A.S. Byatt qua đời ở tuổi 87

Thứ Hai, 20/11/2023 15:43

Một trong những nhà văn tham vọng nhất trong thế hệ mình, người có cuốn tiểu thuyết Possession (tạm dịch: Chiếm hữu) đoạt giải Booker 1991 mang lại danh tiếng quốc tế, đã qua đời hôm thứ Năm tại nhà riêng ở London, hưởng thọ 87 tuổi. Nhà xuất bản lâu năm của bà - Chatto & Windus, đã thông báo về cái chết trong tuyên bố một ngày sau đó, nhưng không nêu rõ nguyên nhân.

Người phụ nữ mạnh mẽ

A.S. Byatt là nhà phê bình và học giả xuất sắc, người đã phá vỡ khuôn mẫu học thuật bằng việc xuất bản 11 tiểu thuyết và 6 tập truyện ngắn. Bà từng bức xúc nói trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào năm 1991 rằng: “Tôi không phải là học giả tình cờ viết được tiểu thuyết. Tôi là một tiểu thuyết gia có đầy năng lực.”

Niềm đam mê trí tuệ của Byatt được thể hiện rõ trong Possession, với tựa phụ A Romance (tạm dịch: Một câu chuyện lãng mạn). Nội dung tác phẩm xoay quanh tình tiết trinh thám mang tính học thuật, lồng ghép câu chuyện tình yêu bất chính vào trong một tuyến truyện khác. Nó kể về một cặp đôi sống ở thời Victoria, cặp kia sống vào cuối thế kỉ 20. Bí ẩn bắt đầu khi học giả nọ phát hiện ra một điều phi thường tại Thư viện Luân Đôn vào năm 1985: trong đó những bức thư tình cũ được giấu bên trong ấn bản hiếm hoi của tập thơ thời Victoria.

AS Byatt.

Possession bất ngờ trở thành cuốn sách bán chạy và cũng được dựng thành phim vào năm 2002, do Neil LaBute làm đạo diễn và Gwyneth Paltrow đóng chính. Sau đó, một phần trong cuốn Angels and Insects (tạm dịch: Thần tiên và côn trùng, 1992) của bà cũng được Philip Haas chuyển thể thành phim, và được đề cử giải thưởng Oscar vào năm 1995. Cả hai bộ phim chuyển thể đều nâng cao hình ảnh của Byatt với tư cách là một tác giả đã mở rộng phạm vi tiểu thuyết đương đại của Anh.

Byatt theo đó đã xây dựng danh tiếng văn học của mình một cách chậm rãi và đầy vững chắc với 2 tiểu thuyết đầu tay, là The Shadow of the Sun (tạm dịch: Cái bóng của Mặt trời, 1964) và The Game (tạm dịch: Trò chơi, 1967). Sau đó bà gây bất ngờ với bộ 4 cuốn được gọi chung là Bộ tứ Frederica Potter.

Giống như Byatt, Frederica và các anh chị em của nhân vật này đều trưởng thành ở nước Anh vào giữa thế kỉ 20, thời kì mà ngay cả những người phụ nữ có trình độ học vấn cao cũng sẽ phải ngừng làm việc nếu họ kết hôn. Nỗi kinh hoàng lớn nhất của Byatt là bị mắc kẹt và chỉ quẩn quanh trong nhà của mình.

Bà từng chia sẻ với tờ The Guardian vào năm 2009 rằng: “Tôi đã hình dung chính bản thân mình bước ra từ phía bên này cánh cửa, nhìn thấy một chút ánh sáng rồi lại tiếp tục bị nhốt chỉ trong gian bếp. Đó chính là điều bản thân tôi nghĩ đã xảy ra với nhiều phụ nữ thuộc thế hệ mình”.

Tiểu thuyết của bà xuất hiện trong lúc mà giới văn học vẫn đang o bế rất nhiều tác giả vốn là nam giới và mang đặc điểm da trắng của thập niên 70 và 80. Họ gồm Martin Amis, Ian McEwan, Julian Barnes… Bà từng nói rằng “Tôi nghĩ chúng ta đang có quá nhiều bụi bẩn chứ không phải là không đủ các tác phẩm hay”. Ngược lại, bà đánh giá cao Iris Murdoch và Angela Carter.

Bà cũng là người không bị lay chuyển bởi “thời trang” văn học, khi dám tuyên bố giải thưởng Orange (giờ là Women’s Prize for Fiction) là "phân biệt giới tính", và gọi Harry Potter là "tác phẩm non nớt" trên tờ The New York Times vào năm 2003. Nhưng bà cũng rất ủng hộ những tài năng mới mà bà cảm thấy xứng đáng được chú ý nhiều lần hơn nữa, chẳng hạn như Lawrence Norfolk, Adam Thirlwell và Ali Smith. Như Alan Hollinghurst từng nói nói: “Byatt là nguồn động viên to lớn đối với tôi và nhiều nhà văn trẻ khác trong những năm 1980 và 1990”.

Byatt đã được phong tước phu nhân của Đế quốc Anh vào năm 1999 vì những đóng góp của bà cho văn học Anh đương đại, dù cho lúc đó các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà vẫn chưa ra mắt.

Một trong số đó là Truyện trẻ con ra mắt vào năm 2009, dựa trên cuộc đời của tác giả sách thiếu nhi nổi tiếng E. Nesbit. Trong đó Byatt lồng ghép câu chuyện cổ tích vào bình luận xã hội về các phong trào không tưởng của Anh đầu thế kỉ 20. Nó đã lọt vào danh sách rút gọn cho Giải Booker năm 2009 và nhận được Giải thưởng James Tait Black vào năm 2010.

Ngoài ra có thể kể đến A Stone Woman (tạm dịch: Người đàn bà hóa đá), trích từ tuyển tập Little Black Book of Stories (tạm dịch: Những chuyện từ cuốn sách đen nhỏ bé, 2003), khám phá chủ đề đau buồn cũng như lão hóa, qua sự biến hình của người phụ nữ biến mình thành đá sau cái chết của mẹ.

Cuốn sách gần đây nhất của bà là tuyển tập gồm những tác phẩm mà bà đã viết trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 3 thập niên, mang tên Medusa’s Ankles: Selected Stories (tạm dịch: Mắt cá chân của Medusa: Những câu chuyện chọn lọc) xuất bản vào năm 2021.

Khi ở độ tuổi 80, Byatt cảm thấy mình đã đạt được nhiều điều chỉ khi được trở thành tác giả văn chương. “Tôi nghĩ phần lớn đời mình đã rất may mắn, vì tôi từng nghĩ mình không thể nào viết được văn chương. Và cho đến cùng, tôi chưa bao giờ thực sự muốn làm bất cứ thứ gì ngoài chính điều này”.

Cái bóng của người em gái

Byatt sinh ra với tên khai sinh là Antonia Susan Drabble vào ngày 24/8/1936 tại Sheffield (Anh Quốc). Cha bà, John F. Drabble, một luật sư và thẩm phán, đã tự mình xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết. Mẹ bà, Kathleen (Bloor) Drabble, là một giáo viên và nội trợ.

Antonia là con gái lớn, Margaret chào đời 3 năm sau đó và rồi tiếp theo là hai anh chị em nữa. Cha mẹ Byatt đều đã theo học tại Đại học Cambridge và muốn cả 4 đứa con đều sẽ như vậy. Nhưng Kathleen lại công khai ưu ái Margaret, điều này góp phần tạo nên một sự cạnh tranh giữa hai người con gái lớn.

Byatt mô tả mình như một đứa trẻ bất hạnh, mắc bệnh hen suyễn và phải dành rất nhiều thời gian ở trên giường bệnh, nơi việc đọc sách trở thành lối thoát duy nhất khỏi một gia đình vốn luôn căng thẳng cũng như giận dữ.

Sự nghiệp mới chớm của bà, theo đó, từng bị lu mờ bởi em gái mình, là nhà văn Margaret Drabble, người có cuốn sách đầu tay A Summer Bird Cage (tạm dịch: Lồng chim mùa hè, 1963), lập tức trở thành sách bán chạy nhất. Byatt đã từng nói với tờ The Paris Review rằng mình sợ bị so sánh một cách liên tục với Margaret. Mặc dù cuốn sách đầu tay của bà đã được đón nhận một cách trân trọng, nhưng bà cho rằng vẫn còn có người coi nó là “cuốn tiểu thuyết của người khá giống Margaret Drabble.”

Tựa sách Truyện trẻ con của Byatt.

Quan hệ giữa hai chị em có tính cạnh tranh luôn luôn căng thẳng. Họ thường không đọc tác phẩm của nhau hay là gặp gỡ một cách thường xuyên, từ đó đã làm dấy lên những lời bàn tán không ngớt trên báo chí văn học. Cả hai đều khẳng định mối quan hệ này bị cường điệu hóa. Byatt sau đó cũng làm dịu đi khi bà trả lời trong cuộc phỏng vấn vào năm 1991 rằng mình và em gái mình “luôn yêu thích nhau ở điểm mấu chốt”.

Nhưng khi Drabble xuất bản cuốn bán tự truyện, The Pattern in the Carpet (tạm dịch: Họa tiết trên thảm, 2009), Byatt đã nói với The Telegraph rằng bà muốn mọi người đừng đọc phiên bản của người khác về mẹ mình. Về phía Drabble, bà đáp lại rằng chị gái của mình đã quá ích kỉ. 2 năm sau đó, Drabble nói với The Telegraph rằng quan hệ giữa hai người họ đơn giản là không thể hàn gắn.

Byatt theo đó đã nhận bằng cấp đầu tiên về tiếng Anh vào năm 1957, sau đó là một năm học cao học tại trường Cao đẳng Bryn Mawr ở Pennsylvania. Bà tiếp tục học tiến sĩ tại Somerville College Oxford, nơi bà không được khuyến khích viết tiểu thuyết vì đã có bằng Tiến sĩ.

Khi bà rời khỏi Oxford để kết hôn với Ian Byatt, một nhà kinh tế học vào năm 1959, trợ cấp học thuật của bà bỗng dưng chấm dứt. Vào thời điểm đó, những người đàn ông làm điều tương tự thì không bị mất đi khoản tiền đó. Trước sự kinh hoàng của mình, Byatt thấy mình bị đẩy xuống dưới vai trò là vợ của một giảng viên ở tuổi 25. Nhưng bà vẫn kiên trì viết và mô tả đó chính là cứu cánh cho sự tuyệt vọng. Cuộc hôn nhân này kết thúc vào năm 1969. Bà tiếp tục kết hôn với Peter John Duffy, một nhà phân tích đầu tư, và có thêm hai người con nữa.

Byatt tiếp tục xuất bản tiểu thuyết và các nghiên cứu phê bình, nhưng rồi bi kịch ập đến, vào đầu những năm 1970, khi con trai duy nhất, Charles, vừa tròn 11 tuổi, bị một người lái xe say rượu tông chết. Byatt vào thời điểm đó cũng vừa đảm nhận công việc giảng dạy đầu tiên trong đời tại Đại học College London. “Tôi nghĩ điều đã cứu tôi chính là học sinh,” bà nói về nỗi đau của mình trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times. “Họ ở một thế giới khác; Tôi đã phải thay đổi chính mình để mà thích nghi.”

Byatt đề cập đến việc mất đi con trai trong truyện ngắn The July Ghost (tạm dịch: Con ma tháng Bảy) kể về một người mẹ đau buồn, và trong bài thơ Dead Boys (tạm dịch: Những cậu bé đã chết), bà đã suy ngẫm về những đứa trẻ có thói quen kề cạnh bên mẹ của mình, thậm chí là trong cái chết. Nó kết thúc bằng dòng “Má tôi ướt đẫm hơi ấm thằng bé / Dù đã năm ngày sau đợt giá lạnh”.

Bà cho biết trải nghiệm này đã thay đổi cách viết của mình. “Tôi chợt nghĩ, ‘Tại sao mà các cuốn sách thường không kết thúc theo kiểu có hậu nhỉ?’ Mọi người đều biết văn chương là tác phẩm nhân tạo. Tại sao không nên để nó có thêm niềm vui, như là người ta sẽ thấy hấp dẫn với các vần điệu cũng như màu sắc?”.

Byatt viết và biên tập nhiều tác phẩm phê bình văn học, trong đó có 2 cuốn về nhà văn người Anh - Iris Murdoch và một cuốn về mối quan hệ của William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge. Bà cũng biên tập cùng với Nicholas Warren một cuốn sách gồm các bài tiểu luận về George Eliot. Bà là giảng viên cao cấp môn tiếng Anh tại Đại học College từ năm 1972 đến năm 1983.

Năm 2008, tờ The Times of London đã đưa bà vào danh sách “50 tác giả người Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945”, dù cho một số tác phẩm của bà, đặc biệt là các tiểu thuyết, thường bị chỉ trích là quá dày đặc tính chất học thuật đến mức như một chiếc khiên không thể xuyên qua để mà nhìn thấy tính chất hư cấu.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo bài viết trên The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)