Yiyun Li nói về tài năng của Alice Munro

Thứ Sáu, 24/05/2024 07:53

Tác giả người Mĩ gốc Trung có cuốn Chốn cô độc của linh hồn được đánh giá cao và vừa lọt vào danh sách đề cử giải Pulitzer 2024 cho biết Alice Munro là một trong những tác giả yêu thích nhất của mình. Yiyun Li đã có rất nhiều trải nghiệm với các truyện ngắn của bậc thầy người Canada, và việc đọc lại nó một cách thường xuyên là trải nghiệm vô cùng quý giá của bà.

Chân dung Alice Munro và Yiyun Li.

“Hai ngày sau khi Alice Munro qua đời, tôi đã đến dự một sự kiện ở New York và thấy mình giữa những người xa lạ. Một người phụ nữ hỏi tôi có biết “Janet Munro” vĩ đại vừa qua đời không. Janet á? Có sự nhầm lẫn nào ở đây ư, mọi chuyện sau đó đã được giải quyết khi người phụ nữ nhận mình nhớ nhầm. Trong khi đó một người đàn ông khác lại kể tôi nghe câu chuyện cuộc đời của Munro, kèm theo mô tả một cách chi tiết về bức ảnh được dùng làm cáo phó của bà trên tờ The New York Times. Một người phụ nữ khác nói với tôi rằng, không giống như hầu hết các nhà văn, Munro không viết tiểu thuyết mà chỉ hoạt động ở mạng truyện ngắn. Người này hỏi rằng “Điều đó không thú vị sao?” Tiếp theo là một câu hỏi không thể tránh khỏi mà người ta thường hỏi một người sáng tạo ở 2 lĩnh vực: “Với cô, cái nào dễ hơn?”.

Dễ ư? Đó là tính từ mà bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ có khả năng gắn với văn chương.

Tâm trạng của tôi hơi tệ, và có sự hoài nghi rằng đám đông này không biết gì hơn ngoài sự nổi tiếng của Munro. Ngày hôm ấy, tôi đã có lúc muốn hỏi những người này đâu là truyện ngắn mà họ thích nhất. Nhưng tôi đã không làm vậy, bởi nếu ai đó hỏi tôi câu đó, tôi cũng thật sự không biết câu trả lời là gì.

William Trevor, nhà viết truyện ngắn duy nhất trong thế giới văn chương có tầm cỡ sánh ngang với Munro, có lần kể cho tôi nghe những chuyến viếng thăm khu vườn của Monet ở Giverny của mình. Theo đó ông thường ra vườn nhiều ngày liền và ở lại từ sáng đến tối để quan sát cách ánh sáng thay đổi. Sau đó, ông nghiên cứu trở lại các bức tranh của Monet, cố gắng hiểu thấu những hiệu ứng ấy qua các nét vẽ của họa sĩ đại tài.

Trong khi các bản sao tranh của Monet được treo trong nhiều phòng chờ, thì cuộc đời và sự nghiệp của Munro lại thường chỉ là chủ đề cho những cuộc tán gẫu nho nhỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ có ý nghĩa giữa người đọc và một tác phẩm cần có thời gian để được dung dưỡng. Cách tiếp cận Monet của Trevor dường như là cách duy nhất (ít nhất là với tôi) để đọc Munro. Tác phẩm của bà không phải là đọc để tìm điểm chung (điều đôi khi xảy ra với những người viết truyện ngắn) hay ngấu nghiến chúng một lần rồi thôi, mà chính xác là những tuyệt tác để ta đọc đi đọc lại theo suốt thời gian, trong nhiều năm, nhiều thập kỉ, cho đến khi nào mối quan hệ giữa hư cấu và thực tế hiện diện thật sự trong cuộc sống thực.

Các tác phẩm của Alice Munro đã ra mắt tại Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi đọc Munro là vào cuối tuổi 20. Trong những năm qua, tôi đã liên tục quay lại với các truyện này, trái ngược với một số tác giả khác mà tôi đã đọc cũng trong khoảng ấy. Phân nhóm thứ 2 bao gồm những người như Trevor hay Tolstoy - đã thành bất biến của cuộc sống này. Trong khi đó Munro là một trường hợp khác hẳn, và đối với tôi, bà có thể là tác giả độc nhất trong địa hạt ấy: nơi cần phải có thời gian để nghiền ngẫm chúng, và những truyện ngắn rồi sẽ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời của một con người.

Cũng có khoảng 1, 2 năm trôi qua mà tôi không còn cảm thấy muốn đọc bà nữa. Nhưng rồi đột nhiên mong muốn được đọc trở lại, trở thành ưu tiên hàng đầu. Và giữa những lần lần trở lại ấy, cuộc sống của tôi không ngừng thay đổi, từ hôn nhân, công việc cho đến sinh con, dạy dỗ và thương tiếc chúng. Vào mỗi thời điểm quan trọng của cuộc đời mình, tôi lại tìm về Munro. Nhân vật của bà đã luôn sống tiếp dẫu họ gặp phải biết bao thảm họa và những xáo trộn từ nhỏ đến lớn.

Tôi nhận thấy gì sau mỗi lần đọc lại à? Không phải là những sự kiện được nối với nhau trong các truyện ngắn, cũng không phải là những gì xảy ra với nhân vật này hay nhân vật kia. Đúng hơn hết, đó là thể trạng của cuộc sống này, là xe lửa và ô tô, là thời tiết và các mùa, là những con đường khuất nẻo trong rừng hay to lớn cạnh một con lạch, là các cử chỉ của một đứa trẻ hay những nghĩ suy của một người mẹ bất khả giải thích, là ngày và năm, và tất nhiên, là những lời từ biệt, một số sẽ có tác động lâu dài.

Cảm xúc của tôi về các sự kiện và nhân vật trong những truyện ngắn của bà cũng đầy mơ hồ. Lần gần đây nhất tôi đọc lại Munro là vào mùa hè năm 2022, trong một kỉ nghỉ gia đình gần Hồ Geneva. Mỗi sáng tôi đều dậy sớm, đi dạo bên hồ và đọc tập truyện Friend of My Youth (Người bạn thời thanh xuân). Lúc ấy tôi đã mất con và cũng không biết điều gì sẽ đến. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc mà mình gạch dưới một đoạn văn khi một đôi thiên nga lướt qua: “Cô không nghĩ rằng những bông hồng héo có thể bay xa hay tấm bia mộ lao được xuống phố. Cô không mập mờ giữa thực và hư, giữa hư và thực, và đó là cách cô mà cô biết rằng mình vẫn đang sống”.

Hôm nay đọc đoạn văn này, tôi không thể nói mình tỉnh táo hơn hay ngu ngơ hơn với hồi trước ấy. Chỉ có điều, tôi đã tiến xa hơn trong việc sống tiếp, với những hiểu biết mới về cái được gọi là thực tế.

Khi tôi còn trẻ, có một câu nói dí dỏm giữa các nhà văn về sự khác biệt giữa viết tiểu thuyết và viết truyện ngắn. Đó là tiểu thuyết giống như một cuộc hôn nhân, còn những truyện ngắn thì như mối tình. Tôi không biết ý tưởng này do ai nghĩ ra, nhưng nó sai lầm biết bao! Một cuốn tiểu thuyết thường là lối thoát cho cả độc giả cũng như tác giả. Theo nghĩa đó, nó giống như một mối tình - nó bắt đầu, nó kết thúc, và sau đó nhà văn chuyển sang viết cuốn cuốn tiếp theo trong khi độc giả tìm một cuốn khác để đắm mình vào.

Nhưng truyện ngắn, ít nhất là của Munro, mà bà đã viết trong sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm của mình, không chỉ là một cuộc tình mà nó còn hơn một cuộc hôn nhân - nó chính là cuộc sống này. Đọc lại Munro là một hành động vô cùng khắc nghiệt – bởi nó yêu cầu người đọc đừng né tránh cuộc sống vì nó thực tế, và tôi chắc chắn là nhiều độc giả của nữ tác giả cũng sẽ đồng ý như thế.”

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài viết của Yiyun Li trên The Guardian

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)