Hoa hồng thạch anh

Thứ Tư, 14/02/2024 06:16

Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, còn có tên Đặng Tắc Mai, sinh năm 1953 tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Kể từ sáng tác đầu tay tháng 1/1985, đến nay, trước tác của Tàn Tuyết đã có đến hơn sáu triệu chữ Hán, với các tác phẩm tiêu biểu: Ngôi nhà nhỏ trên núi, Hoàng Nê phố, Phù vân già cỗi, Phố Ngũ Hương, Người tình cuối cùng…

Tàn Tuyết được coi là đại biểu của văn học phái tiên phong, và là nữ tác gia Trung Quốc có tác phẩm được dịch in ở nước ngoài nhiều nhất. Tiểu thuyết của bà là tác phẩm văn học được giảng dạy ở các trường Đại học Harvard, Cornell, Columbia ở Mĩ, và Đại học Chuo Tokyo, Đại học Kokugakuin Nhật Bản. Đồng thời, ở Mĩ và Nhật Bản tác phẩm của bà cũng nhiều lần được tuyển chọn vào tuyển tập truyện ngắn ưu tú thế giới. Tàn Tuyết được giới văn học Mĩ và Nhật Bản nhận định là “một trong những nhà văn sáng tạo nhất trong văn học Trung Quốc kể từ giữa thế kỉ XX lại đây.”

Bà hiện là một trong những tác gia tiên phong nhất, có phong cách sáng tạo cá tính hóa rõ ràng nhất, là tác gia đương đại Trung Quốc có sức ảnh hưởng tới thế giới nhất. Từng có người nói rằng, Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc tiếp cận tới gần Lỗ Tấn nhất hiện nay, xét từ mọi tầng ý nghĩa. Nhà văn Mĩ Susan Sontag nói: “Nếu buộc tôi phải nói ra ai là nhà văn hay nhất Trung Quốc, tôi sẽ không do dự nói ngay: Đó là Tàn Tuyết! Nhưng, có thể chỉ có một phần vạn người Trung Quốc từng nghe nói đến bà ấy.” Còn Goran Malmqvist - Viện sĩ Học viện Thụy Điển thì gọi Tàn Tuyết là “Kafka của Trung Quốc.”

Những năm gần đây, Tàn Tuyết liên tục được đề cử trao giải Nobel văn học. Tàn Tuyết từng đánh giá về tác phẩm của mình rằng: “Tác phẩm của tôi là viết cho tương lai, sau hai ba mươi năm nữa, mọi người sẽ hiểu những tác phẩm của tôi.”

Một số tác phẩm của Tàn Tuyết đã được xuất bản ở Việt Nam như: Hoàng Nê phố, Bảng lảng trời xanh (tức Phù vân già cỗi), Đào nguyên ngoài cõi thế, Những chuyện tình thế kỉ mới…

***********

Nhà bà Môi ở bên một con phố nhỏ khá yên tĩnh giữa phố phường huyên náo. Đó là một ngôi nhà năm tầng, với kiểu kiến trúc của những năm 50 thế kỉ XX. Bà Môi và chồng mình - ông Kim - sống ở căn hộ ba buồng dưới tầng một.

Trong nhà bà Môi có một điểm đặc biệt: trừ căn bếp ra, còn lại tất cả vật dụng trong nhà và một số đồ trưng bày thảy đều được phủ kín bằng những tấm vải đủ màu sắc, cứ y như hai vợ chồng bà sắp đi du lịch xa nhà vậy. Chỉ khi nào họ cần sử dụng những đồ vật ấy thì mới mở tấm vải phủ ra, ví dụ như khi ăn cơm thì mới bỏ tấm vải dầy bịch phủ bàn ăn ra, khi uống trà mới bỏ tấm vải phủ bàn trà và sofa ra. Ngay cả hai tấm gương lớn treo trên tường trong hai căn buồng cũng được phủ kín bằng hai tấm vải thêu hoa, chỉ đến khi soi gương họ mới mở chúng ra. Vì những tấm vải phủ ấy mà cuộc sống thường ngày của bà Môi cũng có tiết tấu chậm hơn người khác rất nhiều.

Ông Kim rất ít khi đi giở những tấm vải phủ ấy ra, mọi sinh hoạt của ông đều được bà Môi chăm lo. Cả ngày ông chỉ nằm dài trên cái ghế gấp, đọc cuốn Tổng tập thực vật hoang dã trong nước dày cộp, giở đi giở lại để xem những tấm hình trong đó. Cái ghế nằm của ông là đồ vật duy nhất trong nhà không trùm vải. Ông Kim nằm trên ghế, mắt trái chăm chú nhìn bức hình cây cỏ trong cuốn sách cũ, nhưng mắt phải đã kịp liếc vào cái tủ giày, nói to: “Tấm vải phủ tủ giày bị mèo cào rớt xuống sàn rồi!” Bà Môi đang ở trong bếp đã nghe thấy ngay, bèn vội vã chạy ra trùm vải lại cẩn thận cho cái tủ. Có thể thấy, ông Kim cũng là người rất mẫn cảm.

Trên khoảnh đất nhỏ dùng làm vườn hoa bên ngoài nhà, bà Môi không trồng hoa, cũng không trồng cây. Bà dùng những que tre và tấm nilon mỏng làm thành một cái lán che dài thườn thượt trông rất buồn cười. Bên trong cái lán nilon trồng một loại cây kì lạ: là những hạt giống mà ông Kim nhờ họ hàng ở nơi khác mua giúp. Những cái hạt giống hình mảnh trăng non nho nhỏ, màu tím. Ông Kim đào chỗ khoảnh đất ấy xuống sâu chừng một thước, rồi vùi hạt giống xuống dưới đó. Ông bảo với bà Môi, loại cây này là một giống “thực vật dưới đất” rất hiếm gặp, nó không có bất kì bộ phận nào ở trên mặt đất, sau khi vùi xuống đất rồi, nó sẽ không ngừng sinh trưởng sâu xuống lòng đất. Rồi ông lại bón phân, tưới nước cho những cái cây của mình, bà Môi thì làm lán nilon che trùm cẩn thận cho chúng. Ông Kim bảo: Từ giờ về sau không cần phải chăm bón gì cho chúng nữa, chỉ cần chăm lo tốt cho cái lán nilon này, giữ gìn cho nó luôn hoàn hảo, không bị hư hại gì là được rồi. Loại cây này khi sinh trưởng vào trong lòng đất, yêu cầu về môi trường rất nghiêm ngặt, tóm lại là càng ít thay đổi càng tốt.

“Bà Môi ơi, nhà bà trồng của quý gì thế?” - Bà Nghệ hàng xóm hỏi.

“Hoa hồng đấy.”

“Thế mà sao không thấy nảy mầm nhỉ?”

“Nó sinh trưởng xuống dưới lòng đất, hoa cũng nở dưới đất, chứ không phải như loại hoa hồng chúng ta vẫn thường trông thấy đâu. Bông của loại hoa hồng này chỉ nhỏ bằng hạt gạo, cánh hoa cứng lắm.” Khuôn mặt bà Môi đỏ ửng lên, bà đang nhắc lại lời ông Kim nói, chứ trong lòng bà cũng không có gì chắc chắn cả. Bà Nghệ trợn đến lồi cả hai con mắt cá vàng ra nhìn chằm chằm vào bà Môi hồi lâu, rồi lặng lẽ quay vào trong nhà.

Bà Môi nói với ông Kim, bà Nghệ bên hàng xóm không tin thứ họ trồng là hoa hồng. Khi ấy, ông Kim đang cạo râu, bọt cạo râu phủ đầy mặt, ông nháy con mắt nhỏ hình tam giác bảo, chuyện này, khi trước chính bản thân ông cũng không tin. Người ta tin hay không tin, cũng chẳng can hệ gì đến sự sinh trưởng của loại hoa hồng này cả. Nói xong, ông liền bước vào nhà vệ sinh. Bà Môi cầm cây lau nhà trong tay, đứng ngây ra nghĩ, nhẽ ông Kim đã có căn cứ nào đó chắc chắn trong bụng rồi. Những cái hạt giống ấy, nhìn dưới ánh đèn thực sự giống như những hạt giống của một loại cây hiếm có nào đó mà. Bà còn nhớ như in, buổi tối trước đó một ngày, hai vợ chồng bà đã chụm đầu cùng nhau lật đi lật lại xem xét đánh giá kĩ lưỡng những cái hạt ấy. Bà Môi cúi xuống lau nhà, lúc lau đến bên chỗ bàn sách thì bà phát hiện ra có một cái hạt còn sót lại rơi bên chân bàn. Bà lặng lẽ nhặt nó lên, lấy tờ giấy lau gói kĩ, bỏ vào tủ bát trong bếp.

Chiều, ông Kim nằm ngủ trưa trên ghế gấp. Còn bà Môi thì ngồi trên sofa, bà chỉ cần ngồi tựa vào lưng ghế sofa chợp mắt một chút là coi như nghỉ ngơi đủ rồi. Khi mí mắt bà mới vừa hơi trĩu xuống, thì liền nghe thấy có người gõ cửa, hai lần, không liên tục mà có cách quãng một tí. Ai mà lại gõ cửa như vậy nhỉ? Lại là trẻ con bầy trò nghịch ngợm đây thôi. Bà không ra mở cửa, chỉ nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ của ông Kim. Một lát sau, đúng lúc hai mí mắt bà lại trở nên nặng trĩu, thì tiếng gõ cửa lại vang lên: lần này là hai tiếng gõ liên tục, nhưng rất nhẹ, rất do dự. Bà Môi chỉ còn cách trở dậy ra mở cửa.

Đứng ngoài cửa là bà Nghệ, sắc mặt tái nhợt, bộ dạng như vừa phải chịu việc gì kinh hãi.

“Tôi cũng muốn trồng thử một chút thứ ấy - thứ hoa hồng ấy, ông bà có còn thừa hạt giống nào không?”

“Chúng tôi hết rồi. Đây là ông Kim nhờ họ hàng mang từ nơi khác về. Nếu như bà muốn, thì chúng tôi lại nhờ kiếm giúp cho.”

Bà Nghệ lộ rõ vẻ vô cùng thất vọng, sau rồi nét mặt lại chuyển thành dò xét ác ý - bà ta không hề ngần ngại vươn hẳn cổ ngó vào trong nhà nhìn xem. Với xóm giềng xung quanh, bà Môi thường không mời ai vào trong nhà mình bao giờ. Hành động khác thường của bà Nghệ khiến bà cảm thấy hơi lo lắng.

“Tôi nhớ ra rồi, tôi vẫn còn lại một hạt, bà có cần không?”

Lúc bà Môi nói câu ấy, điệu bộ của bà cứ như đang có ý muốn lấy lòng người hàng xóm của mình vậy.

“Còn một hạt à? Tất nhiên cần chứ. Cho tôi nhé.”

Lúc bà Nghệ nhận cái hạt gói trong mảnh giấy lau, bà ta còn gườm gườm liếc xéo bà Môi một cái.

Khi bà Môi quay người đóng cửa, cảnh tượng trong phòng khiến bà giật mình kinh hãi: Trên bàn ăn, có một con chuột đang chui ra chui vào dưới mảnh vải phủ. Trước đây, trong nhà bà rất ít khi có chuột vào, đây có phải là chuột không nhỉ? Bà chồm tới dùng hai bàn tay đè chặt mảnh vải, nhưng con vật bé nhỏ ấy đã chuồn mất tiêu, khiến bà chụp hụt. Bà chỉ còn biết chưng hửng dõi theo con chuột lông xám ấy trèo lên cửa sổ, rồi lủi ra bên ngoài mất. Bà Môi mất hồn mất vía đứng giữa nhà nói: “Có chuột!”

Ông Kim rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, liếc nhìn sang phía bà Môi, rồi lại quay trở lại với cuốn sách. Ông nói: “Con chuột chẳng phải là bà Nghệ hay sao, bà không cần phải để ý quá làm gì.”

Bà Môi định thần lại, phủ lại ngay ngắn miếng vải bàn ăn, rồi đi vào trong bếp. Bà làm cơm một lúc, lại chạy vào phòng ngủ một lần vì lo lắng về con chuột. May mắn là không còn nhìn thấy con vật ấy lần nào nữa. Nhưng bà phát hiện phần chân trùm của mảnh vải phủ trên bàn trang điểm đã bị cắn hỏng rồi, xem ra đúng là có chuyện ấy thật! Đó là vào hồi bà Môi còn học tiểu học, trong thành phố có nạn chuột. Lấp bịt, đánh thuốc, bắt, đổ nước vào hang, cách nào cũng sử dụng hết. Từ đó trở đi tất cả đều đã bình an vô sự.

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên

Bà Môi vừa thái củ cải, vừa ngẫm nghĩ về câu nói ấy của ông Kim. Ông Kim bảo, con chuột chính là bà Nghệ, câu nói ấy cũng hơi có lí. Nhà ông bà với nhà bà Nghệ tuy là hàng xóm sát vách với nhau, trẻ nhỏ của hai nhà trước đây cũng cùng chơi với nhau, nhưng từ khi lũ trẻ lớn lên chuyển đi nơi khác ở, thì chuyện qua lại giữa hai nhà chỉ giới hạn ở việc gặp mặt thì chào nhau một câu thôi. Cho nên, khi nãy lúc bà Nghệ đến xin hạt hoa, bà thật sự cảm thấy hơi bất ngờ. Cứ như điệu bộ cử chỉ của bà Nghệ mà xem, thì việc này đối với bà ấy là vô cùng quan trọng, vậy rốt cuộc nó là thế nào nhỉ. Nhất định không chỉ đơn thuần là vì mấy cái hạt hoa được.

Lúc ăn cơm, bà Môi nói với chồng:

“Ông nghĩ bà Nghệ xin cái hạt hoa ấy về rồi có trồng không?”

“Không đâu, vì đấy là một hạt hoa giả, mà tôi đã lựa ra và vứt đi. Tất cả có tới mấy hạt hoa giả. Bà ấy mang về nhà rồi, nhìn một tí là ra thôi. Đó không phải là hạt hoa, mà chỉ là một viên sỏi nhỏ đẹp đẽ.”

Ông Kim nhìn bà Môi nháy nháy mắt, điệu bộ rất đắc ý. Bà Môi nhủ thầm trong bụng: “Đúng là lão láu cá.” Bà hơi lo ngại bà Nghệ sẽ vì chuyện này mà oán giận mình. Chồng bà Nghệ là một gã chột mắt thâm hiểm. Không biết vợ chồng nhà ấy có cho rằng bà đã chơi xỏ họ không? Có khi bà phải đi thanh minh chuyện này. Ông Kim không cho bà đi thanh minh, bảo là như thế chỉ khiến cho “càng nói càng rối.” Lại bảo, “Nếu như bà ta đã có hứng thú với loại thực vật dưới lòng đất như thế, thì cứ cùng đùa vui với bà ấy một phen là được rồi.”

Vì chứng mất ngủ, nên bà Môi với ông Kim đã ngủ riêng buồng từ mười năm nay rồi. Bình thường mà nói thì, từ mười hai giờ đến hơn một giờ đêm bà Môi chỉ có thể ngủ một lúc, sau khi tỉnh giấc rồi thì phải đợi đến ba giờ hơn mới có thể ngủ lại, tỉnh dậy lần nữa là khoảng năm giờ, đợi đến bảy giờ mới lại ngủ thêm được một lúc, đến hơn tám giờ thì dậy. Ngày nào cũng đều như thế, không khác nhau bao nhiêu. Với bà Môi mà nói, đêm nào cũng thật dài. Mới đầu chuyện ấy rất khó chịu, tình trạng nửa ngủ nửa thức, chập chập chờn chờn như thế khiến bà rất không quen. Sau khi tỉnh giấc vào lúc một giờ đêm, bà thường mặc nguyên quần áo ngủ đi “tuần du” hết các buồng. Lúc đi đi lại lại trong buồng bà không bật đèn. Vì vậy, vào một tối, bà đã bị ánh phản quang bất ngờ từ tấm gương lớn trong phòng khách làm cho giật mình chết khiếp, ngã dúi xuống đất, va vào cạnh bàn ăn, khiến bà bị gãy một bên xương đòn. Nhớ lại chuyện này, thì dường như ánh phản quang nham hiểm từ chiếc gương khi ấy có lẽ là do ánh đèn của một chiếc ô tô qua đường lúc đó gây ra. Sau đó, bà Môi bèn lấy vải phủ kín tất cả đồ dùng vật dụng trong nhà. Vết thương lành rồi, bà Môi cũng dừng việc đi “tuần du” các buồng của mình lại. Bà vẫn trở dậy trong đêm, ngồi trên chiếc ghế thấp trong bếp, tựa lưng vào tường chợp mắt một lúc. Sở dĩ bà ngồi trong bếp, ấy là vì ở đó nhìn xuyên qua cửa sổ bà có thể trông thấy bầu trời bên ngoài, lại còn cả những cái cây nữa, điều ấy khiến bà cảm thấy lòng mình tĩnh lặng. Vào những lúc ấy, nhớ đến những ngày còn trẻ có con cái quây quần ở bên, bà lại cảm thấy một niềm hạnh phúc kinh ngạc: Đó thực là cuộc sống bà đã từng trải qua ư? Song, cảm giác hạnh phúc lại đến từ cuộc sống biết đủ ở ngay hiện tại như vậy. Cho nên thời gian dần dà, bà bèn thấy thích thú với việc mất ngủ của mình. Bà tưởng tượng mình như một con ngỗng trắng lớn, chậm chạp kiếm ăn trong một khu rừng rậm.

Ông Kim thì cả đêm không tỉnh giấc lần nào, trừ khi có sự tác động đặc biệt lớn, ví như lần bà Môi ngã bị thương chẳng hạn. Cứ như ông nói thì kì thực ông ngủ rất nông giấc, xung quanh xảy ra việc gì ông cũng đều cảm nhận được hết.

“Người như tôi thế này, nhất định sẽ chết sớm, vì thần kinh trước nay chưa từng được thực sự yên tĩnh bao giờ!”

Ông nói về tình trạng của mình với vẻ mặt đau khổ, nhưng bà Môi biết trong lòng ông rất đắc ý. Giấc ngủ nông như vậy nào có khác bao nhiêu so với việc vẫn tỉnh, một người lúc nào cũng tỉnh như thế, chẳng phải bằng được sống hai cuộc đời ư? Đời này, ông Kim đúng là số hưởng rồi còn gì! Hơn nữa, ông lại khỏe mạnh như thế, chẳng có bất cứ bệnh tật gì, thì làm sao lại chết sớm được? Ông ấy lại còn nói, trước giờ chưa từng nằm mơ, bởi vì căn bản khi nào cũng luôn tỉnh tỏ cả, không sao nằm mơ được. Bà Môi nghe xong bèn nghĩ, lúc bà ngồi chợp mắt trong bếp, thì lại mơ hết cái này đến cái khác. Bà với ông Kim đúng thực là khác xa hẳn nhau.

Ông Kim cũng rất ủng hộ bà Môi trong việc đem đồ vật trong nhà che phủ hết lại, vì ông cũng rất ghét chuyện những đồ vật ấy phát ra ánh sáng phản quang vào ban đêm. “Tuy tôi ngủ rồi, nhưng thảng hoặc mở mắt ra cũng trông thấy cảnh tượng đáng sợ ấy.”

Xe ô tô trong thành phố càng ngày càng nhiều, cuộc sống ban đêm của mọi người càng ngày càng muộn, nên gần đây suốt hàng đêm hàng đêm, trước cửa nhà bà Môi lúc nào cũng có xe ô tô qua lại. Sau khi đồ dùng trong nhà đã được che phủ rồi, bà Môi cảm thấy ngôi nhà của mình đã “vững như bàn thạch.” Những ánh đèn lướt qua trên bề mặt của chúng trở nên mờ nhạt yếu ớt, không cách nào khiến cho bà phải kinh sợ nữa rồi. Ông Kim cũng rất mừng, liên mồm nói: “Thế là tốt rồi, thế là tốt rồi!” Ông ấy lại nói thêm rằng, tuy ban đêm mình không bị tỉnh giấc, nhưng vẫn cảm nhận được rõ hành vi ngang ngược phách lối của những chiếc xe ấy.

“Loại cỏ này, dân gian gọi là “Xà đầu vương,” có thể chữa rắn cắn. Hồi xưa, bên ngoài nhà cũ của chúng ta chỗ nào cũng có, chỗ nhà cũ cũng rất nhiều rắn. Đó chính là quy luật lấy độc trị độc đấy.”

Ông Kim để cuốn sách lên trên ngực, nhắm mắt nằm yên, bà Môi chỉ thấy miệng ông còn động đậy. Bà cảm thấy rất buồn cười, không nhịn được nói chen vào:

“Tên khoa học của cây thuốc ấy gọi là Nhất chi Hoàng hoa!”

“À, hóa ra bà cũng biết, bà đọc cuốn sách của tôi khi nào?”

“Vào ban đêm. Mắt tôi càng ngày càng tinh rồi, tôi có thể đọc được sách chỉ với ánh sáng lờ mờ của đèn đường bên ngoài cửa rọi vào cơ đấy.”

Khuôn mặt ông Kim lộ vẻ hơi cười. Bà Môi nghĩ, những cây hoa hồng ấy đã sinh trưởng đến tầng nào dưới lòng đất rồi nhỉ? Đáng lẽ khi còn trẻ ông Kim phải đi nghiên cứu thực vật mới phải, đằng này ông ấy lại đi làm nhân viên tiếp thị. Trở lại chuyện ấy, nếu như ông Kim trở thành một nhà thực vật học thật, thì cuộc sống của ông ấy bây giờ có như thế này không? Chắc hẳn là khắp trong nhà đã treo đầy những tiêu bản thực vật nhỉ? Mấy năm nay, ông ấy ngày nào cũng chỉ xem mỗi cái cuốn sách về thực vật hoang dã ấy, chứ trước giờ chưa từng đi kiếm tiêu bản. Vốn rất ít khi ra khỏi cửa, nhưng cách đây không lâu ông ấy đã vào trung tâm thành phố, sau đó liền đem những hạt giống hoa hồng này về. Ông Kim chỉ nói phứa ra cái tên một người họ hàng của mình, tựa như người ấy đã gửi chúng đến cho mình.

Sở dĩ bà Môi đọc cuốn sách của ông, là vì muốn tìm hiểu manh mối những suy nghĩ của chồng mình. Nói đến cùng thì, bà vẫn rất ngưỡng mộ ông ấy. Trông ông ấy mới bình thản làm sao! Dù cho có chuột chui vào nhà ông ấy cũng không hề hoảng hốt lo lắng. Sau khi bị ngã gãy xương đòn, có một thời gian bà Môi đã vô cùng tuyệt vọng. Ông Kim lặng lẽ làm những công việc trong nhà cùng với cô osin đến giúp việc, ông rất ít an ủi bà. Có lẽ do sự bình tĩnh của ông Kim nên bà Môi cuối cùng đã tự mình vùng dậy được. Sau khi bà khôi phục được thể lực thì ông Kim lại quay lại nằm dài trên cái ghế gấp của mình. Ông Kim tự cười mà gọi mình là “không khác gì người bại liệt,” bà Môi cảm thấy nụ cười của ông vô cùng mãn ý.

Trước cửa nhà bị ngập nước là một việc đột phát. Trận mưa ấy kéo dài suốt hai ngày đêm, cống thoát nước bị bùn đất làm tắc nghẽn, nửa đêm, trước cửa nhà biến thành một cái ao nhỏ. Lúc ấy, ông Kim từ trên giường nhảy xuống, để hai chân không, lội xông ra ngoài mưa. Để cái đèn rọi trên bậu cửa sổ, chiếu ra chỗ lán nilon phủ trên luống hoa, ông cứ thế đội mưa vung cuốc khơi rãnh. Vất vả chừng hai tiếng đồng hồ, ông đã đào được một cái rãnh, dẫn nước đọng chảy ra ngoài. Bà Môi không thể nào nghĩ được rằng ông Kim lại có sức mạnh lớn như vậy, cứ y như liều mạng một phen vậy.

Lúc ông quay vào nhà, đã mệt đến không nói được ra câu nữa, lờ đờ thay quần áo ướt, lờ đờ nằm xuống giường. Bà Môi lấy khăn bông khô lau đầu tóc cho ông.

“Cứu được bọn chúng rồi! Nếu không thì, chúng sẽ chết hết. Môi trường sống bên dưới đất, chúng ta không thể biết được, chỉ có thể suy đoán thôi. Trước đây đã có bài học về việc này rồi …”

Ông mới đang nói đã chìm vào giấc ngủ, vừa cất tiếng ngáy nhè nhẹ, vừa mấp máy khóe miệng. Bà Môi nghĩ, ông ấy đang nói gì thế nhỉ? Có phải là đang trò chuyện với lũ cây dưới lòng đất ấy không?

Buổi sáng, mặt trời đã mọc lên rồi. Bà Nghệ đứng ở chỗ lán che nilon, nhìn nhìn ngó ngó vẻ đầy nghi hoặc.

“Bà Môi ơi, trong đây có trồng cái gì đâu, dỡ cái lán này ra có được không? Nó làm ảnh hưởng đến việc thoát nước, mà trông lại mất cả mĩ quan.”

“Bà Nghệ ơi, sao bà lại nói thế? Chính tay tôi trồng xuống đấy, tôi đã nói với bà rồi, là hoa hồng, loại hoa hồng rất đặc biệt, nó sinh trưởng vào trong lòng đất. Ông Kim nhà tôi suốt đêm qua cứu chúng vừa thoát khỏi chỗ chết ra đấy.”

“Hừ, bà cứng đầu thật. Chẳng qua là tự dối mình lừa người thôi. Lại có người thực sự sẵn sàng sống cuộc đời như thế nữa!”

Chồng bà Nghệ ở trong nhà cất tiếng gọi, lúc quay về bà ta vẫn còn ngoái lại nhìn ngó luống hoa mấy lần. Bà Môi cảm thấy ánh mắt bà ta đầy vẻ hiếu kì, như thế tức là, bà ta cũng không hoàn toàn tin vào những câu mà mình vừa nói. Liền sau đó, bà lại nghe thấy bà Nghệ và chồng lớn tiếng tranh luận với nhau, nhưng tranh luận điều gì thì nghe không rõ.

Lúc bà Môi đi vào nhà, bà trông thấy ông Kim vẫn còn đang ngủ. Tâm ông ấy đúng là bình lặng. Bỗng nhiên bà nghĩ: Phải chăng tất cả những hạt hoa trồng xuống đều chỉ là những viên sỏi nhỏ đẹp đẽ? Bà nghĩ lại một chút, dường như đúng là có việc ấy. Khi ấy, những hạt hoa bà cầm trong tay có cảm giác hơi lạnh mát, lại còn phát ra tiếng lanh canh nữa! Có lẽ chính vì tính chất ấy mà chúng mới có thể hướng vào trong lòng đất mà sinh trưởng, nở hoa? Bà Nghệ dường như đã hiểu lầm rồi. Những việc như thế này, tin thì có, không tin thì không có, bà ấy xem ra là người không tin.

Hơn ba chục năm trước, khi bà Môi và bà Nghệ đều vừa mới cưới và cùng chuyển đến ở tòa nhà này, thì nơi đây còn rất hoang vu. Bà Môi thường trông thấy người hàng xóm của mình xách một cái ghế tựa nhỏ ra ngồi trước cửa ngắm hoàng hôn. Khi những tia nắng mặt trời mỗi lúc một tối dần, bóng dáng người đàn bà ấy đem đến cho bà chẳng phải chỉ là cảm giác hiu quạnh mà nó còn toát lên một vẻ bướng bỉnh khó tả. Khi họ gặp mặt nhau thì đều vô cùng khách khí, hai ông chồng của họ cũng vậy. Bà Môi rất ít khi thấy chồng bà Nghệ. Ông ấy là công nhân gang thép, sau khi tan ca về đều ở trong nhà không đi đâu, trong nhà họ luôn bao trùm một bầu không khí nặng nề. Bà Môi cảm thấy, bà Nghệ với chồng mình cũng hòa thuận, họ chưa cãi nhau bao giờ. Thế mà hôm nay, làm sao họ lại nảy sinh tranh cãi như thế? Vì cái hạt hoa ấy ư? Bây giờ thì không còn nhìn được mặt trời lặn nữa rồi, cuộc sống co cụm vào phía bên trong, nhưng bóng dáng ấy của bà Nghệ từ hồi ấy, vẫn y nguyên cho đến tận hôm nay. Trước kia khi còn xem được mặt trời lặn, thì tương lai vẫn còn hoàn toàn nấp kín trong một mớ hỗn độn.

“Nhà họ hàng của tôi ở số 3, ngõ Du Ma, cũng là họ hàng xa bảy mươi đời rồi, cho nên bình thường cũng chẳng qua lại. Nếu bà thích thì qua đấy thăm một tí. Chỗ ấy vì đang giải tỏa, nên cũng hơi khó tìm.”

Người ông Kim nói, là người họ hàng đã mang hạt hoa cho ông ấy.

“Nếu tôi đến thăm họ thì lại phải kiếm cớ gì chứ.” - Bà Môi nói.

“Bà có thể hỏi thăm người ta về quy luật sinh trưởng của giống hoa hồng thạch anh còn gì.”

Bà Môi mừng lắm. Ăn cơm trưa xong, bà liền bỏ giấc ngủ trưa, thu dọn một chút rồi ra khỏi cửa.

Giữa từng cụm từng cụm những tòa nhà mới xây ở trung tâm thành phố, ngõ Du Ma đã biến mất tiêu. Bà Môi hỏi thăm mấy người, mới hỏi thăm được những hộ gia đình nguyên sống ở số 3 ngõ Du Ma giờ đều đang sống ở trong một dãy nhà cấp 4 giản dị, nhà của họ đã bị giải tỏa rồi. Ông già vá xăm xe nói cho bà biết, ông giáo Băng ở trong gian buồng ngoài cùng phía tây.

Thoạt đầu, bà Môi bị tướng mạo của ông giáo Băng dọa cho giật nảy cả mình. Ông ta trông giống như một người rừng, bộ râu ria đốm bạc rối bù mọc đầy mặt, mái tóc rủ dài đến quá vai cũng đã muối tiêu, ánh mắt đục lờ.

“Hoa hồng thạch anh ấy à.” - Giọng nói ông ta ồm ồm phát ra từ bên trong chòm râu - “Trước đây cũng từng có loại ấy, nhưng bây giờ không ai có thể trồng được thành công nữa. Quy luật sinh trưởng của nó rất đơn giản: Khi bà quên nó đi rồi thì nó sẽ sinh trưởng.”

“Vậy làm thế nào mới có thể quên nó đi được?”

“Thì mỗi người có một cách thôi. Ví như tôi, thì cách của tôi là rắc hạt nó vung vãi khắp nơi. Bên ngòi nước này, gốc cây mà người ta đã đào xong bỏ đó này, hố móng nhà mới xây này, ụ đất trên nóc nhà gianh cũ này… Có bữa, tôi trông thấy trên bức tường đất của ngôi nhà gianh có một cục u nổi lên, mới cạy những miếng đất ở phía trên nó đi, thì liền lộ ra cái cây của mình. Ngẫm nghĩ lại mới nhớ ra, là hồi trước tôi đem hạt cây, rắc ở trên đầu tường. Bà Môi này, bà chớ nên hỏi kĩ những chuyện như thế thì mới được.”

Trong lúc nói chuyện, ông giáo Băng cứ chau mày suốt từ đầu chí cuối, tựa như không hoan nghênh bà Môi cho lắm, lại cũng tựa như bất đắc dĩ mới nói lộ ra bí mật của mình. Song, ông ta lại nói cho bà Môi biết, căn nhà cấp bốn giản dị mà ông ấy đang sinh sống đây vốn chính là số 3 ngõ Du Ma.

“Dưới mặt đất chỗ này, mọc đầy đủ các loại hoa, giống như hóa thạch của hoa vậy. Những người sống ở đây đều là những tay lão luyện rồi. Nghe nói, móng của những tòa cao ốc mới dựng đều đào rất sâu, điều ấy cũng không can hệ gì. Những cái cây ấy của chúng tôi đều đã biến mất cùng với mặt đất rồi, tựa hồ trước nay chưa từng có chúng …”

Bà Môi bước ra khỏi nhà người họ hàng của mình, mơ hồ bước đi chừng hai ba phút thì đã lạc đường. Bà muốn hỏi thăm ai đó, nhưng không có người nào cho bà hỏi, khắp nơi chỉ thấy những đống hoang tàn của những căn nhà bị phá dỡ, trong khoảnh khắc thành phố đã biến mất.

“Ông giáo Băng!” - Bà kêu to.

Đáp lại lời bà chỉ có tiếng kêu của lũ quạ khoang - nơi đây vẫn còn có quạ, khiến bà hồi tưởng lại khu thành cũ trước kia.

“Ông Kim!” - Bà lại gọi to.

Ông Kim xuất hiện ra ở đường chân trời xa tít tắp, ông chậm rãi đi lại gần, một tay xách chiếc thùng gỗ. Ông thở hổn hển để chiếc thùng gỗ xuống đất, khiến nước sánh cả ra ngoài.

“Đây là cá gì thế?” - Bà Môi hỏi.

“Là cá nước sâu. Những máy đóng cọc ở phía đằng kia khiến chúng bị kinh động, nên đã nhảy lung tung lên. Chất nước ở sông không phù hợp cho những cu cậu này, tôi phải đem chúng đi phóng sinh, bà về nhà trước đi nhé.”

Ông Kim xách chiếc thùng gỗ đi đã xa. Mới đầu, bà Môi định đuổi theo ông, nhưng rồi bà lại gạt ý định ấy đi, vì bà lại có thể trông thấy thành phố rồi. Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ của ông giáo Băng chẳng phải đang ở phía trước kia sao? Bà bước vào con phố nhỏ ấy, rồi đi tới đại lộ, trong bụng thầm nghĩ, chẳng biết trước đây ông Kim có phải là cư dân ở ngõ Du Ma không nhỉ? Vậy còn bà Nghệ?

Lại đến thời khắc ấy vào ban đêm, bà Môi trông thấy một luồng ánh sáng phản quang chói mắt lay động trên rèm cửa, đúng là một cảnh tượng kì quái. Sau đó thì, trên những tấm vải phủ đồ đạc trong nhà ấy đều xuất hiện những ánh phản quang, trong buồng cứ từng đợt từng đợt sáng trưng vằng vặc. Trên con đường ấy, dòng xe cộ chạy không ngừng. Bà Môi nghĩ, mình đúng là hao tâm tổn trí quá. Những tay lái xe thất đức, có lúc lại còn bóp cả còi nữa. Khi còi xe đột nhiên vang lên, thì bà Môi thường sẽ bị mất tri giác tạm thời.

Tối hôm nay, khác hẳn mọi khi, ông Kim không ngủ. Ông bảo: “Những con cá nước sâu ấy đã đánh động thần kinh của mọi người rồi.” Ông cứ nằm trên cái ghế gấp của mình than thở mãi, đem hiện tượng xảy ra lúc ban ngày gọi là “tác động ngược.”

“Thực ra tôi làm việc ấy cũng bằng thừa, bọn cá đã chết hết rồi. Bà xem, phàm phu tục tử như tôi thế này làm sao mà nhận ra ý đồ của bọn chúng được. Bản thân việc tồn tại của chúng đã khiến mọi người kinh hãi rồi, đúng không? Bà nghe đi!”

Bà Môi trông thấy bên má phải ông Kim có ánh sáng phản quang. Bên ngoài, tiếng còi xe ô tô kêu rền một chặp.

Ông Kim đứng dậy bước đi, ông đã phải chịu một sự kích động rất lớn. Bà Môi trông thấy luồng ánh sáng ấy luôn bám theo ông. Có một lúc, ánh sáng dừng lại nơi hai con mắt ông Kim, đôi mắt của ông liền biến thành một hình trạng kì quái, màu xanh lục. Bà Môi giật mình kêu to lên một tiếng, rồi lại một lần nữa mất tri giác.

Khi tỉnh lại, bà nghe thấy những âm thanh lách tách, lách tách. Đó là ông Kim đang mân mê những hạt hoa. Trong phòng hơi nóng nực, vì ông Kim đã kéo hết những tấm rèm cửa dầy cộm ra. Tất cả đèn đóm đều tắt hết, chỉ có một ngọn đèn nhỏ xíu trên bàn sách là còn sáng. Phút chốc, bà Môi có cảm giác như mình đang ở trong hang động. Bà lần mò đi vào trong phòng sách.

“Bà ngồi xuống đã.” - Ông Kim chỉ vào chiếc ghế tựa bên cạnh mình - “Đây là tôi lấy từ chỗ ông giáo Băng lúc ban ngày đấy.”

Ồ, đó không phải là hạt hoa, mà là đá quý đẹp quá!

“Chỗ ông ấy đã không còn chỗ nào để gieo trồng nữa rồi. Ông ấy trao cho tôi, tôi rất khó xử.”

Bà Môi cầm một cái hạt màu ngọc lên trước ánh đèn, ánh sáng lập tức xuyên thấu qua nó, bà phát hiện bên trong đó có một chấm nhỏ đậm màu đang di động, không nhịn được nói:

“Tôi thấy, những cái này đều là đá, chứ không phải thực vật.”

“Ừ. Cũng có thể. Có gì là không thể đâu?”

Dưới ánh đèn, đôi tròng mắt ông Kim biến thành hai chấm trắng trống rỗng. Ông quay đầu đi.

Bà Môi quan sát bóng lưng ông Kim, nhớ lại bóng dáng của ông khi ông xuất hiện ở đường chân trời giữa đống hoang tàn đổ nát lúc ban ngày. Bà nghe thấy bên ngoài có tiếng người đang đào đất, tất cả có hai người. Chắc hẳn là bà Nghệ và chồng bà ấy.

“Tôi đã cho họ hạt.” - Ông Kim bất động, nói.

Bà Môi định nhỏm dậy đi ra ngoài, nhưng ông Kim đã giữ bà lại, bảo:

“Đừng ra xem, đó là riêng tư của họ.”

Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)