Cái nghèo hình bánh phô mai

Thứ Bảy, 07/10/2023 07:11

. Truyện ngắn của Haruki Murakami

Vùng tam giác là cái tên mà chúng tôi đặt cho nơi này. Tôi không thể nghĩ ra cái tên nào hay hơn thế. Ý tôi là, khu vực này là một hình tam giác tuyệt hảo, như thể ai đó đã cố ý vẽ ra nó vậy. Tôi và cô ấy đã sống ở đây, trên mảnh đất này. Chuyện xảy ra đâu đó khoảng năm 1973 hay 1974.

Nhà văn Haruki Murakami.

Khi tôi nói “Vùng tam giác”, bạn đừng nhầm tưởng rằng nó bằng phẳng. Thực ra nơi chúng tôi sống chật hẹp hơn nhiều, trông giống một cái nêm hơn. Hãy tưởng tượng, kiểu như, một chiếc bánh phô mai tròn cỡ lớn, sau đó bạn dùng dao cắt thành mười hai miếng bằng nhau giống mặt đồng hồ. Tất nhiên, những gì nhận được sẽ là mười hai lát cắt, mỗi lát khoảng ba mươi độ ở phần đỉnh chóp. Đặt một trong những thứ này lên đĩa và trong khi nhấp một ngụm nước trà, hãy nhìn kĩ nó. Phần mũi thon gọn của miếng bánh mỏng kia ư? Vâng. Đó chính là Vùng tam giác tôi đang nói đến.

Được rồi, vậy làm thế nào mà một mảnh đất hình dạng kì lạ như thế xuất hiện ở đây? Có thể bạn sẽ thắc mắc hoặc là không đâu. Nhưng đối với tôi kiểu gì cũng được, vì tôi cũng không thể nào biết được câu trả lời. Tôi đã hỏi vài người hàng xóm về nó, nhưng những gì họ nói là nó đã có hình dạng như vậy từ rất lâu rồi, và giờ nó vẫn như thế, và có lẽ - rất xa trong tương lai nữa - vẫn sẽ là hình dáng ấy. Mọi người sinh sống ở đây dường như đều không muốn nói hay là suy nghĩ bất cứ thứ gì về nó. Đối với họ, điều đó giống như nói về một cái mụn cóc mọc ở sau tai. Tốt hơn là đừng thảo luận. Có lẽ là do hình dạng kì lạ của nó.

Ở đây các tuyến đường sắt chạy dọc hai bên, một bên là tuyến đường sắt quốc gia, một bên là tuyến tư nhân. Hai đường chạy song song nhau trong khoảng một lúc, rồi chỗ đầu nêm tạo thành một điểm giao cắt, từ đó phân theo những góc kì lạ, một lên phía bắc, một xuống phía nam. Đó là cảnh tượng tương đối đáng xem. Mỗi khi nhìn những đoàn tàu chạy qua vùn vụt ở đầu Vùng tam giác đó, tôi có cảm giác như mình đang đứng trên những đầu sóng xuyên qua đại dương.

Xét về khả năng có thể sinh sống, thì Vùng tam giác thật là kinh khủng. Trước hết nó khá ồn ào. Nhưng bạn mong đợi gì hơn? Sao mà có thể không chói tai được khi sống giữa hai tuyến đường sắt? Mở cửa trước ra và rồi đoàn tàu ầm ầm chạy qua; mở hướng cửa phía sau thì chuyến tàu khác lại sẽ vụt qua ngay trước mắt bạn. Và khi nói “ngay trước mắt” thì tôi không hề phóng đại. Các chuyến tàu ấy sát sườn đến mức có thể nhìn thẳng vào mắt hành khách và gật đầu chào. Thật sự kinh khủng mà đến giờ đây tôi vẫn thường nhớ.

Bạn đang cho rằng mọi thứ sẽ yên tĩnh trở lại sau khi chuyến tàu cuối cùng của buổi đêm đi qua phải không? Tôi cũng nghĩ thế trước khi chuyển đến. Vấn đề là không có chuyến tàu cuối cùng nào cả. Lượt xuất bến cuối vừa mới đi khoảng độ 1 giờ sáng thì ngay sau đó sẽ lại có thêm những chuyến chở hàng lúc đêm khuya muộn. Và khi họ xong thì buổi bình minh của tàu chở khách thuộc về hôm sau sẽ lại bắt đầu. Đó là một sự lặp lại gần như vô tận ngày này qua đến ngày khác.

Bây giờ thì nói về sự điên rồ.

Chúng tôi chọn nơi này để sống vì một lí do tương đối đơn giản: là nó rất rẻ. Đó là ngôi nhà gồm có ba phòng, trong đó có phòng tắm riêng và còn có cả một khu vườn nhỏ, thế nhưng giá thuê thì chỉ tương đương với một căn hộ studio. Bởi vì không sống cùng ai nên chúng tôi có thể mang theo con mèo của mình. Như thể nơi này đã được tạo ra một cách đặc biệt chỉ dành cho hai chúng tôi. Chúng tôi chỉ mới kết hôn rất gần đây thôi, và không phải để khoe khoang hay làm gì cả, nhưng hai đứa tôi hoàn toàn có thể được ghi tên vào Sách Guinness như là “Cặp đôi nghèo nhất thế giới”. Chúng tôi nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà dán trong tờ bướm tại cửa sổ văn phòng đại lí bất động sản chỗ gần nhà ga. Ít nhất là về giá thuê và cách bố trí các phòng thì đây là một phát hiện tương đối may mắn. Thậm chí còn đáng kinh ngạc.

Ảnh minh hoạ.

“Ừ, rẻ thật. Chắc chắn rồi,” nhân viên bất động sản hói đầu nói. “Nhưng tôi phải cảnh báo anh – nó thực sự rất ồn. Chỉ cần anh chịu đựng được điều đó, thì anh có thể coi đây là một mối hời.”

“Ông có phiền dẫn chúng tôi đi xem nó không?” Tôi hỏi.

“Chắc được. Nhưng sao hai người không tự mình đi? Mỗi lần đến đó tôi lại đau đầu.”

Nói rồi ông ấy đưa tôi chìa khóa và chỉ đường đi. Thật là một người dễ tính.

Trên bản đồ, Vùng tam giác có cảm giác như không xa nhà ga lắm, nhưng khi đi bộ đến đó hóa ra lại mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi phải đi vòng quanh đường ray xe lửa, băng qua cầu vượt và rồi lê bước lên xuống ngọn đồi trông hơi bẩn thỉu trước khi đến được phía sau của Vùng tam giác. Không có một cửa hàng nào nằm trong tầm mắt. Đây là khu phố gần như tiêu điều.

Vợ tôi và tôi đi vào ngôi nhà ở phía đỉnh chóp và ở lại đó trong khoảng một giờ, chỉ để đi vòng quanh thôi. Trong thời gian này, những chuyến tàu vẫn chạy ầm ầm qua hai chúng tôi. Bất cứ khi nào mà nó chạy qua, cửa sổ sẽ liền rung lên còn hai chúng tôi thì không thể nghe thấy nhau. Hai người vẫn đang nói chuyện nhưng rồi sẽ phải dừng lại đến khi nó đã đi khỏi. Sau đó chúng tôi tiếp tục khi mọi thứ trở lại yên tĩnh, và rồi sẽ lại gián đoạn chỉ sau một lúc bởi chuyến tàu khác. Giao tiếp kiểu lộn xộn ấy hệt như phim ảnh của Jean-Luc Godard1.

Ngoài tiếng ồn ra, thì ngôi nhà này không đến nỗi tệ. Bản thân cấu trúc đã hơi lỗi thời và cần được sửa chữa lại từ trong ra ngoài, nhưng về mặt tích cực, nó có một hốc tokonoma2 và một khu vực tiếp khách nhỏ bên ngoài mang lại cảm giác dễ chịu. Ánh sáng mùa xuân chiếu qua cửa sổ thường tạo thành những ô vuông đầy nắng khắc trên tấm chiếu. Nó giống với ngôi nhà cũ mà tôi đã sống nhiều năm trước đó khi vẫn còn nhỏ. “Mình ở đây nhé,” tôi nói. “Anh biết có hơi ồn ào nhưng rồi sẽ quen dần thôi.”

“Nếu đó là điều anh nghĩ thì em cũng cảm thấy ổn,” cô nói.

“Ngồi đây cùng nhau thế này cảm giác như hai chúng ta đã kết hôn rồi, như một gia đình vậy”.

“Thì chúng ta đã kết hôn rồi mà.”

“À ừ. Đúng vậy,” tôi nói.

Sau đó chúng tôi quay lại chỗ đại lí bất động sản và nói rằng bọn tôi sẽ thuê nó.

“Nhưng mà chẳng phải nó quá ồn sao?” ông ấy hỏi.

“Đúng vậy, nhưng bọn tôi sẽ quen dần thôi,” tôi nói.

Người môi giới tháo kính ra, lau nó bằng chỗ khăn giấy, nhấp một ngụm nhỏ từ trong tách trà, đeo kính trở lại và rồi nhìn tôi.

“Ừ, vì cậu còn trẻ,” ông ta nói.

“Đúng vậy,” tôi đáp.

Và chúng tôi đã kí vào hợp đồng cho thuê.

Chiếc xe tải nhỏ của một người bạn là quá đủ cho chuyến chuyển nhà của hai chúng tôi. Tấm nệm Futon3, quần áo, chiếc đèn, một vài cuốn sách và một con mèo - đó là tất cả đồ đạc của hai chúng tôi. Không có gì nữa. Không có đài phát thanh hoặc TV. Cũng không có cả máy giặt, bàn ăn, bếp ga, điện thoại, ấm đun nước hay máy hút bụi. Vì đó là lúc chúng tôi còn nghèo. Vì vậy việc chuyển nhà ấy chỉ mất độ nửa giờ thôi. Cuộc sống có thể sẽ đơn giản hơn nếu ta không có nhiều tiền.

Khi anh bạn giúp chúng tôi chuyển nhà nhìn thấy ngôi nhà nằm giữa những tuyến đường sắt, anh ấy đã rất kinh ngạc. Sau khi chúng tôi dỡ hết mọi thứ ấy xuống, anh ấy quay sang và nói một điều gì đó, nhưng tàu tốc hành vừa mới ngang qua át đi lời anh ta nói.

“Có phải cậu đã nói gì không?” Tôi hỏi.

“Có người thực sự sống ở một nơi như này sao?” anh trông như bị ấn tượng.

Cuối cùng chúng tôi đã sống trong ngôi nhà đó khoảng gần hai năm.

Theo góc nào đó thì đây là một ngôi nhà tương đối tồi tàn vì gió vẫn thường ùa vào qua các khe nứt và những khoảng trống có ở khắp nơi. Mùa hè thì khá dễ chịu, nhưng đến mùa đông thì là địa ngục. Vì không có tiền mua máy sưởi, nên vợ chồng tôi cũng như con mèo sẽ nằm dưới đệm khi mặt trời lặn và bám vào nhau để giữ hơi ấm theo đúng nghĩa đen. Nhiều khi chúng tôi thức dậy và nước trong vòi đã đông cứng lại.

Khi mùa đông qua, mùa xuân kéo đến, thì đó là lúc trong năm cực kì đáng yêu. Cô ấy, tôi và con mèo sẽ thở phào nhẹ nhõm. Tháng 4 năm đó ngành đường sắt đình công trong khoảng vài ngày, và chúng tôi rất mừng vì điều đó. Cả ngày không có tàu nào ầm ầm chạy qua. Chúng tôi bế theo con mèo đi xuống đường ray và rồi ngồi đó phơi nắng. Nó yên tĩnh đến mức giống như chúng tôi đang ngồi dưới đáy hồ vậy. Bọn tôi còn trẻ, vừa mới kết hôn, và ánh mặt trời thì không mất tiền!

Ngay cả giờ đây, khi nghe ai đó nói đến từ “nghèo”, tôi vẫn còn nhớ đến mảnh đất hình tam giác đó, và rồi tự hỏi giờ ai đang sống ở đó?.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch

----------------------------

1. Đạo diễn nổi tiếng trong thời kì Làn sóng mới của điện ảnh Pháp. Ông được coi là người sáng tạo nên việc cắt rời các cảnh trong phân đoạn dài, sau đó ghép nối chúng lại để tạo nên hiệu ứng độc đáo. Ở đây Murakami có thể có ý so sánh hành động nói chuyện rồi im lặng rồi nói chuyện với vợ của mình như một quá trình bị cắt đứt liên tục bởi các tiếng tàu hỏa, như cách làm phim của Godard.

2. “Tokonoma” thường thấy trong kiến trúc nhà Nhật Bản. Nó là hốc tường được làm lõm vào, thường cao hơn mặt sàn vài inch, để trưng bày hoa, tranh ảnh và đồ trang trí.

3. Tấm nệm futon được sử dụng trên chiếu tatami.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)