Lớp học có bốn đẳng cấp

Thứ Bảy, 24/06/2023 00:16

. Truyện ngắn của Varsha Adalja, Ấn Độ

Varsha Adalja sinh năm 1940, là nhà văn kiêm tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và nhà ngôn ngữ người Ấn Độ. Bà đã xuất bản 40 cuốn sách, trong đó có 20 tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn. Nhiều tác phẩm của bà đã giành được giải thưởng văn học và chuyển thể sang phim truyền hình.

************

Khép vạt váy lại, bé Kumud, 8 tuổi, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh vòi nước và bắt đầu rửa những chiếc cốc bằng đồng sáng vàng. Vừa làm, bé vừa nhịp nhịp chân, làm những chiếc lắc chân va vào nhau cất tiếng reo leng keng như điệu nhạc. “Vỗ tay nào, vỗ tay lên, vỗ tay thật vui vẻ. Vỗ tay nào, vỗ tay lên và rồi lại vỗ tay thêm”, bé khe khẽ hát. Càng hát, bé càng muốn đứng dậy, nhảy điệu garba.

“Kumud đâu rồi? Chị làm cái gì mà ngồi mãi ở đấy hả? Tới đây xóa cái bức vẽ Shukracharya một mắt này đi ngay cho tôi”, tiếng thầy Pandya gọi toáng làm Kumud giật mình. Bé đứng bật dậy, chạy như bay về phía hàng hiên. Con quạ đang nấp trong cây bồ đề thất kinh, kêu váng lên. Mặt thầy Pandya đầy giận dữ, cổ họng phát ra tiếng gầm gừ.

Cây bồ đề rất to, tỏa tán um sùm che kín cả mái hiên của trường. Kumud phân chia những chiếc cốc đã rửa sạch sẽ theo tên của 4 đẳng cấp là Rajput, Vaniya, Suthar và Kumbhar được khắc trên mỗi chiếc. Lấy chiếc cốc có chữ Bà la môn, bé rót đầy nước và uống cạn. Ở làng Lakhtar của bé, chỉ có đúng 3 hộ là của người Bà la môn Audichya, nhà thầy Pandya, nhà bé và nhà Bhawani Sheth. Thầy Pandya ưa sạch sẽ, luôn bắt học sinh nữ phải vệ sinh trường lớp sạch bóng. Mỗi buổi sáng, Kumud có nhiệm vụ rửa cốc và đổ đầy nước vào bình, Rama thì lau bảng và quét sàn lớp, Vasanti phải quét sân và trải bao gai bằng đay để cho các bạn ngồi học, chỉ riêng Usha bé nhất là không phải làm gì.

“Dọn dẹp là việc của các học sinh nữ. Thân phận đàn bà mà học với hành làm cái gì? Nếu không phải vì dân làng bị thuyết phục bởi mấy cái hứa hẹn hão huyền về bình đẳng giáo dục, các chị tưởng mình được bước chân đến lớp học lẽ ra chỉ dành cho nam này chắc. Thôi được rồi, vài ba chị được đi học cũng chẳng có gì to tát. Xét cho cùng, đến khi kết hôn và làm dâu, nhiều lắm mỗi chị cũng chỉ viết được một lá thư với vài lời tự chúc phúc”, thầy Pandya luôn nhắc đi nhắc lại những lời này.

Kumud không bận tâm mấy lời đay nghiến của thầy Pandya. Trong lớp, bé và các bạn nữ khác bị xếp ngồi ở cuối, còn các bạn nam thì ngồi ở phía trên. Mặt trời đã lên cao, những tia nắng xuyên qua tán bồ đề rung rinh vì gió nhảy nhót trên nền đất, nhìn giống hệt như những con thằn lằn chạy tới chạy lui. Kumud đưa tay đón một tia nắng, nhưng nó lại dịch chuyển đi chỗ khác. Nhờ ngồi ở cuối lớp, bé có thể âm thầm làm chuyện riêng. Thò tay vào túi đựng phấn của mình, bé lấy ra một ít quả mọng và xếp xuống sàn.

Gần bàn giáo viên, Vijaysinhji – trò cưng của thầy Pandya lại luôn ngồi hoặc nằm ngủ gật trên chiếc ghế đẩu thấp mà chỉ riêng cậu ta mới có. Bên cạnh cậu ta luôn có một khay thức ăn. Dưới chân câu ta thì có người hầu và người này phải luôn tay xoa bóp hoặc quạt cho cậu ta.

Thầy Pandya cho rằng, thần tri thức chỉ hạ cố bước vào ngôi làng rách nát mà thầy phải phụ trách dạy nếu có tiếng gậy trúc. Mỗi ngày, thầy đều chống gậy trúc bước vào lớp. Đặt cây gậy trúc lên chiếc bàn giáo viên ọp ẹp có đặt một khay trầu, thầy khệnh khạng ngồi xuống chiếc ghế tựa bị gãy mất một bên để tay như thể hoàng đế.

Sau khi lén ăn hết mớ quả mọng, Kumud buồn chán nhìn xung quanh. Ở phía trên, các bạn nam đang đọc to bảng cửu chương nhưng ở phía dưới, bé Usha đã ngủ gật rất lâu, chị Vasanti thì cặm cụi viết bảng của chị. Mới mấy hôm trước, trong lớp vẫn còn có thêm 3 bạn nữ nữa là Jeevantika, Raseela và Leela. Jeevantika bị cha mẹ nhốt ở nhà nên không thể đến trường, Raseela thì bị đuổi học vì đã đính hôn còn Leela - em gái của Raseela, không rõ vì lý do gì mà cũng không đến lớp.

Ảnh minh hoạ.

“Đừng học nữa, ra sông chơi đi”, Kumud vỗ khẽ vào lưng Vasanti và rủ.

“Thầy đánh chết”, Vasanti sợ hãi.

“Chị nhát thế! Ra sông rồi học cũng vẫn được mà”, Kumud không bỏ cuộc. Đúng lúc ấy, giọng thầy Pandya gầm lên, “Tôi đã chỉ cho các anh hai hôm trước, tại sao không ai nhớ? Hôm nay là ngày mấy, tháng mấy, lễ gì? Không ai biết thật sao? Mulji, cậu đứng dậy, viết lên bảng của cậu cho tôi xem!”.

Mulji đứng dậy, cả tay cầm bảng lẫn tay cầm phấn đều không nhúc nhích. Thầy Pandya hùng hổ bước lại gần. Lớp học im phăng phắc. Đôi má trắng nhợt của thầy Pandya đỏ lên. Thầy thò tay xuống chân Mulji, nhéo vào đùi. Mulji kêu thét và òa khóc. “Cậu còn dám khóc? Cậu tưởng khóc thì bố cậu sẽ chạy đến và trả lời thay cho cậu đấy à? Nín ngay cho tôi!”, thầy Pandya quát. Mulji lập tức im bặt.

“Các cậu đến lớp chỉ để cho có mặt đấy hả? Đầu óc các cậu để đi đâu?”, thầy Pandya vừa quát vừa vung vẩy gậy trúc. Mahesh rụt rè giơ tay, nắn nót viết “3/2/1987” lên bảng cá nhân. Nét mặt thầy Pandya thôi cau có, nước trầu trong mồm thầy rỉ ra khóe miệng. Bước tới mép hiên, thầy phun ngụm nước màu đỏ chót đất. “Tôi đã dạy các cậu bao nhiêu lần rồi, thế mà chỉ có mỗi Mahesh là nhớ được. Các cậu là đồ đần hết đấy à? Mahesh, từ hôm nay, mỗi ngày cậu đều lên bảng viết ngày tháng cho tôi. Sao vẫn còn đứng đó? Bước lên, viết ngày tháng lên bảng trên kia”, thầy Pandya tiếp tục to tiếng.

Mahesh giật mình, run rẩy nói lí nhí, “Thưa thầy, em quên mất rồi”.

“Tôi phục cậu rồi đấy! Còn ai biết câu trả lời nữa không?”, thầy Pandya hỏi. Sợ bị thầy phạt, Mahesh vội vàng ngồi thụp xuống. Kumud không ngồi yên được nữa. Mới 2 hôm trước, anh trai bé mang về nhà một lốc lịch, giảng giải hết các ngày tháng, lễ hội, dịp quan trọng cho bé với Usha và Vasanti nghe. Kumud rất thích lốc lịch này, liên tục lật các trang và hỏi đi hỏi lại.

Trên bảng, Kumud viết “3/2/1987” và đứng đắc thắng. “Thưa thầy, số 3 là ngày, số 2 là tháng và 1922 là năm ạ”, bé trả lời rành mạch.

“Giỏi lắm, Kumud”, thầy Pandya quay lên bục. “Quả sồi không rụng xa gốc. Mẹ nào sinh ra con nấy. Minh chứng của nền giáo dục Jayaba và dòng dõi Gorbaapa chính là đây. Anh trai em cũng là một học sinh xuất sắc. Các cậu nhìn đi! Có biết mình vừa mới bị một bạn gái qua mặt hay không?”, thầy Pandya vừa khen Kumud vừa mắng các học sinh nam. Mắng xong, thầy tự viết 12 tháng lên bảng, bắt cả lớp viết lại và đọc to 20 lần. Sau đó, thầy nhổ bã trầu, súc miệng, kê lại ghế và ngồi xuống, gác chân lên bàn mà ngủ.

Ngoài sân, Lakshman – bạn nam thuộc tầng lớp Dalit (tầng lớp hạ đẳng, nằm ngoài hệ thống 4 đẳng cấp được công nhận) thập thò nghe lỏm. Lakshman cực kỳ thích học. Thoáng thấy thầy Pandya ngủ là cậu nhào đến, hỏi các bạn đang ngồi bên trong những phần cậu không nghe rõ hoặc chưa hiểu và ghi nhớ tất cả.

Chớp cơ hội thầy ngủ, Kumud khoác túi phấn lên vai, nắm tay Usha và chộp lấy Vasanti, kéo cả 2 chạy ra khỏi lớp. “Kumud ơi, đợi tớ với!”, Lakshman vội vã lao theo và gọi to. “Sao cậu chạy nhanh thế? Còn nhanh hơn cả gió nữa”, cậu vừa thở hổn hển vừa hỏi.

“Cậu gọi tớ làm gì?”, Kumud hỏi.

“Tớ không nhìn thấy những gì thầy ghi trên bảng từ ngoài sân, tại xa quá. Cậu viết lại cho tớ xem được không”, Lakshman rụt rè chìa viên phấn vụn.

“Được thôi”, Kumud ngồi xuống, đưa tay đón viên phấn.

“Đừng mà”, Vasanti cản lại.

“Tại sao?”, Kumud thắc mắc.

“Em không nên cầm viên phấn mà Lakshmaniya đã cầm đâu. Bẩn lắm! Em cũng không nên dạy lại cho cậu ta”, Vasanti ghé tai Kumud nói thầm.

Kumud giật lấy viên phấn và cả tấm bảng nứt trên tay Lakshmaniya, nhìn thẳng vào mắt Vasanti và cười. “Em đang cầm cả phấn lẫn bảng của cậu ấy đây. Chị nhìn đi, có chuyện gì xảy ra không? Bầu trời đã sụp xuống chưa? Cậu ấy chỉ muốn học thôi, đâu phải muốn làm gì sai trái”, bé nói đĩnh đạc như người lớn.

“Cậu cũng ngồi xuống đi, Lakshmaniya. Bảng của cậu bị nứt rồi nên tớ viết lên bảng của tớ nhé”, Kumud quay sang nói với Lakshmaniya.

“Nếu cho mình mượn bảng, cậu sẽ bị người lớn mắng đấy”, Lakshmaniya ngỡ ngàng.

“Đâu phải chỉ mắng không, em ấy còn có thể bị đánh cho tan xương nát thịt nữa kia”, Vasanti giận dữ. Kumud không bận tâm. Bé bắt đầu viết tên của các tháng theo thứ tự. Usha cũng xúm vào, cùng Lakshmaniya đọc to tên từng tháng.

“Chỉ cần chị và Usha không nói ra là không có ai biết được đâu”, Kumud dỗ dành Vasanti đang tức đến nghẹn lời. Sau khi chỉ bài cho Lakshmaniya xong, 3 bé gái lại nắm tay nhau, chạy như bay tới bờ sông. Giữa trưa, bờ sông vắng tanh, xung quanh cũng vô cùng yên tĩnh. “Cả đám rồi sẽ bị phạt cho mà xem”, Vasanti bùng nổ cơn giận. “Nếu mẹ chị mà biết chị trốn học, mẹ sẽ đánh chết chị”, bé chực òa khóc.

“Không sao đâu, không ai phát hiện đâu mà”, Kumud vỗ về.

“Không đời nào! Mẹ chị đâu có ngốc. Mẹ sẽ lại chì chiết lại cái bài cũ rích rằng chị lớn hơn em, không được để bị em lôi kéo. Nếu không có anh trai hay bố ở cạnh, chị không được phép đi đâu hết. Con gái mà đi lung tung một mình thì không đời nào gả được vào nhà tốt”, Vasanti phàn nàn. Càng nói, nét mặt bé càng thư giãn hơn và cuối cùng cũng nở nụ cười.

“Tin em đi, chị Vasanti! Sẽ không có ai phô với mẹ chị đâu. Thấy chúng ta bùng học, thầy Pandya còn vui hơn ấy chứ”, Kumud vừa nói vừa bắt chước điệu bộ chống gậy, hóp má phun nước trầu của thầy Pandya. Bé bắt chước luôn giọng điệu của thầy khi nói chuyện với mẹ của bé, “Chị à, Kumud đã được 8 tuổi rồi. Con bé rất thông minh. Bây giờ, chị nên cho con bé nghỉ học, về nhà tập nấu ăn và trói buộc đi là vừa”.

Vasanti phá ra cười. “Trói buộc ư? Trói như trói con bò á”, Usha hốt hoảng. Kumud xoa đầu Usha, “Nghĩa là kết hôn ấy mà”, bé giải thích.

“Trói buộc là kết hôn ạ?”, Usha không hiểu.

“Em nhìn này”, Kumud buộc một đầu vạt khăn của mình vào vạt khăn của Vasanti, nâng khăn lên trùm đầu và đi theo vòng tròn như thể đang đi quanh bàn chứng nhận kết hôn của lễ cưới Bà la môn Audichya. “Sợi dây hôn nhân tốt lành lấp lánh với những chiếc vòng, buộc vào nhau, gắn kết. Bên chàng rể hiền, cô dâu trông thật xinh và đoan trang”, bé hát với vẻ mặt vờ bẽn lẽn.

“Anh là chồng của em còn em là vợ của anh. Chúng ta cũng có đám cưới thiêng liêng giống như bao người khác”, bé nắm lấy tay Vasanti, nghiêng đầu nhìn chị với nét mặt đầy tình cảm. Vasanti bị cuốn theo, đưa tay còn lại nắm tay kia của Kumud, cùng bé nhịp nhàng nhảy vòng tròn. Bầu trời dường như cũng xoay tròn theo nhịp chân của 2 bé gái. Trên tán cây đa rậm rạp, chim chóc đua nhau hót véo von, hòa giọng cùng tiếng cười khanh khách.

Royal Vũ theo wordswithoutborders

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)