Có thể chắc rằng Douglas Adams đã tiên đoán trước cho sự thành công của một loạt công nghệ mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên, trong những ghi chú chưa từng công bố sẽ được xuất bản trong cuốn sách mới.
Vào cuối những năm 1990, ít nhất một thập kỉ trước khi máy đọc sách điện tử của Amazon xuất hiện lần đầu trên thị trường vào năm 2007, tác giả của bộ Bí kíp quá giang vào dải ngân hà đã đưa ra loạt ý tưởng dự đoán một cách kì lạ về sự phát triển của hình thức này.
Bộ sách Bí kíp quá giang vào dải ngân hà.
Nhưng Adams, người đã qua đời vào năm 2001, không thể chứng kiến tưởng tượng của bản thân mình trải dài trên ba trang A4 trở thành hiện thực. Ông đã từng viết: “Sẽ có rất nhiều sự phản đối ý tưởng về sách điện tử từ phía công chúng. Đặc biệt là bởi những người mà 10 năm trước đã từng nói rằng mình không thấy việc gõ máy tính có ích lợi gì.
“Nhưng tôi tin rằng sự phản đối này sẽ dần biến mất khi bản thân sách điện tử được cải thiện và trở nên nhỏ hơn, nhẹ hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, nói cách khác là giống với một cuốn sách hơn”.
Với những tài liệu chưa được biết đến từ kho lưu trữ cá nhân của Adams, bao gồm ghi chú, thư từ, bài phát biểu, thư từ của hâm mộ và những phần chưa sử dụng trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, 42: The Wildly Improbable Ideas of Douglas Adams (tạm dịch: 42: Những ý tưởng cực kì khó tin của Douglas Adams) được tập hợp bởi Kevin Jon Davies, người gặp Adams lần đầu tiên vào năm 1978 để phỏng vấn ông.
Douglas Adam và Tác phẩm mới ghi lại 42 ý tưởng còn đang dang dở.
Davies đã có được quyền truy cập vào tài liệu lưu trữ của Adams hiện được lưu giữ tại Trường Cao Đẳng St John, Cambridge để có cái nhìn thật sự sâu sắc về những suy nghĩ, quá trình và các ý tưởng của nhà văn nổi tiếng. Theo đó sau khi qua đời, 60 chiếc hộp chứa đầy sổ tay, thư từ, kịch bản, truyện cười, bài phát biểu và thậm chí cả thơ ca của vị nhà văn đã được lưu giữ. Trong đó ông đã mô tả Adams là “một người đàn ông bị mê hoặc bởi công nghệ” và cũng là “người vừa ủng hộ việc bảo tồn vừa là một nhà đổi mới có tư duy tiến bộ”.
Davies nói: “Những ý tưởng trong bài viết, bài báo và bài phát biểu của ông thường được cho là đi trước thời đại. 3 trang ghi chú là suy nghĩ của Douglas về tương lai của sách điện tử đã có từ cuối những năm 1990, và những suy ngẫm này đã có rất lâu trước khi Kindles và các sách điện tử khác xuất hiện”.
Khi Adams còn sống, nhiều thứ mà chúng ta coi như là đương nhiên ngày nay như iPhone, Facebook, YouTube và Twitter đều không tồn tại và phần lớn mọi người truy cập Internet thông qua kết nối rất chậm. Nhưng sự kết hợp giữa niềm đam mê sâu sắc của Adams với công nghệ và trí tưởng tượng độc đáo của ông đã khiến nhiều ý tưởng cực kì khó tin giờ đây trở thành hiện thực.
Từ năm 1995, ông đã gợi ý rằng máy tính cần ngừng trở thành những khối kim loại khổng lồ để khiến chúng thông minh hơn. 7 năm trước khi Kindle được phát minh, ông đã cho rằng “Sách điện tử sẽ là thiết bị độc lập kết nối không dây với mạng”. Ông thậm chí còn đoán chính xác sự nổi lên của trò chơi trực tuyến nhiều người chơi như là Fortnite.
Theo đó bộ Bí kíp quá giang vào dải ngân hà từ lâu có một vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn học – văn hóa đại chúng, và được chuyển thể nhiều lần ở nhiều loại hình khác nhau. Đầu tiên là vào năm 1978 dưới dạng phát thanh trên radio, sau đó là tiểu thuyết, loạt phim truyền hình năm 1981 và chuyển thể sân khấu, trò chơi máy tính cũng như điện ảnh vào năm 2005.
Adams từng nói “Yếu tố quan trọng mà sách điện tử sẽ phải cải thiện một cách triệt để và then chốt nhất là độ phân giải. Thông thường, một cuốn sách có độ phân giải từ 600 đến 2.400dpi [số chấm trên mỗi inch vuông]. Một màn hình máy tính hiện con số này chỉ khoảng 74, vì vậy việc đọc không được thoải mái. Khi tôi làm xong một ngày làm việc ở trên máy tính, tôi thường in tài liệu ra và ngồi trên ghế sofa để đọc. Nhưng khi độ phân giải được cải thiện – kết hợp với màn hình có đèn nền – tôi tin rằng sẽ thay đổi rất nhiều quan điểm về ứng dụng nó”.
Vào tháng 2 năm 2001, chỉ 3 tháng trước khi qua đời ở tuổi 49 vì một cơn đau tim, Adams đã phát biểu tại một hội nghị ở Cannes về công nghệ điện thoại di động – khi đó còn khá sơ khai.
Bài phát biểu của ông cũng được đính kèm trong tác phẩm này, hình dung ra một thế giới nơi điện thoại di động không chỉ được dùng để gọi, mà bên cạnh đó cũng còn đưa ra nhiều sự dự đoán cho hướng phát triển kết nối không dây trong điện thoại thông minh. Ông nói: “Không có dây cáp. Không còn cồng kềnh. Hãy xem Bluetooth có thể đưa chúng ta đi bao xa. Hãy để điện thoại liên lạc với máy tính, với tivi, với radio – ồ, và đặc biệt là với ô tô. Tôi muốn đài phát thanh trên ô tô của mình trở thành một thiết bị hoạt động bằng chính nguồn điện”.
Viết trong lời tựa của cuốn sách mới, Stephen Fry, bạn của Adams từ những năm 1980, đồng thời là người thu âm bộ sách Bí kíp quá giang vào dải ngân hà viết: “Thật kinh khủng khi nghĩ rằng bạn chưa bao giờ cố gắng phóng to hình ảnh nào đó trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, chưa bao giờ tương tác với một chatbot AI, chưa bao giờ hỏi Alexa một điều gì đó, chưa bao giờ tweet, chưa bao giờ lên Facebook, FaceTime hay Skype…”, thế nhưng Adams dường như đã thấy tất cả điều đó.
Thông qua những tiết lộ trên, bản thân Adams đã chứng minh rằng những ý tưởng vĩ đại nhất đều đến từ những suy nghĩ chỉ thoáng qua thôi trong trí tưởng tượng của chính chúng ta. Từ nó nó cũng đồng thời mang đến cái nhìn sâu sắc và lôi cuốn về tâm trí của một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế kỉ 20.
Gia đình Adams cho biết: “Điều Douglas yêu thích hơn cả một ý tưởng hay là việc chia sẻ nó với mọi người. Và dù là lần đầu tiên hay lần thứ 100 bạn nghe thấy nó, thì niềm vui của ông cũng chưa bao giờ giảm đi. Chúng tôi rất vui được làm việc với nhà xuất bản để chia sẻ nó với các độc giả”.
Ngoài những điều trên, tác phẩm mới này cũng sẽ chứa đựng những suy tư riêng của vị nhà văn về việc viết lách. Chẳng hạn một trang ghi chú đã được đánh máy viết rằng “Hôm nay tôi đã chán ngấy cái việc viết lách. Tôi đã không viết gì bất kì điều gì trong 2 ngày qua, và nó khiến tôi nôn mửa”.
Thế nhưng trong những ngày khác, ông cũng cho thấy quyền năng của hoạt động này: “Viết lách thực sự thì không tệ lắm khi ta vượt qua được nỗi lo lắng. Vì vậy hãy quên nó đi, chỉ cần tập trung vào việc viết thôi. Đừng xấu hổ về những điều xấu, cũng đừng căng thẳng với những thứ đó… Hãy tấn công nó, đừng để nó tấn công ta. Từ đó ta sẽ nhận được niềm vui từ nó…”
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The Guardian
VNQD