh mì trắng có giá rẻ nhất 9 cent một túi, dùng được cả tuần. Một người bạn của tôi có bạn bè làm việc tại chuỗi siêu thị Hy-Vee địa phương, và đôi khi cô ấy tặng tôi một túi bánh mì rất ngon đã quá hạn sử dụng. Những chiếc bánh mì này có giá 1,49 USD hoặc 2,49 USD một túi, và dù cho đã hết hạn nhưng chúng rất ngon và khiến bánh mì 9 cent của tôi chẳng đáng là bao. Năm sau tôi kết hôn và bánh mì trở thành 19 cent cho hai người. Và một năm sau là 29 cent, 49 cent và 89 cent cho đến khi tôi nhận được công việc đầu tiên tại phòng thí nghiệm của một bệnh viện vào năm 2002.
Thế nhưng tôi lại không thấy nghèo nàn. Tôi bị mê hoặc bởi ý tưởng phi thực tế là học tiếng Anh để có cơ hội trở thành nhà văn. Xung quanh tôi có rất nhiều sách: có tất cả tiểu thuyết trong thư viện, có những từ vựng mà tôi muốn học và có cả một nhà báo địa phương đã nghỉ hưu dạy kèm cho tôi tiếng Latin và tiếng Pháp với một khoản phí gần như không đáng là bao. Tôi nghĩ bà ấy thích thú ý tưởng về việc ai đó muốn học một ngôn ngữ mới, vì bản thân bà nói được 14 thứ tiếng.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ của Lý Dực Vân.
Năm 2000, tôi từ bỏ việc nghiên cứu, tìm việc trong phòng thí nghiệm, viết lách, và sau đó, từ năm 2002 đến năm 2005, tôi đăng kí hai chương trình MFA [1] tại Iowa. Lúc đó tôi mới làm mẹ và việc có thị thực sinh viên đồng nghĩa với việc một lần nữa tôi chỉ có thể làm việc 20 giờ một tuần, kéo theo bị mất việc ở phòng thí nghiệm. Tôi đã không nhận được bất kì khoản tài trợ nào trong năm đầu tiên tham gia chương trình. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, vì được tham gia một chương trình viết văn đã là một điều xa xỉ rồi.
Gia đình ba người của chúng tôi lúc đó được hỗ trợ chủ yếu nhờ tiền trợ cấp tốt nghiệp của chồng tôi. Chúng tôi chuyển đến một ngôi nhà rẻ nhất hiện có, trong một khu phức hợp từng là doanh trại quân đội và sau đó được sử dụng làm nhà ở gia đình cho (hầu hết) sinh viên quốc tế. Căn hộ hai phòng ngủ của chúng tôi có giá 425 USD một tháng. Dịch vụ chăm sóc trẻ của chúng tôi tốn 500 USD một tháng.
Và tôi vẫn không thấy nghèo. Trên thực tế, nếu tôi được phép đưa ra một tuyên bố sáo rỗng, tôi sẽ nói rằng những năm tháng trở thành một người nước ngoài không cư trú, xây dựng một cuộc hôn nhân, trở thành một người mẹ và nỗ lực thành một nhà văn - những năm đó tràn đầy niềm vui và có mục đích.
Trong thời gian này, hai cuộc trò chuyện với các bạn cùng lớp MFA của tôi khiến tôi cảm thấy phi thường. Trong một lần, có người nhận xét rằng tôi là người duy nhất trong chương trình MFA sống ở khu ổ chuột dành cho sinh viên tốt nghiệp ở Iowa. (Hầu hết những người trong nhóm của tôi sống trong những ngôi nhà xung quanh thị trấn - không sang trọng, nhưng tốt hơn nhiều so với những khối xi măng mà chúng tôi ở).
Cuộc trò chuyện khác là với một phụ nữ trẻ thông minh, người phàn nàn về việc không có đủ tiền, nhưng sự chú ý của cô đến việc viết lách đã đánh thức tôi. Cô được chương trình tài trợ hoàn toàn, nhưng cũng phải vay một khoản cho các kì học kéo dài 3 năm. Tôi cho rằng không nhiều người trong nhóm tham gia ở Iowa vào thời gian đó có thể được gọi là giàu có, nhưng hầu hết họ đều là công dân Mĩ. Và nhiều người trong số họ đã mua sắm tại Co-Op, nơi mà vào thời điểm đó là nơi tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến.
Tôi viết những điều này không phải để lãng mạn hóa trải nghiệm trở thành một nghệ sĩ nghèo hay sự khó khăn khi là một người nhập cư. Thực sự, điều tôi nhớ nhất khoảng thời gian này là niềm vui được sáng tạo sau khi con mình đã ngủ và được làm việc từ nửa đêm đến 4 giờ sáng. Chúng tôi sống trong không gian chật chội, với bàn làm việc ở văn phòng tôi là một chiếc bàn xếp, mua được ở một cửa hàng bán đồ cũ với giá chỉ 5 USD.
Những giờ đêm đó việc gõ phím trên chiếc bàn lung lay, nhìn ra cửa sổ là bức tường trắng lạnh lẽo, nghe thấy tiếng tàu chở hàng ầm ầm qua khung cửa sổ và hy vọng đứa bé sẽ không thức giấc vì bị khuấy động bởi tiếng ồn… đã an ủi tôi. Niềm vui của những giờ phút đó chính là vẻ đẹp của việc trở thành nhà văn và được sống theo bất kì phong cách nào. Đúng hơn là nó đến từ việc biết rằng tôi không cần phải trở thành nhà văn. Trên thực tế, tôi không ở vị trí tốt nhất để trở thành một nhà văn, nhưng tôi đã chọn con đường đó. Bản thân tôi thấy quyết định năm đó đã là một điều thật sự xa xỉ.
Rồi một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ The Paris Review, hỏi xem câu chuyện tôi đã gửi đến tòa sạn của họ đã được đăng tải ở đâu hay chưa. Sau đó người phụ nữ nói chuyện qua điện thoại đã trở thành bạn thân nhất của tôi. Cô nói Tòa soạn đã cố tìm hiểu nhưng không tìm thấy thông tin của tôi dù là chú ít trên mạng. (Điều đó, nhìn lại cũng là một điều xa xỉ).
Vào tháng 9 năm 2003, tôi đăng câu chuyện đầu tiên của mình trên tờ The Paris Review và được trả 1000 USD. Tuần đó, chồng tôi và tôi đến cửa hàng tạp hóa Fairway và mua 4 hộp việt quất nặng chỉ 6 oz (gần 200 gram) với giá trên trời là 1,5 USD một hộp. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nếm quả việt quất, và được trả bằng số tiền mà tôi kiếm được từ việc viết lách”.
LINH TRANG dịch từ bài viết của Yiyun Li trên LitHub
-------------------
1. MFA là viết tắt của Master of Fine Arts, là bằng tốt nghiệp dành cho sinh viên các ngành sáng tạo.
VNQD