Margaret Atwood: “Tôi vẫn lao tới với bộn bề công việc”

Thứ Năm, 09/05/2024 10:45

Ở tuổi 84, tác giả của Chuyện người tùy nữ vẫn thẳng thắn hơn bao giờ hết. Trong cuộc phỏng vấn mới đây qua điện thoại từ nhà riêng ở Toronto với tờ The Guardian, Atwood đã nói về sự lão hóa, những cuộc bút chiến và tác phẩm mới nhất của mình.

Ở tuổi 84, hầu hết các nhà văn đều đã có được thời gian ngơi nghỉ, thế nhưng Atwood vẫn tự làm giàu thêm sức sáng tạo của bản thân mình. Vài năm trước, Chuyện người tùy nữ sau khi được chuyển thể đã trở thành series phim truyền hình ăn khách. Nối tiếp thành công mang tính hiện tượng, phần 2 của nó - The Testaments – cũng đã chiến thắng giải thưởng Booker 2019. Tuy vậy bà cũng đã phải trải qua một sự mất mát. Đó là người chồng - tiểu thuyết gia Graeme Gibson - người đã gắn bó với bà hơn nửa thế kỉ, bất ngờ qua đời. Ông ra đi vì đột quỵ chỉ 2 ngày sau The Testaments ra mắt ở Anh. Với sự kiên cường, bà vẫn tiếp tục hành trình chuyến booktour này.

Hình ảnh mới nhất của Margaret Atwood.

Kể từ khi ấy, bà đã xuất bản 1 tập thơ để tưởng nhớ chồng, 1 cuốn sách phi hư cấu và 1 tập truyện ngắn. Atwood tiếp tục duy trì tốc độ viết sách trung bình trong 6 thập kỉ mình đã đạt được. Xen kẽ với những tác phẩm, bà cũng duy trì công việc giao lưu với người hâm mộ thông qua email (trên nền tảng Substack). Ngày nay bà khó có thể ở nơi đông người mà không bị nhận ra và có độc giả muốn chụp ảnh cùng. Bà tâm sự rằng: “Nơi nguy hiểm nhất, với bản thân tôi, giờ đây là nhà vệ sinh công cộng”.

Vào cuối năm ngoái, Atwood đã lắp máy điều hòa nhịp tim mới, một quy trình mà bà đã quay lại và chia sẻ nó với người hâm mộ. Tình trạng của bà giờ đã khá hơn. Nhưng những hiểm nguy của tuổi già lão chính là trọng tâm cho cuốn sách mới vừa được ra mắt – Cut & Thirst – xoay quanh 3 người bạn gái cùng nhau trả thù 9 nhà văn nam đã từng phá hoại danh tiếng của bản thân họ nhiều năm về trước. Atwood bật cười khi có ai đó so sánh nó với các tác phẩm “làm mưa làm gió” tại Vương quốc Anh của Richard Osman.

Nhưng điều đặc biệt là những mối thù kiểu văn học này lại khá phổ biến. Bà tinh nghịch nói: “Sao lại không thể? Ở thời của Martin Amis, những chuyện như vậy xảy ra khá nhiều”. Nhưng bà cũng giải thích rằng câu chuyện mình viết không phải nói về những người cụ thể, như Amis, Julian Barnes hay Ian McEwan... Bà chỉ ra rằng “những mối thù văn học là chuyện đã có từ lâu. Kể từ thời La Mã, người ta đã dùng tiếng lóng để mà kháy nhau”. Hậu quả của chúng còn đen tối hơn thời kì “bút chiến” vài thập niên trước.

Các tác phẩm nổi tiếng của Margaret Atwood.

Tuy vậy Atwood chưa từng góp mặt vào cuộc luận chiến trên báo chí nào, mà bà xuất hiện với một vai trò đặc biệt hơn thế. Trong một bài báo sau vụ tấn công Salman Rushdie vào tháng 8 năm 2022, bà đã nhận định nền dân chủ Mĩ đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Bà nói “Nó chắc chắn đang bị đe dọa. Rất nhiều điều có thể xảy ra từ bây giờ cho đến cuộc bầu cử kế tiếp”. Bà cũng tin rằng các câu hỏi về quyền tự do ngôn luận hiện đang là thứ mà con người ta cần phải bận tâm trong buổi nhiễu nhương của thời hiện đại.

Và khi Atwood nhận định, cả thế giới này sẽ phải lắng nghe vì lí do chính đáng, khi sự sụp đổ tài chính, sự trỗi dậy của phe cực hữu và sự xâm phạm quyền tự do của phụ nữ trong những năm qua đều đã được dự đoán nhiều thập kỉ trước trong các tác phẩm của bà. Nói về điều này, bà tinh nghịch bảo: “Tôi lấy những ý tưởng này từ sự quan sát”. Và dẫu bà khá khiêm tốn, nhưng chính những góc nhìn đó đã nâng bà lên địa vị của “nhà tiên tri”, và thường xuyên được hỏi ý kiến về những vấn đề tương đối nóng bỏng.

Bà nói: “Tôi là kiểu người đi thăm dò ý kiến. Tôi có thể biết người ta nghĩ gì qua những câu hỏi mà họ hỏi tôi.” Nhưng như mọi khi, bà cẩn thận nhấn mạnh rằng không có câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi về tương lai của phụ nữ. Nếu được hỏi xin ý kiến về đề tài này, thì “tôi phải hỏi đó là người nào? Cổ bao nhiêu tuổi? Đến từ nơi đâu? Vì bạn biết đấy, có rất nhiều biến thể khác nhau dẫn đến những kết cục khác nhau cho những người phụ nữ.”

Bà cho rằng sự thẳng thắn của mình là do bản thân không bị phụ thuộc vào điều gì cả. Bà chia sẻ: “Bạn không thể nói những gì bản thân suy nghĩ vì có thể bạn sẽ mất việc hoặc bị đuổi việc ngay ngày hôm sau”. Ví dụ sau phong trào #MeToo, Atwood đã bị buộc tội là “nhà nữ quyền tệ hai” vì yêu cầu một phiên điều trần công bằng cho một giảng viên dạy viết sáng tạo người Canada, người đã nghỉ việc vì bị quấy rối tình dục.

Bà nói khi mình mới 18 tuổi, bản thân đã viết câu chuyện về một người phụ nữ lớn tuổi kiệt sức, không còn hi vọng gì vào tương lai phía trước. Thế nhưng giờ đây ở tuổi 84, Atwood lại cho thấy rằng mình không như thế. Khi đang trò chuyện cho bài viết này, bà đã rời đi để khoe chiếc ghế chỉnh lưng mới của mình. Bà cũng thỉnh thoảng rời phòng làm việc, đi qua đi lại giữa một chồng sách và chọn ra cuốn phù hợp, gợi ý cho một ai đó.

Bà cũng vừa mới trở về từ San Miguel, Mexico cho việc viết lách, vì ở Toronto vào tháng 2 và tháng 3 thời tiết thường rất ẩm ương. Khi hỏi về kế hoạch dài hạn, Atwood cho biết mình đang bắt tay vào một cuốn hồi kí. Nhiều năm trước, bà khẳng định bản thân sẽ không bao giờ thử thể loại này. Khi được hỏi đâu là lí do, bà tinh nghịch đáp: “Họ tấn công tôi!”. Đó là những biên tập viên và đại diện nhà xuất bản của bà.

Bà bật mí rằng: “Tôi vốn là người phù phiếm, vì vậy những gì tôi có thể nhớ là những chi tiết ngốc dại. Tôi đang viết nó. Chưa tới phần buồn. Những người quan trọng trong cuộc đời tôi vẫn còn đang thở”. Khi được hỏi về sự kiện đau buồn của mình, Atwood chia sẻ: “Tôi sống trong thế hệ khác. Thế hệ chúng tôi không thể hiện sự đau buồn cá nhân ở nơi công cộng”. Trong chuyến booktour lần ấy, “một bên là phòng khách sạn, sự kiện và độc giả của tôi, còn phía còn lại là ngôi nhà trống rỗng và nỗi đau buồn. Tôi phải chọn gì đây? Những gì xảy ra như nó phải xảy ra”.

Thế nhưng Atwood cũng trải lòng mình trên các trang sách. Trong tập truyện ngắn mới nhất - Old Babes in the Wood – bà đã quay lại với câu chuyện tình bi tráng của Nell và Tig - một cặp vợ chồng đã kết hôn lâu năm và giao tiếp với nhau bằng những lá thư dịu dàng từ ngôi nhà trống rỗng. Đắm chìm trong nỗi buồn, những câu chuyện này là một trong những chất liệu mang tính cá nhân nhất của Atwood. “Mọi thứ trong đó đều là sự thật,” bà nói. “Tôi yêu anh ấy không thể kể hết”.

Tháng tới bà sẽ du lịch tới đảo Pelee thường niên, nơi vợ chồng bà đã luôn đến đó vào mỗi tháng 5 để ngắm nghía chim. Không nhiều người biết chồng bà đã xây một đài ngắm chim ở khu vực ấy. Bà cũng “kế thừa” một số dự án của ông để khiến bản thân bận rộn. Sau đó, bà sẽ đến một lễ hội văn học ở Dublin, Ireland, nơi bà sẽ xuất hiện cùng Mary Robinson - cựu nữ tổng thống đầu tiên của Ireland và nhạc sĩ người Mỹ Laurie Anderson (một người hâm mộ của Atwood).

Vào mùa thu, bà sẽ đến London để khai mạc vở ba lê chuyển thể từ tác phẩm của mình, kể về một nhóm người sống sót sau đại dịch toàn cầu. Vở ballet ấy dự kiến ​​khai mạc tại Nhà hát Opera Hoàng gia vào năm 2020, nhưng đã bị hoãn vì Covid-19. Và bà cũng sẽ nhân đó để ra mắt tuyển tập thơ mới.

Từ sóng điện thoại, bà tinh nghịch nói: “Tôi vẫn lao tới với bộn bề công việc. Tôi thích cách mà người ta vẫn thường nhìn mình và bất ngờ rằng: ‘Chúa ơi, bà CÒN sống à?”.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)