Không phải tới Khách sạn mặt nạ, yếu tố trò chơi và sự chơi mới xuất hiện trong văn chương Higashino Keigo. Mà yếu tố đó gần như thường trực, trở đi trở lại trên trang viết Keigo trong quan niệm của ông về cuộc đời như một trò chơi hay sân khấu kịch và con người. Trong trò chơi, vở kịch đó, luôn thường trực những lớp mặt nạ trên gương mặt. Nhưng có lẽ, đây là bộ tiểu thuyết thể hiện rõ nhất các khía cạnh lí thuyết trò chơi tác giả Higashino Keigo xây dựng; ngay từ chính tiêu đề tác phẩm Khách sạn mặt nạ và Đêm trước lễ hội hóa trang.
Lí thuyết trò chơi và tiểu thuyết trinh thám
Theo Bakhtin, các dạng thức trò chơi và sự chơi mang tính xã hội đã trở thành những không gian công cộng, nơi quần chúng có thể thông qua trình diễn cải trang, bày tỏ sự phản kháng với nền chính trị, tăng lữ, độc quyền. Những hình thức trình diễn này được mã hóa thành hàng loạt câu chuyện, mà chỉ các thành viên nhất định thuộc cộng đồng công chúng mới có thể hiểu đầy đủ tính chất ám chỉ và giễu nhại.
Qua thời gian, các hình thức trình diễn sân khấu đó, phát triển song hành với văn bản văn học viết và được khái quát trong dạng thức lí thuyết trò chơi với đặc tính sáng tạo không gian nhưng không hoàn toàn thoát li đời sống hiện thực, dựa trên nguyên lí kiến tạo và phá vỡ, nghiêm túc và phi nghiêm túc. Khi ấy, có ba yếu tố quan trọng cấu thành nên đặc tính của trò chơi, bao hàm cả sự chơi là người chơi, thế giới chơi, hình thức (luật) chơi, từ đó, chuyển tải diễn ngôn của tác giả.
Trong ba thành tố đấy, người chơi, tức con người, đóng vai trò vừa là chủ thể của thế giới chơi, vừa sáng tạo nên hình thức chơi. Đặc biệt với tiểu thuyết trinh thám, thế giới nhân vật thường được chia làm hai phạm trù khá biệt lập, một bên là người phá án với một bên là kẻ gây án. Sự khu biệt ấy, đẩy nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám như bước vào thế giới chơi nơi người phá án, phải tìm và phá giải bí ẩn của vụ án mà kẻ gây án tạo ra.
Hình thức đó, bước vào trinh thám hiện đại dẫu có sự đổi mới về cách thức xây dựng cốt truyện hay tạo dựng nhân vật thì vẫn gần như giữ nguyên vẹn bản chất của việc khám phá, giải mã bí ẩn.
Là một tác giả gắn bó với dòng truyện trinh thám suốt từ thập niên 80 của thế kỉ XX tới thời điểm hiện tại, Higashino Keigo vẫn ý thức, hay quan niệm của ông vẫn luôn xoay quanh “trò chơi cuộc đời” mà con người - người chơi trong chính trò chơi ấy, luôn khoác lên mình những chiếc mặt nạ che giấu bản chất thật sự. Điều đó, được cụ thể hóa vào cái tên “Mặt nạ thanh xuân” của một chương trình game xuất hiện trong tiểu thuyết Tên của trò chơi là bắt cóc. Hay bầu không khí lễ hội hóa trang ở sáng tác Cuộc diễu hành thầm lặng. Hoặc chính là, biểu tượng không gian carnaval đậm đặc, trở đi trở lại trong suy tưởng nhân vật, thuộc bộ tiểu thuyết, Khách sạn mặt nạ.
Tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ.
Hệ thống người chơi trong Khách sạn mặt nạ
Như đã nói, trong trò chơi và sự chơi, người chơi vừa là chủ thể, vừa là khách thể. Và nếu khu biệt tiểu thuyết trinh thám vào một loại hình trò chơi, có thể gọi tên trò chơi ấy là “trò chơi phá án” giữa bên gây án với bên điều tra.
Tuy nhiên, trong trinh thám hiện đại, hệ thống người chơi, phần lớn đều được mở rộng và có sự phức tạp nhất định. Phía điều tra không đơn thuần chỉ bao gồm những người mang nghề nghiệp đặc thù như thanh tra, cảnh sát hay thám tử nữa. Cũng như phía gây án, họ là hung thủ, song đồng thời cũng có thể chính là nạn nhân. Tất thảy, tạo nên tính đa chiều, tựa muôn mặt kiếp người, đang đeo mặt nạ giữa cuộc sống nói chung, hay khi đã đặt chân vào những không gian hẹp mang tính chuyên biệt nói riêng. Như những cá nhân, xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ của Higasihno Keigo vậy.
Hai tuyến người chơi - hai tuyến nhân vật chính, về phía người phá án, Keigo đã tạo dựng bên cạnh Nitta Kousuke, một cảnh sát trẻ xuất sắc thuộc đội điều tra số 1 là một Yamagishi Naomi, nữ nhân viên lễ tân thông minh, sắc sảo mẫn cán hiện làm việc cho khách sạn 5 sao Cortesia Tokyo. Dẫu khác nhau về nghề nghiệp lẫn bản chất công việc của họ khi đối mặt với con người, thì trong “trò chơi trinh thám”, họ đang bắt tay nhau, nhằm lật tẩy bí ẩn đằng sau vụ giết người hàng loạt xảy ra ở Tokyo, đồng thời, bắt giữ tên hung thủ, kẻ chủ mưu hiện nhắm tới án mạng tiếp theo, sẽ diễn ra tại khách sạn Naomi làm việc.
Bên cạnh đó, chính Nitta và Naomi, cũng lại như đóng vai trò “người quản trò” trong “trò chơi công việc” của họ. Một người, với nhiệm vụ xã hội là cảnh sát, điều tra viên, cần lột bỏ mặt nạ của từng đối tượng đặng đi tới tận cùng sự thật. Còn một người, với nhiệm vụ xã hội của nhân viên lễ tân trực khách sạn, cần bảo vệ mặt nạ cho đối phương, nguyên tắc tối quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân khách hàng trong ngành dịch vụ. Song tận cùng, “trò chơi công việc” họ đang ngày ngày thực hiện, dù khác mục đích thì vẫn gặp nhau nơi giao điểm, cần nhìn sâu vào gương mặt thật con người ẩn sau lớp mặt nạ hóa trang người ta dày công dựng lên mà hành động, ứng xử phù hợp.
Khi ấy, về phía kẻ gây án, qua lăng kính người điều tra, lại càng thêm muôn màu muôn vẻ và chính bản thân những kẻ đấy, cũng như tạo dựng lên cuộc chơi của bản thân, cuộc chơi “phạm tội.” Để người đọc nhận ra, không nhất thiết phải “đến khách sạn để tận hưởng vũ hội hóa trang,” mỗi kẻ gây án hay những tên xúi giục phạm tội, vốn đã sở hữu những chiếc mặt nạ tạo tác từ đau thương, hận thù, toan tính, dối lừa…
Và đó, chính là sự phức tạp của tuyến nhân vật vừa là hung thủ, song cũng lại là nạn nhân cùng cả hệ thống người chơi cực kì đồ sộ Higashino Keigo đã dày công tạo dựng suốt cả bộ truyện Khách sạn mặt nạ.
Thế giới chơi - Không gian Carnaval
Nếu như trong cuốn Khách sạn mặt nạ, không gian tác phẩm hầu như chỉ bó hẹp tại thế giới bên trong khách sạn Cortesia thì ở phần tiền truyện với tựa Khách sạn mặt nạ - Đêm trước lễ hội hóa trang, không gian có sự chuyển dịch rõ rệt giữa một bên là không gian tĩnh thuộc về khách sạn Cortesia nơi Naomi làm việc với một bên là không gian động thuộc về những bước chân điều tra của Nitta. Và đó, cũng là thế giới chơi tác giả Higashino Keigo xây dựng cho hệ thống người chơi của ông. Một thế giới, mang đậm sắc màu thuộc dạng không gian Carnaval - lễ hội hóa trang mà rất nhiều lần, hình ảnh chiếc “mặt nạ” được trở đi trở lại như một dạng biểu tượng, cho phần ngoại hình hay tính cách, suy nghĩ con người khi đối diện với người khác.
Như đã nói, do tính đặc thù về mặt nghề nghiệp nên không gian làm việc, hay cũng là thế giới chơi của Nitta và Naomi rất khác biệt. Mà hai con người đó, ở thế giới của mình, sẽ tuân thủ, đi theo luật chơi khác nhau ứng với thế giới có từng gương mặt họ phải đối diện. “Nếu công việc của Naomi là bảo vệ mặt nạ của khách hàng, thì nhiệm vụ của Nitta là lột bỏ mặt nạ của tội phạm.”
Tuy nhiên, khi hai không gian chơi đó giao thoa như một sự bất khả kháng của việc hai người chơi phải hợp tác trước nguy cơ án mạng xảy đến thì mâu thuẫn, ngay lập tức nảy sinh. Bởi người chơi, ai cũng muốn bảo vệ luật chơi trong thế giới chơi họ tồn tại. Và tạo dựng bối cảnh chơi xoay quanh một án mạng sắp xảy đến cho những mảng không gian chơi hòa quyện ngay dưới mái nhà khách sạn Cortesia, cũng là sáng tạo của Higashino Keigo về mặt kiến thiết không gian tác phẩm. Để tạo nên sự xung đột giữa những người chơi vốn mang quan điểm chơi khác biệt trong dòng chảy thời gian liên tục biến động, một bên là hiện thực gấp gáp, căng thẳng với một bên là độ giãn hồi tưởng, quá khứ.
Và nếu xét mỗi cá nhân đều mang mặt nạ, bất kể là một vị khách đặt chân đến khách sạn Cortesia hay một người phụ nữ sống cuộc đời bình dị ngoài kia thì chẳng phải, không gian Carnaval - lễ hội hóa trang không còn bó hẹp ở bất kì một địa điểm cố định mà đã mở rộng tới cả cuộc sống đời thực hay sao? Khi ấy, không gian chơi cùng hệ thống người chơi trong Khách sạn mặt nạ trở nên hết sức gần gũi với lý thuyết kịch mà Shakespeare đề xuất. Rằng thế giới này chính là một sân khấu kịch và mỗi cá nhân, là một diễn viên mang mặt nạ bước trên sân khấu đấy.
Nhà văn Higashino Keigo.
Hình thức chơi
Lật mặt hay bảo vệ, có thể nói, hình thức chơi đó chính là xương sống, tạo nên toàn bộ cốt truyện trong bộ tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ của Higashino Keigo. Cảnh sát muốn lật mặt hung thủ, nhân viên khách sạn muốn bảo vệ khách hàng, tách biệt, rõ ràng như ở phần tiền truyện Khách sạn mặt nạ - Đêm trước lễ hội hóa trang. Và cùng với sự giao thoa về mặt không gian chơi khi chính thức bước vào Khách sạn mặt nạ, hình thức chơi cũng buộc phải thay đổi để làm sao, trong bối cảnh buộc phải hợp tác, cảnh sát vẫn có thể bắt được thủ phạm mà không ảnh hưởng tới công việc, nguyên tắc nhân viên khách sạn đã luôn tâm niệm bấy lâu.
Theo đó, để đạt tới sự thống nhất luật chơi, người chơi, bên phía điều tra, cũng đã trải qua quá trình xung đột về mặt quan điểm, để những người cảnh sát nằm vùng như Nitta, có thể thấu hiểu mà “nhập vai” vào một nhân viên khách sạn đúng chuẩn. Đồng thời, để một người phụ nữ sắc sảo như Naomi, có thể “nhập vai” phụ tá, hỗ trợ cảnh sát trong suốt quá trình điều tra diễn ra.
Cũng như vậy, với sự vào vai của tuyến người chơi phá án, tuyến nhân vật hung thủ cũng hòa mình vào luật chơi, qua cách thức chung, khoác lên mình chiếc mặt nạ “khác biệt” nhằm “cải trang” trong thế giới chơi, những người điều tra đã giăng ra. Và đây, có thể coi như cuộc chạy đua của những kẻ hiểu thấu luật chơi, rằng cuối cùng, khi trò chơi kết thúc, ai sẽ là kẻ chiến thắng. Người điều tra sẽ phá giải được vụ án hay thủ phạm, sẽ đạt được mục đích.
Song, càng là những kẻ hiểu thấu luật của “trò chơi nhập vai” này, lại càng khó bị lật tẩy. Để rồi, sau hết thảy những trang sách cả bộ truyện Khách sạn mặt nạ, độc giả nhận ra, không phải lúc nào, nhìn thấu được lớp mặt nạ của đối phương, cũng đồng nghĩa với chiến thắng. Và trên sân khấu cuộc đời, đâu phải chỉ có một chiếc mặt nạ được sinh ra. Con người có muôn vạn gương mặt, tựa hình ảnh “gương mặt mộc” của người phụ nữ. Thế nào là “mộc”, thế nào là “giống như mộc”, mọi thứ, ranh giới bỗng trở nên hết sức mong manh.
Diễn ngôn của Higashino Keigo qua lí thuyết trò chơi ở bộ tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ
Như đã khẳng định, Khách sạn mặt nạ không phải bộ tiểu thuyết đầu tiên hay duy nhất, Higashino Keigo ứng dụng lý thuyết trò chơi trong tạo dựng tác phẩm. Nhưng có lẽ, Khách sạn mặt nạ là tác phẩm thể hiện rõ nhất diễn ngôn của ông về biểu tượng “chiếc mặt nạ” của con người trong cuộc sống. Rằng giữa trò chơi cuộc đời đang dần xóa mờ ranh giới tình và lí, đúng và sai, thật và giả, trên sân khấu chính mang tên đời sống ấy, con người như trở thành những diễn viên mang theo lớp hóa trang mà diễn vở kịch số phận của chính họ.
“Phải luôn nhớ rằng những người đến khách sạn đều đang đeo mặt nạ.”
Những chiếc mặt nạ riêng biệt để linh hoạt đối diện trước những con người, hoàn cảnh đời sống khác nhau. Giống như bản thân mỗi người, đều lưu giữ một phần bí mật, một phần tâm tư, tình cảm hay một phần hi vọng, kỉ niệm đằng sau chiếc mặt nạ đó. Nên chăng, “mặt nạ” có thể là giả dối song “mặt nạ”, cũng có thể là cách thức, người ta tận hưởng cuộc sống hoặc bảo vệ chính bản thân. Chẳng thể hời hợt mà đánh giá “mặt nạ” mỗi người đang mang, như chẳng thể đánh giá người khác chỉ qua “trông mặt mà bắt hình dong.” Bởi “chúng ta không thể biết người khác sẽ vì những chuyện thế nào mà tổn thương.”
Tuy nhiên, con người có thể sống mãi với lớp mặt nạ hóa trang đó không? Khi mà lớp ngụy trang bên ngoài, dẫu có công phu đến đâu, cũng không thể mãi che giấu nội tâm bên trong con người. Và cuộc chơi nào cũng sẽ kết thúc, vở kịch nào, cũng sẽ tới khoảnh khắc cần “hạ màn” hay đêm hội nào, cũng đến lúc tàn. Khi ấy, trở về với nhân dạng thực sự, con người còn gì ngoài bản thể “cái tôi” vốn có.
Như người phụ nữ đẹp tới đâu, cũng tới ngày nhan sắc tàn phai. Người cha có lo lắng cho con cái ra sao, cũng phải đối diện trước tương lai đứa con trưởng thành, tung cánh bay vào bầu trời. Người đàn bà đa đoan, thủ đoạn thế nào, cũng không thể thoát được ánh nhìn phán xét của người đời… Phía sau lớp mặt nạ, con người chỉ là con người với tất thảy những gì trần tục nhất.
Có thể nói, với bộ tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ, thông qua lí thuyết trò chơi được thể hiện bằng những kết cấu truyện đa dạng như sức sáng tạo dồi dào của tác giả Higashino Keigo suốt quãng thời gian ông cầm bút; Keigo tiên sinh đã thể hiện rất rõ diễn ngôn về chiếc mặt nạ “nhân dạng” như vậy đấy.
Và mọi thứ, vẫn đang được bỏ ngỏ trên mọi chiều kích, để người đọc giải mã hệ thống “trò chơi” trong thế giới Khách sạn mặt nạ, mà tìm câu trả lời đúng nhất cho riêng bản thân, về chiếc “mặt nạ” cá nhân giữa xã hội.
MỌT MỌT
VNQD