Zadie Smith: “Tôi không viết văn để đại diện cho một ai đó khác”

Thứ Sáu, 01/09/2023 15:57

Sau 17 năm sinh sống ở nước ngoài, Zadie Smith đã quay trở lại với “vùng đất” Kilburn ở Tây bắc London, nơi cô lớn lên và rồi trở thành lãnh thổ hư cấu một cách xuyên suốt kể từ khi cuốn White Teeth (tạm dịch: Răng Trắng) đưa cô trở thành một ngôi sao lớn trên văn đàn Anh vào năm 2000. Ngay cả những tác phẩm khác không lấy bối cảnh ở đây như On Beauty (tựa Việt: Nhan Sắc), Swing Time (tạm dịch: Thời điểm dao động)… thì vẫn có sự dính líu ít nhiều về nơi chốn này. Nhiều nhân vật của cô trốn thoát chỉ để cuối cùng sẽ quay trở lại, giống hệt như cô đã làm trong thời gian qua.

Tìm về nguồn cội

Zadie Smith.

Chúng tôi gặp nhau ở quán rượu William IV trên đường Harrow. Smith đến bằng xe đạp, mặc áo phông đen và quần jean giản dị, trên vai mang theo chiếc túi tote in hình tạp chí London Review of Books giờ đang căng phồng với sách và cả máy tính xách tay. Cô đã đến đây sau giờ dạy học. Quán rượu được chọn vì có liên quan đến cuốn tiểu thuyết mới nhất của cô, The Fraud (tạm dịch: Dối trá). Nội dung của nó xoay quanh khoảng thời gian mà khu vực này chỉ mới là những cánh đồng và các trang viên. Với sự bất công và nhiều thử thách khiến cho vận mệnh của một cá nhân khó mà dự đoán, cuốn sách kết hợp thế giới của Charles Dickens cùng sức hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử đến từ Hilary Mantel.

Trong một bài viết gần đây trên tờ The New Yorker, Smith đã viết rằng cô rời London vì cảm thấy mệt mỏi với khung cảnh văn học “ngột ngạt” của nó. Đặc biệt là khi cô đã chán ngấy việc phải đóng vai như một “thiên tài đa văn hóa” mà mình bị gán cho từ khi ra mắt cuốn sách White Teeth. Được xuất bản vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới, cuốn tiểu thuyết đó đưa cô trở thành tiếng nói của thế hệ mới khi vừa tròn 24 tuổi. Năm nay đã 47 tuổi, Smith cuối cùng cũng đã rời đi bởi cô không muốn mình viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà “bất kì nhà văn nào sống ở Anh… thì sớm hay muộn cũng sẽ thấy mình làm điều đó”.

Smith chia sẻ mình đã viết cuốn The Fraud theo từng chương một và gửi chúng qua email cho hai người bạn mỗi tuần, giống như Dickens hay Thackeray đã từng gửi đăng trên các tạp chí tạp chí theo từng chương một. Cô có khả năng tự biên tập rất cao nên cuốn tiểu thuyết gần như đã được hoàn thành trước khi gửi đi. Chia sẻ về quá trình này, cô nói bản thân như có “cảm giác đang được kết nối với các truyền thống của việc viết lách” mà cô cống hiến suốt cả đời mình.

The Fraud theo đó dựa trên cuộc đời của tiểu thuyết gia nổi tiếng thế kỷ 19 William Harrison Ainsworth, người từng uống rượu ở ngay tại đây cùng với Dickens, và được chôn cất (cũng như Thackeray) tại Nghĩa trang Kensal Rise ngay đối diện. Smith đã phát hiện ra ngôi mộ của nhà văn, vị quản gia và cũng có thể là cả người tình Eliza Touchet trong chuyến đi dạo trong lệnh phong tỏa khoảng 2 năm trước. Cô cũng đi ngang qua ngôi nhà cũ Ainsworth House trên chiếc xe đạp trên đường tới đây.

Thái độ thù địch và Sự nổi tiếng

Smith chia sẻ rằng mặc dù đóng vai trò như một trí thức của công chúng, nhưng cô từ chối “hòa nhập vào nền văn hóa đa thanh”. “Tôi gặp rắc rối mỗi khi nói về tình hình đất nước”, cô nói. Giống như nhà văn quá cố Martin Amis qua đời chỉ vài tháng trước, cô luôn có mối liên hệ không mấy dễ chịu với sự nổi tiếng. “Thói quen của người Anh là tấn công những ngôi sao sáng nhất của họ, điều này cũng đúng với riêng Amis, khi ông bị báo chí Anh hành hạ trước khi phải rời đến tận New York”.

Smith kể rằng mình đã phải chịu đựng sự chú ý của giới truyền thông khi cô vừa mới tốt nghiệp đại học. “Hầu hết những điều khủng khiếp xảy ra khi tôi còn trẻ thì không thực sự liên quan đến tôi,” cô nói. “Tôi phải quan tâm đến thứ mà người ta muốn”. Không ai có thể tin rằng một phụ nữ trẻ lại không muốn bị nhắc đến liên tục, nhưng cô nói rằng “Tôi thực sự không muốn nó. Tôi không muốn trở thành bức ảnh ở trên báo chí để lấp đầy khoảng trống”. Cô ấy cũng không muốn dẫn chương trình truyền hình, giữ một chuyên mục hay bất kì công việc nào khác ngoài viết tiểu thuyết ở tuổi 20. Nhưng liệu có dễ dàng không?

Đó cũng chính xác là những gì mà cô theo đuổi. Tiếp sau White TeethThe Autograph Man (tạm dịch: Người nhiếp ảnh gia) thường bị độc giả quên lãng, kể về tác động “ăn mòn” của sự nổi tiếng. Nhân vật chính của nó, Alex-Li Tandem người Anh gốc Do Thái-Trung Quốc, là “kiểu người kì lạ, mọt sách, bị ám ảnh và hay u sầu… anh ấy có lẽ giống tôi hơn bất kì nhân vật nào tôi từng tạo ra”, Smith thừa nhận trong một bài luận gần đây. Cuốn sách tiếp theo Nhan sắc lại là một bản làm lại sang trọng của Howards End từ E.M. Forster, nhưng được chuyển đến một thị trấn đại học ở New England, đã đoạt giải Women’s Prize for Fiction năm 2006, lúc đó cô 30 tuổi.

Có khoảng cách gần khoảng 7 năm cho đến NW, một cuốn tiểu thuyết mang tính thử nghiệm đồng thời cũng rất cá nhân về tình bạn và sự thành công vào năm 2012. Sau đó là Swing Time vào năm 2016, cũng thu hút sự nổi tiếng và sự xấu hổ và lấy bối cảnh một phần ở Tây Phi.

Viết văn từ chính bản thân

Trong khi tất cả các tiểu thuyết của Smith đều đề cập đến chủng tộc, giai cấp và giới tính - từ những cô gái da đen lớn lên trong các cộng đồng ở Swing Time cho đến một vị quản gia có tư duy tiến bộ ở thế kỷ 19 trong The Fraud; nhưng Smith không thấy mình có bất cứ trách nhiệm nào khác ngoài bản thân mình. “Tôi thấy vui vì điều đó. Đó là điều tôi nghĩ mình học được từ Zora Neale Hurston và Toni Morrison. Việc viết về những điều đó không phải là một gánh nặng đạo đức tẻ nhạt nào đó, mà là niềm vui”.

Các tác phẩm của Zadie Smith.

Cô cũng nói thêm: “Tôi không ở đây để đại diện cho một ai đó khác. Tôi chỉ viết riêng cho bản thân mình. Công việc của tôi là suy nghĩ về mọi thứ và diễn đạt chúng bằng ngôn ngữ. Tôi muốn mọi người đọc các tác phẩm mà tôi viết ra vì nó đến từ chính tôi. Điều đó quan trọng với tôi hơn bất cứ điều gì khác.”

Chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào về việc Smith có thể viết. Giống như Amis, cô được tôn vinh vì các tác phẩm phi hư cấu cũng như tiểu thuyết của mình. Trong những ngày dài của kì đại dịch, cô đã viết một tập tiểu luận, theo kiểu chia tay với thành phố nơi cô từng sống. Được viết cũng như xuất bản trong vòng 3 tháng, Smith và các biên tập viên tại Penguin đều làm việc từ phòng ngủ của họ. Tất cả số tiền thu được dùng để làm từ thiện. Cô nói: “Tôi không thể chịu được ý tưởng thực sự không làm gì cả. Và tất cả những gì tôi có thể làm là viết.”

Cô dạy văn học tại Đại học New York (nghiên cứu 20 cuốn tiểu thuyết mỗi kì, và cuốn mà cô thích nhất luôn là Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison) và thường xuyên nói chuyện một cách trìu mến với học sinh của mình. “Đó là thời kì tương đối đáng nhớ”. Và cô thích cảm giác ẩn danh khi ở trong một thành phố nơi ta không thể đi bộ trên vỉa hè mà không gặp một nhà văn.

Những bữa tiệc ở New York của Smith đã trở thành huyền thoại, với tất cả mọi người đều đến tham dự, từ Amis đến Lena Dunham. Smith nói: “Các nhà văn làm việc cả ngày một mình và khi đồng hồ điểm đúng 7 giờ, chúng tôi sẽ luôn muốn uống martini. Tôi dành cả tuổi thanh xuân trong phòng để viết tiểu thuyết nên buổi tối tôi thích uống rượu và nói chuyện với mọi người. Đó chính là điều tôi thích tận hưởng dù cho ở bất kì đâu”.

Nhưng nhìn chung, cuộc sống của các nhà văn không thú vị đến thế, cô nhấn mạnh. Hãy lấy J.G. Ballard làm ví dụ. Ông là tuýp người sống rất lặng lẽ với 3 người con, nhưng tiểu thuyết của ông “cấp tiến, giàu trí tưởng tượng và hoang dã hơn bất cứ điều gì trong các tác phẩm vốn luôn được coi là kinh điển của văn chương Anh”. Khi nói đến việc xuất hiện trước công chúng, cô chỉ đơn giản là không sẵn sàng cho việc đó. Cô chia sẻ mình “không phải là tiểu thuyết gia thành công duy nhất trên thế giới. Một số có vẻ rất thích công khai. Và một số người lại không ưa nó”.

Hiện tại, tất cả những gì mà cô muốn làm là đọc những cuốn sách mà mình đã tự bỏ lỡ khi viết The Fraud. Chúng gồm The New Life (tạm dịch: Một cuộc đời mới) của Tom Crewe, Kairos (tạm dịch: Thời khắc quyết định) của Jenny Erpenbeck và tiểu thuyết lịch sử của Paterson Joseph viết về cuộc đời của nhà văn người Anh thế kỉ 18 Ignatius Sancho. “Tôi có một vấn đề là tôi không thể dừng lại,” cô thú nhận về thói quen đọc sách của mình. “Đó là cuộc đời của tôi”.

Gần đây cô muốn đọc lại Virginia Woolf, một nhà văn khác cũng biến đường phố London thành của riêng mình. Cuối cuộc nói chuyện, cô đã lấy ra một cuốn nhật kí dưới dạng bìa cứng từ chiếc tote mới được xuất bản gần đây của Woolf. “Woolf chưa bao giờ có thể tưởng tượng được tôi sẽ đọc sách của bà ấy vào năm 2023, nhưng sự trùng hợp đó thật là thú vị,” Smith nói trước khi đi đến Đường Harrow để đón con trai vừa hoàn thành lớp piano. “Và bà ấy cũng là một người thích các bữa tiệc vui vẻ và những buổi tối. Bà ấy thích đi ra ngoài sau một ngày dài viết lách. Và tôi thấy mình đã được nhìn thấy cũng như cổ vũ vì chính điều đó”.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài phỏng vấn của Lisa Allardice trên The Guardian

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)