Là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp, chỉ bằng một dung lượng ngắn của câu chuyện mang nhiều yếu tố cổ tích, tác giả Jean-Claude Grumberg đã không chỉ phản ánh được câu chuyện cá nhân của bản thân mình, mà còn để lại những truy vấn sâu về vết thương thời đại và nỗi ám ánh không ngừng mưng mủ qua cuốn tiểu thuyết Món quà quý giá nhất.
Lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến, khi Đệ tam đế chế vẫn giơ những nanh vuốt trong những chuyến đi đến phòng hơi ngạt của người Do Thái, tác phẩm xoay quanh hai gia đình nọ - một của người tiều phu làm việc trong rừng, và một của gia đình Do Thái đang bị đày ải trên chuyến tàu ấy. Nhận thấy tương lai không thể tốt hơn, người cha quyết định bỏ lại đứa con vừa mới sinh ra cho người đàn bà kiếm ăn hằng ngày dựa vào chuyến tàu ở chỗ cửa sổ. Liệu đó là một quyết đúng đắn, hay rồi dằn vặt chính tâm can đó rất lâu sau này?
Tiểu thuyết Món quà quý giá nhất.
Như chính Grumberg từng chia sẻ rằng, với bản thân ông, công việc của một nhà văn là nói sự thật về vụ thảm sát tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại cho trẻ em mà không làm chúng sợ hãi. Vậy thì còn gì tốt hơn là viết nó theo dạng thức cổ tích? Ở đây ta có thể thấy những câu chuyện ấy mang cả hai nghĩa, theo kiểu tươi đẹp, trong sáng – cho những đứa trẻ; và cả đau đớn, tàn khốc – cho ai từng là trẻ thơ, ẩn dưới lớp nghĩa mà những bồi đắp tri thức lắng theo thời gian mà ta nhận ra.
Mở đầu cuốn sách như những truyện cổ tích khác, Grumberg xây dựng thế giới đen tối của “ngày xửa ngày xưa”, “trong một khu rừng đen tối” và có “một cặp vợ chồng tiều phu hiếm muộn”. Tuy dùng motif mang tính cổ điển, thế nhưng nhanh thôi Grumberg sẽ khoác lên nó dấu ấn thời đại –là ý thức hệ và những xu hướng chính trị theo kiểu số đông ở thời điểm này. Ở đó những người bình thường nhất cũng bị nhồi sọ về mối “xâm lăng” của người Do Thái, và gọi họ như là “bọn không có tim”.
Người chồng trong câu chuyện đó vẫn sẽ là người thờ ơ và lạnh nhạt nhất, trong khi người vợ sẽ làm xoay chuyển tất cả mọi chuyện. Bằng sự tương phản, Grumberg vừa cho ta thấy được khát khao chung của người phụ nữ với những sinh linh mà mình tạo ra, nhưng cũng đồng thời là sự đau đớn, bởi thời cuộc, hoặc bởi tạo hóa không thể cho mình được khả năng đó. Như những nhân vật điển hình, người phụ nữ sẽ đóng vai trò chủ chốt và xoay câu chuyện theo một hướng khác không thể ngờ đến.
Là con cháu của một gia đình Do Thái có ông và cha cũng từng bị đưa đi trên các chuyến tàu không có điểm dừng để chết dần mòn, Grumberg đục khoét chính mình để thể hiện được chính sự kiện đó. Nếu Natascha Wodin viết về những người Ukraine bị bắt đi làm khổ sai lao động ở Đức (Người đến từ Mariupol), Herta Muller nói về công việc trong trại tập trung bằng nghệ thuật viết độc đáo (Nhịp thở chao nghiêng), Heather Morris viết về công việc “đánh dấu” những “người thấp hèn” tại nơi diệt chủng (Thợ xăm ở Auschwitz)… thì văn bản của Grumberg chính là một bản điếu văn của bản thân ông, đồng thời mở ra một cánh cửa khác để nhìn vào tội ác của Đệ tam đế chế, vốn không giống như những gì chúng ta từng biết.
Tác giả và Nhà viết kịch Jean-Claude Grumberg.
Chính trong lớp vỏ của chuyện cổ tích, Grumberg cũng cho ta thấy được sự hoài nghi như một đặc điểm di truyền của bản thân mình, khi bởi ám ánh mang tính chấn động, mà ông tin rằng “Kể chuyện là cách tốt nhất để nói về những gì khó tin và khó tưởng tượng. Đối với con trai của những người bị trục xuất, trí tưởng tượng là mối nguy lớn, bởi độ chính xác của lịch sử là quá sức chịu đựng”. Do đó để gửi nó trong một câu chuyện thường được nhìn như hoàn toàn tươi sáng, là cách khả dĩ mà ông giải đáp chính bản thân mình trước khó khăn đó.
Vì vậy hiện thực của một thời đại đã được vạch trần một cách nên thơ, nhưng ẩn sau đó là những sóng ngầm không thôi rung động. Từ “Hai đứa trẻ đã bị ra rìa, bị xếp hạng tồi, bị tìm kiếm, bị truy bắt, một bé gái và một bé trai, đồng thanh khóc thét như thể chúng đã biết, như thể chúng đã hiểu”, cho đến nạn đói hoành hành loài người, nơi để nuôi sống một đứa trẻ nhỏ, người ta phải đổi tất cả những gì mình có. Grumberg chắt lọc một đoạn đối thoại tưởng chừng đơn giản nhưng ta sẽ thấy tất cả những gì là hiểm nguy nhất “Bà sẽ trả cho tôi cái gì để đổi lấy sữa?/ Mọi thứ mà tôi có!/ Thế bà có cái gì?/ Chẳng có gì/ Thế thì hơi ít.”
Cái hiện thực ấy cũng được Grumberg khéo léo tạo ra cả trong cũng như ngoại vi của những bức tường quyền lực. Trong khi trên chuyến tàu ấy là người đàn ông mang theo kí ức về những giờ cắt tóc, những ngôi sao vàng, những ngôi sao hồng và phòng hơi độc; thì người đàn bà bên ngoài ranh giới là cái đói, cái nghèo và những suy tư độc hại đến đáng báo động mà mọi con người như bị thối rữa trong không khí đó. Ở đó cũng có một người thiện lương mang bộ mặt quỷ dữ, và loài quỷ dữ mang bộ mặt người. Nhưng Grumberg cũng đứng trên lập trường bối cảnh mà không tách rời ra, để ta thấy rằng sự biến chất ấy đến từ thời đại hơn là con người.
Ông luôn ý thức “Tôi muốn nói rằng trong mọi tình huống vô nhân đạo nhất, con người vẫn sống và một tia lửa nhỏ nhất cũng có thể khiến mọi thứ bắt đầu lại. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, kể cả trong các trại diệt chủng”. Do đó đứa trẻ có thể là một niềm đau của người mẹ đẻ, nhưng cũng sẽ là niềm vui của một người khác. Ông viết “Thế giới dường như nhẹ bẫng và an toàn, bất chấp chiến tranh, hoặc là nhờ có nó, nhờ có cuộc chiến tranh ấy, cái cuộc chiến đã ban cho vợ chồng họ món hàng quý giá nhất. Cả ba cùng chia sẻ một bó to hạnh phúc, được tô điểm thêm bằng mấy bông hoa mà mùa xuân đã dành tặng để thắp sáng nội tâm họ.”
Thế nhưng ông cũng nhận ra “Chẳng ai ở cái chốn trần thế này giành được thứ gì mà không phải chấp nhận đánh mất một thứ nhỏ nhoi nào đó, có thể là mạng sống của một người thân thiết, hoặc mạng sống của chính mình”, để rồi mọi thứ chờ ta ở cuối con đường là sự hi sinh cũng như đánh đổi không thể chối bỏ. Nó luôn ám ảnh những ai còn sống, những ai chứng kiến và đã ra đi. Cái mầm móng mất mát ấy song hành cùng sự hi vọng có phần đau đớn, khi sự sống không thể hủy diệt, không ngừng lớn lên dù bị dìm xuống biển sâu cay đắng.
Thế nhưng cuối cùng mọi thứ rồi sẽ khép lại như một vòng tròn, nơi công lí đã được thực thi, và con người ta có thể chấp nhận những thứ mình bị bỏ lại. Đối với Grumberg, đó là việc khảo sát lại những gì đã ám ảnh ông từ thời thơ ấu: cái chết của cha trong các trại tử thần của Đức Quốc xã; cũng như niềm tin trong vào cuộc đời này và vào mọi người. Nhân vật trong tiểu thuyết này của riêng Grumberg cũng không có một cái kết mang tính viên mãn. Họ vẫn đong đưa qua hai bờ vực của mất mát, thương đau và chấp nhận nhau. Để cuối cùng sau đau thương này sẽ là một đau thương khác, bất khả vãn hồi.
Qua một tác phẩm có dung lượng ngắn thế nhưng sức nén rất đáng khâm phục, tác giả Jean-Claude Grumberg đã viết nên một bi kịch chất đầy nỗi đau, nhưng cũng không quên nói về hi vọng đằng sau chân trời. Trong thế giới cổ tích ấy, có cái tươi sáng của ngày dần sang, nhưng ẩn đằng sau vẫn là đêm đen trôi đến vĩnh hằng. Với ngôn từ nên thơ, cách kể thận trọng và những cảm xúc đã được kìm nén đến mức tinh vi, Món hàng quý giá nhất là câu chuyên đầy nhân văn, để hiểu “tình yêu khiến cho cuộc sống được tiếp diễn”, cũng như “những người không tim thì có tim đấy”.
LINH TRANG
VNQD