Từ lâu trên khắp châu Mĩ Latinh, các giá sách dán nhãn “ciencia ficcion” hay “khoa học viễn tưởng” đã tràn ngập bản dịch H.P. Lovecraft, Ray Bradbury, William Gibson và H.G. Wells. Thế nhưng thời gian gần đây nó đã được thay thế bằng một làn sóng mới các nhà văn “quốc nội” - những người đang biến thể loại này thành của riêng mình.
Những bước tiến mới
Bỏ qua những cánh đồng ngô trải dài và những đường chân trời ở New York, các tác giả mới hiện đang xây dựng câu chuyện dựa trên khu vực Amazon đa dạng, quang cảnh núi Andean hiểm trở và sự phát triển đô thị ngày một nhanh chóng. “Trận tuyết lở” của khoa học viễn tưởng đang đến đúng lúc, khi nhiều độc giả và các nhà văn cảm thấy “nghẹt thở” trước những hiện thực về bạo lực và tội ác ở vùng đất này.
“Mĩ Latinh là một khu vực của ‘ngày hiện tại’,” Rodrigo Bastidas - người đồng sáng lập nhà xuất bản Vestigio có trụ sở tại Bogotá (Colombia) với quy mô nhỏ và độc lập về tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Mọi người không còn thời gian để nghĩ về tương lai vì họ đang quá bận rộn để mà tồn tại trong cuộc nội chiến, cách mạng, chế độ độc tài… dẫn đến rất nhiều tác phẩm theo đường lối chủ nghĩa hiện thực xuất hiện ồ ạt. Với làn sóng mới, đó thật sự là việc giải phóng để đến gần với tự do, ra khỏi những câu chuyện lặp đi lặp lại và những ‘chủ nghĩa anh hùng’ bên ngoài đất nước.”
Bastidas nói: “Chúng tôi nhận ra rằng tương lai không phải là thứ mà chúng ta cần vay mượn hoặc là lấy đi từ phía người khác. Chúng ta có thể tự tạo ra nó bằng ‘ma thuật’ riêng của thể loại khoa học viễn tưởng.”
Những tác phẩm sci-fi mới của Châu Mĩ Latinh.
Tác giả người Colombia Luis Carlos Barragán, một ngôi sao tiêu biểu cho làn sóng này, cũng chia sẻ rằng: “Chúng ta cần sắp xếp lại tương lai của mình và ngừng nghĩ rằng chúng ta là một nơi nhỏ bé, từng bị lãng quên ở trong lịch sử, nơi mà ngay cả người ngoài hành tinh cũng không thèm đặt chân đến”. Tác phẩm của anh thường được ca ngợi là sự kết hợp giữa Douglas Adams với Jonathan Swift trong “phiên bản Colombia”.
Theo đó các tác phẩm khoa học viễn tưởng của châu Mĩ Latinh đã có từ hơn một thế kỉ trước nhưng thường bị cô lập, ít được biết đến so với những “người khổng lồ” bằng tiếng Anh của thể loại này. Do các yêu cầu “xuất khẩu” thường khá phức tạp, nên thời gian qua sách gần như không thể được đem ra bán bên ngoài quốc gia, dẫn đến các biên tập viên và những nhà văn sẽ tự mang các tác phẩm của mình ra khỏi biên giới, tìm cơ hội mới.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Mĩ Latinh trong thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 càng khiến cho dòng văn này rơi vào quên lãng. Rất ít nhà xuất bản sẽ mạo hiểm với một tác giả mới hoặc tác giả địa phương khi Philip K. Dick là một tên tuổi được bảo chứng hơn. Giá giấy cao và đồng tiền ngày càng mất giá càng khiến cho việc xuất bản trở nên khó khăn.
Thế nhưng những người hâm mộ nhiệt thành đã duy trì sức sống của thể loại này với các tạp chí được chuyền tay nhau trên đĩa CD, sau đó là được sao chụp và tới ngày nay là đọc trực tuyến. Tiềm năng truy cập kĩ thuật số ngày càng phổ biến giúp tăng thêm các khả năng tiếp cận cho những người đọc và viết khoa học viễn tưởng. Đại dịch trong thời gian qua cũng đã thúc đẩy những cộng đồng chung niềm đam mê lớn hơn và nhiệt huyết hơn.
Bastidas nói: “Chúng tôi không còn thấy mình như những kẻ lập dị nữa.” Các nhà xuất bản lớn hơn như Minotauro đang bắt đầu xuất bản nhiều tác phẩm hơn, mặc dù những tác phẩm nhỏ vẫn là “huyết mạch” của thể loại này. Đặt cược vào các tác giả ít được biết đến đang dần tạo ra những tín hiệu tích cực, điều đó được thể hiện qua doanh số bán hàng ngày càng tăng lên.
Một đời sống phong phú
Sau nhiều năm đi theo con đường riêng, các nhà văn khoa học viễn tưởng của châu Mĩ Latinh đang giành được nhiều giải thưởng bên ngoài biên giới, bao gồm ở Tây Ban Nha, Anh Quốc, Hoa Kì… cũng như thu hút được sự quan tâm của giới học thuật, gồm cả khu vực Bắc Mĩ….
Các tác phẩm sci-fi nổi tiếng từ lâu đã được xuất bản trên khắp thế giới.
Các nhà văn cũng đang đi theo rất nhiều trào lưu như vô chính phủ, nữ quyền, queer hoặc thế giới ngầm, bao gồm cả noir, giả tưởng, Lovecraftian New (chịu ảnh hưởng bởi HP Lovecraft), cyberpunk đô thị, thực tế ảo lấy bối cảnh các khu ổ chuột... Thậm chí còn có thể loại được đặt tên là “gauchopunk” với những người máy “gaucho” đang mơ về điện, được tạo ra bởi nhà văn người Argentina Michel Nieva, như một phiên bản cải biên của Do Androids Dream of Electric Sheep? (tựa Việt: Người máy có mơ về cừu điện không?) của Philip K. Dick.
Tác giả người Cuba Erick Mota nói: “Bằng cách chấp nhận những sự pha trộn, chúng tôi đang dần trở thành chính mình. Không có một khái niệm khoa học viễn tưởng nào mà chúng tôi chưa từng thực hiện và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình.” Ở vùng cao Andes của Peru và Ecuador, các tác phẩm lấy cảm hứng từ chủ nghĩa bản địa ngày càng “sinh sôi nảy nở” theo hướng khám phá vũ trụ, người máy hoặc thực tế ảo…
Trong khi đó các nhà văn ở Argentina và Colombia đã tạo ra một làn sóng khoa học viễn tưởng chịu nhiều ảnh hưởng của tính kinh dị về mặt thể xác, và được gọi là “splatterpunk”. Ở Brazil, Afrofuturism (thế giới vị lai lấy cảm hứng từ châu Phi) đã “cất cánh”, với sự bùng nổ của các dự án vốn được bắt nguồn từ di sản và văn hóa Phi châu. Theo đó các tác phẩm ra mắt gần đây ngày càng được liên kết chặt chẽ với phong trào chống lại phân biệt chủng tộc, nổi bật với các nhà văn rất đáng chú ý như Ale Santos, người gần đây đã được chi nhánh Brazil của nhà xuất bản HarperCollins trọng vọng, tiến hành dịch thuật và giới thiệu ra toàn thế giới.
Ở Mexico, các nhà văn như Gabriela Damián Miravete cũng sử dụng khoa học viễn tưởng để đối mặt với vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ ở đất nước mình. Trong They Will Dream in the Garden (tạm dịch: Những người đàn bà mơ mộng trong vườn) – tác phẩm vừa được dịch sang tiếng Anh và giành Giải thưởng Otherwise, Damián mang đến cho các nạn nhân của câu chuyện này cuộc sống thứ hai, khi cô xây dựng một thế giới mới nơi mà tâm trí của những người phụ nữ bị sát hại sẽ vẫn sống tiếp với các hình ảnh ba chiều thể hiện một cuộc đời khác…
Các cuộc khủng hoảng trước mắt cũng đã thúc đẩy các thể loại như tiểu thuyết khí hậu (cli-fi), mà các tác giả hướng theo dòng này có thể nhắc đến như Ramiro Sanchiz (Uruguay), Edmundo Paz Soldán (Bolivia), Rita Indiana (Cộng hòa Dominica)… Những cuốn sách của họ cũng được chuyển ngữ sang Tiếng Anh, từ đó phản ánh nạn phá rừng ở Amazon trong cách thể hiện du hành thời gian hoặc chịu ảnh hưởng từ các thần thoại địa phương…
Cũng đang gia tăng nhanh chóng về mặt số lượng là “tiểu thuyết virus” xuất hiện từ trong đại dịch Covid-19, và giới xuất bản giờ đang gọi nó là vi-fi. Theo đó cuốn tiểu thuyết mới La Infancia del Mundo (tạm dịch: Thời thơ ấu của thế giới) của nhà văn Nieva - người đã đoạt giải O. Henry gần đây, là một câu chuyện ngụ ngôn hướng về bệnh tật đậm tính Kafka. Và tiểu thuyết gia người Uruguay - Fernanda Trías, cũng đã giành được nhiều sự hoan nghênh khi được dịch ra đến 7 thứ tiếng với Mugre Rosa (tạm dịch: Chất nhờn màu hồng), kết hợp giữa các dự báo biến đổi khí hậu trong bối cảnh đại dịch. Ở đó một bệnh dịch đến từ cơn gió độc màu đỏ đã khiến nhân loại trở nên khủng hoảng khi không còn gì để ăn ngoại trừ một chất nhờn màu hồng.
Từ những điều trên có thể thấy rằng khu vực độc đáo và đầy phong phú này đang trải qua một thời “bùng nổ của trí tưởng tượng”. Và những định kiến cổ lỗ như “cái bóng của khoa học viễn tưởng thuộc thế giới nói tiếng Anh đã bao trùm châu Mĩ Latin trong một thời gian dài”, giờ phải sẽ chịu khuất phục trước ảnh hưởng bản địa, khiến cho độc giả phải “suy nghĩ lại thế nào là văn học Mĩ Latinh.”
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The New York Times
VNQD