Jon Fosse: “Với tư cách là một vật thể độc lập, văn học sẽ luôn luôn chết”

Thứ Tư, 11/10/2023 15:01

Chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương đã dành nhiều thập kỉ để tạo ra các tác phẩm kì lạ và được ngưỡng mộ. Nhưng ông vẫn không thể biết từ ngữ đó đến từ đâu. Trong cuộc phỏng vấn sau đây trên tờ The New Yorker, ông sẽ chia sẻ nhiều hơn về ân sủng, tình yêu, ghen tuông, và những trải nghiệm cận tử cũng như tình yêu dịch thuật của bản thân mình.

- Ông không thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp, có phải vậy không?

+ Tôi thích thực hiện các cuộc phỏng vấn qua e-mail hơn. Tôi thấy mình viết thì dễ hơn nói, ngay cả bằng tiếng Anh.

- Tôi đã phỏng vấn một số nhà văn, và họ khẳng định lí do họ viết là vì không thể nói được.

+ Vâng, nó hơi giống như thế với tôi. Bạn có biết câu nói nổi tiếng “Những gì ta không thể nói, thì hãy viết ra” của Jacques Derrida1 không? Điều đó gần giống với cách tôi nghĩ.

- Người ta thường nói có thể cảm nhận được lối suy nghĩ của ông trong nhiều vở kịch và các tiểu thuyết, đặc biệt là sự im lặng. Có phải vậy không?

+ Tôi từng theo học nghiên cứu văn học so sánh ở bậc Đại học. Lúc đó tôi đã viết xong tiểu thuyết đầu tiên và nhiều tác phẩm văn học khác nữa. Lí thuyết tiểu thuyết là tìm hiểu chính của tôi. Các lí thuyết này tập trung vào người kể chuyện, nhân vật và mối liên hệ giữa các điểm nhìn của họ. Dĩ nhiên là chúng quan trọng, nhưng tôi vẫn thấy điều cơ bản nhất trong mảng hư cấu không nên là người kể chuyện, điều này bắt nguồn từ truyền thống truyền miệng. Mà đó phải là nhà văn.

Điều đó cũng giống như việc chơi nhạc. Văn bản đầu tiên tôi viết ở tuổi 12 hay 13 chính là một lời bài hát. Tôi đã viết ra một số bài thơ và những câu chuyện có phần vụn vặt. Và tôi cảm thấy khi viết cho mình và cho chính mình, mà không phải cho công việc học thuật, thì nó luôn rất riêng tư. Tôi tìm thấy nơi mình thích ở lại.

Nhà văn Jon Fosse.

­- Hãy kể tôi nghe về nơi đó.

+ Đó là một nơi an toàn, và là nơi tôi tự tìm thấy năm 12 tuổi. Bây giờ tôi đã 62, và nơi đó - không phải là tôi, nhưng bằng cách nào đó nó ở trong tôi. Nó khác với con người tôi. Tôi thường nói rằng tôi là Jon. Và sau đó là hình ảnh chính thức của tôi. Đó là Jon Fosse. Nhưng người viết thì không có tên.

Nơi đó là để lắng nghe cũng như dịch chuyển. Đó luôn là một nơi rất, rất an toàn. Nhưng nó cũng có thể đáng sợ, vì đó là con đường để tôi đi vào những điều chưa biết. Tôi phải đi tới những biên giới của tâm trí mình, và tôi phải vượt qua những biên giới này. Hành động đó thật đáng sợ nếu bạn thấy mình tương đối mong manh. Tôi đã như thế trong suốt vài năm. Đơn giản là tôi không dám viết ra những điều của mình vì sợ vượt qua những biên giới này trong bản thân tôi. Khi tôi tập trung, tôi có cảm giác vô cùng rõ ràng cũng như chi tiết những gì tôi đang viết đây đã được viết sẵn. Nó ở đâu đó ngoài kia. Và tôi cần viết nó ra trước khi biến mất.

Đôi khi tôi nắm bắt nó một cách nhạy bén. Ví dụ, trong Morgon og kveld (tạm dịch: Buổi sáng và buổi tối), tôi đã viết 2 phần mà hầu như không thay đổi bất cứ điều gì. Hay vở kịch đầu tiên của tôi, Nokon kjem til å komme (tạm dịch: Ai đó sẽ đến) - tôi cũng viết kịch bản đó một lần mà không thay đổi gì cả. Nhưng với một cuốn tiểu thuyết dài như Septology (tạm dịch: Bộ bảy), tôi đã chỉnh sửa khá nhiều. Tôi phải tìm kiếm văn bản mà tôi cảm thấy ở đó. Tôi phải cố gắng tìm cho ra nó.

Thật thú vị - trải nghiệm bước vào một địa điểm mới, một vũ trụ mới mỗi khi mà tôi tập trung. Và tôi luôn nghĩ mình đã sẵn sàng - rằng một ngày nào đó tôi sẽ không thể viết được nữa, điều đó không sao cả. Không sao đâu, tôi nghĩ đó là món quà. Ai hay cái gì đưa nó cho tôi, tôi không biết nữa.

- Tôi đang nghĩ về những điều chưa biết trên vịnh hẹp, về bóng tối và sự tĩnh lặng của mặt nước. Ông đã trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình trên một chiếc thuyền giữa dòng nước ấy. Ngoài đó giúp ông hình dung hoặc cảm nhận được trạng thái dòng chảy của bản thân mình ư?

+ Khi lớn lên, tôi và những đứa trẻ xung quanh được nuôi dạy rất hoang dã. Chúng tôi được phép ra khơi một mình khi mới 7, 8 tuổi. Và một trong những kỉ niệm đẹp nhất là được cùng bố ra thuyền câu cá vào các buổi chiều hoặc là ban đêm, đặc biệt là vào mùa hè hoặc là đầu thu. Trải nghiệm trên thuyền khi trời tối, trong khung cảnh này, trên bờ biển này - tôi không thích từ hình ảnh, nhưng chính loại hình ảnh này khiến tôi thấy giống một loại màu sắc hay một âm thanh. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng bất cứ điều gì rõ ràng hoặc theo nghĩa đen khi mà tôi viết. Đó là một hành động lắng nghe. Tôi đang lắng nghe điều gì đó.

- Ông nghe thấy gì?

+ Nghe thấy những gì tôi viết. Nhưng tôi không thấy. Tôi không tưởng tượng được. Và nó đến từ đâu, tôi không biết nữa. Tất nhiên, nó là của tôi. Đó là ngôn ngữ của tôi và tôi đang sử dụng những gì tôi biết để làm chất liệu.

Logic của thứ văn bản mà tôi đang viết tạo ra cái mà tôi gọi là hình thức. Nội dung thuộc về cấu trúc và cấu trúc luôn phải tạo mới cho mỗi văn bản. Hình thức này ở một mức độ lớn hơn có mối liên hệ với cái mà tôi có thể gọi là vũ trụ. Tôi đang tạo ra một vũ trụ mới. Giả sử Septology là một vũ trụ, thì Trilogy (tạm dịch: Bộ ba) là một vũ trụ hoàn toàn khác biệt.

Nhưng các vũ trụ đều được kết nối. Chúng chia sẻ cùng một một logic và một hình thức. Thông thường, chúng chia sẻ kí tự hoặc ít nhất là tên nhân vật. Chúng xuất phát từ những gì Asle, người kể chuyện của Septology, mô tả là “bức tranh sâu thẳm nhất” của anh ấy. Chúng tồn tại như một tổng thể, một thực thể sống.

Đó là mặt khác của nó. Chúng cần phải là một vũ trụ, một vũ trụ độc nhất. Tôi nghĩ cả ba phần của Trilogy đều là những vũ trụ độc nhất. Nhưng đồng thời chúng được kết nối. Đó chính là điều tạo nên một cuốn tiểu thuyết, 3 cuốn tiểu thuyết ngắn này gộp lại với nhau. TrilogySeptology tuy vậy cũng được kết nối với nhau. Tôi sử dụng đi sử dụng lại những cái tên giống nhau và ít nhiều ở những địa điểm giống nhau. Và những động cơ luôn luôn sẽ được tái diễn. Rất nhiều người đang chết đuối hoặc đang nhìn ra cửa sổ, thường là hướng ra biển hoặc là vịnh hẹp. Nó hơi giống việc một họa sĩ đang vẽ cái cây như rất nhiều người đã làm trước đây, nhưng nhân vật ấy đang vẽ theo cách riêng mình. Và, khá thường xuyên, một họa sĩ giỏi sử dụng đi sử dụng lại cùng một họa tiết nhưng vẫn tạo được một hình ảnh mới mỗi lần động cọ. Tôi hi vọng mình có thể làm được điều gì đó tương tự vậy.

Các tác phẩm bằng tiếng bản địa của Jon Fosse.

- Đã có một cuộc tranh luận giữa một số dịch giả của ông về ý tưởng “văn xuôi chậm”. Cụ thể, vài người trong số họ - và tôi đồng ý với điều này - đã tuyên bố rằng không có gì ở đây có cảm giác đặc biệt chậm. Tại sao ông lại gọi nó như vậy?

+ Tôi đã viết cho các sân khấu trong 15 năm. Tôi có 2 khoảng nghỉ ngắn đương khi đang viết phần đầu và phần thứ hai của Buổi sáng và buổi tối. Và vào cuối khoảng nghỉ dài này, tôi cũng viết Det er Ales (tạm dịch: Aliss bên ánh lửa). Nhưng chủ yếu là tôi viết kịch, viết kịch và chỉ viết kịch. Và ngay cả đoạn văn xuôi tôi viết cũng hơi giống một vở kịch, bởi chúng thường rất cô đọng. Aliss bên ánh lửa thực tế dựa trên vở kịch có tên Ein sommars dag (tạm dịch: Một ngày mùa hè). Đó là câu trích từ bài sonnet nổi tiếng của Shakespeare: “Tôi có nên so sánh em với ngày hè không?”

Tôi đã có lúc phải viết kịch bản cho một vở kịch. Và nó rất khó, rất khó để viết. Đó là vở kịch gần như cuối cùng mà tôi chắp bút. Nó được gọi là Desse auga (tạm dịch: Những đôi mắt này). Đó là một vở kịch ổn, và thế là đủ. Tôi muốn trở về quê hương, làm thơ, sáng tác văn xuôi và ngừng viết kịch cho sân khấu lớn. Và tôi đã nói: “Được rồi, tôi bỏ cuộc. Tôi đã vượt qua nó rồi.”

Đồng thời, tôi đã du lịch và uống nhiều rượu. Tôi chỉ đơn giản là phải ngừng uống rượu. Tôi đã phải nhập viện để thoát khỏi nó. Và tôi đã cải đạo sang Giáo hội Công giáo. Tôi gặp vợ tôi vào thời gian đó.

Tôi chỉ đơn giản là đã thay đổi cuộc sống của mình ở một mức độ rất lớn. Tôi đã ngừng viết các bài phát biểu. Và bây giờ tôi hiếm khi trả lời phỏng vấn. Tôi nói không với 90% của mọi thứ. Có những dịp tôi phải tham gia, khi tôi được trao giải thưởng ở đây hay ở đâu đó, tôi thấy rằng mình phải đi.

- Tôi nghe nói hiện giờ ông đang dịch trong khi đang đọc dở các cuốn tiểu thuyết. Tôi mong có nhiều tiểu thuyết gia làm dịch giả hơn.

+ Tôi thực sự thích việc chuyển ngữ. Theo một cách nào đó, nó giống như đọc, nhưng bạn sẽ hiểu rất sâu. Đó là cách đọc vô cùng sâu sắc.

Thực ra, khi tôi khá trẻ, tôi đã đọc bản dịch của Olav Hauge. Chúng được tập hợp thành một tập gọi là Các bài thơ đã dịch. Và tôi đã đọc Georg Trakl, nhà thơ người Áo, và tôi thực sự thích nó vì Hauge đã dịch. Sau đó tôi mua những bài thơ chọn lọc của Trakl bằng tiếng Đức, lúc đó tôi không biết nhiều về thứ tiếng này, nhưng tôi đã đọc được chúng. Điều đó không khó lắm vì ông ấy giống tôi: cứ lặp đi lặp lại chính mình. Và thậm chí có thể nói rằng, hơn tôi, tất cả những bài thơ của ông, theo một cách nào đó, chỉ là một bài thơ. Tôi bắt đầu dịch một số bài thơ của ông và có một số phiên bản tôi đã đưa vào một hoặc hai tuyển tập thơ của mình.

Lần đầu tiên tôi đọc Trakl là ở tuổi thiếu niên, và cách đây 2, 3 năm, tôi đã dịch một trong những tuyển tập của ông, Sebastian im Traum (tạm dịch: Sebastian trong giấc mơ). Nó đã ở với tôi suốt năm mươi năm hay đại loại thế. Và rồi năm nay tôi đã xuất bản một bản dịch mới, là The Elegies (tạm dịch: Tao nhã).

- Ông cũng đã dịch The trial (tạm dịch: Thách thức) của Kafka?

+ Vâng, thực sự tuyệt vời. Và tôi hạnh phúc với điều đó. Nhà xuất bản của tôi, tại Đức, đã xem từng từ trong từng giai đoạn dịch thuật của tôi. Vì vậy độc giả có thể tin tưởng nó. Tôi nghĩ đây là bản dịch đáng tin cậy nhất sang bất kì ngôn ngữ Scandinavia nào. Đó là lần đầu tiên tôi dịch một cuốn tiểu thuyết. Đó là sau Septology. Tôi cảm thấy mình cần nghỉ ngơi để làm việc khác. Lần đầu tiên tôi quyết định thử dịch một cuốn tiểu thuyết và đó là The Trial, một trong những cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi.

Tôi cũng đã dịch rất nhiều vở kịch, đặc biệt là những vở bi kịch Hi Lạp của 3 bậc thầy: Aeschylus, Euripides và Sophocles. Đó là hành động lắng nghe những giọng nói cổ xưa này. Và họ có được những nét rất riêng. Tôi dễ dàng nghe thấy và viết lại giọng nói của họ theo cách của mình, bằng ngôn ngữ của tôi vào thời điểm này. Tôi thích làm điều đó.

- Ông có thường xuyên nghĩ đến cái chết không?

+ Không. Tôi nghĩ khi càng già lão và càng gần nó, thì ta càng ít nghĩ về nó.

Tôi nghĩ chính Cicero đã nói triết học chính là cách để học về cái chết. Và tôi nghĩ văn học cũng là một cách tương tự. Nó liên quan nhiều đến cái chết cũng như cuộc sống. Tôi đoán điều này có liên quan đến hình thức văn học - một thứ nghệ thuật vĩ đại. Nghệ thuật tồn tại khi bạn tạo ra nó và có được những độc giả có thể khiến nó sống động. Nhưng với tư cách là một vật thể độc lập, nó luôn luôn chết. ♦

NGÔ THUẬN PHÁT lược dịch từ bài phỏng vấn Merve Emre, đăng trên The New Yorker ngày 13/11/2022

----------------

 

1. Jacques Derrida (1930 - 2004) là một nhà triết học lớn người Pháp, gốc Algérie. Ông nổi tiếng với khái niệm “giải cấu trúc”.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)