Isaac Bashevis Singer luôn muốn "bảo tồn" cuộc sống của người Do Thái

Thứ Bảy, 09/12/2023 15:02

Luôn có khoảng cách giữa tác giả viết tiếng Anh, người được vinh danh tại giải Nobel Văn Chương 1978, Isaac Bashevis Singer và nhà văn người Do Thái đã từng xuất bản dưới ít nhất dưới 3 bút danh: Yitskhok Bashevis, Yitskhok Varshavski và D. Segal. Thế nhưng ít người biết rằng việc xuất bản các tác phẩm trong thời chiến của Singer là một trong những nỗ lực nhằm để thu hẹp khoảng cách nói trên.

Một cuộc đời biến động

Điều đó thể hiện rõ nhất trong Writings on Yiddish and Yiddishkayt: The War Years, 1939-1945 (tạm dịch: Viết bằng tiếng Do Thái và Cuộc sống của người Do Thái: Những năm chiến tranh, 1939-1945), tập sách đầu tiên trong số 3 tập kể về khoảng thời gian xuất hiện đầu tiên với bút danh Yitskhok Varshavski trong tờ Forverts - nhật báo tiếng Do Thái lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới, ra mắt gần đây. Các bài viết này được tập hợp tại thời điểm khi chỉ còn vài tháng nữa là Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bùng nổ, cho đến khi nó kết thúc vào cuối năm 1945.

Độc giả Do Thái của tờ Forverts ở giai đoạn này đã không hề biết Yitskhok Varshavski chính là Yitskhok Bashevis - em trai của các nhà văn Yiddish Esther Kreitman và Israel Joshua Singer tương đối nổi tiếng. Thay vào đó, họ luôn thắc mắc về người nào đó vẫn thường gọi mình là “Isaac đến từ Warsaw”. Thế nhưng dù có là ai thì ông cũng viết rất nhiều và rất chi tiết về hoàn cảnh của người Do Thái ở cả Châu Âu cũng như Hoa Kì, cả trước và trong Thế chiến II, cũng như cuộc sống của họ ở nước Mĩ mới. Ông gần như là thực thể vô danh, nhưng bất cứ ai đọc tác phẩm của ông cũng đều sẽ biết rằng ông đã đào sâu vào chủ đề này đến như thế nào.

Nhà văn gốc Do Thái - Isaac Bashevis Singer.

Tác phẩm của Singer trong Thế chiến thứ hai đã phát triển đáng kể, từ những bài viết về phong tục Do Thái cho đến thực trạng rằng người Do Thái đang bị nhắm làm “mục tiêu” ở châu Âu ra sao… Ông cũng đề cập đến những câu hỏi về tinh thần Do Thái sẽ sống sót thế nào sau chiến tranh. Trong những năm đó, cuộc sống của ông cũng đã trải qua rất nhiều thay đổi mang tính căn bản.

Năm 1939, mẹ và em trai ông, những người vẫn ở Ba Lan khi ông và các anh chị rời đi, đã được Liên Xô gửi tới Jambyl (Kazakhstan) trên những chiếc xe được dùng để chở gia súc. Sau đó họ đã qua đời vì bệnh tật và đói khát, có thể vào khoảng thời gian 1942. Chị gái của ông cùng con trai mình, Maurice, may mắn sống sót sau cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào London, và từng phải rất vật lộn với sức khỏe tâm thần ngày càng trầm trọng do chấn thương tâm lí thời kì hậu chiến.

Anh trai của ông, người đã giúp ông nhập cư vào Mĩ, đã hỗ trợ ông trong những năm đầu, cuối cùng đã chết vì bị đau tim vào đầu năm 1944. Người tình của ông, Runia Pontsh, mẹ của con trai Israel Zamir duy nhất của ông, cũng bị trục xuất ra khỏi Liên Xô, sau một thời gian lưu trú ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kì). Người phụ này sau đó định cư ở Palestine vào năm 1938, nơi vài năm sau Zamir rồi sẽ trở thành một thành viên trẻ của nhóm Beit Alfa(1).

Bản thân Singer, vào năm 1940, cũng đã kết hôn với Alma Wassermann, người tị nạn Đức gốc Do Thái, người trốn khỏi chồng cũng như các con ra khỏi Munich, sau khi gặp ông tại khu nghỉ dưỡng mùa hè Catskills. Năm 1943, Singer trở thành công dân Hoa Kì, bắt đầu đi trên con đường văn học với tư cách là một nhà văn Mĩ.

Có thể nói rằng nền tảng tiểu sử này rất hữu ích trong việc hiểu được cường độ sáng tác của Singer trong thời gian này. Các chủ đề, tuy đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa và cuộc sống người Do Thái, thế nhưng tất cả đều đã thấm nhuần quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của ông vào đúng thời điểm chúng được viết ra. Điều này làm cho tác phẩm thời chiến của ông về cơ bản là rất khác biệt so với hầu hết các tác phẩm đã được xuất bản tính cho đến nay, bao gồm 30 cuốn sách dành cho người lớn và hơn 15 tác phẩm dành cho trẻ em.

Hạn chế khi viết bằng tiếng mẹ đẻ

Những tác phẩm này, ở một khía cạnh nào đó, đã mở ra một giai đoạn mới trong việc dịch và xuất bản tác phẩm của Singer, bộc lộ được tính tức thời cũng như phản ánh cách mà nước Mĩ quan tâm đến văn học và văn hóa Do Thái. Khoảng cách giữa các ấn phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh của Singer cũng là một cách để cho hậu thế có thể quan sát cuộc sống ở quê hương cũ mà ông bỏ rơi lại, cũng như đất nước mà từ nơi đó ông dần xây dựng được tầm ảnh hưởng của bản thân mình.

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc này là thứ tự thời gian mà các tác phẩm đã được ra mắt. Thông thường, tác giả viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ xuất bản tác phẩm của mình theo thứ tự viết. Nhưng với tư cách là một nhà văn di cư đã viết bằng tiếng Do Thái và rồi sau đó mới có cơ hội tiến hành chuyển ngữ, thì sẽ không quá khó hiểu khi nói độc giả ở các thị trường Âu - Mĩ ít có khả năng tiếp cận tác phẩm của ông theo trình tự thời gian.

2 tác phẩm đã được chuyển ngữ của Isaac Bashevis Singer.

Trong đó tuyển tập truyện ngắn đầu tiên, Gimpel the Fool and Other Stories (tạm dịch: Gimpel ngốc nghếch, 1957), gồm những truyện được xuất bản theo thứ tự vào các năm 1945, 1957, 1945, 1956, 1956, 1945, 1956, 1943, 1932, 1956 và 1943, là một ví dụ tương đối điển hình. Bất kì ai cố gắng hiểu về quá trình phát triển của Singer chắc hẳn sẽ thấy “chóng mặt” khi phải quay đi quay lại giữa đầu những năm 1940, 1950, và rồi dừng lại ở đầu những năm 1930. Vì vậy độc giả không thể biết được những gì mà ông đã viết giữa thời gian ấy. Nó có thể mang cảm giác bí ẩn cho cách viết của Singer, nhưng lại không mang cái nhìn mạch lạc về tầm nhìn nghệ thuật tác giả này.

Vì vậy khi xem xét lại các bài trong chuỗi Yiddish và Yiddishkayt đã từng xuất hiện trên báo Forverts, độc giả có thể “thâm nhập” vào khoảng thời gian mà tác giả đoạt giải Nobel văn chương này đã trải qua. Trong đó, các bài viết khác nhau về một số chủ đề liên quan đến cuộc sống của người Do Thái và nền văn hóa này, bao gồm lịch sử, phong tục, ảnh hưởng của các cá nhân cụ thể, xu hướng xã hội và những lời phê bình về thời điểm Singer đang sống cũng như viết lách… đã được trình bày một cách rõ ràng.

Các chủ đề khác cũng nổi bật lên trong thời kì này là sự tức giận cũng như lo lắng mà Singer cảm thấy trước sự thờ ơ rõ ràng của người Do Thái, kể cả trong giới nói ngôn ngữ này đối với những kho tàng văn hóa đã bị gián đoạn và đang thất lạc trong Thế chiến thứ hai. Do đó việc hiểu cách ông quan tâm đến văn hóa Do Thái cũng chính là cách để ta hiểu được những gì ông đã trải qua, không chỉ riêng mỗi phong tục mà còn là sự mất mát giờ đã trở thành kí ức cộng đồng của một nhóm người bị bỏ rơi lại.

ĐOÀN ANH TUẤN trích từ nghiên cứu của David Stromberg đăng trên LitHub

--------

1. Một cộng đồng người sinh sống ở quận phía Bắc của Israel, được thành lập vào năm 1922 bởi những người nhập cư Ba Lan.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)