Paul Auster: “Không có loại nghệ thuật nào như văn chương” (Kì cuối)

Thứ Ba, 21/05/2024 07:25

Góp mặt ở nhiều địa hạt, từ văn chương đến phim ảnh, từ nhà văn, nhà thơ đến dịch giả… Nhưng điều thú vị là Paul Auster luôn thấy bản thân như một “tân binh” mỗi khi đặt bút viết ra cuốn sách nào đó. Vì sao lại thế?

- Ông sáng tạo nhiều thể loại khác nhau, từ thơ, tiểu thuyết cho đến kịch bản, tự truyện, phê bình, dịch thuật. Ông thấy chúng độc lập hay có liên hệ với nhau bằng cách nào đó?

+ Có nhiều liên hệ nhưng cũng độc lập. Và ngoài ra - tôi nghĩ điều này cũng cần được tính đến - còn có vấn đề về thời điểm viết, cái có thể gọi là sự tiến hóa bên trong chính mình. Tôi đã không dịch hay viết bài phê bình nào trong suốt nhiều năm. Đó là mối bận tâm đã cuốn hút tôi khi mình còn trẻ, khoảng từ cuối tuổi thiếu niên cho đến cuối tuổi đôi mươi. Cả 2 đều nhằm mục đích khám phá ra những nhà văn mà mình ngưỡng mộ, tự học cách thành nhà văn - là quá trình học hỏi văn chương - nếu anh muốn gọi nó thế. Kể từ đó, tôi đã thử dịch thuật và phê bình một vài lần nữa, nhưng chẳng có gì đáng kể. Bài thơ cuối cùng tôi viết là vào năm 1979.

Paul Auster bên máy đánh chữ.

- Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao ông lại từ bỏ?

+ Tôi va phải một bức tường. Trong khoảng 10 năm, tôi đã tập trung phần lớn sức lực vào thơ ca và rồi nhận ra mình bị mắc kẹt. Đó là khoảnh khắc tương đối đen tối đối với bản thân tôi. Tôi tưởng mình đã kết thúc vai trò nhà văn rồi.

- Chết đi như một nhà thơ và được tái sinh như một tiểu thuyết gia. Sự chuyển đổi này diễn ra như thế nào?

+ Tôi nghĩ nó xảy ra vào lúc mà tôi hiểu rằng mình không còn quan tâm nữa, khi tôi không còn tâm huyết với việc sáng tạo văn chương. Tôi biết thoạt nghe có vẻ kì lạ, nhưng kể từ thời điểm đó, viết lách đã trở thành một trải nghiệm khác đối với riêng tôi. Cuối cùng, khi tôi bắt đầu trở lại sau quá trình đắm mình trong ảm đạm khoảng 1 năm trời, tôi biến những từ tạo nên thơ ca trở thành văn xuôi. Điều quan trọng duy nhất là nói những điều cần nói mà không quan tâm đến những quy ước đã được thiết lập, không cần lo lắng về việc nó nghe như thế nào. Đó là vào cuối những năm 70 và tôi vẫn tiếp tục làm việc với tinh thần đó cho đến tận nay.

- Khi bắt đầu viết tiểu thuyết, ông có làm việc theo kế hoạch không?

+ Mỗi cuốn sách tôi viết đều bắt đầu bằng cái mà tôi gọi là tiếng vo vo trong đầu. Một loại âm điệu hoặc nhịp điệu nhất định. Đối với tôi, phần lớn nỗ lực viết tiểu thuyết là cố gắng trung thành với tiếng vang đó, với nhịp điệu đó. Đó là công việc có tính trực quan cao. Anh không thể biện minh hay hiểu được lí do, nhưng anh biết khi nào mình đánh sai nốt và cũng khá chắc khi nào mà mình đánh trúng.

- Ông có nhảy cóc khi viết văn không?

+ Không. Mỗi cuốn sách đều bắt đầu bằng câu đầu tiên và sau đó tôi tiếp tục viết cho đến sau cuối. Luôn theo trình tự, từng đoạn một nhỏ. Tôi cảm nhận được diễn biến câu chuyện, và thường có câu cuối cùng cũng như đầu tiên trước khi đặt bút. Như như anh biết đó, mọi thứ cứ thay đổi liên tục trong quá trình viết. Chưa có cuốn sách nào tôi xuất bản lại theo những gì mà mình định trước. Các nhân vật và tình tiết liên tục thay đổi, chúng ngày càng phát triển theo diễn biến cuốn sách. Nhà văn tìm thấy tác phẩm trong quá trình viết. Đó là cuộc phiêu lưu của viết lách. Nếu như tất cả được vạch ra trước thì không thú vị lắm.

- Những thay đổi ấy có đáng kể không?

+ Chẳng hạn cuốn The Book of Illusions đã trải qua một số thay đổi căn bản trong quá trình phát triển, và tôi đã cân nhắc lại ý tưởng của mình về câu chuyện cho đến những trang cuối cùng. Timbuktu ban đầu được hình thành như một cuốn sách dài hơn, trong khi Willy và ông Bones lẽ ra chỉ là những vai phụ nhỏ, nhưng khi bắt đầu viết phần đầu tiên, tôi đã yêu họ và quyết định thay đổi kế hoạch. Dự án đã biến thành một cuốn sách xoay quanh hai người. Với Mr.Vertigo, tôi nghĩ mình đang viết một truyện ngắn 30-40 trang, nhưng sự việc đã tiến trển và dường như có một cuộc sống riêng. Viết lách đối với tôi luôn là như vậy. Từ đi lầm đường đến rẽ đúng hướng.

Paul Auster và vợ Siri Hustvedt.

- Chúng ta có thể quay lại cụm từ “từng đoạn một” không?

+ Đoạn văn là đơn vị sáng tác tự nhiên của tôi. Nếu nói một dòng là đơn vị của thơ ca, thì đoạn văn cũng có chức năng tương tự trong văn xuôi, ít nhất là đối với tôi. Tôi thường chỉ viết một đoạn mỗi lần, sau đó chỉnh sửa cho đến khi mình cảm thấy hài lòng với độ dài cần thiết, với sự cân bằng tinh tế và âm điệu phù hợp, sao cho nó không còn có thể được viết theo cách nào khác. Đoạn văn có thể mất một hoặc là nửa ngày, một giờ hoặc là 3 ngày để hoàn thiện xong. Khi nó có vẻ đã hoàn thành, tôi gõ lại nó để cân nhắc tiếp. Vì vậy, mỗi cuốn sách đều có một bản thảo viết tay và một bản đánh máy bên cạnh. Tất nhiên sau này tôi sẽ kiểm tra lại trang đã đánh máy và sửa lại nhiều hơn.

- Và dần dần số trang tăng lên.

+ Vâng, rất chậm chạp.

- Ông có cho ai xem tác phẩm của mình trước khi hoàn thành nó không?

+ Siri, vợ tôi. Cô ấy là độc giả đầu tiên của tôi và tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhận định ấy. Mỗi lần tôi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi đều đọc cho cô ấy nghe khi nào đã có từ 20 - 30 trang. Đọc to giúp tôi khách quan hóa cuốn sách, biết được mình đã sai ở đâu hoặc không diễn đạt một cách thành công điều mình muốn nói chỗ nào. Sau đó Siri đưa ra nhận xét. Cô ấy đã làm công việc này suốt 22 năm nay và những gì mà cô nói luôn luôn sắc sảo. Tôi không thể nghĩ ra trường hợp nào mà tôi không làm theo lời khuyên của cô ấy.

- Ông có đọc tác phẩm của bà ấy không?

+ Có. Những gì cô ấy làm cho tôi, tôi cũng cố gắng làm lại tương tự. Mọi nhà văn đều cần có một độc giả tin cậy - người đồng cảm với việc mà anh đang làm và muốn tác phẩm của anh tốt nhất có thể. Nhưng anh phải thành thật. Đó là yêu cầu cơ bản. Không dối trá, không thảo mai, không khen ngợi điều gì đó mà anh không tin là nó xứng đáng.

- Năm 1992, ông dành tặng Leviathan cho Don DeLillo. 11 năm sau, ông ấy đã dành tặng Thành phố quốc tế cho ông. Rõ ràng hai người đã có một tình bạn lâu dài và tôn trọng nhau. Những tiểu thuyết gia đương đại nào khác mà ông đang đọc những ngày này?

+ Khá nhiều, có lẽ nhiều hơn mức tôi có thể đếm được. Peter Carey, Russell Banks, Philip Roth, EL Doctorow, Charles Baxter, JM Coetzee, David Grossman, Orhan Pamuk, Salman Rushdie, Michael Ondaatje, Siri Hustvedt... Đó là những cái tên mà tôi chợt nghĩ ngay lúc giờ đây, nhưng nếu ngày mai anh hỏi lại tôi, thì tôi chắc chắn sẽ có một danh sách khác. Trái ngược với những gì nhiều người muốn tin, văn chương ngày nay đang rất sung mãn, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Đó là tin vui, và cho dù những người bi quan có nói gì đi chăng nữa, thì văn chương sẽ không bao giờ chết.

- Làm sao ông có thể chắc chắn như vậy?

+ Bởi vì tiểu thuyết là nơi duy nhất trên thế giới mà 2 người xa lạ có thể gặp nhau với sự thân mật tuyệt đối. Người đọc và người viết cùng nhau tạo nên cuốn sách. Không có loại nghệ thuật nào làm được điều đó. Không có nghệ thuật nào khác có thể nắm bắt được nội tâm sâu thẳm của cuộc sống con người.

- Oracle Night là cuốn tiểu thuyết thứ 11 và mới nhất [1] của ông. Việc viết tiểu thuyết có trở nên dễ dàng hơn với ông trong những năm qua không?

+ Tôi không nghĩ vậy. Mỗi cuốn sách là một trải nghiệm mới. Tôi chưa bao giờ viết nó trước đây và tôi phải tự học cách viết. Việc tôi từng viết sách trước đây dường như không có vai trò gì. Tôi luôn cảm thấy mình như người mới bắt đầu và liên tục gặp phải những khó khăn giống nhau, những trở ngại từa tựa, những tuyệt vọng xem xem. Với tư cách là một nhà văn, anh sẽ mắc phải rất nhiều sai lầm, gạch bỏ rất nhiều câu văn và ý tưởng tồi, loại bỏ rất nhiều trang vô giá trị, để rồi cuối cùng điều anh học được là mình thật ngu ngốc biết bao. Đó là một nghề thú vị.

- Thật khó để tưởng tượng rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, City of Glass, lại bị 17 nhà xuất bản Mĩ từ chối. Bây giờ, 20 năm sau, sách của ông đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng. Ông có bao giờ dừng lại để nghĩ về sự nghiệp kì lạ của mình: tất cả những công việc khó khăn và kiên nhẫn đó, nhưng cuối cùng cũng có tất cả những thành công đó?

+ Tôi cố gắng không làm vậy. Thật khó để nhìn bản thân từ phía bên ngoài. Đơn giản là tôi không có đủ năng lực tinh thần để làm việc đó, ít nhất là liên quan đến tác phẩm của tôi. Người khác có quyền đánh giá về những gì tôi làm và tôi không muốn tự chất vấn mình những câu hỏi đó. Tôi ước là mình có thể, nhưng tôi vẫn chưa học được thủ thật phân thân.

NGÔ THUẬN PHÁT (dịch từ bài phỏng vấn trên The Paris Review vào năm 2003, thực hiện bởi Michael Wood)

---------

[1] Vào năm 2003, khi cuộc phỏng vấn được thực hiện.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)