Được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hay nhất của văn chương Mĩ, Cây Brooklyn xanh biếc là một áng văn vừa cá nhân nhưng lại phổ quát, vừa dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ… về những con người vượt qua số phận đầu thế kỉ XX.
Xoay quanh nhân vật Francie Nolan, tác phẩm lớn này gồm 5 phần nhỏ và được viết ra như bản sử thi gia đình. Lấy bối cảnh khu ổ chuột Williamsburg những năm 1900 cho đến những ngày kề cận Đệ nhất Thế chiến, tiểu thuyết gia Betty Smith đã truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa. Với lượng lớn nhân vật và những câu chuyện có nhiều nhánh rẽ, tác phẩm này cũng phản ánh một cách hiện thực nước Mĩ và những con người trong đô thị ấy.
Những người ngoại đạo
Là con của một gia đình nhập cư người Đức, có lẽ hơn ai hết Betty Smith biết những khó khăn mình sẽ gặp phải. Trong một đất nước mà người mới đến luôn luôn bị coi như kẻ bên lề, cả nhà Nolan cũng như Rommely đã rất cố gắng trong từng giây phút. Trong đó gia tộc Nolan đến từ Ireland bởi Nạn đói lớn, và đã chịu cảnh đọa đầy bởi phân biệt đối xử. Cũng tương tự với một tác phẩm khác lấy cùng bối cảnh là Tro tàn của Angela của nhà giáo – tiểu thuyết gia Frank McCourt, cả hai tác phẩm đều nổi bật lên một sự nghèo đói nhưng được khắc họa theo hướng vui tươi.
Có lẽ thành công lớn nhất của Betty Smith là đã xây dựng được một nhân vật ấn tượng. Trong cuốn sách này, Francie cũng như bạn bè đồng trang lứa được sinh ra giữa sự nghèo khó. Cô đã đồng hành cùng với Neeley – em trai cách mình 1 tuổi, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Ở những phân cảnh có hai chị em, Betty cho ta cảm giác về sự tin tưởng cũng như thơ ngây và đầy hồn nhiên. Bởi lẽ cái nghèo không hẳn lúc nào cũng nghiêng về phía tiêu cực, mà ở khía cạnh nào đó, nó cũng mang ta lại gần với nhau.
Nhà văn Betty Smith.
Trong cách viết văn có phần gần gũi, Betty Smith đã rất tài năng khi kể lại được những chuyện vừa buồn vừa vui, để lại dấu ấn sâu trong người đọc. Chẳng hạn như việc người mẹ Katie tuy rất thiếu thốn nhưng vẫn cho phép con gái phung phí món café pha loãng vì “những người như chúng ta thi thoảng có thể phung phí thứ gì đó để tận hưởng cảm giác có thật nhiều tiền trong tay và không phải lo lắng về việc phải đi xin xỏ người khác”. Đó cũng là những chi tiết về người cô Sissy với vẻ quyến rũ lẳng lơ cùng với đời sống tình cảm có phần bốc đồng… Có thể thấy rằng trong tác phẩm này, nhân vật dù chính hay phụ thì đều sẽ được khai thác dưới nhiều nhãn quan, giúp họ có cá tính riêng và được độc giả quan tâm nhớ đến.
Ở nhà Nolan, nhân vật chủ chốt vẫn là người bố Johnny luôn luôn thấu hiểu cũng như dịu dàng với con của mình. Đó cũng là mẹ Katie cần cù, chịu thương chịu khó và luôn giữ mãi những nét đức hạnh. Gia đình gồm 4 người họ trong buổi khó khăn cùng nhau vun vén để mà tồn tại. Dường như sống trong thiếu thốn giúp họ nhận ra mình cần nhau hơn, và cũng giống với gia đình McCourt trong Tro tàn của Angela. Nhưng gió rồi sẽ đảo chiều khi những trụ cột gia đình sẽ bị ngáng trở bởi cuộc đời này, khiến họ như bị phá hủy từ tận bên trong.
Nếu cha của Frank từng bị xem thường chỉ bởi chủng tộc, thì Johnny lại chịu tổn thương bởi những ước vọng không thể đạt được. Cả hai đều bị hủy hoại dưới sự phân biệt một cách cực đoan mà không một ai có thể giúp đỡ. Mang nặng tâm lí gánh vác gia đình, họ sớm oằn vai và rồi ngã xuống. Từ đó mà họ để lại một gia đình lớn cùng với người vợ giờ sẽ suy sụp. Thế nhưng khác Angela người làm mọi thứ để con cái mình có được miếng ăn, dù là xin xỏ từ chỗ phát chẩn hay các nhà thờ, thì Katie lại dạy con mình bài học lớn hơn, khi luôn biết cách giữ gìn phẩm giá.
Phản ánh xã hội
Không thể khẳng định đâu là cách làm tốt hơn, thế nhưng qua tác phẩm này, Betty Smith cũng đã cho thấy những tư tưởng mới và đầy tiến bộ của người phụ nữ đầu thế kỉ XX. Khi mà quyền được bầu cử vẫn chưa thông qua, thì họ vẫn luôn biết cách để mà thu vén, tiết kiệm, cũng như ý thức chỉ có giáo dục mới khiến thế hệ tiếp theo không còn nghèo đói. Trong những đoạn văn mà bà ngoại Mary dạy cho Katie cách nuôi dạy trẻ, trong cách đối xử đầy lòng thương yêu của các người dì Sissy và Evy đối với Francie… ta cũng thấy được một góc nhìn mới về việc khẳng định sức mạnh phụ nữ.
Chẳng hạn như một đoạn văn mà chính bà ngoại nói với Katie: “Đứa nhỏ cần có một thứ vô giá gọi là trí tưởng tượng. Nó phải có một thế giới bí mật, nơi cư ngụ của những thứ chưa từng tồn tại trên cuộc đời này. Điều cần thiết ở đây là đứa nhỏ phải biết tin tưởng, bắt đầu bằng việc tin vào những thứ không thuộc vào thế giới này. Đó là quá trình tìm hiểu sự thật. Trước tiên tin tưởng bằng cả trái tim, sau đó không còn tin nữa. Nó khiến các cung bậc cảm xúc lên cao và rồi xuống thấp. Khi trưởng thành, nếu có người khiến nó thất vọng, nó sẽ tiếp nhận mọi chuyện không quá khó khăn.” Từ đó mà người mẹ ấy đã hướng con mình đến một tương lai rất đáng khích lệ.
Tác giả cũng không giấu đi hiện thực về tính nam độc hại, về sự gia trưởng và những phân biệt đối xử trong giai đoạn đó. Những vết nhơ về lạm dụng, quấy rối tình dục, thiếu lòng vị tha, thiên vị nam tính… cũng được khảo sát một cách kĩ càng. Dẫu vậy chúng không được viết bằng lối giáo điều mà thay vào đó là rất dịu dàng cũng như đồng cảm. Mang dáng dấp bán tự truyện, Betty Smith biết cách khai thác sự quan sát và tâm hồn nhạy cảm của nhân vật chính, từ đó truyền đi thông điệp ý nghĩa.
Chẳng hạn khi thấy Joanna – một người phụ nữ bị vị nhân tình ruồng bỏ hay thấy Neeley bắt nạt người khác mà mới trước đó cậu là nạn nhân… Francie đã tự ý thức được lòng trắc ẩn. Betty Smith cũng nhấn những nét chấm phá cho các nhân vật tưởng như bên lề như cậu bé mắc bệnh suyễn Henny, ông chủ quán rượu McGarrity hay viên cảnh sát McShane… Từ đó cho thấy cuộc đời vốn luôn phức tạp, và cách sống đẹp là biết chia sẻ. Còn nhiều bài học khác nữa trong tác phẩm này, và chúng cũng sẽ được viết một cách sống động và đầy thơ mộng.
Không hề che giấu những vết thương sâu, Betty Smith bằng dung lượng dài của cuốn tiểu thuyết cũng viết nên một áng văn về tấn trò đời nơi nhiều số phận cũng như thân phận soi chiếu lẫn nhau. Ở đó có những người tốt khi không e ngại cả sự nghèo đói để cứu thoát một sinh linh, nhưng cũng có người lầm đường lạc lối mà sự can đảm sẽ chẳng đưa họ đi đến được đâu...
Tiểu thuyết Cây Brooklyn xanh biếc.
Cá tính đặc biệt
Trong suốt dòng chảy văn chương, có thể đánh giá Cây Brooklyn xanh biếc ngang hàng với tác phẩm khác là Chuyện gia đình March vô cùng kinh điển của Louisa May Alcott. Có cùng motif một nhân vật chính khi vừa mạnh mẽ lại vừa hồn nhiên, Betty Smith mang đến góc nhìn không quá hiện thực nhưng cũng không hẳn nhuốm màu đen tối. Trong cô bé ấy là một cái nhìn hoàn toàn bao dung, được đúc kết từ thiếu thốn cá nhân cùng với quá trình vươn lên số phận.
Hình tượng Francie cùng với không gian đọc sách ở chỗ cầu thang của cô đã và sẽ mãi đi vào lịch sử văn chương. Chỉ bằng một mô tả ngắn nhưng ta thấy cả một cá tính riêng và rất đặc biệt. Trong cô bé ấy có cái phù phiếm của tuổi mới lớn, trong việc đặt tấm thảm nhỏ lên cầu thang, lấy gối trên giường, ăn chiếc bánh xốp bạc hà màu hồng và trắng mà mình đã mua từ chỗ xu lẻ kiếm được từ bán phế liệu… Nhưng cũng đồng thời đầy sự trưởng thành và có ý thức, với các cuốn sách mượn từ thư viện và chỗ quan sát đặc biệt, nơi một cái cây mà cô giấu mình và nhìn xung quanh.
Cũng ở đoạn này Betty Smith đã cho ta thấy rất nhiều hình tượng mang theo sức mạnh. Đó là “cây thiên đường”, “cầu Brooklyn” như đại diện cho sự tự do mà nhân vật chính mong muốn hướng đến. Cô biết cái cây nhỏ ấy dù có bị chặt hay làm tổn hại thì nó rồi sẽ xanh lại và đầy sức sống. Con người chúng ta cũng hệt như thế, trưởng thành từ những nỗi đau để ta lớn hơn và hiểu nhiều hơn về cuộc đời này. Francie đã không từ chối xuất thân nghèo khó, cô chấp nhận nó và coi đó là động lực để mình vươn lên.
Như khi Betty Smith viết “Cô tự hào vì cái mùi này. Nó cho cô biết rằng ở gần đây có một nhánh sông, dẫu rằng nhánh sông đó rất bẩn, đổ ra một con sông khác rồi chảy ra biển. Đối với cô, thứ mùi tanh nồng ấy gợi lên hình ảnh của những con thuyền ra khơi và những chuyến phiêu lưu.” Vì vậy rốt cuộc ở cuối tác phẩm khi đã bước lên cây cầu Brooklyn – một biểu tượng khác của sự thành công, Francie đã không choáng ngợp trước thứ mình đã tưởng tượng. Cuộc sống của cô sau nhiều biến cố đã xa và rộng lớn hơn khu ổ chuột Williamsburg và khu Brooklyn cô đã từng quen, để vươn xa hơn và cao hơn mãi.
Từ những điều trên có thể thấy rằng bằng một cốt truyện nhẹ nhàng, điềm tĩnh, nhưng cũng không thiếu những sự mạnh mẽ cũng như tàn khốc, thông qua ngôn ngữ trong sáng, Betty Smith đã viết nên một áng văn dũng cảm về việc vượt lên số phận, tiến về phía trước. Cây Brooklyn xanh biếc là tác phẩm lớn, và các giá trị mà nó mang lại sẽ còn trường tồn rất lâu sau nữa.
LINH TRANG
VNQD