Với chiến thắng mới nhất của tác phẩm Demon Copperhead, tiểu thuyết gia người Mĩ Barbra Kingsolver đã trở thành nhà văn đầu tiên chiến thắng 2 lần trong lịch sử 28 năm của giải thưởng này.
Barbra Kingsolver.
Theo đó Kingsolver đã trở thành người chiến thắng cho cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer Demon Copperhead mới đây, lấy bối cảnh ở vùng núi Appalachian ở Virginia, Hoa Kì, và là một sự mô phỏng trở lại tuyệt tác David Copperfield của Charles Dickens. Theo chân Demon - nhân vật chủ chốt khi anh rơi vào quãng đời có nhiều biến động, tác phẩm đã phơi bày lên hiện thực nhức nhối khi con người ta bị bóc lột sức lao động, lao vào nghiện ngập… vào những năm 1920.
Barbara trước đó cũng đã giành chiến thắng vào năm 2010 cho cuốn tiểu thuyết The Lacuna. Bà cũng lọt vào danh sách rút gọn năm 2013 cho cuốn Flight Behaviour (tạm dịch: Hành vi trên chuyến bay). Giải thưởng tiểu thuyết dành cho các tác giả nữ trị giá 30.000 bảng Anh, được trao cho cuốn tiểu thuyết hay nhất do một nữ nhà văn viết và xuất bản ở Anh.
Ban giám khảo năm nay do phát thanh viên kiêm nhà văn Louise Minchin làm chủ tịch, cùng với thành phần là tiểu thuyết gia Rachel Joyce, nhà báo - podcaster và nhà văn Bella Mackie, tiểu thuyết gia - nhà văn viết truyện ngắn Irenosen Okojie và Nghị sĩ Đảng Lao động Tulip Siddiq.
Minchin đã gọi Demon Copperhead là một “cuốn sách vô cùng tuyệt vời, có sức mạnh sâu sắc và đầy ý nghĩa”. Nó là “sự phơi bày về nước Mĩ hiện đại, trong cuộc khủng hoảng thuốc phiện và cách đối xử bất công với các cộng đồng phải chịu ác ý và không được đối xử một cách công bằng”.
Các giám khảo cũng đã nhất trí quyết định cuốn tiểu thuyết này của Kingsolver là người chiến thắng. Minchin nói rằng hội đồng“vô cùng xúc động trước nhân vật Demon, bởi sự lạc quan dịu dàng, khả năng chữa lành và quyết tâm của anh ấy bất chấp mọi thứ đang chống lại mình”. Đây là tác phẩm “sẽ trường tồn trước thử thách của thời gian”.
Tuy vậy cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách rút gọn lại là The Marriage Portrait (tạm dịch: Chân dung hôn nhân) của O'Farrell với 72.819 bản đã được bán ra vào tuần đầu tiên của tháng 6. Demon Copperhead là tác phẩm bán chạy thứ ba trong bản danh sách rút gọn của giải thưởng này.
Giải thưởng năm 2022 đã được trao cho Ruth Ozeki cho cuốn The Book of Form and Emptiness (tạm dịch: Cuốn sách về Hình tướng và Tính không). Ngoài giải tiểu thuyết, giải tác phẩm dành cho các cây bút nữ năm nay còn giới thiệu một giải phi hư cấu, sẽ được trao lần đầu tiên vào năm 2024.
Trước đó, Demon Copperfield cũng đã chiến thắng hạng mục tiểu thuyết ở giải Pulitzer lần thứ 105 cùng với Trust (tạm dịch: Niềm tin) của Hernan Diaz, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm của giải thưởng này có đến hai người chiến thắng, dù cho có rất nhiều năm không có cái tên nào được xướng lên.
Bìa tác phẩm Demon Copperhead.
Tác giả của tác phẩm này, nữ nhà văn Kingsolver, 68 tuổi, từ lâu đã thường lồng ghép các vấn đề xã hội vào trong tiểu thuyết của mình xuyên suốt văn nghiệp, với các tác phẩm có thể kể đến như The Bean Trees (tạm dịch: Những cây đậu thần), The Poisonwood Bible (tạm dịch: Kinh Thánh độc mộc)…
Những cuốn sách này cũng từng đoạt giải PEN/Bellwether dành cho tiểu thuyết hay nhất có nói đến việc gắn kết xã hội. Trao đổi thông qua điện thoại, Kingsolver nói rằng bà coi giải Pulitzer như là một sự khẳng định không chỉ cho cuốn tiểu thuyết, mà còn cho một bộ phận vốn bị bị hiểu lầm và thường là bị bỏ qua của nước Mĩ hiện đại.
Bà chia sẻ thêm: “Tôi viết cuốn tiểu thuyết này cho những người dân nơi mà tôi sống, vì họ dường như vô hình với phần còn lại của thế giới này, và cũng vì thế họ rất thường xuyên bị xuyên tạc và bỏ qua. Tôi không thể hạnh phúc hơn [với giải Pulitzer] vì lí do này”. Còn đứng trên bục nhận giải Women’s Prize for Fiction, bà đã hài hước và nói đùa rằng chiến thắng lần hai như “tôi bị sét đánh trúng hai lần”.
Nhìn nhận về tác phẩm này, các nhà phê bình cho rằng Kingsolver không chỉ đơn thuần là “khoác chiếc áo hiện đại” cho tác phẩm cũ của đại văn hào Charles Dicken, mà còn là “tái định cư bối cảnh ở miền nam Appalchia”, từ đó tiến hành một cuộc khảo sát li kì và đầy khốc liệt về hệ thống chăm sóc cũng nhưng cung cách ứng xử với những cá nhân cũng như cuộc đời không được may mắn.
Nói về cảm hứng để cho ra đời tác phẩm lần này, Kingsolver chia sẻ: “Tôi luôn muốn viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về Appalachian, bắt đầu với đại dịch opioid (lạm dụng chất gây nghiện), nhưng rồi sẽ mở rộng ra thành cuộc khảo sát về tình trạng nghèo đói, nhưng tôi lại không thể nào tìm ra cách đi vào câu chuyện mà mình sẽ viết. Tôi đã luôn nghĩ không ai muốn nghe câu chuyện mới này. Và thực tế là trong một lần đến thăm Bleak House, nơi Charles Dickens đã viết David Copperfield, tôi cảm thấy như mình đã nhận được thông điệp, rằng mọi người vẫn sẽ đọc nó, nếu như tôi làm đúng cách: cứ để đứa trẻ tự kể câu chuyện của mình. Ngay lúc đó tôi nhìn thấy Demon của mình, tôi nhìn thấy David Copperfield của mình.”
Mối liên hệ giữa Kingsolver và Dickens trong hai tác phẩm giờ đây có vẻ liền mạch. Cả hai đều là người viết bận tâm đến việc kể những câu chuyện “không ai muốn nghe” – khi khảo sát lại những tệ nạn và bất công của xã hội thông qua các cuốn tiểu thuyết giàu cảm xúc, được lên kế hoạch một cách cẩn thận.
Bà cũng nói thêm “Tôi nghĩ chúng tôi đã gặp được nhau một cách tự nhiên, bởi lẽ cả hai đều rất quan tâm đến các vấn đề giai tầng. Nhưng với Hoa Kì nơi được coi như là một xã hội không có giai cấp, nó thật thú vị, bởi lẽ ta phải xem xét từ các góc độ khác nhau. Tôi luôn yêu thích Dickens và tôi nghĩ mình đã lấy cảm hứng từ cách ông ấy xây dựng nhân vật, sự hài hước và tính hư cấu để nói về những điều chân thật”.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ nhiều nguồn
VNQD