Salma Rushdie kể về trải nghiệm đau đớn, Cuộc chiến với AI chưa dừng lại…

Thứ Ba, 17/10/2023 00:32

Thế giới tuần qua có nhiều sự kiện đáng chú ý, một trong số đó là sự trở lại của nhà văn người Anh gốc Ấn sau vụ tấn công vào giữa năm ngoái. Tác giả người Syria, Khaled Khalifa, qua đời để lại một mất lớn. Trong khi đó các tranh cãi xoay quanh AI vẫn chưa ngừng lại…

Salman Rushdie viết hồi kí về vụ tấn công

Theo Penguin Random House, Salman Rushdie - tiểu thuyết gia nổi tiếng và người ủng hộ tự do ngôn luận, người đã bị tấn công dã man tại một sự kiện công cộng năm ngoái, sẽ viết một cuốn hồi kí về trải nghiệm này.

Nhà xuất bản cho biết Knife: Meditations After an Attempted Murder (tạm dịch: Dao: Suy ngẫm sau một vụ giết người có chủ ý) sẽ được xuất bản vào ngày 16/4 năm sau. Rushdie chia sẻ trong một tuyên bố: “Đây là cuốn sách rất cần được viết ra như cách chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra và cũng là sự phản hồi cho việc bạo lực bằng nghệ thuật”.

Rushdie, theo đó, đã bị tấn công trên sân khấu tại Viện Chautauqua (New York) nơi ông dự kiến ​​sẽ nói về Hoa Kì như một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà văn lưu vong. Khi sự kiện sắp bắt đầu, một người đàn ông 24 tuổi đã nhảy lên sân khấu và đâm liên tiếp vào mặt và bụng Rushdie trước khi các khán giả kéo kẻ tấn công đi. Rushdie bị thương nặng, phải đặt tạm thời trên máy thở và bị mù mắt trái. Kẻ tấn công, Hadi Matar, cư dân của bang New Jersey, đã không nhận tội về tội cố ý giết người và hành hung.

Thế nhưng lúc đầu nhà văn tương đối ngần ngại khi nghĩ đến việc viết về vụ đâm này. Nihar Malaviya, giám đốc điều hành của Penguin Random House chia sẻ: “Knife là một cuốn sách nhức nhối và là lời nhắc nhở về sức mạnh của ngôn từ trong việc thấu hiểu những điều không thể nói ra. Chúng tôi rất vinh dự được xuất bản nó và ngạc nhiên trước quyết tâm của Salman trong việc kể câu chuyện của mình và quay trở lại với công việc mà ông ấy yêu thích.”

Rushdie theo đó đã sống phần lớn cuộc đời mình dưới sự đe dọa của bạo lực. Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan - trong đó có một câu chuyện hư cấu về cuộc đời của Nhà tiên tri Muhammad - nhà lãnh đạo tối cao của Iran. Sau đó Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ban hành một sắc lệnh vào năm 1989 kêu gọi hành quyết Rushdie và treo thưởng cho ai làm được điều này với phần thưởng trị giá 2,5 triệu USD.

Rushdie vì thế đã lẩn trốn gần một thập kỉ, trải nghiệm mà ông kể lại trong cuốn hồi kí trước đó, Joseph Anton xuất bản năm 2012. Fatwa bị hủy bỏ vào năm 1998, và Rushdie trở thành một nhân vật tích cực của công chúng ở New York và là người đề xướng tự do ngôn luận, giữ chức vụ chủ tịch của Hiệp hội Văn bút Hoa Kì trong nhiều năm liền.

Tác giả, nhà thơ và nhà biên kịch nổi tiếng người Syria Khaled Khalifa qua đời ở tuổi 59

Cuốn sách mới nhất được chuyển ngữ của cố tác giả Khaled Khalifa - một trong những tiếng nói lớn của Syria.

Tác giả, nhà thơ và nhà biên kịch người Syria, Khaled Khalifa, người có tiểu thuyết lấy bối cảnh ở thành phố bị tàn phá bởi nội chiến Aleppo, đã qua đời ở tuổi 59 vì ngừng tim tại nhà riêng ở Damascus, một người bạn thân nói với hãng thông tấn Pháp AFP.

Khalifa là một trong những tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng nhất Syria, mặc dù 6 cuốn tiểu thuyết của ông bị cấm ở đất nước này. Alex Bowler, biên tập viên tại nhà xuất bản Faber của Khalifa ở Vương quốc Anh, cho biết: “Ông là tác giả của một thành phố duy nhất và thông qua đó cũng là của một quốc gia. Cam kết của ông với quê hương trong việc tìm hiểu, khai quật lịch sử và mời độc giả cảm nhận lớp thời gian thật đáng chú ý”.

Ông cũng nói thêm: “Điều này đi đôi với cam kết kiên định của ông đối với quyền tự do và sức mạnh của văn học, bất chấp sự kiểm duyệt và đàn áp mà ông gặp phải. Vì vậy di sản của ông sẽ còn giá trị một cách lâu dài. Nhưng ngày nay nó không thể giảm đi nỗi buồn thuần khiết mà chúng tôi cảm thấy trước sự ra đi đột ngột của Khalifa.”

Khalifa sinh năm 1964 và lớn lên ở ngoại ô Aleppo, theo học tại trường đại học của thành phố. Ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay trong khi đang học, nhưng đã hủy nó vì thấy nó vay mượn quá nhiều từ giọng văn của các tác giả khác.

Cuốn tiểu thuyết xuất bản đầu tiên của ông, Haris al-Khadi'a (tạm dịch: Người bảo vệ sự lừa dối), ra mắt năm 1993. Ông xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai vào năm 2000, nhưng cuốn thứ ba, In Praise of Hatred Khadi'a (tạm dịch: Tôn thờ căm ghét), xuất bản năm 2006, mới mang lại cho ông sự công nhận quốc tế. Nó được dịch sang tiếng Anh bởi Leri Price - người sẽ tiếp tục dịch thêm ba cuốn tiểu thuyết khác của Khalifa - vào năm 2012.

In Praise of Hatred lấy bối cảnh ở Aleppo những năm 1980, trong bối cảnh xung đột giữa chế độ Assad và Tổ chức Anh em Hồi giáo, tập trung vào một cô gái hướng tới chủ nghĩa chính thống. Cuốn tiểu thuyết đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng Quốc tế về tiểu thuyết Ả Rập năm 2008.

Cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông, No Knives in the Kitchens of This City (tạm dịch: Trong thành phố này không có dao nào ở trong căn bếp), đã đoạt giải văn học Naguib Mahfouz, một giải thưởng danh giá của Ai Cập, vào năm 2013. Nó cũng lọt vào danh sách rút gọn cho giải thưởng Quốc tế về tiểu thuyết Ả Rập.

Mặc dù nhà văn chuyển đến Damascus vào cuối những năm 1990 và cố gắng viết về thủ đô Syria, nhưng “sau 50 trang”, ông “cảm thấy đó là một bài viết không hay”, như ông nói với tờ The Observer trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 năm 2023. “Tôi không biết mùi thơm của Damacus. Vì vậy tôi quay lại Aleppo và chấp nhận nó: Được rồi, đây sẽ là nơi của tôi. Tôi sẽ viết tất cả sách của mình về Aleppo. Đây là thành phố của tôi và cư trú sâu trong tôi, trong tâm hồn tôi.”

Cuốn sách thứ năm của Khalifa, Death Is Hard Work (tạm dịch: Để chết cần nhiều nỗ lực), lấy bối cảnh ba năm sau cuộc nội chiến và ghi lại cuộc hành trình của ba anh chị em thực hiện chuyến đi dài 350km để chôn cất cha mình. Cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung kết Giải Sách Quốc gia về văn học dịch năm 2019.

Cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông, No One Prayed Over Graves (tạm dịch: Không ai nguyện cầu trên những ngôi mộ), được xuất bản vào tháng 7 năm nay. Lấy bối cảnh từ năm 1880 đến năm 1950, cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn giữa hai người đàn ông, một người theo đạo Hồi và một người theo đạo Cơ đốc, khi thế giới xung quanh họ biến đổi và bi kịch xảy ra.

George RR Martin và John Grisham nằm trong nhóm tác giả kiện OpenAI

George RR Martin và Michael Chabon là 2 trong số những tác giả lớn đang phản đối sự lớn mạnh của AI đối với văn học.

17 tác giả đã tham gia một vụ kiện mới cáo buộc chương trình AI (trí tuệ nhân tạo) “ăn cắp” có hệ thống trên quy mô lớn. Trong đó có những tác giả lớn như John Grisham, Jodi Picoult và George RR Martin... Đây được coi là vụ việc mới nhất trong làn sóng hành động pháp lí của các tác giả lo ngại rằng các chương trình trí tuệ nhân tạo đang sử dụng các tác phẩm có bản quyền của họ mà không được phép.

Trong các tờ đơn nộp hôm thứ Ba lên tòa án liên bang ở New York, các tác giả cáo buộc “những hành vi vi phạm trắng trợn và có hại đối với bản quyền đã đăng kí của nguyên đơn” và gọi chương trình ChatGPT là một “doanh nghiệp thương mại lớn” phụ thuộc vào “hành vi trộm cắp có hệ thống trên quy mô lớn”.

Vụ kiện được tổ chức bởi Hiệp hội các Tác giả Mĩ. Giám đốc điều hành của Hiệp hội này Mary Rasenberger, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta buộc phải ngăn chặn hành vi trộm cắp này nếu không nó sẽ phá hủy nền văn hóa văn học đáng kinh ngạc, nền văn hóa nuôi sống nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác ở Mĩ”.

Vụ kiện theo đó trích dẫn các tìm kiếm ChatGPT cụ thể cho từng tác giả, chẳng hạn tác giả của bộ Trò chơi vương quyền cáo buộc chương trình đã tạo ra “bản phác thảo chi tiết, trái phép và vi phạm bản quyền cho phần tiền truyện” có tựa đề A Dawn of Direwolves khi sử dụng “các kí tự, phong cách viết rất gần với nguyên bản gốc”.

Văn phòng báo chí của OpenAI đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Đầu tháng này, một số tác giả trong đó có Michael Chabon - người chiến thắng giải Pulitzer cho hạng mục tiểu thuyết vào năm 2000, và David Henry Hwang đã kiện OpenAI ở San Francisco vì “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Sự phản đối của tác giả đối với AI đã khiến Amazon.com, nhà bán lẻ sách lớn nhất đất nước, thay đổi chính sách của mình đối với sách điện tử. Gã khổng lồ trực tuyến hiện đang yêu cầu các nhà văn muốn xuất bản thông qua Chương trình Kindle Direct của mình phải thông báo trước cho Amazon rằng họ sẽ đưa vào tài liệu do AI tạo ra. Amazon cũng đang giới hạn tác giả chỉ được phép xuất bản ba cuốn sách mới trên Kindle Direct mỗi ngày, nhằm hạn chế sự phổ biến của các văn bản AI.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ nhiều nguồn.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)