Tiếng đàn và cõi đời thu nhỏ

Thứ Tư, 30/08/2023 10:09

Được đánh giá là một trong những tiểu thuyết xuất sắc hiếm có của văn học Đài Loan hiện đại, với Người theo đuổi tiếng đàn, Quách Cường Sinh thông qua âm thanh đã kể nên một câu chuyện có nhiều tầng nghĩa, từ đó khắc họa lại sự vô nghĩa của chủ nghĩa hoàn hảo và những vọng âm dai dẳng đến từ quá khứ.

Xoay quanh câu chuyện của một người đàn ông trung niên làm nghề căn chỉnh tiếng đàn dương cầm, cuốn sách lướt qua câu chuyện của nhiều cá nhân, từ cặp vợ chồng người sở hữu đàn cho đến những người đã từng xuất hiện trong một đoạn đời của nhân vật chính. Trong đó bằng cách viết dòng suy tưởng phối trộn hợp lí với cốt truyện đơn giản, Quách Cường Sinh đã tạo nên một tác phẩm giản dị về hình thức, thế nhưng nội dung có sự phức tạp đến không ngờ đến.

Âm thanh của sự mâu thuẫn

Trong cuốn bán hồi kí Nói đi, ký ức, đại văn hào người Nga Vladimir Nabokov đã từng nói về khả năng tương đối đặc biệt của bản thân mình, đó là nhìn thấy màu sắc từ các từ ngữ. Với ông mỗi một từ ngữ đều có một phổ màu riêng, mà khi gọi tên bộ lọc quang phổ bắt đầu khởi động. Khoa học hiện đại gọi đấy là liên cảm giác, và có tồn tại trong số ít người. Nói về Người theo đuổi tiếng đàn, Quách Cường Sinh dường như cũng có cảm giác có phần tương tự, nhưng với âm thanh thay vì màu sắc.

Âm nhạc trong tác phẩm này nắm giữ vị trí gần như trung tâm, khi nó không chỉ gắn kết các nhân vật lại cùng với nhau, mà còn là một ẩn dụ về sự không hoàn hảo và là khởi nguồn cho kí ức trở lại. Nó đầy thiêng liêng như câu chuyện cổ về các linh hồn vì muốn cảm nhận vẻ đẹp của thanh âm mà đồng ý nhập vào thân xác nhơ nhớp, rồi sẽ héo tàn, cuối cùng chết đi; nhưng cũng đồng thời là một lớp vỏ che mắt con người. Như một câu nói trong tác phẩm này: “Nhiều người dùng nhạc cụ diễn tấu mà không thực sự hiểu chúng. Sự hoàn mĩ mà một nghệ sĩ âm nhạc theo đuổi, nó trừu tượng mà cố chấp thế đấy, cuối cùng lại phải thực hiện trên cỗ máy được chế tạo trên cơ sở của vật lí học”.

Nhà văn Quách Cường Sinh.

Ở tác phẩm này, dương cầm chính là khởi nguồn cho những bí mật còn được giấu kín. Đó là người phụ nữ liên tục khơi lên những giai điệu hay nhưng không tìm được thanh âm giãi bày lòng mình. Đó cũng là người đàn ông nghe ra được sự đồng cảm từ một người khác khi vợ mình đã qua đời, chứ không phải từ ngón tay của người phụ nữ lúc còn sinh thời… Ở đó, Quách Cường Sinh đã cho ta thấy hóa ra âm thanh hay vẻ sang trọng của một cây đàn chỉ là phương tiện, mà linh hồn bất ổn sâu trong thể xác mới là nguyên nhân khiến các giai điệu như bị biến âm cũng như pha tạp.

Nhìn ở bề nổi, dương cầm và những âm thanh mà nó tạo ra như đang đại diện cho hai khía cạnh tâm hồn - thể xác, khi những gì đẹp nhất, hay nhất và tuyệt diệu nhất hóa ra là lại đến từ bộ phận cơ khí ở phía đằng sau. Đó là sự cọ xát những búa âm thanh vào các dây đàn, là một hành động đậm tính thô mộc, cơ học cũng như đau đớn. Đó không chỉ là những thanh âm được hình tượng hóa, gần với linh hồn và sự thăng hoa của người nghệ sĩ.

Cũng như con người có thể ngoài mặt trong đã bình yên, thế nhưng bên trong là những xước xát không thể giãi bày. Đó là một người nghệ sĩ đã có tất cả nhưng luôn vò võ về một tình yêu đến từ con tim, là người căn chỉnh muốn tìm cây đàn của một con người mình từng hoài nhớ… Đó là sự đổi chác cũng như trạng thái không thể hòa hợp, mà dù cho có suốt đời đi tìm, thì cũng không thể tìm ra lời giải tối ưu, bởi lẽ “mỗi cây đàn dương cầm đều có âm sai, vậy mà đại đa số chúng ta cứ tin mỗi nốt nhạc ta nghe đều sẽ hoàn chỉnh cũng như hoàn mĩ”.

Do đó người thợ lên dây chính là cá thể đứng ngay ở giữa, nơi họ đóng vai như một “chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân” cho cặp “vợ chồng” là đàn dương cầm và người nghệ sĩ diễn tấu. Để làm được vai trò ấy, họ không chỉ cần hiểu rõ về đàn dương cầm, mà còn phải thông thuộc các bản nhạc khác nhau mỗi lần hòa nhạc, nắm rõ phong cách của từng nghệ sĩ, cách thức thể hiện của từng bản nhạc… để tìm ra cách cân chỉnh sao cho phù hợp. Do vậy vai trò của con người đó là tối quan trọng, đòi hỏi trải nghiệm cùng với kĩ năng mà mình sở hữu, để dò trúng những thanh âm vang lên như những lời nói Hallelujah tràn ngập thiêng liêng.

Thời khắc và sự bám đuổi

Thông qua vai trò của nghề nghiệp ấy, nhân vật chính trong cuốn sách này cũng lần tìm về quá khứ và tự phản tư kí ức của bản thân mình. Cũng như những con người khác, như những phàm phu tục tử vẫn thường mắc lỗi là chưa bao giờ hiểu được lòng người lại phức tạp và khó dò như vậy, họ thường cho rằng thế gian là một bản nhạc phổ sẵn có, do đó việc họ cần làm chỉ cần là đánh thật hay. Thế nhưng hóa ra lại không phải thế. Đó là thế giới nội tâm phức tạp, nên chính linh hồn sẽ tạo nên các trạng thái của từng âm thanh. Thường trực là sự hỗn loạn tần số cơ bản của nội tâm và sự thiếu hài hòa trong tần số của linh hồn chính mình, vì thế họ không thể đến gần nhau và trao gửi nhau chính con người thật.

Sách Người theo đuổi tiếng đàn.

Dựa trên chính yếu tố đó, Quách Cường Sinh cũng thấy những sự tự tương quan của bản thân mình đối với câu chuyện. Với bản thân ông, cuốn tiểu thuyết này có phần giống với Bà Dalloway khi không chỉ kể câu chuyện của riêng một thời, mà còn là những phản ảnh của bản thân ông sâu sắc trong đó. Nếu bà Dalloway phải tự mình đi mua hoa, thì Quách Cường Sinh cũng tìm ra cách kể chuyện sao cho phù hợp. Ông đã viết rằng người kể chuyện hay là người biết cách nắm bắt tiết tấu nhanh chậm, lược bỏ chi tiết rườm rà, điều chỉnh tiêu cự cũng như nhịp điệu giữa các từ các câu mà không thêm mắm dặm muối để biến cái kết đi theo ý mình. Khi đó ngôn từ cùng với giai điệu hòa vào với nhau, tạo nên trạng thái thăng hoa của người nghệ sĩ.

Hai chất liệu ấy cũng cho ta thấy được tính tạm thời của nghệ thuật, nơi việc tiếp nhận chỉ đến trong một khoảnh khắc. Như tác giả viết “Âm nhạc khiến ta nghe thấy tiếng chảy của thời gian, nghe thấy âm thanh phát ra từ chiếc bóng của chính mình. Nói lắng nghe diễn tấu dương cầm, không chính xác bằng đang lắng nghe sự trôi chảy. Mỗi nốt nhạc mà phím đàn nhả ra đều là khoảnh khắc hiện tại, vĩnh viễn không bao giờ lặp lại lần nữa”. Nó như lưu giữ dư vị của những gặp gỡ và những cảm xúc mang tính nhất thời, nhưng rồi chính nó cũng sẽ giữ lại những sự hối tiếc đến mãi sau này.

Ở đây bản thân tác giả đã tạo ra sự đối kháng, khi ông cho thấy tính chất hai mặt của sự nhất thời, khi vừa có thể trôi qua như cái chớp mắt, nhưng cũng là nỗi uất ức sẽ theo con người bốn bể đất trời. Nó vừa có thể trìu mến như chuyện của nghệ sĩ dương cầm Sviatoslav Teofilovich Richter và hai cây đàn đơn độc ở hai căn hộ được đập thông nhau, nhưng cũng có thể là cuộc hành trình tìm cây đàn xước chứng nhân cho mối tình câm. Nó là hai mặt của một đồng xu, là hai câu chuyện hoàn toàn đối ngược, bởi rốt cuộc đồng cảm và tội ác không quá khác nhau, nó là góc nhìn và là câu chuyện của người được chọn. Và người ở lại chính như tạp âm của cây dương cầm, có chỉnh đến đâu cũng không hoàn hảo, mà mỗi âm chính phát ra lại sẽ kèm theo những vọng âm sai và bị bóp nghẹn cho đến tuyệt vọng.

Bằng cách viết dòng suy tưởng theo mạch cảm xúc được nối với nhau một cách liền mạch cũng như hình tượng mang nhiều lớp nghĩa, Người theo đuổi tiếng đàn là một tiểu thuyết có dung lượng ngắn, thế nhưng những gì mà nó mang lại lại có sức công phá vô cùng mạnh mẽ, về quá khứ, sự bất toàn và cả sự thiếu kết nối trong hiện tại này.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)