Từ bên ngoài nhìn vào, gia đình nữ nhà văn người Mĩ gốc Ấn Prachi Gupta là hình ảnh thu nhỏ của giấc mơ Mĩ. Cha là bác sĩ, mẹ là một người nội trợ chu đáo, Gupta cùng em trai Yush đều là những người thành đạt. Họ đã định cư trong một ngôi nhà lớn có 5 phòng ngủ ở ngoại ô Philadelphia và không bao giờ thiếu những tiện nghi vật chất. Gupta được nuôi dạy rằng những thành công này là minh chứng cho sự làm việc chăm chỉ của họ và các giá trị văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, phía sau sự thành công ấy lại là một câu chuyện khác đang diễn ra và được Gupta viết trong cuốn hồi kí mới They Called Us Exceptional (tạm dịch: Họ gọi chúng tôi là đặc biệt).
Nhà văn người Mĩ gốc Ấn Prachi Gupta và cuốn sách mới của cô.
Trong cuốn sách này là sự kết hợp giữa tường thuật, lịch sử và văn hóa, đặc biệt Gupta đã thể hiện rõ gánh nặng từ quan niệm “người thiểu số kiểu mẫu” (ám chỉ về những người Mĩ gốc Á được xem là thông minh, tài năng) đã khiến gia đình cô tan vỡ như thế nào.
Tính cách nóng nảy và những quy tắc nghiêm khắc của cha Gupta đã tạo ra một môi trường hỗn loạn trong ngôi nhà. Và mỗi thành viên trong gia đình có những phản ứng khác nhau: mẹ nhẫn nhịn, chịu đựng dù bị chồng ngược đãi, Gupta thì xa lánh gia đình vì muốn tránh khỏi những tác động độc hại, em trai cô thì học cách chôn vùi cảm xúc và cuối cùng đi tới con đường đã giết chết chàng trai trẻ.
CNN đã có một cuộc trò chuyện với Gupta về bi kịch khiến cô quyết định viết cuốn sách, về lá thư gửi cho người mẹ và liệu giấc mơ Mĩ có thành hiện thực hay không.
CNN: Điều gì đã thôi thúc bạn viết cuốn sách này?
Gupta: Năm 2017, em trai Yush của tôi qua đời. Lúc đó, chúng tôi đã xa cách 2 năm dù trước đây từng rất thân thiết, coi nhau như bạn thân. Một phần lí do khiến chúng tôi xa cách là vì tôi ủng hộ nữ quyền, trong khi em trai tôi lại tán thành quan điểm về quyền của nam giới.
Sự ra đi đột ngột của em trai (do một cục máu đông sau cuộc phẫu thuật kéo dài chân) đã thực sự thôi thúc tôi thực hiện hành trình này. Khi Yush qua đời, tôi đã kể lại việc em mình trở thành ai và chết như thế nào trong một bài luận có tên Những câu chuyện về em trai tôi đăng trên Jezebel vào năm 2019.
Khi bài luận đó được đăng, tôi đã nghe thấy ý kiến của rất nhiều người. Tôi nghe những bà mẹ nhập cư nói rằng họ không biết con mình có thể phải trải qua điều gì và họ sẽ bắt đầu nói chuyện với chúng về sức khỏe tâm thần. Tôi cũng nghe những chị em có mối quan hệ phức tạp tương tự với anh em trai mình nói rằng điều này giúp họ hiểu người thân của mình hơn. Tôi cũng nghe những người đàn ông Mĩ gốc Á nói rằng họ cũng đang đi theo con đường tương tự em trai tôi và bài luận này đã khiến họ có suy nghĩ khác và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đàn ông thuộc mọi chủng tộc (nói với tôi) họ đã phải vật lộn với chứng trầm cảm nhưng trước đây chưa bao giờ có thể thừa nhận điều đó.
Khi nhận ra có bao nhiêu người đang vật lộn với những vấn đề tương tự nhưng lại cảm thấy đơn độc, tôi quyết định phải kể lại toàn bộ câu chuyện của mình. Còn rất nhiều điều để chia sẻ về cách nền văn hóa ở nơi tôi sống đã biến chúng tôi thành những người chỉ chú trọng thành công mà bỏ qua bản thân mình.
Tôi cảm thấy nếu có một câu chuyện như này khi tôi còn trẻ, nếu ai đó có thể ghép nối những câu chuyện này lại với tôi và em trai tôi thì có lẽ chúng tôi vẫn có mối quan hệ thân thiết. Và có lẽ em ấy sẽ không đưa ra những quyết định dẫn đến cái chết của mình.
Bạn đã ghi lại nhiều sự kiện đau đớn một cách chi tiết khi sự việc xảy ra và sau đó đưa vào trong cuốn sách. Có phải lúc đó bạn đã có mong muốn viết một cuốn sách về gia đình mình không?
Luôn có một phần nào đó trong tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng để ghi lại. Tôi lớn lên trong một gia đình đầy biến động và có thể tuột dốc trong phút chốc. Bố tôi có thể đột nhiên phản bác rằng một sự việc nào đó không xảy ra nhưng tôi nhớ nó có diễn ra.
Tôi luôn đặt câu hỏi về sự tỉnh táo của mình và viết là cách giúp tôi ghi nhớ. Tôi luôn cảm thấy việc viết ra tất cả những điều này rất quan trọng với sự sống còn của tôi. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có ý định viết hồi kí hay viết về chuyện này theo cách cá nhân. Tôi muốn sử dụng những quan sát đó để một ngày nào đó viết tiểu thuyết.
Sau khi Yush chết, tôi không muốn biến em mình thành nhân vật giả định. Tôi muốn tôn vinh kí ức của em và dùng nó để nói về những áp lực có thật và chúng gây ra những tổn hại cho cơ thể, cuộc sống và các mối quan hệ của chúng tôi và tôi muốn mọi người biết điều đó.
Prachi cùng em trai Yush Gupta.
Trong cuốn sách, bạn không thường xuyên sử dụng thuật ngữ “lạm dụng” hoặc “bạo lực gia đình” để mô tả những gì đang xảy ra trong gia đình bạn. Đó có phải là sự cố ý?
Vâng, đó là cố ý. Tôi đã nhận được nhiều sức mạnh từ việc coi những áp lực là sự lạm dụng, là độc hại, vì nó giúp tôi thoát khỏi chúng. Nhưng cụm từ đó quá đơn giản và khô khan.
Tôi muốn chứng tỏ rằng việc trải qua nỗi đau này không hề đơn giản. Khi một người mà bạn yêu thương sâu sắc cũng làm tổn thương bạn sâu sắc, đó là một trải nghiệm rất mất phương hướng và không dễ dàng gì nếu chỉ gọi đó là lạm dụng.
Khi chúng ta sử dụng từ lạm dụng hoặc bạo lực gia đình, mọi người đều có một suy nghĩ khác nhau về điều đó. Rất nhiều người coi lạm dụng thể chất mới là lạm dụng, nhưng có rất nhiều loại lạm dụng về tâm lý và cảm xúc. Chúng ta thực sự không có cách hay để nói về điều đó và tác động của nó.
Cuốn sách được bạn viết như một bức thư gửi mẹ của bạn. Tại sao bạn lại làm điều này?
Sau khi Yush qua đời, tôi muốn kết nối lại với bố mẹ hơn bất cứ điều gì. Tôi muốn lưu giữ kí ức về Yush trong mối quan hệ của chúng tôi nhưng điều này thực sự khó thực hiện.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cái chết sau khi em tôi qua đời và tôi không muốn khi có điều gì đó xảy ra với mẹ tôi hoặc tôi mà bà ấy lại không hiểu tôi thực sự là ai hay không có cơ hội giải thích cho bà ấy lí do tại sao mối quan hệ của chúng tôi xa cách và tại sao điều đó không liên quan gì đến việc tôi yêu mẹ đến mức nào.
Tôi không biết phải nói thế nào với mẹ điều đó nên tôi cảm thấy mình phải viết thư cho cô ấy.
Vậy mẹ bạn đã đọc cuốn sách chưa?
Tôi không biết. Tôi đã viết cho (bố mẹ tôi) một lá thư trước khi gửi nó nhưng tôi không biết mẹ có đọc không.
Tôi đã trăn trở rất nhiều về việc có nên làm điều này hay không, nhưng cuối cùng tôi quyết định rằng mình phải làm vậy. Sau khi em trai tôi qua đời, tôi phải tìm ra ý nghĩa trong cái chết của em ấy. Tôi đã phải dùng sự đau khổ đó để tìm cách vừa chữa lành vết thương cho bản thân vừa giúp đỡ người khác chữa lành. Tôi không nghĩ chúng tôi là gia đình duy nhất ở Mĩ đang phải vật lộn với những vấn đề này.
Tôi cảm thấy như mình phải sử dụng câu chuyện của bản thân để cảnh báo người khác về điều gì có thể xảy ra khi chúng ta ưu tiên thành tích - như cách chúng ta được dạy và đặc biệt là rất nhiều người nhập cư bị áp lực phải làm được điều đó - và cái giá phải trả có thể là bao nhiêu .
Cuốn sách của bạn có tựa đề “Họ gọi chúng tôi là đặc biệt”. “Họ” ở đây mà bạn muốn ám chỉ là ai?
“Họ” ám chỉ người Mĩ da trắng, và đặc biệt là ám chỉ đến huyền thoại “thiểu số gương mẫu”. Cũng có thể hiểu theo cách khác, “họ” là cộng đồng (người Mĩ gốc Á) như chúng tôi và có bao nhiêu người tự nhận mình là huyền thoại đó như một cách để sinh tồn và hòa nhập.
Định kiến “người thiểu số kiểu mẫu” đã ảnh hưởng đến gia đình bạn như thế nào?
Lớn lên là người Mĩ gốc Ấn, tôi không biết lịch sử người Mĩ gốc Á. Chúng tôi không được học điều đó ở trường nên tôi không thực sự hiểu mình ở đâu trong hệ thống phân cấp chủng tộc của nước Mĩ.
Tôi cũng không hiểu các động lực lịch sử và chính trị đã định hình lên cộng đồng tôi ra sao. Rất nhiều người trong gia đình và bạn bè của chúng tôi là người Ấn Độ đều là bác sĩ và kĩ sư, và tất cả họ đều xuất thân từ tầng lớp đó.
Tuy nhiên tôi không phù hợp với điều đó, tôi muốn trở thành một nghệ sĩ và một nhà văn. Song, gia đình tôi có rất nhiều áp lực phải tuân theo những kì vọng này.
Bạn cũng viết về sự kì thị xung quanh bệnh tâm thần trong cộng đồng người Mĩ gốc Ấn. Nguồn gốc của vấn đề này là gì?
Chúng tôi được dạy rằng thành công sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Vì vậy, nếu bạn làm việc chăm chỉ và đạt được thành tựu, bạn sẽ không gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tôi nghĩ rằng tất cả những quy tắc tôi tuân theo là để tạo ra sự ổn định, hạnh phúc và đoàn kết. Tôi từng coi thành công như một liều thuốc giải độc cho đau khổ và một liều thuốc giải độc cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bây giờ tôi biết điều đó không đúng.
Trên thực tế, việc tập trung vào sự công nhận của người khác và thành công ở Mĩ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần ở cộng đồng người Mĩ gốc Ấn bởi vì họ quá tập trung vào những gì người khác nghĩ về mình và cách người khác đánh giá họ hơn là học cách phát triển cảm giác bình yên trong nội tâm của chính mình. Thực sự chúng tôi không nên bị nhìn nhận theo cách này. Bị nhìn nhận theo cách này chẳng khác gì hành vi bạo lực và bị giám sát như những người da đen ở Mĩ.
Chúng tôi cũng có lịch sử thuộc địa mạnh mẽ về việc sử dụng sức khỏe tâm thần để giám sát, thống trị và kiểm soát người dân thuộc địa. Đó là những gì người Anh đã làm ở Nam Á. Họ sẽ vây bắt bất kì người Nam Á nào không tuân thủ các chuẩn mực xã hội thời Victoria và đưa họ vào nơi mà họ gọi là nhà thương điên. Họ biến những nơi này thành trại lao động vì lợi nhuận và gọi đó là liệu pháp trị liệu.
Vì vậy, cũng có rất nhiều sự hoài nghi và cảnh giác xung quanh sức khỏe tâm thần. Và hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở đây thường không có đủ năng lực về văn hóa để giải quyết các vấn đề như phân biệt chủng tộc và nhầm lẫn về văn hóa mà rất nhiều trẻ em ở các gia đình nhập cư phải đối mặt.
Bạn có còn tin vào giấc mơ Mĩ không?
Giấc mơ Mĩ thực sự chỉ có một số ít người có thể tiếp cận được. Hầu hết mọi người không đạt được điều đó, đặc biệt là hầu hết những người da màu. Mặc dù gia đình tôi đã thành công nhưng chúng tôi đã quên một phần giấc mơ Mĩ là tất cả những điều này đều dẫn đến hạnh phúc. Chúng tôi được dạy rằng nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ đạt được. Và nếu bạn đạt được và thành công, bạn sẽ hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi bạn có thể làm tất cả những điều đó, bạn vẫn không vui.
Có bao nhiêu người có được công việc mơ ước hoặc đạt được điểm số họ mong muốn hoặc vào được trường phù hợp nhưng lại đau khổ? Chúng tôi được dạy phải đánh đồng thành công với hạnh phúc ở đất nước này. Nhưng vấn đề là sự thành công và thành tích thường tập trung nhiều hơn vào năng suất và lao động, chứ không phải về sức khỏe tinh thần hay hạnh phúc hay các mối quan hệ hay khả năng sống thực với chính mình.
Chúng ta có rất nhiều ý tưởng được gói gọn trong ý tưởng về thành công nhưng không hẳn là đúng. Và chúng ta đưa ra rất nhiều đánh giá về con người, cả tốt lẫn xấu, chỉ dựa trên mức độ họ đã đạt được hoặc địa vị của họ trong xã hội. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này có thể giúp mọi người xem xét lại đồng thời giúp giảm bớt một số áp lực để khao khát làm những điều này.
TRẦN DƯƠNG dịch
VNQD