Đời sống ở Kyoto những năm 1950

Thứ Bảy, 24/02/2024 10:21

Bản thảo Nhật Bản sau ba mươi bảy năm mới đây đã được Quỹ tưởng niệm Donald Keene tìm thấy khi đang phân loại đồ đạc của ông. Qua đó độc giả hiểu thêm không chỉ trải nghiệm của một học giả nước ngoài, mà còn đồng thời là những góc nhìn khác lạ của người bản địa đối với người ngoại quốc.

Donald Keene lúc 31 tuổi, đến thăm chùa Ryoanji ở Kyoto vào tháng 8 năm 1953.

Donald Keene bắt đầu giảng dạy văn học Nhật Bản tại Đại học Columbia vào năm 1955. Trong suốt nửa sau thế kỉ 20 và thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21, ông đã viết và dịch hơn 30 cuốn sách, được trao tặng Huân chương Văn hóa Nhật Bản (người phương Tây đầu tiên được trao vinh dự cao quý này), và là nhân vật có công rất lớn trong việc thu hút sự chú ý của giới học thuật phương Tây với các tác phẩm kinh điển của văn học châu Á.

Vốn là một nhân vật được yêu mến ở Nhật Bản, Keene đã đạt được “địa vị gần như một anh hùng dân tộc”, theo như Martin Fackler trong một bài viết trên tờ New York Times lưu ý, khi ông nộp đơn và được cấp quốc tịch Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Trong bản thảo chưa được xuất bản mang tên Nhật Bản sau ba mươi bảy năm, Donald Keene đã hài hước kể lại cuộc sống hàng ngày của mình ở Kyoto những năm 1950 cũng như những cuộc gặp gỡ với văn hóa truyền thống và lòng biết ơn với nhiều nhà văn Nhật Bản, trong đó có Yukio Mishima và Kobo Abe - những người đã kết bạn và khuyến khích ông trên con đường quảng bá văn học Nhật Bản.

Trong phần mở đầu, ông đã viết rằng: “Tôi biết việc nhớ lại thời kì đó là một hành động buông thả bản thân, nhưng đó là cách tốt nhất để mô tả lại hành trình trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản và Hoa Kì ở mức độ khiêm tốn nhất của mỗi cá nhân”.

Kawabata, Mishima và Abe Kobo là những nhà văn đã tiếp xúc và làm việc với Donald Keene ở Nhật Bản.

Nhật Bản sau ba mươi bảy năm gồm 32 trang, được viết trên máy đánh chữ bằng tiếng Anh. Nó từng bị tạp chí văn chương Grand Street từ chối. Tạp chí này không còn tồn tại vào năm 2004. Seiki Keene, con nuôi của nhà văn quá cố, đã tìm thấy công trình nói trên trong một hồ sơ vào ngày 7/12/2023. Đi kèm với nó là một phong bì gửi bằng đường hàng không và một lá thư phúc đáp của biên tập viên đề ngày 30/8/1990, xin lỗi vì không thể xuất bản bài báo.

Vào mùa hè năm 1953, 8 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Keene nhận được học bổng từ Quỹ Ford và chuyển từ Anh đến Kyoto, nơi ông sẽ học cao học tại Đại học Kyoto trong khi vẫn giữ chức vụ của mình tại Đại học Cambridge.

Keene, 31 tuổi, rất vui khi có thể thực hiện được ước mơ được sống ở Nhật Bản ấp ủ từ lâu. Ông mô tả niềm yêu thích của mình với âm thanh do guốc geta tạo ra khi mọi người đến và rồi rời khỏi các nhà tắm công cộng, đồng thời ông cũng luyện tập để dáng đi của mình cũng giống như dáng của “một người chuyên nghiệp thực sự”. Ông cũng quyết định học một môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản là kyogen - một loại kịch hài mà ông mô tả là giống “mánh lới gây cười từ thời trung cổ”.

Trong các ghi chép, ông đã viết rằng: “Các lớp học kyogen thời đó có giá 1.000 yên một tháng, cộng với tiền di chuyển qua lại, vì vậy điều này cho phép tôi có 4 buổi học riêng mỗi tháng, mỗi buổi tầm khoảng 2 giờ. (Vào thời điểm đó, 1.000 yên chưa đến ba dollar.) Năm năm sau, khi tôi học ở Tokyo với Sakurama Michio, người sau này được coi là báu vật quốc gia trong nghệ thuật này, thì học phí đã lên tới 3.000 yên… Nhưng dẫu sao thì đây cũng không phải là một khoản lớn.”

Cuộc sống ở Kyoto được Keene mô tả bằng những từ ngữ cụ thể, và tuy là người không hề giàu có, nhưng ông vẫn rất thích thú với những thứ xa xỉ hàng ngày, chẳng hạn như bắt taxi từ ga Kyoto để đến những điểm điểm khác.

Bản thảo Nhật Bản sau ba mươi bảy năm được Quỹ tưởng niệm Donald Keene tìm thấy khi đang phân loại đồ đạc của ông.

“Khi tôi lên xe ở ga Kyoto và tiến hành chỉ đường, người lái taxi thường hỏi ‘Chúng ta di chuyển theo đường nào đây?’ Câu hỏi tưởng lạ thường này có nghĩa rằng nếu ta đi đường ngắn nhất thì chi phí khoảng 60 yên, nhưng nếu đi đường trải nhựa êm hơn và tận hưởng hơn, thì tốn đâu đó khoảng 70 yên. Thật là cảm giác xa hoa cũng như thú vị khi con người ta có thể tùy chọn trải nghiệm tốt hơn khi chỉ bỏ ra khoảng 3 xu Mĩ”.

Nhưng còn có những mặt khác khó chịu hơn trong cuộc sống ở Kyoto. Ngày đó người nước ngoài vẫn còn rất hiếm và Keene luôn phải chịu đựng ánh nhìn tò mò ở bất cứ nơi nào mà ông đi đến. Ông nhớ lại: “Khi tôi đi xe điện ở Kyoto, thỉnh thoảng tôi được mời ngồi, đặc biệt là những người lớn tuổi. Trẻ em trên đường phố thường gọi với theo ‘Shinchgun!’ (Thứ quân chiếm đóng) khi tôi đi qua. Tôi hiểu chúng không có ý phân biệt, nhưng đó lại là dấu hiệu cho thấy sự lạc loài của bản thân tôi.”

Khi đến một nhà hàng ryotei 1nổi tiếng ở Kyoto, ông thường mặc trang phục kiểu Nhật để “nhập gia tùy tục”, nhưng khi những người khác được phục vụ món sashimi, thì thay vào đó ông được mang cho những đĩa cá luộc. Ông rút ra rằng: “Cho dù có mặc trang phục Nhật Bản đi nữa thì người nước ngoài sẽ bị người dân bản địa cho rằng không thể ăn được cá sống.”

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người với người khi nói rằng: “Những người thuộc các quốc tịch khác nhau không nhất thiết phải bị đối xử như những du khách đến từ sao Hỏa”.

Ông cũng chia sẻ rất nhiều người Nhật có mặc cảm tự ti đối với nước ngoài vào thời điểm đó, rằng thế giới văn học và tầng lớp trí thức ở giai đoạn ấy đang bị chủ nghĩa Marx thống trị, và bản thân ông cũng bị chỉ trích là “người phương Tây quý tộc, tiểu tư sản và suy đồi”. Trong bối cảnh đó, ông đã ngày càng đi sâu vào việc nghiên cứu văn học Nhật Bản, cũng như có được cơ hội tiếp xúc một cách thân cận với những nhà văn nổi tiếng như Yukio Mishima, Kobo Abe và Kenzaburo Oe.

Ông đã viết rằng: “Trong hồi ức, tôi nhận ra mình may mắn đến mức độ nào khi xuất hiện ở Nhật đúng vào lúc đó, khi được biết đến những nhà văn mà mình mến mộ, cũng như được trao vô số cơ hội để xuất bản bất cứ điều gì mà mình quan tâm cũng như viết về văn học Nhật Bản”.

Sau này, tuy sống vào giai đoạn văn chương Nhật Bản có sự bùng nổ ngày càng lớn hơn ở thị trường nước ngoài, nhưng Keene vẫn cho thấy được sự quan tâm nhất quán của mình. Thay vì Haruki Murakami, thì ông chú ý nhiều hơn đến những “cây đại thụ” như Natsome Soseki (1867-1916) – người được coi là tiểu thuyết gia Nhật Bản vĩ đại nhất, Yasunari Kawabata (1899-1972) - người đoạt giải Nobel Văn chương 1968, và Yukio Mishima (1925-1970) - thiên tài của nhiều vấn đề, người đã kết thúc cuộc đời cũng như sự nghiệp bằng cách mổ bụng của một samurai.

Trong một bài viết của mình, Keene đã mô tả Mishima là “một người phi thường”. Theo đó họ đã có cơ hội gặp nhau ​​bên ngoài nhà hát Kabuki-za ở Tokyo vào năm 1954, và cùng nhau đi xem kịch. Sau đó Keene cũng đã dịch một trong những vở kịch Noh hiện đại của Mishima.

Nói về cái chết khi còn quá trẻ của vị nhà văn, Keene cũng đưa ra những nhận định của bản thân mình. Theo đó ông đã cho rằng nhà văn 45 tuổi tự sát vì không được công nhận ở giải Nobel Văn chương. Trong Thế vận hội Tokyo năm 1964, Mishima đã viết cho Keene lá thư nói rằng: “Tôi ghen tị với những vận động viên này, dẫu họ đứng nhất, đứng nhì hay là đứng thứ ba”. Keene nói: “Đó là tất cả những gì anh ấy chia sẻ với tôi, nhưng tôi cũng hiểu có ẩn ý gì trong những dòng đó.” Điều trớ trêu là Kawabata, người đã đoạt giải Nobel đầu tiên của Nhật Bản, sau đó cũng tự sát vì áp lực phải sống xứng đáng với danh tiếng mới.

Yukio Kakuchi, 75 tuổi, người đã dịch nhiều cuốn sách của Keene, cho rằng bản thảo cho đến giờ đây mới được phát hiện là bởi nó: “không đủ sâu về mặt văn chương để đăng trên một tạp chí văn học. Đó là một bài bình luận xã hội theo phong cách những bài báo mà Keene đã viết cho tờ New York Times trong suốt 30 năm ròng cho đến năm 1987.” Nhưng cũng từ đó mà ta hiểu được cuộc sống của một nhà phê bình văn học Nhật Bản nói riêng, cũng như là của một người ngoại quốc nói chung.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo bài viết của Japan Times

1. Đây là kiểu nhà hàng ẩm thực truyền thống cao cấp của Nhật Bản. Để dùng bữa tại đây, du khách thường phải đặt bàn trước.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)