Nhiều nhà văn kêu gọi giải Pulitzer thay đổi tiêu chí xét giải

Thứ Năm, 24/08/2023 10:28

Mới đây, gần 300 tác giả đã kí vào bức thư ngỏ gửi đến Ban tổ chức giải Pulitzer ở các hạng mục có liên quan đến văn chương, kêu gọi thay đổi chính sách xét duyệt giải thưởng. Bởi việc đòi hỏi tác giả phải là công dân nước Mĩ đã khiến cho nhiều nhà văn cảm thấy tổn thương và thiếu công bằng.

Mọi thứ bắt đầu khi Javier Zamora – tác giả của cuốn hồi kí Solito (tạm dịch: Cô độc) được giới phê bình đánh giá cao thời gian gần đây, đăng một bài luận trên tờ De Los về việc giải Pulitzer ở các hạng mục hư cấu, tiểu sử, hồi kí, thơ ca và sách phi hư cấu nói chung hiện chỉ xét duyệt đề cử cho những tác giả là công dân Mĩ.

Trong bài viết này, Zamora nói: “Thật vô nghĩa khi tổ chức thường xuyên tôn vinh nhà văn và các nghệ sĩ có tác phẩm vạch trần sự bất công như Quỹ Pulitzer lại đồng thời duy trì tình trạng bài ngoại mà những người nhập cư hiện phải trải qua hàng ngày”.

Các tác giả nổi tiếng Hua Hsu, Brit Bennett, Andrew Sean Greer, Douglas Stuart, Maria Hinojosa, Hugh Howey, Carl Phillips, Jose Antonio Vargas đã kí vào thư ngỏ.

Trước đó dự án Undocupoets, do Zamora đồng sáng lập vào năm 2015, đã xuất bản một bức thư ngỏ tới hàng loạt giải thưởng kêu gọi thay đổi tiêu chí xét giải. Tính đến tháng 8 năm nay, đã có gần 800 nhà văn cùng kí vào bức thư trên. Họ gồm những tên tuổi trẻ có nhiều tác phẩm đã được bảo chứng về mặt chất lượng, như Hua Hsu – người đã chiến thắng giải Pulitzer cho hạng mục hồi kí năm nay, Brit Bennett – tác giả của Nửa kia biệt tích, Stuart Douglas – người đã chiến thắng giải thưởng Booker cho cuốn Shuggie Bain

Trong quá trình trên, rất nhiều tổ chức giải thưởng cũng đã đồng ý thay đổi. Một trong số đó là Giải Nhà thơ trẻ Yale, Giải APR Honickman dành cho các nhà thơ chưa xuất bản và Giải thưởng thơ Andres Montoya trao cho các nhà thơ gốc Mĩ Latin. Dẫu vậy con số kể trên còn khá khiêm tốn, nhưng Zamora đã không dừng lại. Anh nói: “Việc loại bỏ một số tác giả chỉ vì xuất thân đã khiến cho các giải thưởng gặp phải hạn chế về sự đa dạng trong suy nghĩ và quan điểm, từ đó làm giảm giá trị của bản thân chúng”.

Vào năm 2018, Giải thưởng PEN/Faulkner tiến hành mở rộng tiêu chí từ người có quốc tịch Mĩ trở thành các “thường trú nhân Hoa Kỳ và người có Thẻ xanh”. Cũng trong năm đó, Giải thưởng Sách Quốc gia, tuy không thay đổi tiêu chí về việc buộc phải là công dân Hoa Kì, nhưng cũng cho phép đưa vào đề cử nếu như người viết có thể trả lời 2 câu hỏi: “Tác giả tự coi mình là người Mĩ nhập cư hiện đang và tích cực tham gia vào việc theo đuổi quyền công dân, hay không thể theo đuổi các con đường truyền thống để trở thành công dân vào thời điểm này?”, và “Tác giả có sống ở Hoa Kì từ 10 năm trở lên tính đến ngày 30 tháng 11 của năm Trao giải không?”

Những thay đổi này của cả hai tổ chức là một bước đi mang tính tích cực, nhưng PEN vẫn khiến cho các nhà văn không có giấy tờ hợp lệ không thể xét giải. Đối với giải Pulitzer điều này còn tồi tệ hơn, khi trên trang web yêu cầu đối với các “hạng mục Hư cấu, Tiểu sử, Hồi kí, Thơ ca và Phi hư cấu nói chung, các tác giả phải là công dân Hoa Kì. Trong hạng mục Lịch sử, tác giả có thể thuộc bất kì quốc tịch nào nhưng chủ đề của cuốn sách phải liên quan đến lịch sử Hoa Kì.”

Javier Zamora và cuốn tự truyện Solito của mình.

Như vậy đây là giải thưởng không dành cho ai không phải người Mĩ. Một điều bất ngờ là 2 tuần trước, Zomora đã nhận được một lời mời từ hội đồng Giám khảo Pulitzer yêu cầu anh làm giám khảo cho hạng mục Tự truyện/Hồi kí năm 2023. Anh nói “Thực sự đây là vinh dự to lớn khi một người trước đây không có giấy tờ cư trú lại có thể trở thành một người chấm giải, từ đó giúp cho rất nhiều tiếng nói khác biệt có được cơ hội tôn vinh”.

Thế nhưng con đường đấu tranh vẫn luôn âm ỉ trong Zamora. Đáp lại lời mời anh đã viết rằng “Tôi không thể làm giám khảo cho một giải thưởng mà những người không có Thẻ xanh lại bị đánh giá một cách bất công.” Anh cũng để ngỏ trong bức email mình sẽ tham gia nếu như hội đồng thay đổi chính sách về xuất thân của các nhà văn. Cuối cùng thì hội đồng quản trị trả lời rằng không thể thay đổi được gì và điều đó tùy thuộc vào các “cấp trên”.

Bởi lẽ việc cởi mở hơn về các tiêu chí sẽ không làm giảm chất lượng của những người chiến thắng mà còn tăng thêm tiếng nói đương đại. Ngay cả những người từng được vinh danh trước đây cũng đã đấu tranh cho những bất công như Greg Grandin, Toni Morrison, Alice Walker… Trong lá thư ngỏ gửi đến Quỹ Pulitzer các nhà văn viết:

Kính gửi Quỹ Pulitzer:

Chúng tôi, những người kí tên dưới đây, là những độc giả và người yêu thích văn chương, là những nhà văn không có giấy tờ, là người nhập cư thế hệ thứ nhất và thứ hai, là những nhà văn bản địa và da đen, những người đã từng đoạt giải và được vinh danh tại giải Pulitzer cũng như các giải lớn khác trên khắp nước Mĩ. Chúng tôi vô cùng biết ơn về các công việc mà Quỹ Pulitzer đã thực hiện trong nhiều thập kỉ qua để nâng đỡ tác phẩm và các tác giả thật sự tài năng.

Từ việc bày tỏ lòng biết ơn này, và với hi vọng nói lên sự vinh danh ấy, chúng tôi khẩn cầu Giải thưởng có thể thay đổi tiêu chí xét duyệt của mình, để tác phẩm của các đồng nghiệp của chúng tôi, những người do tình hình địa-chính trị khắc nghiệt, đói nghèo, bạo lực, đối mặt với sự sống còn… hoặc được sinh ra sự hỗn loạn và không có giấy tờ hợp pháp… có thể có quyền tham gia đề cử.

Trên con đường trao giải cho tác phẩm mới, giải Pulitzer có được cơ hội cũng như tiên phong trong việc tạo ra những tiêu chuẩn mới. Bởi lẽ các tác phẩm chiến thắng và được đề cử không chỉ được nhớ trong khoảnh khắc ngắn, mà còn như những chứng nhân của dòng lịch sử.

Chúng tôi, những người kí tên dưới đây, tin rằng mình có nhiệm vụ đặt ra câu hỏi về điều gì tạo nên nền văn học của một quốc gia, và khi đặt câu hỏi này, chúng tôi tin rằng điều cần thiết nhất là phải tránh xa những kiểu định nghĩa mang tính áp đặt và đầy thiếu sót. Vì vậy cho dù là các nhà văn không có giấy tờ thì tiếng nói của họ cũng có giá trị, hướng đến tương lai và một viễn cảnh của sự hòa hợp.

Chúng tôi trông đợi giải Pulitzer tiếp tục dẫn đường cho chúng tôi và hi vọng Quỹ Pulitzer sẽ có hành động thay đổi tiêu chí xét duyệt.

Chúng tôi viết thư với sự thất vọng cũng như ngưỡng mộ và cả hi vọng. Cảm ơn Uỷ ban đã xem xét và lắng nghe”.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ LitHub

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)