Rowan Hisayo Buchanan luôn bị ám ảnh với những câu hỏi. Chúng không thoát khỏi tâm trí của cô trong nhiều tháng liền, chỉ cho đến khi nó dần bén rễ và được nói ra dưới dạng chữ viết. Là một nhà văn người Mĩ gốc Nhật-Anh-Trung Quốc, liệu cô nhìn thấy chủng tộc dưới gốc độ nào?
Từ trải nghiệm cá nhân
Rowan Hisayo Buchanan.
“Điều gì liệu sẽ xảy ra nếu một người mẹ rời bỏ đứa con của mình?” và đó cũng là nguồn cơn cho cuốn tiểu thuyết đầu tay Harmless Like You (tựa Việt: Ngây thơ như Nàng). Tác phẩm đã được hoan nghênh, giành nhiều giải thưởng cũng gây ra cuộc chiến đấu thầu khốc liệt giữa các nhà xuất bản vào năm 2016.
4 năm sau đó, cuốn Starling Days (tạm dịch: Những con chim sáo) tiếp tục câu hỏi: “Điều gì liệu sẽ xảy ra nếu ta ở bên một người mà họ chỉ muốn rời khỏi chúng ta?”. Và lại một khoảng cách dài lên đến 3 năm, để vấn đề mà Buchanan lần này mang đến đó là “Điều gì sẽ xảy ra nếu người ta yêu là mối nguy hại cho những người khác?”
Trong cuốn tiểu thuyết thứ ba – một tác phẩm trữ tình, dễ đọc, chịu nhiều ảnh hưởng của Kazuo Ishiguro, Ruth Ozeki và Virginia Woolf, Buchanan đã gửi vấn đề qua Katherine, nhân vật ở tuổi thiếu niên luôn không thể ngủ. Không ai có thể nhìn thấy hoặc nghe được cô. Do đó Katherine chỉ có thể nhìn cha mình nắm cổ tay mẹ một cách mạnh bạo, thì thầm vào trong tai bà, cũng như là cái siết cổ có phần nguy hiểm do ông tạo ra (có phần nào là say đắm không?).
Nhưng cha của Katherine lại rất tốt bụng. Ông từng gảy đàn guitar trong khi cho cô ngồi trên đùi mình. Cô ấy yêu ông có lẽ còn hơn là cả mẹ của mình, nếu cô thành thật thừa nhận điều đó. Vậy với câu hỏi đã ám ảnh kia, Katherine và Buchanan sẽ làm gì và nên làm gì?
Chia sẻ bên cốc matcha trong một căn hộ ở New York, Buchanan đã tiết lộ rằng: “Thông thường, những câu hỏi mà tôi đặt ra là những vấn đề đã từng xảy ra trong cuộc đời tôi, hoặc là cuộc đời của một ai đó thân thiết với tôi. Tôi biết có một số người đã phải hứng chịu bạo lực. Trong một số trường hợp, đó là bạo lực về mặt thể xác và rất nguy hiểm, nhưng trong những trường hợp khác, đó là bạo lực không gây nguy hiểm trực tiếp đến cho tính mạng, do đó nó rất có thể sẽ được bỏ qua – ngay cả với người nhận nó.”
Và loại thứ hai là thứ cô đã khảo sát trong cuốn sách mới nhất The Sleep Watcher (tạm dịch: Người mơ ngủ thấy): một thứ bạo lực luôn âm ỉ cháy mà nếu không theo dõi kĩ thì nó như thể không có ở đó. Buchanan cũng thừa nhận rằng trải nghiệm của mình thì “rất, rất khác” với các tình tiết trong cuốn sách này. Cô cũng chưa bao giờ có trải nghiệm thật sự thoát xác. “Tuy nhiên, tôi đã từng mơ những giấc khủng khiếp,” cô nói. “Tôi rất sợ vào thời điểm đó, và sẽ tránh ngủ càng lâu càng tốt.”
Buchanan đã phân tích các yếu tố của cuộc đời cô trong các tiểu thuyết trước đây, dẫn đến một sự thân quen ta có thể thấy. Đôi khi cảm giác đó như bàn tay mát áp vào vầng trán nóng bừng, còn những lúc khác nó giống như một con rắn quấn quanh cổ ta. Cuốn sách Starling Day năm 2019 của cô mở đầu bằng cảnh một người phụ nữ đã nhảy khỏi cầu George Washington ngay trước khi một sĩ quan cảnh sát ngăn cô ta lại. Đó là một phiên bản cực đoan hơn của điều gì đó mà Buchanan đã từng trải qua khi còn là một thiếu niên.
“Tôi sẽ không nhảy xuống đâu,” cô nói rõ. “Nhưng tôi đã bị trầm cảm rất nặng, và tôi chỉ biết đi bộ quanh hàng lang cầu. Sau đó, một chiếc xe cảnh sát dừng lại và yêu cầu tôi vào trong. Một trong những người bạn thân nhất của tôi đã phải đón tôi và kí vào các cam kết chịu trách nhiệm với tôi. Tôi quan tâm đến ý tưởng chịu trách nhiệm cho một ai đó và thực hiện nó theo đúng nghĩa đen. Nó làm tôi nhớ đến những điều chúng ta nói về hôn nhân. Theo một cách nào đó, đó là tiếng vọng đen tối của những lời thề.”
Những lối rẽ chủng tộc
3 tác phẩm của Rowan Hisayo Buchanan.
Hôn nhân, vị thành niên, gia đình - đây là thế giới trong những cuốn sách của Buchanan. “Tôi nghĩ áp lực và các vấn đề thuộc về gia đình thì cũng kịch tính như việc ném nhẫn vào trong núi lửa,” cô nói và cho biết thêm rằng mình là một người hâm mộ có phần cuồng nhiệt của JRR Tolkien – tác giả bộ sách Chúa tể của những chiếc nhẫn. “Nhưng khi phụ nữ viết nó, nó thường được coi như tiểu thuyết nội bộ (domestic fiction) hoặc tiểu thuyết gia đình (family fiction). Còn khi người viết là nam giới, thì nó lại được coi là viết về thân phận con người.”
Buchanan là người đa chủng tộc; con gái của một người mẹ là người Mĩ gốc Nhật và cha là người Anh da trắng. Cô lớn lên ở London nhưng ở lại Mĩ một thời gian dài sau khi học tại Đại học Columbia, nơi cô theo học hai chuyên ngành kinh tế và viết lách sáng tạo. Các nhân vật chính của Buchanan, mặc dù không phải lúc nào cũng có đặc điểm sinh học chính xác, nhưng đều trông tương tự cô. Một số người coi điều này có nghĩa là cô đang tự đặt mình vào trong trang sách. “Tôi nghĩ đó là điều mà các nhà văn đa chủng tộc và phụ nữ nói chung luôn phải trải qua.”
Về phần riêng mình, Buchanan quan tâm nhiều hơn đến việc các nhà văn bị đồng nhất với những lựa chọn đạo đức cho nhân vật của mình. “Tôi thích viết về những lựa chọn khó khăn và những lựa chọn sai lầm, những lựa chọn mà một số người cho rằng nó sẽ khiến cho các nhân vật trở thành đáng ghét. Đó là tình trạng đáng buồn nếu bạn không thích những người phạm sai lầm.”
Tuy vậy các nhân vật của Buchanan lại phù hợp với một khuôn mẫu rất khác: da trắng và nam giới. Một phần vì đó là thứ mà cô đã đọc rất nhiều từ khi còn là thiếu niên (Có rất nhiều nhà văn nữ vào khoảng thời gian đó nhưng dường như là sự châm biếm khi cô đặc biệt yêu thích Ian McEwan), nhưng phần lớn là vì cô không thể thích những tác giả nữ. Cô nói “Tôi rất muốn tự do để chỉ viết về một người mặc định, và trong đầu tôi đó là những người da trắng.”
Cô giải thích thêm, “Nếu bạn đang viết về một người phụ nữ, mọi người sẽ muốn biết tuổi của cô ấy, cô ấy hấp dẫn như thế nào… tất cả những chi tiết này tôi rất bực bội khi phải đưa ra vì tôi nghĩ ‘chà, đó không phải là chuyện của tôi’. Nhưng bây giờ tôi hiểu tại sao họ lại hỏi thế, bởi vì những chi tiết đó sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người phụ nữ ở thế giới này.”
Khi thói quen đọc sách của cô mở rộng, thì việc nhân bội phạm vi nhân vật của cô cũng được tiến hành. “Tôi muốn viết về những người đa chủng tộc, và tôi muốn viết về họ theo cách mà chính tôi đã trải nghiệm trong cuộc sống này”. Và vì vậy, chủng tộc tồn tại trong các cuốn sách của Buchanan ở các mức độ khác nhau, nhưng không bao giờ là quá nặng nề. Nó tương đối vắng bóng trong The Sleep Watcher, nhưng rõ ràng hơn trong cuốn Ngây thơ như Nàng, lấy bối cảnh New York những năm 1960 với nhân vật chính là một người Nhật.
Phải thừa nhận rằng Buchanan dễ dàng đi vào tâm trí của một ai đó giống với cô hơn. “Có một số nhân vật đàn ông và phụ nữ mà tôi thường gặp khó khăn để đi vào các trải nghiệm và đồng cảm với họ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ không đáng được chia sẻ. Một ngày nào đó, có thể tôi sẽ trở lại với những nhân vật nam da trắng. Bởi tôi không nghĩ những người da trắng đều có cuộc sống đơn giản mà không có gì là đáng bận tâm.”
ĐOÀN ANH TUẤN dịch theo The Independent
VNQD