Lâu đài và Tửu quán giao thoa của Italo Calvino

Thứ Ba, 05/09/2023 10:27

4 năm sau tác phẩm Người tình nhân cuối cùng ở Constatinople của Milorad Pavić được cho ra mắt, thì Italo Calvino cũng cho ra mắt Lâu đài của những số phận giao thoa. Đáng nói, đây đều là các nỗ lực phá vỡ cách đọc văn bản truyền thống, đem người đọc đến với những trải nghiệm mới. Bằng cách kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh (mà ở đây là các lá bài tarot) cả Milorad Pavić và Italo Calvino chính là những tác giả đầu tiên của thể loại “tiểu thuyết mới”.

Nhà văn Italo Calvino.

Không còn xa lạ với độc giả Việt Nam khi cùng với Alberto Moravia, Italo Calvino là một trong những nhà văn Ý được dịch và chuyển ngữ nhiều nhất. Các tác phẩm của ông có sự thử nghiệm độc đáo, từ huyễn tưởng (Nếu một đêm đông có người lữ khách), phân mảnh (Những thành phố vô hình, Palomar) cho đến cực kì mới mẻ như tác phẩm này. Không ngoa khi nó Calvino chính là một trong những nhà văn sáng tạo nhất của thế hệ mình.

Tác phẩm được chia thành hai phần khá tương đồng nhau, là Lâu đài của những số phận giao thoaTửu quán của những số phận giao thoa. Thế nhưng điểm chung là những người tham gia ở hai phân mảnh đều không thể nói. Ở nơi chốn băng rừng xa xôi đó, họ không nghe được tiếng nói của mình và cả của những người khác. Ở đó, tiếng nói không chịu thoát ra khỏi cổ họng của họ mặc cho họ có thể nghe, và cách làm duy nhất là kể câu chuyện qua những lá bài.

Sử dụng hai bộ bài tarot Visconti của thế kỉ XV và cỗ bài Marseille của thế kế kỉ XVIII, Calvino bằng những biến thể và sự đa nghĩa đã hình thành nên các câu chuyện. Tuy một cỗ bài tarot thường được dùng theo nhiều mục đích khác nhau như bói toán, huyền học, chiêm tinh… thế nhưng trong tác phẩm này, ông dùng cách quan sát đơn giản và trực tiếp nhất, là khám phá qua hình ảnh và những chi tiết mà nó thể hiện, từ đó viết nên câu chuyện của các nhân vật.

Do đó phần lớn các chuỗi truyện ngắn của hai phần này đều được đặt bối cảnh vào thời trung cổ. Một cách thông minh, Calvino sử dụng hài hòa các cốt truyện quen thuộc xen lẫn với các câu chuyện mới, để làm nên một tổng thể vừa quen vừa lạ, vừa thực vừa ảo… được đan cài vào nhau một cách mới mẻ. Ở đây ta sẽ gặp lại những vở bi kịch quen thuộc của Shakespeare như Hamlet, Vua Lear hay Macbeth, ngoài ra là các nhân vật bước ra từ thần thoại Hy Lạp như nàng Helen thành Troy, Oedipus… cũng như Faust của Goethe.

ĐI TÌM NHÂN DÁNG

Jhumpa Lahiri, trong cuốn sách mới ra mắt gần đây của mình, Translating Myself and Others (tạm dịch: Chuyển ngữ chính tôi và những người khác), đã giải thích vì sao Italo Calvino lại được yêu thích bên ngoài nước Ý. Theo cô, ngoài là một tác giả, Calvino cũng là một dịch giả của nhà văn, nhà viết kịch Raymond Queneau, do đó, với Calvino, “việc dịch không chỉ để được đọc ở nhiều nơi hơn, mà còn để ‘hiểu rõ hơn những gì đã viết và lí do tại sao viết như thế’. Đối với ông, dịch là một quá trình khám phá để nhìn và biết bản thân từ một góc độ mới, từ một góc độ xa lạ”.

Xét riêng Lâu đài của những số phận giao thoa, có thể nói Calvino cũng đang tự “dịch” chính mình từ những hình ảnh, mà rõ ràng là ông không hề che giấu trong chương áp chót của phần Tửu quán. Theo đó, Calvino đã tự cho mình là vị Vua gậy quyền đang cầm một cây bút quá khổ. Và vì sao quá khổ? Vì nó là thứ duy nhất mà ông có thể làm được, và làm được tốt. Trong đó, ông cũng nói rằng trạng thái thường xuyên mà các nhà văn vẫn hay tiến hành đó là ngồi chờ Ác quỉ nhô lên từ trong bóng tối của những lọ mực. Nhưng vì sao linh hồn của những người viết là lọ mực khô?

Bởi giếng sáng tạo vẫn thường cạn nguồn. Như ngay sau đó ông đã giải thích: “Trong nghề nghiệp của tôi, ác quỉ là lá bài thường xuyên gặp nhất. Chẳng phải đây là nguyên liệu thô để viết tất cả lên bề mặt, với những móng vuốt đầy lông lá, vết nanh cắn xé, sừng dê húc… nhằm thể hiện những bạo lực bị ức chế đang hoành hành trong bóng tối đấy sao?”. Và bởi “những gì muốn nói ra là những gì bị ức chế”, do đó trong tác phẩm này, không thiếu những câu chuyện song hành cùng nhau, cùng kể chung một câu chuyện.

Tác phẩm Lâu đài của những số phận giao thoa.

Đó là những “quả lê” về lòng tham lam và sự thiếu kiên nhẫn, như hai câu chuyện của hai người theo thuật luyện kim phải bán linh hồn của mình cho quỉ. Lấy Faust của Goethe làm hình tượng chính, Calvino viết về tấm lòng thanh sạch và thuần khiết bất biết như vàng là không thể đạt được. Bởi vì mỗi khi có sự xuất hiện của ác quỉ Mephistopheles, người nào rồi cũng dễ kí giao kèo với loài quỉ dị.

Ngoài ra là sự bội phản, băng hoại, thiếu chung thủy trong 3 vở bi kịch của Shakespeare hay các nhân vật kẻ vong ơn, kẻ lưỡng lự… Lẩn khuất trong những tác phẩm này còn là lòng ham mê quyền lực của vị quốc vương ma cà rồng hay của kẻ trộm mộ. Chính niềm tin về sự giàu có, quyền lực đã tạo nên sự khác biệt và làm thay đổi bản chất của họ. Nhưng rồi cuối cùng họ chỉ có thể nhận ra mình “không thấy gì khác ngoài những mảnh kim loại giống nhau, đến rồi đi, được tích lũy, chẳng qua số lượng khi nhân lên, nhưng luôn luôn giống nhau.”

Không ít lần những câu chuyện dục vọng được nhắc đến trong tác phẩm này. Đó là mối tình của chàng Roland si tình đối với Angelica, chủ đội quân Frank trong trường thi Orlando Furisio của thi sĩ Ý Ludovico Ariosto. Đó còn là Helen thành Troy trốn thoát khỏi Menelaus, và những giao điểm của Nữ vương bóng đêm đi tìm tình nhân là tên kẻ cướp hay các chiến binh Amazon bị lừa dối…

DỰ ĐOÁN VÀ NHỮNG GIAO ĐIỂM

Một trong những chức năng chính đến tận giờ đây vẫn thường được dùng của bài tarot là đoán định vận mệnh. Nên không khó hiểu khi ngay từ sớm Calvino ít nhiều đã cho thấy được tầm nhìn xa. Đó là sự vươn dậy của nữ quyền, khi hầu hết trong tác phẩm này những người phụ nữ không hề bị động. Họ có thể nổi dậy quét sạch lục địa dưới ách cai trị mong manh của nam giới, hoặc tự mình làm chủ vận mệnh, với những pha trả thù hoặc ám ảnh chủ thể của lá kẹt lại giữa hai con đường trong cổ Marseilles.

Sự chống đối của người dân với những chế độ độc tài, toàn trị đâu đó cũng ẩn hiện trong truyện về vương quốc ma cà rồng với câu cảm thán “Ta không biết tại sao lại còn những khu rừng rậm rạp như thế này sót lại trong vương quốc của ta. Cho đến nay, với những điều chống lại ta, giá như ta có thể ngăn được lá cây hô hấp khí oxy qua không khí và tiêu hóa ăn sáng bằng diệp lục tố của chúng, chắc chắn ta sẽ rất vui”. Kết quả là sự báo thù của rừng, nơi con người bị mất tiếng nói, lạc lõng và rồi vây hãm và giết chết họ. Để rồi vương quốc nhung nhúc những loài giòi, bọ - loài thấp kém nhất nhưng mạnh mẽ nhất.

Trong một thế giới những yếu tố vật chất lên ngôi, Calvino cũng dự đoán điều đó qua những câu chuyện chung, về việc “Quả đất đã biến thành một quả cầu vàng nguyên khối, khô cằn vì nó đã trở thành một đóng tiền trường tượng, không thể ăn được và cũng không thể sống được”. Chính bằng biểu tượng trung cổ cũng như phù thủy, ông đã làm nổi bật nên những tội lỗi băng hoại của con người, từ đó đòi hỏi một sự công bằng trong muôn mặt vấn đề, để tồn tại một thế giới đảo ngược so với hiện tại.

Khả năng sắp xếp và tạo những đường giao nhau trong phần Lâu đài của Calvino là rất đáng ghi nhận. Chỉ nêu rõ ràng 6 câu chuyện chính, 6 chuyện còn lại giao nhau hoặc được đọc ngược đòi hỏi khả năng nắm rõ cốt truyện và những lá bài ở nơi trung tâm độc giả. Vừa biến thể, chuyển nghĩa cũng như sử dụng yếu tố tưởng tượng, Calvino ghép nối những đường dây này để hình thành nên câu chuyện chung nhất về con người và những hạn chế của họ, dẫu là quá khứ hay là bói toán cho thời tương lai.

Tuy thế với phần Tửu quán, việc bộ bài mới không đủ khả năng tạo ra điểm giao chuyển đã khiến phần này dễ theo dõi và quan sát hơn. Tuy vậy nó không còn được khả năng tạo sự liên kết của những câu chuyện giao nhau, nhưng lại bổ sung một hệ thống khác các bộ Đại và Tiểu cẩm nang mới mẻ, khắc họa rõ hơn việc phải chọn lựa của chính con người.

Như Calvino nói ở cuối sách “Vẻ đẹp là những lối mòn của bánh xe lặp đi lặp lại”, với Lâu đài của những số phận giao thoa, ông đã sáng tạo ra một cách đọc mới có sự giao hòa giữa ngôn từ và hình ảnh, từ đó tạo ra một hệ thống hư – thực, của những câu chuyện từ trong quá khứ cũng như tương lai. Tuy ngắn ngủi, nhưng bằng việc sắp đặt cũng như viết lại các tác phẩm cũ và sáng tạo mới, thì đây là một tiểu thuyết có hàm lượng sáng tạo cao và đáng để thử nghiệm, vượt khỏi khuôn khổ của ngôn từ và ý nghĩa bao bọc đơn thuần.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)