Tính độc đáo tuyệt đối của Georges Perec

Thứ Ba, 06/02/2024 00:05

Ngay cả khi Georges Perec không viết một cuốn tiểu thuyết có hơi hướng trinh thám thiếu vắng chữ “e” là La disparition (Mất), thì ông vẫn sẽ là một trong những nhà văn khác thường nhất của thế kỉ XX.

Thật khó để không đồng ý với Italo Calvino rằng Perec “hoàn toàn không giống bất kì ai khác,” hoặc như chính ông nói trong một cuộc phỏng vấn vài năm trước khi qua đời rằng ông chưa bao giờ viết cùng một kiểu đến hai lần. Tuy vậy khác xa với việc sáng tạo trong cấu trúc viết, tác phẩm của ông thường rất cá nhân. Chẳng hạn trong W, hay là ký ức ấu thơ, đó là sự bày tỏ về mất mát của cha lẫn mẹ ở độ tuổi mà ông hầu như không có được kí ức nào. Khi đó cha ông bị giết bởi một viên đạn Đức, mẹ ông bị đưa đến trại tập trung Auschwitz, và cả hai đều chết trước khi ông được 9 tuổi. Dường như khi càng lớn lên, ông càng trở nên đau đớn tột cùng.

Vì thế chữ “e” bị thiếu trong Mất về mặt ngữ âm gần như tương đồng với đại từ “eux”, có nghĩa là “họ”. Tiêu đề của cuốn sách này cũng được lấy từ Acte de Disparition (Đạo luật mất tích), tài liệu chính thức mà Perec nhận được từ Bộ Chiến binh nói cho ông biết rằng mẹ mình đã được nhìn thấy lần cuối còn sống vào tháng 2 năm 1943. Cuốn tiểu thuyết W về một thành phố trên đảo của các vận động viên hóa ra là một sự ngụy trang mỏng manh về trại tập trung hư cấu, góp phần phản thực tế buồn thảm về những gì có thể đã xảy ra nếu cha mẹ ông - và nhiều người khác - đã vượt đại dương một cách thành ông.

Tiểu thuyết gia Georges Perec.

Về mặt văn chương, có thể coi Perec là người thừa kế sáng tạo độc đáo của Raymond Queneau, và giống như những “kiện tướng” thuộc OuLiPo (Xưởng Văn Chương Tiềm Tàng), ông đã mở ra những thế giới kì lạ được tạo thành từ các ngôn từ. Tuy nhiên chủ nghĩa hình thức nghiêm khắc luôn không thể tách rời khỏi sự nhạy cảm sâu sắc đối với nỗi đau khổ của con người ông.

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Perec từ năm 1965 là Đồ vật, ghi lại những thăng trầm của Jerome và Sylvie - một cặp vợ chồng trẻ đang phấn đấu để đạt được địa vị trong “thế giới kì lạ và lung linh của nền kinh tế thị trường”. Chính việc mô tả một cách chi tiết về căn hộ sang trọng mà họ tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ mua được là dấu hiệu ban đầu cho thấy Perec yêu thích các loại danh mục, phân loại và lập danh sách. Khi Sylvie nhận được công việc giảng dạy tại một trường học ở Tunisia, cặp đôi nhìn thấy cơ hội thoát khỏi chủ nghĩa tiêu dùng, với một mê cung của những con phố cổ kính và nỗi lo lắng về tiền bạc dường như đã tan biến đi.

Sau khi Đồ vật đoạt giải Prix Renaudot danh giá vào năm 1965, Perec tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết ngắn có tựa kì quặc đến khó hiểu: Quel petit vélo à guidon chromé au fond de la cour? (Chiếc xe máy nào có tay lái mạ crom ở phía sân sau?”) Tính cho đến nay, cuốn sách có cảm giác như người kế nhiệm thực sự của Đồ vậtA Man Asleep (Một người đang ngủ) xuất bản năm 1967. Được kể ở ngôi thứ 2 khó sử dụng, nhân vật của Perec là một cá nhân trầm tĩnh thích chơi pinball, xem phim, uống cùng một loại cà phê Nescafé, gọi cùng một món bít tết cùng khoai tây chiên nhiều dầu mỡ và rượu vang đỏ rẻ tiền tại cùng một quán ăn nhỏ, hay nhìn chằm chằm vào những vết nứt trên trần căn hộ của mình, thích chơi bài và bị ảo giác.

Năm 1967, Perec trở thành thành viên của nhóm các nhà toán học và nhà văn mang tên OuLiPo, và bắt đầu thử nghiệm rõ ràng hơn với các ràng buộc trong bố cục cũng như hình thức. Trong đó việc viết một cuốn tiểu thuyết mà không sử dụng chữ “e” – sáng tạo thường nhìn thấy nhất của nhóm OuLiPo và được định nghĩa là lipogram - đối với Perec không phải là một thí nghiệm hay cuộc trình diễn kiểu Houdini 1, mà là ý tưởng được thiết kế ra để có thể có các sáng tạo mới.

Như David Bellos đã nói trong cuốn tiểu sử xuất sắc Georges Perec: A Life in Words của ông về nhà văn này, rằng Perec bắt đầu hành trình sáng tạo đồ sộ của mình bằng cách thu thập những từ không có chữ “e”, sau đó “ghi chép thông tin trong ngày và phân loại chúng cho các tình huống tường thuật khác nhau”. Perec viết cuốn sách đó trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968, và cốt truyện dường như phản ánh những gì đang xảy ra ở Paris vào thời điểm này.

Hai tác phẩm đã được chuyển ngữ của Georges Perec.

Năm 1969, Perec nói với biên tập viên Maurice Nadeau rằng ông đang lên kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu xuất hiện nhiều kì theo phong cách feuilleton 2  giống như những tác phẩm của Jules Verne. Kết quả là W, hay Kí ức tuổi thơ ra đời. Đó là một câu chuyện đan xen giữa một vụ đắm tàu, một cuốn tự truyện xiên xẹo và một tưởng tượng tương đối kì dị và phức tạp về một thành phố trên đảo Tierra del Fuego, trong đó tất cả các vận động viên đều mặc đồng phục thể thao giống nhau có in chữ “W” tương tự như trong tác phẩm phản địa đàng Đấu trường sinh tử.

Ở đó hệ thống khen thưởng đi theo thứ bậc và người chiến thắng trong những cuộc đua thường được chiêu đãi xa hoa đến mức không thể cạnh tranh vào ngày hôm sau, còn kẻ thua cuộc thì bị sỉ nhục, thậm chí là bị tra tấn hay mất mạng nếu như đám đông muốn có điều đó. Có thể xem đây như một ẩn dụ về trại tập trung của Đức Quốc xã. Một lần nữa, nội dung khủng khiếp nhất được thể hiện sống động qua những trò chơi kì quái nhất: với một vài hoán vị đồ họa đơn giản, chữ “W” trong tiêu đề có thể cũng đại diện cho ngôi sao David mà người Do Thái đeo trên ve áo và hình chữ vạn 3.

Bên cạnh cuộc đời viết lách, Perec cũng làm nhân viên lưu trữ y tế và dường như luôn thích thú với công việc được trả lương thấp này vì niềm vui được phân loại mọi thứ. Thế giới vô tận của Life: A User’s Manual (Cuộc sống: Bản hướng dẫn sử dụng), cuốn tiểu thuyết dài nhất và phức tạp nhất của Perec, được tạo ra thông qua những ràng buộc hơn là đơn giản bỏ đi nguyên âm nào đó. Perec đã nhiều năm muốn lên kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết xoay quanh cách bố trí một khu chung cư, và đã tìm cách thực hiện điều đó qua việc phối trộn với bài toán “Mã đi tuần” được tìm thấy trong từ điển cờ vua, tức là quân mã chỉ được đi qua 1 ô 1 lần trong suốt cuộc đấu, từ đó miêu tả kiệt cùng cuộc sống trong chỉ một tòa nhà.

Vào thời điểm qua đời, Perec vẫn đang sáng tác bản thảo 53 Days về một kẻ lừa đảo phải giải câu đố kiểu Agatha Christie với sơ đồ một biệt thự nông thôn và nhiều tổ hợp phòng ốc, vũ khí, nạn nhân và kẻ giết người. Perec chỉ mới hoàn thành 11 trong số 28 chương dự kiến ​​của cuốn tiểu thuyết, nhưng Mathews – dịch giả tiếng Anh nhiều tiểu thuyết của ông, và một người bạn khác, Jacques Roubaud, đã sử dụng những ghi chú mà Perec phác ra để hoàn thiện xong cuốn tiểu thuyết này.

Phần Perec đã hoàn thành kể về giáo viên dạy toán ở một bang hư cấu ở Bắc Phi, được giao phó bản thảo của tiểu thuyết gia bí ẩn Robert Serval, được cho là chứa đựng manh mối về sự biến mất đột ngột của Serval. Sau đó, nhà toán học-thám tử tìm thấy đằng sau bộ tản nhiệt trong nhà của một trong những nghi phạm cuốn tiểu thuyết có tên Thẩm phán là kẻ sát nhân, mà bản thân nó dựa trên Mười người da đen nhỏ của Agatha Christie. Từ đó, những tình tiết này tiếp tục chồng chất lên nhau, và người đọc rơi vào một chuỗi các manh mối xoay vòng.

Nếu Perec tự hào vì đã không lặp lại chính bản thân mình trong nghệ thuật viết, thì nội dung các tác phẩm của ông vẫn thường khai triển những đề chung, như sự mất tích và mong manh của con người, tình trạng bạo lực cũng như những sự áp bức… Cùng với nhau, chúng tạo thành một sự từ chối suốt đời của vị nhà văn đối với mọi kiểu chủ nghĩa tuân thủ. Nhóm duy nhất mà ông chính thức là thành viên là OuLiPo, và thậm chí trong số đó những thành viên ấy, ông cũng bật lên như một người lập dị.

Cuộc đời dẫu quá ngắn ngủi nhưng sung mãn đến kinh ngạc của Perec có phần trái ngược với đời sống của một nhà văn luôn viết cũng như sáng tạo một cách thận trọng, người vốn xây dựng “thương hiệu cá nhân” từ sớm và bám sát công thức để không làm những độc giả của mình thất vọng. Và bất cứ ai quyết định đọc những tác phẩm này thì sẽ không chỉ có một cảm giác mới về những gì có thể có trong văn học, mà còn khám phá ra sự độc đáo, thú vị và kì lạ có thể bất ngờ đến như thế nào.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài viết của Paul Grimstad trên The New Yorker

-----------

1. Ảo thuật gia người Mỹ nổi tiếng.

2. Tiểu thuyết được đăng dài kỳ trên báo.

3. Về mặt từ ngữ, W không phải là một cái tên đến thật ngẫu nhiên. Cũng như cấu tạo, nó được tạo thành từ 2 chữ V đính kết vào nhau, và 2 chữ V lại được tạo thành từ một chữ X được cắt ngang ra, mà trong tiếng Pháp nó cũng có nghĩa là “giá cưa gỗ” (hay được ẩn dụ cho tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã). Nếu ta thêm thắt một vài chi tiết ở chữ X này, nó sẽ biến thành biểu tượng chữ vạn (卐), và rồi phân rã thành một ngôi sao đính kết trên chính ve áo của người Do Thái (✡).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)