Nhà văn Ryuichiro Utsumi.
Ryuichiro Utsumi sinh năm 1937, quê gốc Nagoya và lớn lên ở Iwate, Nhật Bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Setsudo nite, đã đoạt giả Bungakukai 1969 giành cho các nhà văn mới. Ông từng được đề cử cho giải Akutagawa và giải Naoki, 2 giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản, và hiện đang sống ở Niiza, Saitama.
-----------------
Ở các thị trấn thuộc tỉnh lẻ, nhân viên nhà nghỉ thường đặt tờ báo địa phương mới ra dưới cửa sổ vào mỗi buổi sáng. Hầu hết khách từ thành phố lớn sẽ không buồn lướt qua các trang chính, vì họ vốn không theo dõi tình hình tin tức tại đây nên cũng không hiếu kì. Tuy nhiên, với người khách mới giành được cuộc hợp tác kinh doanh béo bở từ hôm trước thì lại khác. Sau một đêm nhậu nhẹt thả ga hoặc ngủ ngon quên trời đất, họ thức dậy tràn đầy sinh lực và bỗng nhiên cảm thấy yêu thích nơi đây, có chút gắn bó và hứng thú đọc các bài báo từ đầu đến tận cuối.
Đây chính xác là cảm giác mà Iwasaki cảm thấy vào buổi sáng hôm đó. Sau khi tắm xong, ông ngả lưng lên giường với điếu thuốc trên miệng, thong thả giở tờ báo địa phương ra. Nơi ông đang ở là một nhà nghỉ trong thị trấn sầm uất nhất của tỉnh Shikoku. Iwasaki là nhà thiết kế đồ họa đến từ Tokyo, được nhà nghỉ lớn nhất mới khai trương trong thị trấn này thuê. Dù mới 50 tuổi, ông đã có 26 năm sự nghiệp và công ty riêng, dưới tay là 30 nhân viên. Công việc lần này của ông là thiết kế biển quảng cáo cho nhà nghỉ mới. Sau bữa tiệc không có gì để chê trách do ban quản lý tổ chức vào đêm hôm trước, ông đã thức dậy với tinh thần vô cùng sảng khoái.
Sau khi lật qua trang báo khác, Iwasaki đột ngột lật trở lại, nhìn chằm chằm vào bảng thông báo nhỏ mà ông đã lướt qua trước đó. Ở đấy, có một tấm ảnh nhỏ hơn tấm danh thiếp. Nheo mắt nhìn tấm ảnh, ông bật dậy, nhảy xuống giường, với hộp đựng kính đọc sách đặt trên chiếc bàn bên cạnh. Bước nhanh tới cửa sổ, ông đeo kính lên và nhìn thật kĩ tấm ảnh. Tia nắng ban mai của tháng Tư sáng chói lọi, chiếu vào phòng. Người trong tấm ảnh chính là vợ cũ của ông, đã li hôn 23 năm trước. Bà vẫn mái tóc ngắn, thân hình mảnh khảnh, gương mặt trái xoan như thuở nào. Đứng bên cạnh bà là một người đàn ông lớn tuổi và một cô gái trẻ khá cao. “Đúng là bà ấy rồi. Mình có nghe được là bà ấy đã tái hôn, nhưng không hề biết bà ấy đang sống ở thị trấn này”, ông lẩm bẩm.
Đọc kĩ lại bài báo, Iwasaki phát hiện chỉ có họ vợ cũ là khác, còn tên thì vẫn vậy. Người đàn ông đứng cạnh bà là chồng hiện tại, giám đốc bệnh viện thị trấn, còn cô gái đứng giữa 2 người là con gái riêng của bà, cũng tức là con gái ruột của ông, đứa trẻ đã đi theo mẹ vào 23 năm trước và chưa một lần quay trở lại tìm bố. Bài báo đưa tin, cô gái này đang có buổi triển lãm đầu tiên tại phòng trưng bày địa phương. Cô 24 tuổi, tốt nghiệp trường cao đẳng nghệ thuật ở Osaka, được đánh giá là họa sĩ trẻ triển vọng. Bức ảnh được chụp trong buổi tiệc mở cửa, khi bố mẹ cô đến chúc mừng. Trong ánh nắng ban mai rực rỡ, Iwasaki nghe rõ tim mình đập thình thịch và cảm thấy hơi choáng váng.
Khi li hôn, Iwasaki 27 tuổi, mới mở công ti thiết kế đồ họa tư nhân, còn vợ ông 26 tuổi, con ông 18 tháng. Có lẽ, vì lấy nhau ngay khi vừa tốt nghiệp đại học nên cả 2 đều chưa biết nghĩ cho đối phương. Bây giờ ngồi nhớ lại, Iwasaki đoán nguyên nhân tan vỡ là vì hai vợ chồng quá trẻ dại, thiếu kinh nghiệm. Sự bốc đồng của tuổi trẻ khiến họ vội vã đến với nhau, bất chấp lời khuyên ngăn của cha mẹ đôi bên.
Ngay khi mở văn phòng ở Shibuya, Iwasaki ăn ngủ luôn tại đây, né tránh về nhà là căn hộ ở ngoài ô, vì nơi ấy có vợ phiền, con nhiễu đang đợi. Trước đó, ông cũng thuê phòng trọ để không cần phải về nhà ngủ nghỉ rồi luôn bị đánh thức ngang giấc bởi tiếng quấy khóc của trẻ con. Công việc vốn bận bịu đến tận nửa khuya trở thành cái cớ hoàn hảo. Iwasaki lao đầu vào làm việc và các buổi nhậu sau giờ tan tầm, thảo luận ý tưởng thiết kế mới cùng với đồng nghiệp trên bàn rượu. Càng lúc, ông càng thấy mình sinh ra và sống vì công việc, chỉ hạnh phúc khi được đắm chìm vào nó.
Vắng bóng vợ con, Iwasaki không khác gì trai độc thân và ngẫu nhiên, các cô gái trẻ thi nhau nhào đến bên người đàn ông trẻ trung và thành đạt. Chẳng mấy chốc, Iwasaki đã cặp kè với hết cô nọ đến cô kia. Lấy cớ bận rộn công việc, ông thường xuyên vắng nhà suốt nhiều ngày. Cứ mỗi lần gặp mặt, hai vợ chồng lại cãi nhau không ngớt.
Một ngày nọ, Iwasaki trở về nhà sau thời gian dài biệt tích, thấy căn hộ trống trơn. Vợ ông đã ôm con tới nhà bố mẹ đẻ ở Osaka mà không báo cho ông biết. Khi Iwasaki tìm đến, vợ ông lạnh lùng chìa giấy li hôn. “Nó muốn cậu cút khỏi cuộc đời nó. Chúng tôi sẽ chăm lo cho cháu tôi. Chỉ cần cậu đồng ý kí vào giấy, chúng tôi sẽ không đòi tiền nuôi con hay chia chác tài sản”, bố vợ của ông tuyên bố dứt khoát. “Hãy để con gái và cháu gái của tôi yên”, mẹ vợ của ông yêu cầu. Với họ, việc lấy lại được con gái khỏi tay chàng rể mà họ không ưa là quan trọng hơn tất cả. Iwasaki chỉ còn nước cầu cứu vợ, nhưng vợ ông đáp trả bằng ánh mắt đã cạn tình cạn nghĩa. “Tôi sẽ không đời nào tha thứ cho anh. Tôi đã chịu đựng đủ lắm rồi. Thứ đàn ông trăng hoa khốn nạn. Cút đi!”, bà đay nghiến và tỏ rõ thái độ ghê tởm, như thể trước mặt là thứ bẩn thỉu nhất trên đời.
Trước lời phán xét đanh thép của vợ, Iwasaki còn biết cúi đầu, lặng lẽ kí vào đơn li hôn.
Đặt tờ báo xuống giường, Iwasaki gọi điện cho công ty của ông ở Tokyo, yêu cầu lên lịch lại các cuộc hẹn và hủy vé máy bay quay về. Ngoài ngạc nhiên vì phát hiện con gái đang sống trong thị trấn này, ông còn bất ngờ vì cô đã theo bước chân ông, dấn thân vào con đường nghệ thuật và cảm thấy tình máu mủ dâng trào. Có lẽ, huyết thống chính là như thế.
Năm năm sau khi li hôn, ở tuổi 32, Iwasaki tái hôn với một nhà thiết kế đồng nghiệp. Vợ chồng ông có 2 con trai, một đứa đang học cấp hai và một đứa đang học cấp ba. Cả hai đứa đều thích âm nhạc, không chút hứng thú với hội họa.
Rời nhà nghỉ, Iwasaki bắt xe đến phòng trưng bày. Tiếp viên quầy lễ tân cho biết, phải 10 phút nữa, phòng trưng bày mới mở cửa và kiến nghị ông nên đi dạo giết thời gian. “Nếu đi loanh quanh, lỡ đụng mặt vợ cũ thì biết làm thế nào”, Iwasaki nghĩ thầm. Ông hướng mắt ra ngoài qua tấm cửa kính, nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình và bỗng giật thót. Trong khi vợ cũ của ông chẳng thay đổi bao nhiêu, ông đã béo lên 20kg. Mái tóc dày dặn ngày nào cũng đã rụng gần hết, phơi ra cái đầu hói. “Mình mà đeo kính lên, bà ấy tuyệt đối không thể nhận ra”, ông tự giễu.
Phòng trưng bày nằm ở tầng hai của tòa nhà sang trọng. Cánh cửa tự động trượt mở khi Iwasaki bước đến, không gian bên trong rộng rãi hơn so với khi nhìn vào từ bên ngoài. Vì còn sớm, khách tham quan rất thưa thớt. Ông đảo mắt nhìn một vòng, thấy một nhóm gồm 3 phụ nữ đang túm tụm trò chuyện. Một người trong số họ chính là vợ cũ của ông. Trái tim ông đập hối hả. Lấy kính ra khỏi túi, ông thận trọng đeo lên mặt và bước vào.
Có khoảng 40 bức tranh sơn dầu được treo kín trên các bức tường. Họa sĩ sử dụng gam màu sáng, ấm áp với màu xanh lá cây và màu vàng là màu sắc chủ đạo. Hầu hết các bức tranh đều vẽ bé gái và động vật nhỏ, càng ngắm càng thấy tâm trạng dễ chịu hơn. Iwasaki bước đến đứng trước bức tranh thứ ba, vẽ bé gái đội mũ vành hoa và xúc động khôn tả, nước mắt chực trào ra. “Con bé đã vẽ bức vẽ mà mình từng vẽ lúc còn trẻ. Nó đúng là con gái của mình rồi”, ông nghĩ thầm và cảm thấy lồng ngực thắt lại.
Bức tranh thứ sáu vẽ bé gái và chú chó nhỏ chơi đùa trên bãi biển. Iwasaki lặng ngắm thật lâu và bất chợt cảm thấy có ánh mắt của người nào đó nhìn chăm chú vào lưng mình. Ông bước tới bức tranh thứ bảy và nhìn vào hình ảnh phản chiếu qua khung kính, phát hiện đó là vợ cũ. Vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để đối diện với bà, ông bối rối khoanh tay, giả vờ không nhìn thấy.
Bức tranh thứ mười hai vẽ cô bé với mái tóc dài được buộc bằng dải ruy băng màu trắng. Iwasaki ngắm tranh nhưng tấm trí để hết vào tiếng nói chuyện của vợ cũ đằng sau lưng. “Tôi ra ngoài đón khách một chút nhé! Chỉ nửa giờ sau là tôi quay lại thôi”, giọng của bà vẫn cao vút như ngày nào. Khi bà bước qua sau lưng ông, mùi hương quen thuộc chiếm lĩnh giác quan và vây kín cơ thể.
Iwasaki tiến đến bức tranh cuối cùng, hai phụ nữ trước đó đã đứng trò chuyện với vợ cũ của ông lịch sự tránh đường. Ông cũng lịch sự gật đầu cảm ơn, nhìn thẳng vào mặt họ và lập tức nhận ra, một trong hai người này chính là con gái mình. Cô có khuôn mặt tròn trịa và đôi mắt dài, sắc giống hệt ông. Ngày cô còn bé, ai cũng bảo chỉ cần nhìn mặt thôi là biết ngay con của Iwasaki.
“Chính là nó, con gái của mình”, ông quay mặt đi, nhìn vào bức tranh treo trên tường và cố giấu nỗi nghẹn ngào. Trái tim ông đập nhanh loạn xạ, mồ hôi lạnh túa ra đầy gáy. “Nếu bỏ lỡ hôm nay, liệu mình còn có hôm nào khác được gặp mặt nó không? Mình muốn đến bên nó và nói, mình chính là bố của nó. Mình chưa bao giờ quên nó. Chắc nó cũng từng muốn gặp lại mình. Bây giờ, mình chỉ cần quay lưng lại và chào nó thôi. Có thể, sẽ hơi khó xử nhưng mà…”, ông nghĩ tới nghĩ lui trong lúc bước tới sát bức tranh cuối cùng.
Bức tranh cuối cùng vẽ bé gái ôm búp bê. Mặc dù họa sĩ vẫn sử dụng màu vàng và màu xanh lá cây làm chủ đạo, nhưng cảm giác bức tranh đem lại so với các bức tranh khác rất khác biệt. Bé gái trong tranh khoảng 5, 6 tuổi, nhưng không hề mang nét ngây ngô. Con búp bê trên tay cô bé nhìn rất quen mắt. Ông sực nhớ, nó chính là con búp bê xấu xí mà vợ cũ của ông đã tự tay làm cho con gái nhân dịp thôi nôi. “À, ra đây là bức tranh tự họa”, ông lẩm bẩm. Ánh mắt lạnh băng của cô bé trong bức tranh như đang lên tiếng hỏi, “Suốt bao nhiêu năm qua, ông đã ở đâu? Sao ông có thể không biết ngượng mà nhận mình là bố của tôi cơ chứ?”. Iwasaki thở dài. Sau hồi lâu đứng trước bức tranh, ông bước lại quầy lễ tân và nói, “Tôi muốn mua bức tranh được treo ở vị trí cuối cùng. Vâng, chính là bức vẽ cô bé cầm con búp bê”. Ông thanh toán tiền, để lại thông tin liên lạc là tên của trợ lí công ti và địa chỉ công ti của mình.
Vì vẫn muốn nấn ná bên con gái thêm một lúc, Iwasaki vờ đứng ngắm nghía bức tranh đã mua. “Cảm ơn chú đã mua tranh của cháu ạ”, con gái ông bước đến sau lưng và lên tiếng bằng giọng vui vẻ. Cố nén sự hồi hộp, ông chầm chậm quay người lại. Con gái ông tự giới thiệu tên với gương mặt có chút lo lắng. Ông mỉm cười, “Cháu vẽ đẹp lắm. Chú thích cách cháu dùng tông màu ấm áp”.
“Cảm ơn chú ạ! Bức tranh mà chú chọn là bức cháu tự tin nhất đấy, dù cô bé trong tranh có chút hơi đáng sợ”.
“Vậy ư?”.
“Cháu rất vui vì có người không phải bố mẹ hay bạn của bố mẹ cháu chịu bỏ tiền ra mua một bức tranh”, giọng con gái của Iwasaki nhỏ dần, gương mặt đầy vẻ bẽn lẽn. “Cháu biết chứ, họ chỉ mua để làm cho cháu vui thôi”.
“Không phải đâu. Tranh của cháu thật sự rất đẹp. Chú dám chắc là họ mua vì họ quá thích chúng”.
Đôi mắt con gái của Iwasaki sáng lên lấp lánh. Cô chắp hai tay vào nhau như thể cầu nguyện. Iwasaki nhìn thấy, trên ngón đeo nhẫn của tay trái là chiếc nhẫn đính đá sapphire và nhớ ra, sinh nhật của cô vào tháng Chín. “Cháu đã đính hôn rồi à?”, ông hỏi.
“Vâng ạ! Tháng 10 tới, cháu sẽ làm đám cưới”, con gái của Iwasaki nhìn xuống chiếc nhẫn và đỏ mặt.
“Chúc mừng cháu! Chú hi vọng là cháu vẫn tiếp tục vẽ tranh sau khi lấy chồng”.
“Tất nhiên là thế rồi ạ”.
Iwasaki còn muốn hỏi con gái thêm rất nhiều điều, nhưng thời gian đã hết. Sau lưng ông, tiếng vợ cũ lanh lảnh vọng đến và bên cạnh bà là sáu khách mới. “Cháu xin phép dừng cuộc trò chuyện tại đây ạ”, con gái ông cúi đầu tạm biệt và nở nụ cười thân thiện. Iwasaki không dám chớp mắt, cố khắc ghi nguyên vẹn hình ảnh này của cô vào trong tâm trí. Ông lướt qua các bức tranh một lần nữa rồi mới hướng tới cửa ra. Nhóm khách mới đi ngang qua ông khi họ bước sâu hơn vào trong phòng trưng bày. Ngay khi đến cửa, Iwasaki nghe thấy tiếng con gái sau lưng. Ông quay lại và thấy hai mẹ con đang đứng cách xa những người khác, nhìn ông. “Cảm ơn rất nhiều ạ”, con gái ông hơi cúi đầu, nói to. Bên cạnh cô, vợ cũ của ông nhìn ông với nụ cười hiền hậu. Biểu hiện của bà thể hiện rõ, bà nhận ra ông và muốn ông biết điều đó.
Ra khỏi ngưỡng cửa, Iwasaki sải bước nhanh trên con đường lát đá. Trên mặt ông, hai hàng nước mắt lăn dài. Ông đưa tay lên, gạt đi như đứa trẻ. Đến đường phố, ông đứng lại và quay người nhìn phòng trưng bày. Đúng như ông đoán, vợ cũ của ông đã bước ra ngoài cửa, đứng nhìn theo. Bà cúi người, tạm biệt ông một cách lịch sự.
“Em đã nuôi nấng con rất tốt”, Iwasaki muốn hét to câu này nhưng không cất lên thành tiếng. Ông đứng lặng, nhìn vợ cũ từ xa một hồi lâu. Sau đó, thay vì nói, ông cúi người thật sâu rồi mới xoay lưng bước đi.
ROYAL VŨ dịch theo wordswithoutborders.org
VNQD