Ban đêm

Chủ Nhật, 17/12/2023 14:50

Amos Oz (1939 - 2018) là nhà văn, giáo sư ngành văn học Hebrew tại Đại học Ben - Gurion, Israrel. Ông được trao giải Goethe năm 2005, giải Heinrich Heine năm 2008, và giải Franz Kafka năm 2013. Truyện ngắn At night - (Ban đêm) được in trong Amos Oz Between Friends, Sondra Silverston dịch (Boston and New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2013).

*******************

Tháng hai, đến lượt Yoav Carni làm người gác đêm trong một tuần, từ thứ bảy đến thứ sáu. Cậu là đứa con đầu lòng của Kibbutz Yekhat, và những người sáng lập, trong đó có bố mẹ cậu, rất tự hào khi nhiều năm sau đó, cậu được bầu làm bí thư, người đầu tiên giữ chức vụ này mà thực sự ra đời trong kibbutz(1). Hầu hết bạn bè cậu đều rám nắng, cơ bắp, và cứng cáp, trong khi Yoav thì cao lêu nghêu và hơi gù, da nhợt và tai to, râu cạo cẩu thả, đãng trí, và trầm ngâm. Cậu trông giống một học giả Talmud. Đầu cậu luôn cúi về trước như đang xem xét con đường trước mặt, mắt cậu thường nhìn về đằng sau vai người mà cậu nói chuyện. Cậu quản lí các vấn đề của kibbutz bằng sự tinh tế và khéo léo. Cậu chưa lên giọng hay đập tay xuống bàn bao giờ, nhưng các thành viên đều biết cậu là người trung thực, bền chí một cách thầm lặng, và tốt tính. Về phần mình, cậu gần như xấu hổ về bản chất tốt bụng của mình và luôn luôn cố gắng tỏ ra thận trọng, nghiêm khắc, và nhiệt tình tuân thủ các nguyên tắc của kibbutz. Nếu có ai đề nghị cậu cho phép một công việc dễ dàng hơn hay ít giờ làm việc hơn, cậu sẽ nghiêm túc trả lời rằng những thứ như thế hoàn toàn không được phép ở đây và chúng ta luôn luôn phải tuân theo các nguyên tắc của tập thể. Nhưng cậu sẽ lập tức bắt đầu một cuộc tìm kiếm kín đáo để tìm một kẽ hở, một con đường vòng qua các quy tắc, để giúp đỡ họ.

Trước mười một giờ ít phút, Yoav xỏ giày cao cổ và ăn mặc ấm áp trong chiếc áo khoác quân đội nặng nề đã sờn và một chiếc mũ len che tai; rồi cậu đến chỗ người gác đêm nghĩa vụ, Zvi Provizor, để tiếp nhận khẩu súng trường. Zvi, người làm vườn, buồn bã nói với cậu bí thư, “Cậu nghe gì chưa, Yoav? Minnesota đang có cơn bão tồi tệ nhất trong bốn mươi năm. Mười tám người chết và mười người mất tích tính đến nay.”

Yoav đáp, “Cháu rất tiếc phải nghe tin đó.”

Zvi nói thêm, “Ở Bangladesh cũng có lũ. Rabbi Coopermintz vừa mới qua đời đột ngột cách đây một hai tiếng ở Jerusalem. Người ta vừa mới thông báo trên đài.”

Yoav đưa tay ra để vỗ vai Zvi nhưng rụt lại khi nhớ ra Zvi không thích bị động chạm. Nên thay vào đó cậu mỉm cười với gã, và nói một cách trìu mến, “Nếu bác tình cờ nghe được một mẩu tin tốt, bác cứ đến báo với cháu ngay. Thậm chí giữa đêm cũng được.”

Yoav rời đi, và khi đi ngang qua đài phun nước mà Zvi lắp đặt ở quảng trường trước nhà ăn, cậu nghĩ ở đây một người độc thân cô đơn, đã có tuổi sẽ có một khoảng thời gian khó khăn hơn ở những nơi khác vì xã hội kibbutz không có phép chữa nào cho nỗi cô đơn. Trên thực tế, chính ý tưởng về kibbutz đã phủ nhận khái niệm cô đơn.

Giờ đã nhận khẩu súng từ Zvi, Yoav làm vòng đầu tiên quanh kibbutz. Khi đi qua nhà của những người già cả, cậu tắt những ngọn đèn đang cháy vô ích ở chỗ này chỗ kia và đóng một vòi tưới mà ai đó để quên trước khi đi ngủ. Cậu nhặt một cái túi rỗng bị ném gần gian của thợ cắt tóc, gấp lại cẩn thận, và để nó trước cửa kho nông sản.

Đèn vẫn sáng một vài ô cửa sổ, nhưng sớm thôi kibbutz sẽ chìm trong giấc ngủ, và sẽ chỉ còn cậu và người gác đêm ở nhà trẻ thức đến sáng. Một cơn gió lạnh thổi qua và lá bách thì thầm đáp lại. Một tiếng gầm mơ hồ phát ra từ trại bò. Trong bóng tối, cậu lờ mờ nhìn ra những dãy nhà nơi người già sống, bốn căn hộ hai phòng trong mỗi tòa nhà, tất cả đều được trang bị đồ nội thất gỗ dán, cây cảnh, thảm sàn, và rèm vải cốt tông. Lúc một giờ cậu phải đến trại gà để kiểm tra nhiệt độ, và lúc ba rưỡi cậu phải đánh thức các công nhân sữa để kịp vắt sữa trước bình minh. Đêm sẽ qua nhanh.

Minh hoạ: Công Quốc Hà

Yoav thích các ca đêm này, tránh xa công việc thường ngày vốn đầy rẫy các cuộc thảo luận của ủy ban và khiếu nại lẫn yêu cầu của các thành viên. Thỉnh thoảng những người lớn tuổi hơn cậu rất nhiều lại đến giãi bày với cậu, rồi còn có mọi kiểu vấn đề xã hội nhạy cảm đòi hỏi những giải pháp kín đáo, hay các mối quan tâm ngân sách, quan hệ với các tổ chức bên ngoài, và đại diện của kibbutz trong các cơ quan khác nhau của phong trào. Bây giờ, ban đêm, cậu có thể lang thang một mình giữa các chái nhà và chuồng gà, bước dọc theo cái hàng rào được những ngọn đèn vàng chiếu sáng, ngồi một lúc trên cái thùng lật úp gần xưởng kim khí, và chìm vào những suy nghĩ đêm. Những suy nghĩ đêm của cậu xoay quanh người vợ, Dana, giờ đang nằm trong bóng tối, mơ màng nghe đài với hi vọng nó sẽ ru cô ngủ; cậu cũng nghĩ đến cặp song sinh của mình, giờ đang ngủ trên giường trong nhà trẻ. Một tiếng nữa cậu sẽ dừng ở đó và đắp chăn cho chúng. Có lẽ cậu cũng ghé qua nhà mình và tắt đài, điều mà Dana thường không màng đến trước khi ngủ. Dana không thích sống ở kibbutz và mơ về một cuộc sống riêng tư. Cô đã xin cậu chuyển đi nhiều lần. Nhưng Yoav là một con người có nguyên tắc, liên tục đấu tranh để cải thiện đời sống kibbutz và sẽ không nghe chuyện chuyển đi. Nhưng trong thâm tâm cậu biết đời sống kibbutz về cơ bản là không công bằng với phụ nữ, ép buộc họ làm các công việc dịch vụ như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc trẻ em, giặt giũ, may vá, là ủi, mà hầu như không có ngoại lệ. Phụ nữ ở đây mang tiếng là được hưởng thụ sự bình đẳng, nhưng họ chỉ được đối xử bình đẳng nếu cư xử và mang dáng vẻ nam giới: họ bị cấm trang điểm và phải tránh mọi dấu hiệu nữ tính. Yoav đã nghĩ về sự bất công này nhiều lần, đã cố đi đến một kết luận, tìm ra một giải pháp, nhưng bất lực. Có lẽ đó là lí do cậu luôn coi mình là người có lỗi trong mối quan hệ với Dana và liên tục cảm thấy tội lỗi.

Đêm lạnh và trong. Tiếng ếch kêu chấm dứt sự im lặng, một con chó sủa đằng xa. Khi nhìn lên, Yoav thấy một đám mây thấp đang tụ lại trên đầu và tự nhủ mọi thứ chúng ta nghĩ quan trọng thực ra không quan trọng, và cậu không có thời gian để nghĩ về những thứ thực sự quan trọng. Cả cuộc đời cậu đang trôi qua mà cậu chưa bao giờ suy ngẫm về những chân lí lớn và đơn giản: nỗi cô đơn và khao khát, ham muốn và cái chết. Sự im lặng sâu và rộng, thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng tru của những con chó rừng, và Yoav cảm thấy lòng tràn ngập biết ơn vì cả sự im lặng lẫn tiếng tru của những con chó rừng. Cậu không tin vào Chúa, nhưng trong những khoảnh khắc cô độc và im lặng như thế này, cậu cảm thấy có ai đó đang chờ đợi cậu cả ngày lẫn đêm, chờ đợi một cách âm thầm và kiên nhẫn, lặng lẽ và tuyệt đối bất động, và sẽ luôn luôn chờ đợi cậu.

Khi chậm rãi bước đi giữa kho lạnh và kho phân bón, súng đeo trên vai, cậu thấy một cái bóng mờ giữa bóng của các bức tường và đột nhiên một người mặc áo khoác chặn đường cậu. Giọng một người phụ nữ, trầm, dễ chịu, hơi khàn, nói, “Đừng sợ, Yoav. Em đây. Nina. Em đợi anh đi qua đây. Em biết anh sẽ đi qua. Em có chuyện phải hỏi.”

Yoav lùi lại, rồi nheo mắt định hình trong bóng tối, kéo cánh tay Nina đến ngọn đèn đường gần đó, và lo lắng hỏi cô có lạnh không, cô đã chờ một mình ở đây bao lâu. Nina là một người phụ nữ trẻ, được biết đến ở kibbutz với những ý kiến mạnh mẽ và vững vàng. Cô có đôi mắt màu xanh lục, lông mi dài, đôi môi mỏng và nét. Trán cô sáng trong bóng tối và mái tóc vàng của cô cắt ngắn.

“Nói em nghe anh sẽ làm gì, Yoav, nếu ngày nào anh cũng phải sống, đêm nào trong cả cuộc đời anh cũng phải ngủ với một người cự tuyệt anh. Cự tuyệt anh nhiều năm liền. Những điều anh ấy nói, mùi của anh ấy, những câu chuyện đùa của anh ấy, vết xước của anh ấy, cú nấc của anh ấy, cơn ho của anh ấy, tiếng ngáy của anh ấy, cái ngoáy mũi của anh ấy. Mọi thứ. Anh sẽ làm gì?”

Yoav đặt tay lên cánh tay cô và nói, “Chính xác có chuyện gì kể tôi nghe, Nina.”

Dưới ánh đèn đường, cậu thấy gương mặt cô nhợt nhạt và căng thẳng, nhưng đôi mắt xanh mệt mỏi của cô, nhìn thẳng vào mắt cậu, không có lấy một giọt nước mắt. Cô mím chặt môi và nói, “Không có gì cả. Anh ấy cãi lại cả người phát thanh trên đài.” Rồi cô nói, “Em không chịu được nữa.”

“Đợi đến mai được không? Mai đến văn phòng tôi rồi chúng ta nói chuyện. Có những thứ có vẻ tồi tệ ban đêm nhưng dưới ánh sáng ban ngày, trông chúng hoàn toàn khác.”

“Không. Em không về với anh ấy nữa đâu. Đêm nay không, không bao giờ. Cho em mượn phòng đêm nay, Yoav. Nhà kho cũng được. Chái cũng được. Anh phải có phòng trống chứ.”

“Có chuyện gì kể tôi nghe.”

“Có gì đâu mà kể. Chỉ là em không thể tiếp tục được nữa.”

“Bọn trẻ thì sao?”

“Chúng nó sẽ từ nhà trẻ về thẳng chỗ em mỗi chiều. Đến căn phòng anh cho em mượn.”

Yoav thấy không thoải mái khi đứng nói chuyện với Nina dưới ánh sáng nhạt của đèn đường trong con hẻm hẹp giữa kho lạnh và kho phân bón. Nếu có ai tình cờ qua đây và thấy họ đứng đó, những lời thì thầm, những tin đồn sẽ phát tán ngày mai. Cậu nói chắc chắn, “Nina. Tôi rất tiếc, nhưng thực sự tôi không thể sắp xếp chuyện gì như thế này lúc nửa đêm cả. Tôi không có sẵn phòng trong túi, em biết đấy. Tôi không phải là người phân bổ phòng ở đây. Ủy ban sẽ phải thảo luận. Bây giờ tôi đang gác nghĩa vụ. Xin em hãy về nhà ngủ rồi mai chúng ta gặp và cùng nhau tìm giải pháp sau.”

Nhưng đúng lúc lên tiếng, cậu đổi ý và nhận ra mình đang thêm một tông khác vào giọng nói, “Được rồi, đi theo tôi. Chúng ta sẽ đến văn phòng. Có một cái chìa phòng khách của giảng viên treo ở đó. Em có thể ở lại phòng khách qua đêm và mai quay lại xem chúng ta có thể làm được gì. Mai tôi cũng sẽ nói chuyện với Avner.”

Cô dựa vào cậu, nắm tay cậu bằng cả hai bàn tay, và ấn chặt nó vào ngực mình. Yoav xấu hổ và thậm chí còn hơi đỏ mặt trong bóng tối vì Nina là một người phụ nữ gợi cảm đã hơn một lần xuất hiện trong những tưởng tượng bí mật của cậu. Mười bảy tuổi, cậu phải lòng cô một thời gian, nhưng chưa bao giờ dám tiếp cận. Ở trường, Yoav là một cậu bé nhút nhát, hướng nội, còn Nina đã thu hút được chàng trai tốt nhất trong đám. Ngay cả bây giờ, khi gương mặt cô đã hằn vết cay đắng và mệt mỏi, thân hình cô không còn hoàn hảo như trước, cô vẫn là một người phụ nữ hấp dẫn. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên khi cô lấy Avner Sirota mà không phải ai khác, và đẻ cho cậu ta hai đứa con trai. Avner là người ồn ào và hay cãi cọ. Cổ cậu ta ngắn đến nỗi cái đầu cạo vuông trông như tựa nặng nề lên đôi vai, cánh tay cậu ta cứng như tay võ sĩ quyền Anh. Cậu ta có phần sợ Nina, như thể cô biết một bí mật xấu hổ nào về mình. Dù vậy, thỉnh thoảng, bằng lối đùa cợt bất nhã của mình, cậu ta lại theo đuổi các cô gái trung học sau lưng cô. Cậu ta tình cảm một cách cộc cằn với hai đứa con trai nhỏ và vào những đêm hè còn khuyến khích chúng đấu vật với mình trên bãi cỏ. Cậu ta luôn tranh luận chính trị bằng chất giọng khàn của mình, chê bai những người đứng đầu chính phủ mà cậu ta cho là những kẻ yếu đuối của cựu thế giới. Giá mà người ta cho cậu ta và bạn bè lính dù tự tung tự tác trong một tháng, cậu ta thường nói, thì chúng tôi đã có hòa bình và yên tĩnh ở đây từ lâu rồi. Cậu ta thường đứng trên quảng trường trước nhà ăn hoặc trên một con đường, hút thuốc và tranh luận với người ta, và Nina chờ bên cạnh, cúi đầu, âm thầm lắng nghe cho đến khi cô thấy chán và mệt và đặt tay lên lưng cậu ta, ngắt lời cậu ta bằng giọng trầm, quyết đoán, “Avner. Em nghĩ hôm nay thế là đủ rồi. Mình đi thôi.”

Avner sẽ lập tức chấm dứt bài diễn thuyết của mình và đi theo cô. Roni Shindlin gọi họ là người gypsy nhỏ và gọi cô là con gấu nhảy.

Yoav hỏi, “Avner không tìm em à?”

“Lúc em mặc quần áo đi anh ấy đang ngủ.”

“Nếu anh ấy dậy và phát hiện ra em đã đi rồi thì sao?”

“Anh ấy không dậy đâu. Chẳng bao giờ dậy cả.”

“Sáng dậy thì sao? Em không để lại thư cho anh ấy à?”

“Em có gì mà nói. Sáng dậy anh ấy sẽ nghĩ em đi làm sớm mà không đánh thức anh ấy dậy thôi. Bọn em không nói chuyện mấy.”

“Sau này thì sao? Chuyện sẽ thế nào?”

“Em không biết.”

“Sẽ có rất nhiều chuyện để bàn tán. Người ta sẽ nói. Cả kibbutz này sẽ nói.”

“Cứ để họ nói.”

Yoav đột nhiên khao khát được ép cơ thể mảnh dẻ của cô vào mình, hoặc được cởi áo khoác của mình và kéo cô vào trong, hoặc ít nhất cũng được vuốt ve má cô. Ước muốn mạnh đến nỗi tay cậu vô tình đưa ra và vuốt dòng không khí run rẩy quanh tóc cô. Cậu thấy lạnh, và đoán Nina chắc còn lạnh hơn vì cô để đầu trần và chỉ xỏ đôi giày mỏng.

“Đi thôi,” cậu nói. “Chúng ta sẽ tìm cho em chỗ trú qua đêm.”

Cô bước bên cạnh cậu, nhỏ người, tóc ngắn, tụt lại nửa bước vì sải chân của cậu quá dài. Cậu cao hơn cô rất nhiều và bóng cậu đè lên bóng cô. Họ đi qua tiệm giặt và gian của thợ đóng giày. Mùi đất ẩm và phân gà trôi nổi trong không khí lạnh. Những đám mây thấp và tối bò trên các mái nhà và bầu trời không có lấy một ngôi sao. Yoav kiểm tra trong đầu mọi vấn đề mà cậu phải giải quyết ngày mai và những ngày sau đó: Cheska đã xin phép kibbutz đến thăm gia đình ở châu Âu; Zvi Provizor cần một cái máy cắt cỏ mới; bà Slava cắn một người làm bếp; một đêm Roni Shindlin lẻn vào nhà trẻ và tấn công một đứa bé năm tuổi; David Dagan đã chia tay với Edna Asherov; họ cần mua gấp thiết bị mới trong phòng khám nha khoa; và giờ cậu còn phải nói chuyện với Avner và tìm hiểu xem mọi chuyện còn vớt vát được nữa hay không, xem đây là một cuộc khủng hoảng qua đêm hay là thêm một gia đình tan vỡ.

Nina trẻ hơn cậu khoảng ba hay bốn tuổi, và hồi còn nhỏ, cô đã làm Yoav ấn tượng trước tinh thần độc lập và sự ương ngạnh mà mềm dẻo của mình. Cô là một đứa trẻ mồ côi được ông nội gửi đến đây học. Từ ngày đầu, cô đã cương quyết với quan điểm của mình, và những người khác đã học cách tôn trọng sự kiên trì thầm lặng của cô. Trong các cuộc họp của kibbutz, cô thường là người duy nhất, hoặc gần như là người duy nhất, phản đối quan điểm chung. Sau nghĩa vụ quân sự, cô tình nguyện về làm việc với các nhóm tội phạm thanh thiếu niên ở các thị trấn vùng xa. Sau khi trở về, cô làm việc một mình ở trại ong và biến nó thành một doanh nghiệp kibbutz thành công đến nỗi những người nuôi ong từ các kibbutz khác cũng đến để học hỏi. Khi đến lượt mình đi học đại học, cô kiên quyết học công tác xã hội dù đại hội kibbutz đã bỏ phiếu gửi cô đi học giáo viên mẫu giáo. Nina dẫn đầu một nhóm phụ nữ trong kibbutz chúng tôi chống lại việc cho trẻ nhỏ ngủ chung, đề nghị cho chúng được ngủ ở căn hộ của bố mẹ. Đại hội kibbutz không chấp nhận đề nghị của họ và Nina đã quyết tâm đưa chủ đề này lên thảo luận năm này qua năm khác cho đến khi đa số nhìn nhận theo cách của cô.

Hai ba tháng sau khi một đơn vị lính dù của Đoàn Thanh niên Xung kích gia nhập kibbutz, cô chọn Avner Sirota trong số các sĩ quan, anh hùng của cuộc đột kích vào Khirbet Jawad, và hai tháng sau cô có thai. Cả kibbutz đều ngạc nhiên, thậm chí thất vọng, trước lựa chọn của cô. Nhưng cô vẫn được chúng tôi đánh giá cao vì biết cách lắng nghe một cách lặng lẽ và đồng cảm và luôn sẵn sàng, theo cách thầm lặng của cô, giúp đỡ bất cứ ai cần. Khi Boaz bất ngờ bỏ Osnat và chuyển đến sống cùng Ariella Barash, Nina đã đến ở với Osnat vài ngày. Khi không người phụ nữ nào đồng ý, trong bất kì hoàn cảnh nào, làm rau cùng bà Slava trên hiên sau của nhà bếp kibbutz, Nina đã tình nguyện nhận lấy công việc này. Yoav chưa nói với ai, nhưng cậu đã nghĩ đến việc đề xuất bầu Nina làm bí thư tại đại hội khi cậu hết nhiệm kì. Và có lẽ đêm nay chỉ là một cuộc khủng hoảng tạm thời và sáng mai cô sẽ nhìn mọi chuyện khác đi. Suy cho cùng, cô là người có trách nhiệm và biết suy nghĩ. Bạn đâu làm đổ vỡ một gia đình chỉ vì chồng bạn ngáy đêm hay khăng khăng cãi lí với người phát thanh.

Hai người đi qua quảng trường nhà ăn, được chiếu sáng bằng vài ngọn đèn đường, bước vòng quanh đài phun nước, và lúc họ đi qua trường mẫu giáo đang ngủ, Tsippora, bảo vệ đêm ở nhà trẻ, đột nhiên chặn họ lại. Bà khoảng năm mươi lăm, một người đàn bà nhăn nheo, góc cạnh, tin rằng thế hệ trẻ đang làm hỏng kibbutz. Tsippora ngạc nhiên khi thấy chồng của Dana Carni và vợ của Avner Sirota đang cùng nhau đi qua bãi cỏ giữa đêm. Che giấu sự ngạc nhiên của mình, Tsippora nói, “Tôi không muốn làm phiền anh chị,” nhưng vẫn hỏi họ có muốn vào nhà bếp nhà trẻ ăn đêm không. Nina đáp, “Không, cháu cảm ơn,” còn Yoav, ngượng ngùng, xin lỗi và bắt đầu lúng túng giải thích về một vấn đề cấp bách mà Nina đơn giản là cần lập tức làm rõ với cậu. Cậu biết lời lẽ chẳng ích gì. Đến sáng, tên của họ sẽ rơi thẳng từ miệng Tsippora sang miệng của Roni Shindlin và đám bạn nhiều chuyện của gã ở bàn trong góc nhà ăn: Đoán xem người gác đêm của chúng ta đang gác ai vào đêm?

“Bọn cháu đang vội lấy một thứ cần gấp ở văn phòng,” Yoav giải thích với Tsippora, và khi họ đã đi khỏi, cậu bảo Nina, “Mai người ta sẽ nói về mình, cả kibbutz sẽ nói.”

“Em không quan tâm, nhưng em xin lỗi anh.”

“Avner thì sao?”

“Cứ để anh ấy ghen. Em không quan tâm.”

“Tôi sẽ đưa em về phòng khách của giảng viên. Ngủ một chút rồi mai chúng ta sẽ cùng ngồi xuống và suy nghĩ lại khi đầu óc đã tỉnh táo.”

“Đầu óc em chưa bao giờ tỉnh táo thế này.”

Khi hai người đến văn phòng và Yoav bật đèn, cậu nhận ra chìa khóa không còn treo trên bảng. Giờ cậu mới nhớ ra là chiều qua cậu đã đưa nó cho một sĩ quan không quân đến nói chuyện với tân binh và đang nghỉ qua đêm ở Yekhat.

Yoav nhìn Nina và đôi mắt xanh lục sắc nét của cô nhìn lại, như muốn nói: Làm em bất ngờ đi. Họ đứng gần nhau trong văn phòng, chỉ có hai chiếc bàn với ghế loại thường, một băng ghế có đệm, một cái tủ kim loại chứa đầy tài liệu, một ô cửa sổ trống, và trên tường là một bức ảnh chi tiết chụp kibbutz từ trên không và vùng đất nông nghiệp xung quanh. Trước khi quay mặt đi khỏi ánh mắt của Nina, Yoav nhận ra một nếp nhăn mờ trên môi trên của cô và nghĩ đó là một nếp nhăn mới. Rồi còn có vết rạn chân chim quanh đôi mắt mệt mỏi. Cậu nhìn đường nét tinh tế của cằm cô và mái tóc vàng cắt cực ngắn. Cậu nghĩ trông cô mạnh mẽ, vững vàng, và quyết đoán, nhất định không cần sự giúp đỡ. Bỗng nhiên cậu thấy tiếc vì cô đã không suy sụp. Cậu chỉ vừa cưỡng lại được cái ham muốn được đưa tay ra và kéo cô vào người, được cảm nhận sức nặng của đầu cô trên ngực mình. Cậu đấu tranh với cái tình cảm và ham muốn đang đắm chìm cậu vì cậu biết đó không phải là tình cảm kiểu cha con, và thực ra, đó không phải là tình cảm.

“Em có thể ở đây qua đêm, trên băng ghế này,” cậu nói. “Nó không thoải mái lắm nhưng tôi cũng không còn nơi nào khác cho em lúc này. Em có muốn tôi pha cho em một cốc trà không? Ở đây có ấm với cốc, có cả bánh quy. Tôi sẽ đi tìm chăn với gối cho em.”

“Cảm ơn anh. Không cần chăn với gối đâu. Em không định ngủ. Em không mệt. Cứ để em ngồi đây đến sáng.”

Yoav bật lò sưởi điện và đun nước rồi đi, và mười phút sau quay lại với một cái gối và hai tấm chăn len. Cậu thấy Nina đang rót cho cô một cốc trà mà không hỏi cậu có muốn một cốc không. Cậu đứng ở cửa văn phòng một lúc, lưỡng lự, khuôn mặt mỏng của cậu đỏ lên vì cậu muốn ở lại dù cậu biết mình phải đi, biết rằng trước khi đi, cậu nên bảo cô điều gì đó, nhưng không biết là điều gì. Nina chạm những đầu ngón tay vào vai cậu và nói, “Cảm ơn anh.” Rồi cô nói, “Đừng lo. Trước sáu giờ sáng một chút, trước khi có người đến, em sẽ đi làm ở trại ong như thường lệ. Em sẽ đảm bảo mọi thứ ở đây vẫn trật tự.”

Và như thể đọc được ý nghĩ của cậu, cô nói thêm, “Sẽ không ai biết em ở lại đây đâu.”

Yoav lưỡng lự, nhún vai, và nói, “Được rồi. Tạm thế đã nhé.” Rồi nói thêm, “Chúc em ngủ ngon.” Rồi, “Dù sao em cũng nên cố ngủ một chút.”

Cậu khép cửa nhẹ nhàng và ra ngoài dựng cổ áo, sải bước qua khu vực những người lính sinh sống trên con đường bùn đất dẫn tới trại gà để đặt nhiệt độ, giờ đã là một giờ. Trên vệ đường, cậu thấy một bụi cây ẩm ướt ở chỗ này chỗ kia, và một cái thùng vỡ. Cậu tiếc là mình không mang đèn pin theo. Cái lạnh buốt dần và gió đã tăng cường. Yoav nghĩ về bóng tối của vườn cây trong những đêm đông, và cậu có một thôi thúc nhất thời, mạnh mẽ là đứng dậy và bỏ mọi thứ lại, bỏ nhiệm vụ canh gác, đến vườn cây, và lang thang một mình trong bóng tối giữa những cây ăn quả giờ đang trơ trụi. Có người đang chờ cậu ở đâu đó, hoặc là cậu cảm thấy thế; có người đã kiên nhẫn chờ nhiều năm, biết rằng bất kể Yoav có trì hoãn bao lâu, cuối cùng rồi cậu sẽ đến. Một đêm nào đó, cậu sẽ đứng dậy và cuối cùng sẽ đi. Nhưng đi đâu? Cái đó cậu không biết, và trên thực tế, còn hơi sợ tìm ra.

Trên đường từ trại gà về, cậu bước dọc hàng rào bao và kiểm tra cổng vào kibbutz, cổ áo dựng, mũ len trùm qua tai, súng đeo qua đai trên vai. Đến nhà trẻ, cậu vào trong đắp chăn cho cặp song sinh và lướt một nụ hôn lên trán chúng, rồi đi từ giường này sang giường khác để đắp chăn cho những đứa trẻ khác. Ra ngoài, cậu đi về nhà, bỏ giày ngoài cửa, rồi nhón chân vào tắt chiếc đài nhỏ cạnh giường ngủ mà vợ cậu vẫn bật để ru mình. Dana đang ngủ, nằm ngửa, những lọn tóc đen xõa mềm trên gối. Rất nhẹ nhàng, cậu vuốt chăn và như để xin lỗi, cậu vuốt ve một lọn tóc rồi nhón chân ra ngoài.

Cậu lang thang dọc hàng rào khoảng nửa tiếng, và khi nhận ra hai bóng đèn đường đã cháy, cậu thầm ghi nhớ rằng mai sẽ báo cho Nahum Asherov, thợ điện, biết. Gần hai giờ sáng, mặt trăng khổng lồ ló khỏi mây, nhưng trời vẫn bắt đầu mưa lất phất. Yoav đến bếp nhà trẻ uống một cốc cà phê với Tsippora, người gác đêm. Cậu cẩn thận đặt khẩu súng xuống sàn nhưng không cởi áo hay mũ, và ngồi co ro. Tsippora rót hai cốc cà phê đen, phết bơ thực vật và mứt lên hai miếng bánh mì, và rầu rĩ nói, “Kết thúc không tốt đẹp đâu, Yoav, chuyện của anh với Nina Sirota. Nghe tôi nói đây.”

“Cháu không có gì với Nina Sirota cả. Cô ấy có vấn đề gấp nên cháu phải giúp giải quyết thôi. Ở đây, bí thư nửa đêm vẫn là bí thư.”

“Kết thúc không tốt đẹp đâu,” Tsippora khăng khăng, “trai có vợ bỗng đi dạo với vợ người khác lúc nửa đêm nửa hôm.”

“Bác Tsippora. Nghe cháu một phút thôi. Nếu bác giữ chuyện này cho riêng mình, xin bác, và mai bác không nói về cháu với Nina, bác có thể giúp giải quyết một vấn đề gia đình tế nhị. Bác là người có trách nhiệm và chắc chắn phải hiểu là bác cần kín đáo vì đây là vấn đề gia đình cá nhân chứ.”

“Gia đình ai? Anh hay chị ta? Hay là cả hai?”

“Bác Tsippora, xin bác, cháu xin bác. Quên nó đi.”

Nhưng khi rời bếp nhà trẻ, cậu biết lời lẽ của mình sẽ chẳng ích gì và mai cậu với Nina sẽ trở thành chủ đề trong ngày của kibbutz. Cậu sẽ phải giải thích những chuyện trong đêm với Dana, người biết từ lâu rằng cậu từng có một chút tình cảm với Nina. Chuyện sẽ phức tạp và rối rắm.

Bầu trời màu tím than và những đám mây bị gió đẩy đi trông nặng nề và tối. Cả kibbutz vẫn đang say ngủ. Đèn hàng rào sơn lên những vũng nước màu vàng nhạt. Một ngọn đèn, dường như sắp tắt, chớp lên như còn do dự. Yoav lặng lẽ bước qua bóng của các bụi cây và đi vòng quanh chuồng cỏ, bùn đóng lên giày. Mày thật không có mắt, cậu thì thầm với mình, mày vừa mù vừa điếc. Cậu nhớ lại cách Nina dựa vào cậu lúc cậu hứa sẽ tìm cho cô một căn phòng để nghỉ qua đêm và nắm tay cậu và ép nó vào ngực mình. Đáng lẽ mày phải hiểu ý định của cô ấy và ôm cô ấy vào lòng. Cô ấy ra tín hiệu còn mày thì bỏ qua. Cô ấy cho mày một gợi ý nữa lúc chạm những đầu ngón tay vào vai mày, thế mà mày lại bỏ qua lần nữa.

Chân cậu đưa cậu qua quảng trường trước nhà giải trí và qua nhà trẻ trên đường về lại văn phòng kibbutz cạnh bến xe buýt. Cậu đi ngang qua bãi cỏ trước nhà ăn. Như thể trong mơ, cậu dừng lại và đứng trước cửa sổ văn phòng. Cô đã ngủ quên mà chưa tắt đèn? Hay cô còn thức? Nhón chân, cậu lại gần cửa sổ và nhòm vào trong. Nina đang nằm trên băng ghế, đắp hai tấm chăn len mà cậu mang cho cô, mái tóc vàng của cô ngả trên gối, mắt dán lên trần nhà. Nếu cậu gõ nhẹ lên cửa sổ, cô sẽ giật mình và cậu không muốn làm phiền cô. Nên cậu âm thầm lùi lại và đứng đó, súng đeo trên vai, giữa những thân cây bách trong bóng tối. Và tự hỏi mình, nhưng không có câu trả lời.

Cậu có thể gõ cửa, bước vào và nói, tôi thấy đèn vẫn bật nên chỉ đến xem em có cần gì không. Hoặc: Tôi đến kiểm tra xem em có bị lạnh không. Hoặc: Tôi đến xem em có muốn nói chuyện một lúc không. Trong lúc đó, cô nằm đó bên kia bức tường với đôi mắt mở, cậu nghĩ, và có lẽ mày là người mà cô đang chờ và giờ là hai giờ sáng và cả kibbutz còn đang ngủ.

Cậu trở lại ô cửa sổ sáng, mũ trùm qua tai, đầu cúi về trước, cặp kính ánh lên trong bóng tối khi ánh sáng chiếu vào, trái tim cậu với đến cô nhưng đôi chân vẫn vững vàng tại chỗ. Chẳng phải cậu đã đợi bao năm qua chỉ vì khoảnh khắc này sao? Vậy thì sao, thay vì bùng nổ với táo bạo và dục vọng, trong cậu lại đầy một cảm giác mơ hồ buồn bã? Rồi cậu bước lặng lẽ qua tòa nhà và đứng trước cửa một lúc, lắng nghe chăm chú hết sức có thể, chỉ thấy tiếng gió giật qua lá bách. Cuối cùng, cậu ngồi xuống bậc thềm trước cửa, kéo mũ xuống sâu hơn qua tai, và đợi. Cậu ngồi như thế khoảng nửa tiếng đồng hồ, cảm thấy điều gì đó gần như đang trở nên sáng tỏ với cậu, nhưng nó là gì cậu không biết. Một con chó rừng tru lên trong bóng tối đằng sau; những con khác đáp lại bằng một âm thanh tuyệt vọng từ hướng vườn cây. Cậu giơ súng lên, ngón tay lần cò súng, và bằng vết tích cuối cùng của tâm trí biết suy nghĩ của cậu, cậu mới cưỡng lại được cái thôi thúc bắn một tràng đạn dài vào không khí và xé tan sự im lặng.

Lúc ba rưỡi, cậu đứng dậy và đi đánh thức các công nhân sữa để vắt sữa trước bình minh. Rồi cậu kiểm tra lần cuối dọc hàng rào và đi qua quảng trường về nhà ăn để bật chiếc ấm samovar điện cho ca sáng sớm. Mặt trời sẽ không mọc trước sáu giờ, và nhiệm vụ canh gác của cậu kết thúc lúc năm giờ sáng. Cậu vẫn phải đi qua các ngôi nhà và đánh thức những người có tên trên tờ danh sách cậu cầm trong tay. Đợi mặt trời mọc sẽ là vô ích vì nó gần như chắc chắn sẽ diễn ra sau những đám mây dày đặc. Giờ cậu phải về nhà, tắm rửa, nằm xuống, nhắm mắt, và cố gắng ngủ. Ngày mai, có thể cuối cùng rồi điều gì đó sẽ trở nên sáng tỏ với cậu.

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch từ bản tiếng Anh

--------

1. Kibbutz là một cộng đồng nông thôn kiểu truyền thống ở Israel, dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)