Giành giải Nhất hạng mục Khoa học Viễn tưởng của Giải thưởng Tiểu thuyết mạng Kakuyomu lần I, Yokohama Station SF là sự giao hòa chất viễn tưởng với yếu tố hiện thực, đến từ một tác giả, trước khi rẽ nghiệp văn chương, công việc chính của anh liên quan đến nghiên cứu sinh vật. Để rồi, qua motif thường thấy, sinh vật vô tri đã trở thành thực thể sống, quản thúc ngược lại con người, Isukari Yuba còn hướng đến cả vùng “ngoại vi” của một thế giới “bên trong” khép kín. Và hành trình con người, được trở về đúng nghĩa tự do, đứng trên đôi chân dưới ánh mặt trời.
Ga Yokohama, trải qua hàng loạt công cuộc cải tạo, đã trở thành thực thể sống biết tự sinh sôi. Gen cấu trúc của Ga, phát triển, bao bọc, và gần như chiếm cứ toàn bộ đảo chính Honshu, thuộc miền Nam nước Nhật. Đời sống con người trong Ga, bị phân tách thành các tầng, các cửa, chịu sự quản thúc của hệ thống Suika như một dạng giấy thông hành với gã bảo vệ mang tên Máy soát vé. Tuy nhiên, vẫn có những vùng ngoại vi nhỏ không bị Ga lấn chiếm. Cư dân xuất hiện, tạo thành cộng đồng “bên ngoài” và trong cộng đồng ấy, lại có những cá nhân, từ thế giới “ngoại lai” khao khát thâm nhập thế giới “bên trong” chứa đầy bí ẩn.
Bên trong
Lấy bối cảnh nước Nhật ở tương lai hàng trăm năm sau, khi Ga Yokohama trở thành thực thể sống đang lần hồi lấn chiếm không gian dọc theo chiều dài nước Nhật. Và khi gặp phải trở ngại liên quan đến khoảng cách địa lí qua những vùng biển ngăn cách giữa các đảo, Ga sinh trưởng mạnh mẽ theo chiều cao, trước lúc, lần nữa, tái tạo lại, khắc phục nhược điểm của Gen cấu trúc để tiếp tục xâm lấn những vùng đất khác. Trong quá trình liên tục tái tạo và bành trướng ấy, Ga Yokohama đã tạo ra cả một vùng “bên trong” rộng lớn, chiếm tới 99% đảo chính Honshu.
Nhưng một khía cạnh đặc biệt, làm cho Yokohama Station SF như một tồn tại khác lạ trong thế giới tiểu thuyết viễn tưởng nói chung, trong dòng motif quen thuộc về sinh vật chiếm lĩnh cuộc sống con người nói riêng ấy, là cách tác giả Isukari Yuba, xây dựng Ga Yokohama trở thành một sinh thể, song không hề có một tiếng nói, suy nghĩ cụ thể, nhất định. Ga quản lí “bên trong” bằng luật lệ nghiêm ngặt với hệ thống Suika cấy trực tiếp vào não người cùng lực lượng Máy soát vé đông đảo. Mà bất cứ sự bất tuân liên quan đến việc lậu vé, thiếu Suika hay bạo lực, đều sẽ bị trục xuất khỏi vùng không gian “bên trong” ga chiếm hữu.
Vậy nhưng, chưa một lần, trực tiếp tổng Ga ra mặt. Ga Yokohama, trở thành một thực thể, vừa hữu hình song cũng vừa vô hình là vì vậy. Ga tồn tại ở đó, từ lúc con người xây dựng, đến tận khi sinh sôi nảy nở, hiện hình trước mắt người ta tựa một bất biến trường tồn. Đồng thời, theo thời gian, lịch sử lẫn nguồn gốc Ga Yokohama dần phong kín và trôi vào quên lãng mà con người, chẳng ai biết được, Ga được hình thành ra sao, vì lí do gì Ga có thể hóa thành sinh thể cùng hàng loạt cách thức vận hành hệ thống của Ga hiện tại.
Ga hiện hữu, quản lí con người mà tới tận cùng, Ga cũng chỉ là một tập hợp hệ thống Gen cấu trúc liên tục sinh trưởng, liên tục phát triển, tiến hóa theo cách thức những người “bên ngoài” phòng ngự nhằm ngăn chặn sự xâm lấn, bành trướng của Ga. Thế giới “bên trong” Ga, thực thi theo quy định, điều luật song sự hà khắc liên quan tới hệ thống Suika lẫn việc gắn Suika cho những đứa trẻ, biến thế giới bên trong ấy, trở thành ngục tù của sự độc tài.
Khi sự phân tầng giai cấp, những kẻ dưới đáy cùng xã hội, tới quyền được lên tiếng cũng không có. Khi bạo lực, cướp bóc vẫn tồn tại, phía sau những Máy soát vé hoạt động mẫn cán. Và khi “bên trong” biệt lập thiếu vắng ánh mặt trời những tưởng đối lập với thế giới “ngoài kia” rực rỡ ánh sáng mà tận cùng, vẫn gặp nhau ở điểm chung, quyền được sống, quyền con người chưa bao giờ, lại rẻ rúng tới vậy.
“Bên trong” là hiện hữu người “bên ngoài” khó lòng với tới. Là tiện nghi, nhưng cũng là tự do bị mất đi theo bầu trời, chỉ còn được thấy cách một tầng trần Ga.
Cũng như Ga Yokohama, sừng sững đứng đó, hữu hình và vô hình, cụ thể và trừ tượng, như một biểu tượng cho sự bất khả xâm phạm, cho tinh hoa của khoa học công nghệ, đang lần hồi lấn chiếm, làm chủ chính cuộc sống con người.
Bên ngoài
Đối lập với “bên trong” Ga Yokohama là vùng không gian, thế giới “bên ngoài” mà theo định nghĩa của Mishima Hiroto, “là những cư dân không có Suika” sống rải rác thành các cộng đồng nhỏ trong các mũi đất đủ cho con người tồn tại, phần lớn quanh vùng ven biển, nơi Gen cấu trúc không vươn đến. Họ bị “bên trong” lãng quên còn bản thân họ, lại sống nhờ nguồn cung mọi thứ thiết yếu từ “bên trong” thải xuống. Họ tự hài lòng, tự thấy đủ với thực tại ở vùng quên lãng đã như một bãi rác chứa đựng phần thải cho thế giới “bên trong”, với họ tựa thực thể xa ngái đầy huyền bí. Lần hồi, mòn mỏi qua ngày, chờ đến khi chính nơi họ tồn tại, cũng bị Ga lấn chiếm và bản thân họ, trở thành cư dân không Suika, sẽ tan biến vĩnh viễn vào hư vô.
Bìa tác phẩm.
Và Mũi đất Dưới Chín Chín Bậc, là điển hình cho sự tồn tại thuộc phần “ngoại vi” đó. Nhưng nếu Dưới Chín Chín Bậc thuộc phần “bên ngoài”, là “thiểu số” so với “đa số bên trong”, thì những cá nhân như Mishima Hiroto, khao khát được khám phá thế giới xa lạ “bên trong”, lại càng là phần “thiểu số” của “thiểu số.” Dù thiếu thốn thông tin, dù lạ lẫm lạc bước, thì chí ít, Hiroto đã nhìn xa hơn cả chín chín bậc dưới Ga Yokohama vốn mang nghĩa chứng nhận cho sự trưởng thành của những đứa trẻ thuộc mảnh đất này. Để chàng trai ấy, tiến lên với trọn vẹn nỗi hoài nghi, niềm mơ ước, cả hi vọng người khác gửi trao, từ vùng “ngoại vi” so với Ga Yokohama, nhưng lại là vùng “bên trong” của chính con người đó, tiến đến thế giới xa lạ.
Tuy nhiên, trong Yokohama Station SF, tác giả Isukari Yuba không đơn thuần chỉ xây dựng các vùng “bên ngoài” nhỏ hẹp như Dưới Chín Chín Bậc. Mà “bên ngoài” trong cuốn tiểu thuyết này, còn hướng tới cả những quần đảo rộng lớn Ga Yokohama chưa thể chiếm lĩnh. Là vùng JR Fukuoka ngăn Ga bành trướng bằng hệ thống hạ tầng quân sự mạnh mẽ. Và là vùng JR Bắc Nhật Bản, chống lại Ga bằng cách đào sâu vào nghiên cứu cấu trúc Ga để có thể phá hủy Ga từ bên trong, ở cấp độ phân tử, tế bào. Nhưng dù là quân sự hay khoa học, thì “bên ngoài” bị quên lãng, “bên ngoài” hoang tàn, cùng góc khuất tăm tối thuộc phần ích kỉ trong mỗi con người vẫn là thực tại không thể chối bỏ. Khi đối diện với sự sống mong manh buộc người ta phải lựa chọn, tồn tại trước lúc bị Ga xâm lấn hay tồn tại trước khi bị chính đồng loại tiêu diệt?
Và “bên ngoài”, có lẽ còn để ám chỉ những con người, như thủ lĩnh của Liên minh lậu vé, vẫn sống như một tồn tại “ngoại lai” ngay chính “bên trong” Ga Yokohama dù không có Suika chăng nữa.
Hiểu như vậy, để thấy rằng, “bên ngoài” trên trang sách Yokohama Station SF là một khái niệm bao quát, rộng lớn đã trở thành một dạng biểu tượng cho những tồn tại vượt ngoài tầm kiểm soát của tính toán lạnh lùng. Dẫu còn thiếu thốn, còn khó khăn, hay thậm chí đang bị bào mòn dần trước sự xâm lấn của thực thể có tên Ga Yokohama thì họ vẫn tồn tại. Hay miệt mài chiến đấu, chí ít cho sự tự do ít ỏi, được trực tiếp, đứng dưới ánh mặt trời.
Dưới ánh mặt trời
Đến với văn chương như một “nghề tay trái”, tiểu thuyết đầu tay Yokohama Station SF như gói trọn lợi thế của tác giả Isukari Yuba, một nhà nghiên cứu sinh vật học rẽ nghiệp “viết lách.” Khi trong loại thể viễn tưởng, trong một câu chuyện với hàng loạt mạch truyện nhỏ đan xen về thế giới cùng cá nhân thuộc phần “bên trong”, “bên ngoài”; anh đã tạo dựng một “sinh vật” Ga Yokohama “sống” đến như vậy. Không hoàn toàn hư cấu, Ga Yokohama bên cạnh các yếu tố phi thực vẫn giữ trọn vẹn hình thức, cấu tạo, đặc điểm của một nhà ga bình thường với hệ thống đường ray hay ngay chính cả các Máy soát vé hoạt động.
Chính điều đó, tạo cho Yokohama Station SF, trở thành một tiểu thuyết, được Isukari Yuba viết ở thực tại mà như mang lời dự báo cho tương lai. Rằng sự “cải tạo” và bản thân khoa học công nghệ, tới một ngày, có thể vượt tầm kiểm soát con người mà quay lại, nuốt trọn đời sống con người.
Nhưng mỗi cá nhân, với định danh “con người” viết hoa, tới tận cùng vẫn là giống loài không chịu khuất phục, vẫn có những cá tính, vượt ngoài cái “chuẩn”, để được sống tự do, để tự mình đặt chân, trên mặt đất, dưới ánh mặt trời rực rỡ. “Cậu không cần phải là người đặc biệt. Cậu không cần phải là anh hùng cứu thế hay ác quỷ hủy diệt, chỉ cần phát huy sức mạnh của hạt cát cuối cùng làm cồn cát sụt lở giúp tôi thôi. […] Nhưng cả đời cháu đã sinh sống ở Mũi đất Dưới Chín Chín Bậc nho nhỏ, một nơi bên lề. Cháu mong muốn được biết hình hài thế giới, muốn thay đổi đôi chút không gian chật hẹp quanh mình, muốn tiến lên một bước… nên mới tới đây.”
Dẫu là hạt cát bé mọn trong cồn cát rộng lớn, con người, vẫn không ngừng khát khao, dám thử và sai như vậy đó.
MỌT MỌT
VNQD