Milan Kundera nghiêm túc đến cuối đời với những trang văn

Thứ Năm, 20/07/2023 15:16

Một trong những người vĩ đại của văn chương Séc nói riêng và văn học thế giới nói chung đã qua đời hôm thứ Ba, ngày 11/7/2023 tại Paris, sau một trận ốm kéo dài, thọ 94 tuổi.

Vào giữa những năm 1980, không hề nói quá khi khẳng định Milan Kundera đã đóng vai trò trung tâm trong văn chương Mĩ và nhiều nơi khác. Ông là nhà văn Séc nổi tiếng nhất từ sau Franz Kafka, và tiểu thuyết của ông mang đến tin tức về các xã hội Đông Âu một cách chân thật.

Các bài phê bình về các tiểu thuyết đậm tính huê tình, triết lí và siêu hình của ông liên tục xuất hiện khắp các trang báo. Ở mọi thị trấn đại học, người ta mua, đọc và say mê Kundera. Trong đó, cuốn hay và tiêu biểu nhất là Đời nhẹ khôn kham, được xuất bản năm 1984. Lấy bối cảnh mùa xuân Praha năm 1968, cuốn sách kể về một vị bác sĩ phẫu thuật, một nhà bất đồng chính kiến ​​trẻ tuổi, thông minh và đã thành công từ bỏ tất cả mọi thứ mà mình sở hữu, để trở thành người lau cửa sổ sau nhiều biến động về niềm tin chính trị.

Chân dung Milan Kundera.

Danh tiếng của Kundera ở phương Tây đã tăng lên trong thập kỉ qua nhờ việc xuất bản các tiểu thuyết bằng tiếng Anh bao gồm The Joke (tạm dịch: Trò đùa) (1967), Cuộc sống ở trước mặt (1973), Điệu waltz giã từ (1972), Sách cười và lãng quên (1979). Trong đó Sự bất tử là cuốn sách cuối cùng mà ông viết bằng tiếng Séc, từ đó mở ra bộ 3 viết bằng tiếng Pháp gồm có Chậm, Căn cước và Sự ngu dốt. Những tiểu luận khác cũng rất nổi tiếng của ông bao gồm Nghệ thuật tiểu thuyếtNhững di chúc bị phản bội.

Kundera có mối quan hệ sâu sắc với các nhà tư tưởng và nghệ sĩ Trung Âu - Nietzsche, Kafka, tiểu thuyết gia người Áo Robert Musil, Hermann Broch cũng như là nhà soạn nhạc người Séc Leos Janacek. Giống như Broch, Kundera nói, ông cố khám phá “điều mà chỉ một cuốn tiểu thuyết mới có thể làm được,” bao gồm cả cái mà ông gọi là “sự thật của sự không chắc chắn.”

Trong các tác phẩm của mình, Kundera luôn duy trì một sự hài hước sâu xa. Chẳng hạn trong cuốn Trò đùa, ông đã viết về một người phụ nữ cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc giảm đau, chỉ để biết rằng chúng chính là thuốc nhuận tràng. Yếu tố châm biếm này thường không được mang ra chỉ để làm trò, mà nó còn có những phẩm chất ngầm, nảy sinh từ sự ngờ vực với những cá nhân hiện đang nắm quyền.

Chia sẻ với tờ The Paris Review vào năm 1983, Kundera nói rằng: “Tham vọng cả đời của tôi là kết hợp tính nghiêm túc tối đa của vấn đề với sự nhẹ nhàng của hình thức. Sự kết hợp giữa một hình thức phù phiếm và một chủ đề nghiêm túc ngay lập tức phơi bày sự thật về những vở kịch của chúng ta (những vở kịch xảy ra trên giường cũng như của những gì diễn ra trên sân khấu lớn của Lịch sử) và tầm quan trọng khủng khiếp của chúng.”

Các tác phẩm đã chuyển ngữ của Milan Kundera.

Milan Kundera sống lưu vong ở Pháp vào năm 1975, và việc sống lưu vong dưới nhiều hình thức khác nhau là một trong những chủ đề xuyên suốt của ông. Cuối cùng, ông coi mình là một nhà văn Pháp.

Tiểu thuyết của Kundera cũng thường mang tính tiểu luận. Chúng nói về bất cứ điều gì trong tâm trí ông: nỗi nhớ, sự phi lí của những điều tuyệt đối và cả âm nhạc. Mặc dù vậy, thường xuyên xuất hiện trong sách của ông có cả tình dục. Trong các tác phẩm của mình, Kundera xem tình dục như một hành động cứu chuộc và giải phóng dưới các chế độ đàn áp, nhưng nó cũng là một nỗi ám ảnh.

Nói về yếu tố đặc biệt này, Kundera đã từng chia sẻ với Philip Roth như sau “Tôi thường cảm giác một cảnh làm tình như tạo ra được một tia ánh sáng cực kì sắc nét, từ đó đột ngột tiết lộ bản chất của các nhân vật, cũng như tóm tắt cảnh sống của họ.” Ông cũng nói thêm: “Những cảnh làm tình trở thành tâm điểm, nơi hội tụ tất cả các chủ đề của câu chuyện và là nơi chứa đựng những bí mật sâu sắc nhất.”

Tiểu thuyết của Kundera, đặc biệt là những tiểu thuyết sau này, dần nghiêng sang hướng trừu tượng cũng như nặng nề. Ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình, Lễ hội của vô nghĩa (2015) khi đã ngoài 80 tuổi và đang sống thoải mái ở Paris. Nó cũng gây ra nhiều luồng tranh cãi khác nhau, khi một số người ca ngợi sự hài hước tao nhã của nó, trong khi những người khác thì không coi nó là tác phẩm hay.

Những tiểu thuyết vĩ đại, Kundera nhận xét, bao giờ cũng thông minh hơn tác giả của chúng một chút. Tác phẩm hay nhất của ông, như tác phẩm của Gabriel García Márquez viết về Châu Mĩ Latinh trong những năm 1960 và của Aleksandr Solzhenitsyn viết về nước Nga trong những năm 1970, không chỉ đưa một khu vực dần bị lãng quên ra với ánh sáng, mà còn mang đến cho nó cuộc sống phức tạp.

Trong những năm qua ông đã giành nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau, cũng như trở thành một trong những tác giả được nhiều người dự đoán sẽ là chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn Chương. Salman Rushdie – tác giả người Anh gốc Ấn với những tiểu thuyết nổi bật, nhận xét về Kundera như “một trong những nhà văn vĩ đại, người đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong trí tưởng tượng của độc giả,”

Cũng như Garcia Marquez, sau một lần duy nhất, ông không đồng ý cho phép chuyển thể tác phẩm nào của mình thành phim, kịch, các tác phẩm truyền hình hay phát thanh... Điều này được cho là bắt nguồn từ sự thất bại của phim điện ảnh chuyển thể từ cuốn Đời nhẹ khôn kham, khiến ông mất dần niềm tin vào việc chuyển thể. Ông cũng chọn lựa gắt gao dịch giả cho các cuốn sách. Chính ông cũng đã chuyển ngữ sang tiếng Pháp và tiếng Anh các tác phẩm mà mình đã viết trong giai đoạn đầu bằng tiếng Séc, và chỉ chấp nhận cho dịch thuật từ những ấn bản này.

Trong những năm qua, tại Việt Nam, các tác phẩm của Milan Kundera như Sách cười và lãng quên, Những di chúc bị phản bội liên tục được giới thiệu và chuyển ngữ mới. Song song cùng đó, Nghệ thuật tiểu thuyết cũng vừa trở lại trong tháng 7 này, với bản dịch cũ của nhà văn Nguyên Ngọc.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)