Là tác phẩm đầu tay mang đến thành công và tạo dựng tên tuổi cho cây viết trẻ Miaki Sugaru, tiểu thuyết Ba ngày hạnh phúc chứa đựng trọn vẹn tư tưởng của anh về cuộc sống và giá trị của hạnh phúc. Cùng với đấy, Ba ngày hạnh phúc cũng là câu chuyện định hình phong cách sáng tác của Miaki Sugaru. Về cách anh xây dựng một thế giới giao hòa giữa hiện thực và huyền ảo bên cạnh những góc khuất, bí ẩn tới tận khi người ta thấu hiểu lẫn nhau, mới có thể chạm tới.
Kusunoki, chàng thanh niên đã sống những tháng năm cuộc đời trong sự mất phương hướng và bi quan tới nỗi, vào tuổi 20, Kusunoki quyết định bán đi gần hết tuổi thọ và chỉ để lại ba tháng cuối cùng. Lúc này, một cô gái tên Miyagi trở thành giám sát viên cho Kusunoki. Ngần ấy thời gian Kusunoki đã sống, cả những ngày đầu ba tháng cuối cùng kia, thứ níu giữ anh lại trên nhân thế vẫn là lời hứa cùng những kí ức vụn vỡ với cô bạn Himeno vào 10 năm trước. Nhưng rồi, những hi vọng mong manh cuối cùng của Kusunoki về các mối quan hệ anh có, khi so đáp án với hiện thực, anh mới nhận ra, anh đã cô đơn như thế nào.
Những kẻ cô độc
Tác phẩm đầu tay làm nên tên tuổi của tác giả Miaki Sugaru mang tựa đề Ba ngày hạnh phúc, nhưng câu chuyện Ba ngày hạnh phúc ấy lại được tạo tác nên từ hàng loạt những cá nhân cô đơn vốn đã sống quãng thời gian rất dài chẳng hề hạnh phúc. Vì họ chẳng thể tìm thấy tiếng nói chung giữa tập thể, cái tôi của họ đã mất đi phương hướng và bản thân họ đã đánh mất mục đích lẫn khát vọng sống. Họ như cái bóng giữa dòng đời khi chính bản thân họ, tương lai cũng là một tồn tại xa vời.
Những kẻ cô độc trong tiểu thuyết Ba ngày hạnh phúc đó, đã gặp gỡ nhau nơi giao điểm của một câu chuyện cổ tích về việc định giá cho sinh mệnh con người được bán ra và một cửa tiệm thật sự có thể mua tuổi thọ tổn tại ngoài đời thực. Tại giao điểm kia, nhân vật chính xưng “tôi”, chàng trai Kusunoki, thời thơ ấu đã mang theo lời hứa đến 10 năm với cô bạn Himeno cùng lớp. Tại giao điểm đấy, Kusunoki trong những tháng cuối cùng đã gặp gỡ cô gái Miyagi làm giám sát viên cho anh. Để rồi, Kusunoki ở độ tuổi 20, chỉ còn 3 tháng để sống sau khi đã bán đi toàn bộ tuổi thọ của bản thân, thấm thía nhận ra ngần ấy năm sống trên cõi đời, bản thân anh đã cô đơn ra sao. Nỗi cô đơn sản sinh từ chính bản tính có phần hèn nhát, thu mình đến mức ích kỉ của anh. Đồng thời, cũng để chính Kusunoki nhận ra, anh không phải kẻ cô độc hay bất hạnh duy nhất.
Ảnh minh hoạ.
“Nhưng nói gì thì nói, tôi và Himeno đã chán ngấy tất cả. Từ lũ bạn trong lớp đến chính một bản thân không có khả năng hòa hợp với cộng đồng. Một nỗi chán ngán mơ hồ ẩn sâu trong tâm hồn.”
Vì trong cuộc sống, ai chẳng có một “ốc đảo” riêng lưu giữ tâm tư cùng một phần cái tôi khao khát khẳng định nhằm trốn tránh “hoang mạc” u sầu lẫn những thất bại trong mối quan hệ đời sống mà người ta chẳng dám đối diện. Người ta cô độc và những kẻ cô độc gặp gỡ nhau, tìm thấy nhau giữa dòng đời ồn ã. Cũng để người ta tự ý thức, bản thân họ có lẽ đã để lỡ rất nhiều cơ hội và bản thân họ, hẳn đã chẳng cô đơn đến thế. Từ hi vọng đến thất vọng, từ cứu rỗi đến hằn thù, tựa ranh giới hết sức mong manh.
Những kẻ cô độc tồn tại trong thứ xúc cảm vị kỉ, cho đến khi, họ rụt rè, dần học được mở lòng với thế giới.
Giá trị của sinh mệnh
“Các em, người ta vẫn nói sinh mệnh con người là thứ không cách nào thay thế, nó đáng giá hơn bất cứ điều gì trên đời. Vậy nếu ta dùng tiền để đong đếm, các em nghĩ nó sẽ có giá bao nhiêu?”
Đó là câu chuyện, cũng là câu hỏi mà cô giáo chủ nhiệm của cậu bé Kusunoki năm 10 tuổi đã đặt ra trước cả lớp trong giờ đạo đức, cho những đứa trẻ vẫn còn non nớt về nhận thức lẫn vốn sống cùng nhìn nhận và thảo luận. Để rồi quãng thời gian 10 năm sau, câu hỏi đó vẫn luôn ám ảnh Kusunoki. Chàng trai Kusunoki 20 tuổi, dẫu thất bại trong cuộc sống, dù mất hết phương hướng về tương lai, song vẫn luôn nhớ đến câu chuyện xưa cũ cũng như nhớ về cô bạn thủa ấu thơ, người sau 10 năm, với Kusunoki, vẫn là người đồng cảm, thấu hiểu anh nhất.
“Khi 20 tuổi, chúng ta sẽ trở nên thành đạt.”
Nhưng “cuối cùng, cả hai đều là món hàng vô chủ.”
Và tới tận cùng những cá nhân xung quanh Kusunoki, chừng như “đều là món hàng vô chủ” như thế. Kusunoki và cô bạn thơ ấu Himeno, người con gái Miyagi giám sát anh và mẹ của cô, những ai dang tay với họ và cả những ai tìm đến họ tựa tìm đến sự cứu rỗi…
Mà “món hàng vô chủ” thì giá trị sẽ đáng giá bao nhiêu? Cửa tiệm thu mua tuổi thọ định giá cho sinh mệnh một “món hàng vô chủ” như thế nào? Bởi mỗi cá nhân có một cuộc sống riêng, mỗi con người có một cuộc đời riêng, không ai giống ai nên sẽ chẳng thể cào bằng để định giá sinh mệnh theo tuổi thọ hay thu nhập trung bình.
Không thể cào bằng, vì thế “sinh mệnh” mỗi người sẽ được “định giá” theo “sự cống hiến” của con người trong đời sống, theo cách họ đã đối xử với thời gian cuộc đời của bản thân, cả cách họ phản ứng trong mối quan hệ giữa người với người. Và đó chẳng phải cũng chính là cách để nhìn nhận một người đang “sống” hay chỉ đang “tồn tại” tựa chiếc bóng vô thanh, vô sắc hay sao?
“Sinh mệnh” có thể “rẻ mạt” tới nực cười khi người ta sống không sở thích, không mục đích, sống trong thực tại song luôn “ích kỉ” “dựa dẫm vào quá khứ” mà dần để trôi đi những cơ hội đời sống ban tặng. Như cách chàng thanh niên Kusunoki đã luôn lặng lẽ, lầm lũi tồn tại suốt 20 năm. “Ích kỉ” với ngay cả người bạn anh luôn thương nhớ. Sự ích kỉ, xuất phát từ cái “tôi” hèn nhát đến vị kỉ.
Nhưng “sinh mệnh” cũng có thể trở nên “đắt giá” chỉ trong một thời gian ngắn khi người ta chịu rời khỏi “ốc đảo an toàn” để chấp nhận cả khổ đau, nếm trải nỗi thất vọng, trống rỗng khôn cùng mà thay đổi bản thân, đón nhận yêu thương và học cách yêu thương. Người ta có thể không để ý tới ánh nhìn xung quanh nhưng sự sống phải có mục đích, sống không chỉ thỏa mãn cái tôi vị kỉ mà còn vì người khác, chí ít là người ta thương yêu.
“Biết sửa chữa thất bại không có nghĩa là sẽ đạt được thành công.”
Tuy nhiên, ý thức được bản thân “thất bại” ra sao để “sửa chữa”, cũng là điều đáng trân quý của một cá nhân vốn vô danh và cũng đầy yếu đuối giữa đời sống này.
Cho nên, giá trị của sinh mệnh, tồn tại trong giá trị người ta đã, đang và sẽ thiêu đốt ngọn bấc sinh mệnh, cho cuộc đời như thế nào.
Cửa tiệm thu mua tuổi thọ
Mở ra từ câu chuyện giá trị sinh mệnh và bán mua sinh mệnh, cửa tiệm thu mua tuổi thọ xuất hiện, trở thành hình ảnh mang đầy tính biểu tượng cho một câu chuyện cổ tích rất đẹp song cũng vô cùng nghiệt ngã buổi hiện đại trên trang văn của Miaki Sugaru.
Cửa tiệm thu mua tuổi thọ tựa trạm trung chuyển cho những cá nhân, khuyết thiếu một phần định danh, lạc lối tới đánh đổi. Ngoài tuổi thọ, nơi đây còn thu mua sức khỏe và thời gian, những thứ vô hình mà con người vẫn thường vô tình lãng quên giữa dòng đời ồn ã. Để rồi, tới khoảnh khắc người ta mất phương hướng trong tương lai mờ xa, người ta mới ý thức bản thân đã lãng phí một phần cuộc đời như thế nào, bản thân con người vốn bé mọn, rẻ rúng thế nào. Cái tôi cô độc, vụn vỡ chẳng là ai trước đủ mọi sức ép, đớn đau từ cuộc đời mà người ta đã chẳng thể hòa nhập.
Cửa tiệm thu mua tuổi thọ, hình ảnh biểu tượng khởi nguồn câu chuyện, và cũng như biểu tượng, thức tỉnh tính “nhân” trong mỗi cá nhân cô đơn vẫn đang mải miết trốn chạy. Cho người ta nhận ra, giá trị sinh mệnh, giá trị hạnh phúc, không nằm ở việc con người sẽ sống bao lâu mà ở cách người ta sống như thế nào.
Ba ngày hạnh phúc
“Hơn cả ba mươi năm bi thảm tôi đáng lẽ phải trải qua.
Hơn cả ba mươi ngày ý nghĩa tôi đáng lẽ đã có.
Sẽ là khoảng thời gian còn giá trị hơn rất nhiều.”
Và sự quyện hòa những hư ảo và hiện thực, đớn đau nghiệt ngã với niềm hi vọng hạnh phúc ngắn ngủi mà ngọt ngào trong những cá nhân khuyết thiếu một phần định danh, đã làm nên nét đặc sắc riêng cho những sáng tác Miaki Sugaru đã viết lên.
MỌT MỌT
VNQD