Thế giới tuần qua có nhiều sự kiện đáng chú ý, một trong số đó là việc nhìn lại di sản của Virginia Woolf và Ronald Dahl với các phát hiện mới nhất, trong khi Hiệp hội các nhà văn vẫn đang kiên định đặt ra điều khoản sử dụng với các công tI AI.
Các nhà văn kêu gọi công tI AI ngừng sử dụng tác phẩm của họ mà không xin phép
Mới đây một bức thư ngỏ từ Authors Guild - tổ chức gồm các nhà văn hoạt động chuyên nghiệp của Mĩ, đã được gửi đến CEO của các công ti công nghệ gồm OpenAI, Alphabet, Meta, Stability AI và IBM. Nó đã đưa ra các yêu cầu như: “Xin phép sử dụng tác phẩm đã được bảo trợ bản quyền”; “Chi trả xứng đáng cho người sáng tạo ra chúng”... Margaret Atwood, Viet Thanh Nguyen, Philip Pullman và 8.000 tác giả đã kí vào bức thư này.
Maya Shanbhag Lang, chủ tịch Hiệp hội Tác giả, cho biết: “Đầu ra của các công nghệ AI luôn có bản chất phái sinh. AI làm mới những gì mà nó tiếp nhận, vì vậy sẽ thật công bằng khi các tác giả được đền bù xứng đáng vì sự sáng tạo của họ chính là đầu vào cho công nghệ này”.
Tiểu thuyết gia từng đoạt giải Sách quốc gia Jonathan Franzen nói rằng: “Hiệp hội tác giả Mĩ đang thực hiện một bước quan trọng để nâng cao quyền của tất cả công dân có dữ liệu, từ ngữ và hình ảnh bị khai thác trái phép vì lợi nhuận to lớn mà không có sự đồng thuận.”
Margaret Atwood, Philip Pullman và Jonathan Frazer đã kí vào kiến nghị thư đối với AI.
Theo khảo sát thu nhập gần đây của hiệp hội này, thu nhập trung bình liên quan đến việc viết lách vào năm 2022 đối với các nhà văn toàn thời gian chỉ là 23.330 USD. “Sự ra đời của công nghệ AI làm trầm trọng thêm những thách thức này và sẽ ngày càng khó khăn hơn, nếu không muốn nói là bất khả thi đối với các nhà văn - đặc biệt là những người thuộc cộng đồng thiểu số - để kiếm sống bằng nghề mà phải mất nhiều năm nếu không muốn nói là hàng thập kỉ để hoàn thiện mình”, một tuyên bố từ Hiệp hội tác giả cho biết.
“Khi các nhà văn phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, đó là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta, không chỉ cho các nhà văn, mà còn là cho một nền văn hóa tự do, dân chủ phụ thuộc vào hệ sinh thái lành mạnh, đa dạng, trong đó mọi quan điểm, tiếng nói đều được lắng nghe và được trao đổi.”
Bản kiến nghị này là bước mới nhất trong một loạt các bước được thực hiện bởi các nhân vật văn học để chống lại việc sử dụng AI ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất bản. Đầu tháng này, hai tác giả Mona Awad và Paul Tremblay đã đệ đơn kiện OpenAI, cho rằng tổ chức này đã vi phạm luật bản quyền.
OpenAI là công ti đứng sau công cụ ChatGPT, một chatbot được “đào tạo” bằng cách sao chép các đoạn văn bản và trích xuất thông tin từ đó. Bản kiến nghị này không phải là lần đầu tiên mà Hiệp hội tác giả đưa các công ti công nghệ vào cuộc. Năm 2005, tổ chức của các nhà văn đã đệ đơn kiện Google vi phạm bản quyền, tuyên bố việc quét hàng triệu cuốn sách của công cụ tìm kiếm này “là một hành vi vi phạm bản quyền trắng trợn”. Dẫu vậy tòa án tối cao Hoa Kì đã từ chối quyền kháng cáo, vì coi đây là “sử dụng hợp lí” và rằng “Google Books mang lại lợi ích cho cộng đồng đáng kể”.
Phát hiện bản thảo chỉnh sửa tiểu thuyết đầu tay của Virginia Woolf
Cuốn sách đầu tay có những chỉnh sửa viết tay của nữ văn sĩ Virginia Woolf - The Voyage Out, mới đây đã được phát hiện trong khu khoa học của Thư viện Đại học Sydney, nơi nó đã bị đặt nhầm. Theo các chuyên gia, đây là một trong hai bản thảo mà Woolf đã đánh dấu, chỉnh sửa và ghi chú lại khi nó được xuất bản lần đầu tại Hoa Kì vào năm 1920.
Theo đó phiên bản của Đại học Sydney là bản duy nhất được công khai, bản còn lại nằm trong một bộ sưu tập tư nhân không được tiết lộ. Ở phiên bản này, cuốn sách có những sửa đổi viết tay chưa được biết đến, chẳng hạn như việc xóa đi trình tự diễn tiến trong tâm trí của nhân vật chính khi cô ấy nằm trên giường bệnh gợi nhớ đến những trải nghiệm của Woolf về bệnh tâm thần trong khoảng thời gian mà bà viết cuốn sách này.
Tác phẩm có nhiều sửa đổi của Virginia Woolf.
Giáo sư Văn học Đương đại Mark Byron, từ Đại học Sydney, nói rằng “việc phát hiện ra bản thảo giống như có thể nhìn vào cửa sổ của phòng thí nghiệm trong tâm trí Woolf”. Ông nói: “The Voyage Out là một lăng kính thực sự rõ nét về sự phát triển phong cách của một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của thế kỉ 20.”
“Đối tượng cụ thể này - bản sao của Đại học Sydney - cho chúng ta thấy một kiểu ‘hành động trực tiếp’ của quá trình phát triển đó, bởi vì trong bản sửa đổi và ghi chú của Woolf, ta như thấy được giai đoạn phát triển của bà về cách thức tường thuật nên làm ra sao, các nhân vật nên bộc lộ suy nghĩ bên trong thế nào? Nó hướng tới những thành công cho các tiểu thuyết sau này (Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng, Những lớp sóng) mà cuộc cách mạng trong việc kể chuyện sẽ được diễn ra.
Vậy làm thế nào mà bản sao The Voyage Out của Woolf lại có mặt trong thư viện của Đại học Sydney? Theo đó trường đại học này đã mua phần lớn sách vở từ Cửa hàng sách Bow Windows ở Vương quốc Anh vào khoảng năm 1976, sau đó nó được đưa vào bộ sưu tập sách quý hiếm của thư viện. Nhưng do có vài nhầm lẫn mà nó nằm lẫn giữa các cuốn sách khoa học. Chỉ đến năm 2021, khi một nhân viên lặp lại danh mục của một bộ sách khoa học, thì tác phẩm này mới được lộ ra.
Phiên bản này có tên của Woolf được viết tay trên trang bìa trước, cũng như có thêm những mẩu giấy bên trong – và đó là những ghi chú đã được đánh máy, dán đè lên trên những trang văn bản. Các ghi chú viết tay và đánh dấu cũng được tìm thấy xuyên suốt cuốn sách. Những nhà nghiên cứu nói rằng “Thông thường, một tác giả nếu định kí tặng cuốn sách của mình [cho người khác], họ sẽ kí tên [lên trang tiêu đề], vì vậy khi nó ở trang bìa thì cũng có nghĩa đó là bản sao cá nhân”. Khi tra cứu nét chữ để so sánh với chữ viết của Woolf, nó hoàn toàn trùng khớp.
Điểm thú vị duy nhất trong bản sao của Đại học Sydney là một số chỗ xóa đi đã được thực hiện bằng mực tím không hề xuất hiện trong bản sao còn lại. Theo đó Woolf là người thường xuyên tự mình kiểm duyệt, sửa đổi các cuốn tiểu thuyết và ghi lại nó trong các cuốn nhật kí, nhưng chỉ từ những năm 1920 trở đi. Bà chưa bao giờ thực hiện những sửa đổi đáng kể như vậy đối với một cuốn tiểu thuyết sau khi nó được xuất bản.
Trong bản sao của trường đại học, bà đã gạch bỏ một đoạn mở rộng ở chương 25, gần cuối cuốn tiểu thuyết, kể chi tiết về ảo giác của Rachel khi cô ấy nằm hấp hối. Lyndall Gordon, tác giả của cuốn tiểu sử Virginia Woolf: A Writer's Life, suy đoán khi nghĩ về việc cắt bỏ, Woolf có thể “đã sợ phơi bày sự hiểu biết của bản thân mình về chứng rối loạn tâm thần”.
Bảo tàng Roald Dahl thừa nhận chủ nghĩa bài Do Thái của tác giả
Bảo tàng Roald Dahl ở Great Missenden, Buckinghamshire mới đây đã thừa nhận sự phân biệt chủng tộc của cố nhà văn là “không thể phủ nhận và không thể xóa nhòa”. Tuyên bố của nó được đưa ra hơn hai năm rưỡi sau khi gia đình của Dahl xin lỗi vì chủ nghĩa bài Do Thái của ông. Theo đó Dahl là nhà văn viết truyện thiếu nhi rất được yêu thích, với những tác phẩm như Charlie và Nhà máy Socola, Matilda và The BFG đã thu hút trẻ em từ những năm 1960.
Bảo tàng Ronald Dahl.
Đại diện của viện bảo tàng cũng chia sẻ thêm, rằng Dahl là một “người mâu thuẫn”. Có “những vụ việc ghi lại về ông theo hướng không được tử tế, bao gồm cả việc viết và nói những điều bài Do Thái về người Do Thái”. Tuyên bố mới nhất cho biết họ phê phán “mọi hành vi phân biệt chủng tộc nhắm vào bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào…”
Theo đó kể từ năm 2021, thư viện Ronald Dahl đã cùng tham gia với các tổ chức Do Thái bao gồm Hội đồng đại biểu của người Do Thái ở Anh, Hội đồng lãnh đạo Do Thái, Ủy thác An ninh Cộng đồng và Ủy thác Chính sách Bài Do Thái… để cùng phát triển chương trình giảng dạy trong trường học nhằm tìm cách “chống lại định kiến bằng cách bảo vệ quyền trẻ em, được khám phá thông qua trải nghiệm của các nhân vật trong truyện của Roald Dahl”.
Tổ chức cho biết họ không lặp lại những tuyên bố bài Do Thái công khai của Dahl, “nhưng vẫn lưu giữ hồ sơ về những gì mà ông đã viết và nói trong bộ sưu tập của bảo tàng, vì vậy nó sẽ không bị lãng quên”. Họ cũng nói thêm: “Sự phân biệt chủng tộc của Roald Dahl là không thể phủ nhận và xóa nhòa, nhưng điều chúng tôi hi vọng là di sản sáng tạo của Dahl sẽ làm được điều gì đó tốt đẹp hơn.”
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ nhiều nguồn.
VNQD