Là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và để lại sức ảnh hưởng to lớn như Moon Palace, Trần trụi với văn chương, Khởi sinh của cô độc… Sự qua đời của Paul Auster vào cuối tháng 4 vừa qua là mất mát lớn cho nền văn chương thế giới. Bài phỏng vấn sau đây được đăng trên tờ The Paris Review xoay quanh các quan điểm viết văn và sáng tác của ông, được thực hiện vào năm 2003.
Nhà văn Paul Auster.
- Hãy bắt đầu bằng cách nói về việc viết. Ông viết như thế nào?
+ Tôi luôn viết tay. Chủ yếu là bằng bút máy, nhưng đôi khi cũng viết bằng bút chì, đặc biệt là để chỉnh sửa. Nếu tôi có thể viết trực tiếp trên máy đánh chữ hoặc là máy tính thì tôi sẽ làm. Nhưng bàn phím luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi chưa bao giờ có thể suy nghĩ rõ ràng khi đặt ngón tay lên những nút phím. Cây bút là một dụng cụ nguyên thủy hơn nhiều, bởi khi ấy anh có thể thấy như thể các từ ngữ đang thoát ra khỏi cơ thể của mình, và việc anh làm là neo nó lại trên các trang giấy. Viết lách luôn tạo ra cảm giác ấy. Đó là một trải nghiệm thể chất.
- Và ông viết vào sổ tay chứ không phải những mảnh giấy rời rạc?
+ Đúng vậy. Luôn trong sổ tay. Tôi đặc biệt thích những cuốn có trang kẻ ô vuông.
- Nhưng còn những chiếc máy đánh chữ thì sao? Tôi biết ông có một chiếc Olympia, và còn viết 1 cuốn sách về nó?
+ Tôi sở hữu chiếc máy đánh chữ đó từ năm 1974, tính đến nay đã hơn nửa cuộc đời rồi. Tôi mua lại nó từ một người bạn đại học và đến thời điểm này thì nó đã được 40 tuổi rồi. Đó là “hiện vật” của một thời khác, nhưng vẫn ở tình trạng tốt. Nó không bao giờ bị hỏng. Tất cả những gì tôi phải làm là thỉnh thoảng thay mực. Nhưng tôi đang sống trong nỗi lo sợ sẽ đến một ngày không còn mua được mực dùng riêng cho nó, và tôi sẽ phải chuyển sang sử dụng máy tính và bước vào thế kỉ 21.
- Câu chuyện tiểu thuyết gia Paul Auster đi mua dải mực cho máy đánh chữ khá thú vị nhỉ?
+ Tôi tính trước rồi, tôi đã dự trù nó, đâu đó 60 hoặc 70 cuộn. Có lẽ tôi sẽ gắn bó với chiếc máy đánh chữ đó cho đến cuối cùng, mặc dù cũng có đôi lúc tôi muốn từ bỏ. Nó cồng kềnh và bất tiện quá, nhưng nó cũng ngăn tôi khỏi sự lười biếng.
- Bằng cách nào thế?
+ Bởi máy đánh chữ buộc tôi phải kéo trở lại đầu đoạn sau khi đến biên trang giấy. Với máy tính, anh thực hiện các thay đổi trên màn hình và sau đó in ra một bản sao đẹp. Với máy đánh chữ, anh không có nó nếu không liên tục dịch chuyển con chạy về điểm bắt đầu lề trái.
Ngoài ra, khi đã hoàn thành cuốn sách thì cũng phải mất vài tuần để đánh máy nó. Điều đó không tốt cho cổ, không tốt cho lưng và ngay cả khi có thể đánh máy 20 hay 30 trang mỗi ngày thì các trang đã viết xong vẫn còn chồng chất với tốc độ chậm kinh khủng. Đó là thời điểm mà tôi luôn ước chuyển sang sử dụng máy tính, nhưng mỗi lần cố gắng vượt qua giai đoạn cuối cùng của một cuốn sách, tôi lại khám phá rằng nó quan trọng đến như thế nào.
Việc đánh máy cho phép tôi trải nghiệm cuốn sách theo một cách mới, hòa mình vào dòng chảy của câu chuyện và cảm nhận toàn bộ ẩn ý của nó. Tôi gọi hành động đó là “đọc bằng ngón tay” và thật ngạc nhiên là ngón tay của anh có thể phát hiện ra bao nhiêu là lỗi mà mắt không bao giờ thấy. Các chỗ lập từ, cấu trúc vụng về, nhịp điệu lộn xộn. Nó luôn hiệu quả. Tôi nghĩ mình đã xong khi bắt đầu đánh máy, nhưng rồi nhận ra vẫn còn nhiều việc phải làm.
Các tác phẩm nổi bật của Paul Auster.
- Chúng ta hãy quay lại sổ ghi chép một chút. Nó thường xuyên xuất hiện trong những cuốn tiểu thuyết gần đây của ông. Tại sao lại thế?
+ Tôi coi những cuốn sổ tay như một ngôi nhà chứa đựng ngôn từ, như một nơi bí mật để suy nghĩ và tự kiểm điểm. Tôi không chỉ quan tâm đến kết quả của việc viết lách mà còn quan tâm đến cả quá trình đặt để từ ngữ lên trên trang giấy. Đừng hỏi tôi tại sao. Nó có thể liên quan đến sự nhầm lẫn hoặc sự thiếu hiểu biết ban đầu về bản chất của tiểu thuyết. Khi còn trẻ, tôi luôn tự hỏi: Giọng kể đến từ đâu vậy? Ai đang nói chúng? Giọng trần thuật ngôi thứ ba trong tiểu thuyết truyền thống là một công cụ kì lạ. Bây giờ chúng ta đã quá quen rồi, chúng ta chấp nhận nó, chúng ta không thắc mắc nữa. Nhưng khi anh dừng lại và suy nghĩ thì giọng nói đó có vẻ gì đó tương đối kì lạ cũng như quái gở. Nó dường như đến từ đâu đó và tôi thấy điều đó thật đáng lo ngại. Đồi gió hú là loại tiểu thuyết như vậy. Chữ A màu đỏ cũng thế.
Tất nhiên khung cảnh đều là hư cấu, nhưng chúng mang lại nền tảng và độ tin cậy cho những câu chuyện mà những cuốn tiểu thuyết khác không có. Họ coi tác phẩm như một ảo ảnh - điều mà các hình thức kể chuyện truyền thống không làm được - và một khi anh chấp nhận tính “không thực tế” này, điều đó lại củng cố thêm tính chân thực một cách nghịch lí. Những từ ngữ không được viết bằng đá bởi một tác giả là vị thần vô hình. Chúng đại diện cho nỗ lực của một con người bằng xương bằng thịt và điều này rất đáng xem xét. Người đọc trở thành người tham gia vào diễn tiến của câu chuyện chứ không chỉ là một người quan sát tách biệt.
- Lần đầu tiên ông nhận ra mình muốn trở thành nhà văn là khi nào?
+ Khoảng 1 năm sau khi tôi hiểu rằng mình sẽ không trở thành cầu thủ bóng chày có cơ hội thi đấu ở những giải lớn. Cho đến khi tôi khoảng 16 tuổi, bóng chày có lẽ là quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
- Ông chơi không tốt à?
+ Rất khó mà nói. Nếu tôi kiên trì với nó, tôi có thể đã lọt vào được những giải đấu nhỏ. Tôi có thể đánh tốt, thỉnh thoảng bùng nổ sức mạnh, nhưng tôi không phải là người chạy nhanh. Ở vị trí thứ 3, vị trí tôi thường chơi, tôi có phản xạ nhanh và cánh tay khỏe - nhưng những cú ném của tôi thường rất bất tuân.
- Vì thế nên gần như mọi cuốn sách của ông đều đề cập đến bóng chày?
+ Tôi thích môn thể thao ấy, nên tôi vẫn xem và suy nghĩ về nó. Theo một cách bí ẩn nào đó, bóng chày mang đến cho tôi cơ hội mở ra thế giới, một cơ hội để tìm ra tôi là ai. Khi còn nhỏ, tôi không được khỏe lắm. Tôi mắc đủ loại bệnh tật và tôi dành nhiều thời gian ngồi trong phòng khám của bác sĩ với mẹ hơn là chạy nhảy ngoài trời với bạn. Mãi đến 4, 5 tuổi tôi mới đủ khỏe để tham gia thể thao. Và khi đó tôi lao vào nó với niềm đam mê - như thể bù đắp cho khoảng thời gian mình đã bị mất. Chơi bóng chày đã dạy tôi cách sống với người khác, hiểu rằng tôi thực sự có thể đạt được điều gì nếu tôi tập trung. Nhưng ngoài những trải nghiệm cá nhân nho nhỏ của tôi, còn có vẻ đẹp của trò chơi. Đó là nguồn vui bất tận.
- Từ bóng chày sang viết lách là một quá trình chuyển đổi bất thường nhỉ?
+ Tôi chơi bóng chày vào mùa xuân và mùa hè, nhưng tôi đọc sách xuyên suốt cả năm. Đó là nỗi ám ảnh ban đầu và nó càng trở nên mãnh liệt hơn khi tôi lớn hơn. Tôi không thể tưởng tượng có ai lại trở thành nhà văn mà không phải là một người thích đọc ở tuổi thành niên. Một độc giả thực sự sẽ hiểu sách là một thế giới riêng, và thế giới đó phong phú và thú vị hơn bất kì nơi nào mà ta từng đến. Tôi nghĩ niềm hạnh phúc mà ta khám phá được khi sống trong sách là điều đã biến những chàng trai trẻ và cô gái trẻ trở thành nhà văn. Có thể anh chưa đọc đủ nhiều để viết, nhưng sẽ đến lúc anh nhận ra đó là số mệnh của mình.
- Những ảnh hưởng ban đầu thì sao? Ai là nhà văn mà ông đã đọc ở trường?
+ Những nhà văn Mĩ, chủ yếu là những bậc thầy. Fitzgerald, Hemingway, Faulkner, Dos Passos, Salinger. Tuy nhiên, đến năm học cấp 2, tôi bắt đầu khám phá văn học châu Âu – chủ yếu là những nhà văn người Nga và Pháp như Tolstoy, Dostoyevsky, Turgenev. Camus và Gide. Nhưng cũng có Joyce và Mann. Đặc biệt là Joyce. Khi tôi 18, ông ấy đã trở thành người tôi thích nhất.
- Ảnh hưởng ấy như thế nào?
+ Suốt thời gian dài. Lúc này hay lúc khác, tôi luôn cố gắng viết giống từng tiểu thuyết gia mà mình đang đọc. Mọi thứ đều ảnh hưởng đến anh khi còn trẻ, và cứ vài tháng anh lại thay đổi ý tưởng. Nó giống như việc thử mũ. Ở giai đoạn đầu anh chưa có phong cách riêng nên vô thức bắt chước những nhà văn mà anh ngưỡng mộ.
- Trong những năm qua ông cũng nhắc đến Cervantes, Dickens, Kafka và Beckett như những tác giả ảnh hưởng đến mình?
+ Những bậc thầy ấy đều ở trong tôi, nhưng tôi không nghĩ tác phẩm của mình có âm thanh hay cảm giác giống với tác phẩm của ai đó khác. Tôi không viết sách của họ. Tôi đang viết sách của mình.
- Dường như ông cũng có niềm đam mê với các nhà văn Mĩ thế kỉ 19. Tên của họ xuất hiện với tần suất đáng ngạc nhiên trong các tiểu thuyết của ông, từ Poe, Melville, Whitman, Emerson cho đến Thoreau và Hawthorne, đặc biệt là Hawthorne. Ông ấy có vai trò thế nào với ông?
+ Trong tất cả các nhà văn cổ điển, Hawthorne là người tôi thấy thân thiết nhất, là người đối thoại sâu sắc nhất với tôi. Có điều gì đó trong trí tưởng tượng của ông dường như rất giống với trí tưởng tượng của tôi, và tôi liên tục quay lại với ông, liên tục học hỏi từ ông. Ông là nhà văn không sợ bí ý tưởng, đồng thời ông còn là một nhà tâm lí học bậc thầy, một người thấu hiểu đến mức sâu sắc tâm hồn con người. Tiểu thuyết của ông mang tính cách mạng và tôi chưa từng thấy điều gì giống vậy ở Mĩ trước đây. Tôi biết Hemingway đã nói rằng toàn bộ nền văn học Mĩ đều xuất phát từ Huckleberry Finn, nhưng tôi không đồng ý. Nó bắt đầu với Chữ A màu đỏ.
Nhưng có nhiều điều để nói về Hawthorne ngoài những câu chuyện và tiểu thuyết của ông. Tôi cũng gắn bó với những cuốn sổ tay của ông, trong đó có những đoạn văn hay nhất và xuất sắc nhất. Đó là lí do tại sao tôi rất mong chúng sẽ được xuất bản thành một tập riêng. Cuốn nhật kí ông viết về việc chăm sóc con trai 5 tuổi của mình trong 3 tuần vào năm 1851 là một tác phẩm kín đáo. Nó có thể tự đứng vững và rất quyến rũ, ngoài ra nó cũng hài hước theo kiểu ngây ngô đến nỗi mang đến cho ta một bức tranh khác về Hawthorne. Ông không phải người u ám, đau khổ như hầu hết mọi người thường nghĩ. Hoặc không chỉ vậy. Ông là một người cha và người chồng yêu thương, một người đàn ông thích hút một điếu xì gà ngon và một hoặc hai li rượu whisky, đồng thời là người tích cực, hào phóng và có trái tim ấm áp. Đúng là cực kì nhút nhát, nhưng cũng là người tận hưởng những thú vui đơn giản của thế giới này.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài phỏng vấn trên The Paris Review vào năm 2003, thực hiện bởi Michael Wood
VNQD