Paul Auster và những câu chuyện về cuốn sách có thể là cuối cùng

Thứ Năm, 07/12/2023 07:53

Điều đầu tiên xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Baumgartner của Paul Auster đó là cảnh tượng nhân vật chính cùng tên đang nói chuyện với một chuyên gia tâm lí sau khi vợ mình qua đời trong một tai nạn bơi lội. “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với chúng ta ở mọi lúc mọi nơi. Cô biết điều đó, tôi biết điều đó, mọi người đều biết điều đó – còn nếu không biết, thì đó là bởi họ không để ý.” Và trùng hợp thay, điều này cũng đang diễn ra trong cuộc đời của nhà văn 76 tuổi này.

Những năm biến động

“Tôi muốn thử sức với một truyện ngắn. Đó chính là thứ mà bản thân tôi vẫn chưa làm được trong sự nghiệp này”. Tác giả Nhạc đời may rủi đã nói như thế trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại Brooklyn (New York). “Tôi luôn muốn viết những cuốn mỏng thôi, nhưng 4321Burning Boy đều là những ‘cái chặn cửa’. Điều này tôi không tính trước”. Hai tựa sách này lần lượt có dung lượng khủng, khi 4321 dài gần 1.000 trang sách đã từng lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker năm 2017, và Burning Boy là 800 trang.

Ông cũng nói thêm: “Nếu bạn đánh rơi những cuốn sách đó, thì việc gãy chân là không tránh khỏi. Vì vậy tôi muốn cuốn sách mới nhất sẽ ngắn gọn hơn, do đó vào một ngày nọ, một người đàn ông đã đến gặp tôi, ngồi trong nhà tôi, và nhìn ra cửa khi lũ chim cổ đỏ vẫn đang bắt sâu. Tôi viết về y trong một truyện ngắn có tên là Worms (tạm dịch: Sâu bọ). Nhưng sau đó tôi lại không muốn rời bỏ nhân vật này, bởi vì sâu thẳm trong con người ấy có thứ gì đó mà tôi cảm thấy là rất đen tối còn đang ẩn nấp.”

Tiểu thuyết gia Paul Auster.

Trong 2 năm qua, bản thân Auster đã phải chịu nhiều sự kiện đau thương. Đầu tiên là một bi kịch gia đình lên đến kinh hoàng, là sự qua đời của cháu gái sơ sinh khi đang được con trai của ông chăm sóc. Người này đã có một cuộc hôn nhân với nhà viết truyện ngắn Lydia Davis, và sau đó qua đời vì dùng ma túy quá liều. Không dừng ở đó, vào tháng 3 năm nay, vợ của Auster, nhà văn Siri Hustvedt, cũng đã thông báo trên Instagram rằng ông đang bị “dội bom bằng hóa trị và liệu pháp miễn dịch”, và hai người họ đang sống ở nơi mà bà gọi là “xứ sở ung thư”.

Vào cuối năm ngoái, khi Auster đang hoàn thiện bản thảo cuốn Baumgartner, ông đã bắt đầu gặp những cơn nóng sốt vào buổi chiều tối. Lần đầu ông được chẩn đoán là mắc viêm phổi từ hậu chứng Covid kéo dài, thế nhưng cuối cùng lại phát hiện ra đó là ung thư. “Và kể từ đó thì việc điều trị luôn không dừng lại, và tôi thấy mình thật sự vô dụng. Tôi đã trải qua những khó khăn khắc nghiệt để tạo ra những điều kì diệu cũng như những khó khăn lớn hơn khác.” Đối với “xứ sở ung thư”, ông nói rằng mình không có bản đồ và cũng không biết hộ chiếu liệu có hợp lệ để xuất cảnh không.

Đời sống khó đoán

Auster cho biết niềm đam mê của ông với khái niệm về “khoảnh khắc thay đổi cuộc đời” xuất phát từ một sự cố trong thời thơ ấu, và đã tạo nên khởi đầu cho 4321. Tại một trại hè, một cậu bé nọ đang đứng cạnh ông thì bị sét đánh chết. “Đó là trải nghiệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi. Ở tuổi 14, mọi thứ mà bạn trải qua đều rất sâu sắc. Bạn là một ‘kế hoạch’ đang tiến triển. Nhưng việc ở ngay bên cạnh một cậu bé về cơ bản đã bị các vị thần sát hại đã thay đổi toàn bộ quan điểm của tôi về thế giới này. Từ đó mà tôi cho rằng những tiện nghi nho nhỏ mang tính tư sản trong cuộc sống ở vùng ngoại ô New Jersey thời hậu chiến luôn có cái giá nào đó. Tôi đã sống với suy nghĩ ấy cũng kể từ đó. Lạnh lùng nhưng cũng tự do. Nó giúp cho ta luôn luôn cảnh giác. Tôi đoán động lực viết văn cũng như kể chuyện của mỗi nhà văn luôn là khác nhau. Nhưng tôi nghĩ đây là bản chất của những gì mình làm trong suốt nhiều năm trời qua.”

Ông cũng bật mí: “Tôi suýt gọi cuốn sách này là Phantom Limb (tạm dịch: Những cành nhánh ảo). Đó quả là một ý tưởng táo bạo, nói về mối liên hệ mà chúng ta có với những người khác và tầm quan trọng của họ đối với cuộc sống của chúng ta, cũng như là của tình yêu. Chúng ta có thể khó nói về nó theo cách mà nó đáng được nhắc đến. Tình yêu lâu dài, liên tục, trọn đời và tất cả những khúc mắc có thể xảy ra.”

Các tác phẩm nổi bật của Paul Auster.

Auster tiếp lời: “Bạn phải nghĩ tình yêu như một loại cây hoặc một cái cây. Và những bộ phận của nó sẽ khô héo đi theo với thời gian, nên ta phải liên tục chú ý để có thể cắt bỏ những phần chết đi, nhằm duy trì sự phát triển chung. Nếu cố giữ nó y nguyên như cũ, thì ngày nào đó cái chết là không tránh khỏi. Để một tình yêu được bền vững, nó phải có tính hữu cơ. Bạn phải tiếp tục phát triển để mọi thứ đều hòa quyện vào nhau, thậm chí cả sự kỳ lạ tuyệt đối của nó.”

Ông cho rằng, thực tế là chúng ta không bao giờ thực sự hiểu rõ hoàn toàn về đối tác của mình. “Có những bí ẩn mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể giải đáp được. Nhưng tôi nghĩ điều này cũng áp dụng được cho chính chúng ta. Có rất nhiều điều về cuộc sống của bản thân mình mà tôi không thể hiểu được. Hành động của tôi trong những năm qua. Tại sao tôi lại đáng bị như thế? Tại sao lại có những bước ngoặt đó? Mọi người dành nhiều năm để cố gắng tìm câu trả lời. Tôi chưa bao giờ làm điều đó nên ít nhiều tự mình cố gắng tìm hiểu mọi thứ và thành thật mà nói tôi không nghĩ mình đã tìm ra câu trả lời sau cùng.

Nước Mĩ nông cạn

Baumgartner là cuốn sách thứ hai của Auster được xuất bản trong năm nay. Vào tháng 1, nhà văn cũng đã góp phần vào một nỗ lực để cảnh báo “chấn thương quốc gia”, trong một bài viết nói về kiểm soát súng đạn. Auster đã viết lời dẫn cho một cuốn sách của con rể ông, Spencer Ostrander. Ông nói “Tôi mất một năm để viết 80 trang giấy. Tôi muốn nó thật ngắn gọn cũng như chính xác nhất có thể để mang lại cảm giác giống như một cuốn sách nhỏ về chính trị. Không quốc gia nào trên thế giới được gọi là tiên tiến để sánh ngang với Mĩ. Nhưng người Mĩ, theo thời gian, cũng đang ngày càng ít soi mình hơn với các nước khác. Chúng ta thật tự mãn. Chúng ta có cảm giác ưu việt hơn phần còn lại của thế giới. Ngay cả những điều ngớ ngẩn nhất chúng ta làm cũng được ngộ nhận coi là tốt cho người Mĩ.”

Ông nói cuốn sách đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng lại tạo ra rất ít ảnh hưởng. “Tất nhiên đó là điều đáng buồn, vì đây là một trong những thất bại to lớn của nền văn hóa hiện nay, và cũng là biểu tượng cho kiểu suy nghĩ sai lầm đã thúc đẩy chúng ta trong thập kỉ qua. Nhưng có lẽ mọi người đã chán ngấy chủ đề này rồi. Tranh luận đơn giản là không xảy ra. Không ai ngoài rất ít đám chính trị gia dám bàn đến nó. Và điều đó chắc chắn vẫn sẽ kéo dài qua các năm bầu cử.”

Về phần mình, Auster không mong đợi gì ngoài việc điều trị và hồi phục, nhưng ông cũng rất hài lòng với những phản hồi ban đầu dành cho Baumgartner. Ông nói “Tôi đã sáng tạo cuốn sách mới này theo cách vô cùng cổ điển. Tôi viết nó bằng chiếc máy đánh chữ và trợ lí của tôi sau đó phải đánh máy lại để gửi cho nhà xuất bản. Cô ấy đã ở bên tôi suốt 15 năm, và hiếm khi nói về các bản thảo ngoài những điều nhạt nhẽo như ‘hay lắm’. Nhưng lần này cô ấy đã bảo tôi ‘tiến lên’ vì rất nóng lòng để đọc những chương tiếp theo. Siri, độc giả đầu tiên của tôi trong hơn 40 năm, cũng không có bình luận nào ngoài câu ‘hãy viết tiếp đi’. Ngay cả người đại diện 40 năm của tôi, người hiếm khi bình luận, cũng rất đáng khích lệ.”

Auster nói rằng ông vẫn không thể giải thích được cuốn sách này đến từ đâu. “Chỉ có một anh chàng lớn lên trong tôi và ngày càng cởi mở hơn khi cuốn sách tiến triển. Vì vậy, trước những phản hồi tích cực này, tôi chỉ mỉm cười và gửi lời cảm ơn thôi. Tôi thấy sức khỏe của mình bấp bênh đến mức đây có thể là cuốn cuối cùng tôi viết. Và nếu đây là kết thúc, thì việc nhận về lòng tốt của những cá nhân ở xung quanh mình với tư cách một nhà văn thì cũng đã rất hài lòng rồi”.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The Guardian

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)