Những người phụ nữ trong thần thoại Hi Lạp đang lên tiếng trở lại

Thứ Ba, 04/06/2024 06:06

Những cuốn tiểu thuyết về nhiều nhân vật nữ bị gạt ra lề hoặc bị phỉ báng trong thần thoại Hi Lạp đang ngập tràn các hiệu sách, đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ kể những câu chuyện này và bằng cách nào.

Trong nhiều thế kỉ, Medusa được cho là một trong những “quái vật” với những con rắn quấn quanh mái đầu và có ánh mắt chết chóc có thể biến sinh vật sống thành đá. Nói về cái chết của sinh vật này, các tác phẩm Hi Lạp và La Mã của Hesiod, Apollodorus và Ovid đã mô tả người gây ra nó là vị anh hùng Perseus. Theo lời kể của Ovid, Medusa không được sinh ra như là quái vật mà bị nữ thần Athena trừng phạt, sau khi bị thần biển Poseidon cưỡng hiếp trong đền thờ Athena.

Thế nhưng vài năm trước đây khi đang theo học tại Đại học Arizona, nhà văn Nataly Gruender bắt đầu tự hỏi liệu câu chuyện của Medusa có còn ẩn giấu điều gì nữa không. Dựa trên những mảnh mà cô tìm thấy về câu chuyện này, Gruender đã viết nên phiên bản thần thoại của riêng mình. Gruender nói: “Thông thường người ta chỉ thực sự thấy Medusa qua cái đầu bị chặt nằm trong tay của Perseus. Nhưng tôi muốn nhân vật này tự mình lên tiếng”.

Các tác phẩm kể lại thần thoại đã được chuyển ngữ.

Vì vậy cô tưởng tượng ra khoảnh khắc cao trào trong đó Medusa đối mặt với Athena và hỏi nữ thần tại sao cô - một nạn nhân - lại bị trừng phạt oan uổng. Không dừng ở đó, Gruender cũng thêm vào mạch truyện mối tình đặc biệt giữa nhân vật này và một nữ thần nước. Tác giả nói: “Tôi có một suy nghĩ khác, vì vậy tôi muốn phản ánh điều gì đó khác ở Medusa như các góc nhìn đã quá phổ biến. Tôi nghĩ, bạn biết đấy, cô ấy xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp.”

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Gruender, Medusa, mà Grand Central sẽ xuất bản vào tháng 8 này, là tác phẩm hư cấu mới nhất kể lại câu chuyện về Gorgon [1]. Thể loại tương tự cũng đang ngày càng đông đúc với một loạt tiểu thuyết đã được ra mắt, có thể kể đến như Hòn đá mù của Natalie Haynes, Athene's Child của Hannah Lynn, Medusa's Sisters của Lauren JA Bear, Medusa của Katherine Marsh, The Shadow of Perseus của Claire Heywood và Medusa: The Girl Behind the Myth của Jessie Burton.

Và Medusa chỉ là một trong vô số các nhân vật nữ thần thoại đang có sự thay đổi về mặt văn học. Tiếp nối các tác phẩm thành công vang dội như Circe của Madeline Miller kể về nữ phù thủy quyền năng trong trường ca Odyssey của Homer, giờ đây ngày càng có nhiều hơn nữa những cuốn tiểu thuyết kể về người phụ nữ trong thần thoại Hi Lạp vốn bị coi thường, bôi xấu hoặc bị gạt sang một bên như những con tốt thí trong câu chuyện của các nam anh hùng được chú ý trở lại.

Đối với những tác giả và độc giả yêu thích dòng văn chương này, việc đặt một nhân vật nữ vào trung tâm của huyền thoại cổ xưa là cách tiếp cận cần thiết nhưng trễ tràng. Bởi lẽ thần thoại Hi Lạp và La Mã đều chủ yếu nói về người đàn ông, và chỉ có họ mới được quyền xuất hiện trong những câu chuyện này. Các nhân vật nữ hoặc bị đẩy ra rìa, hoặc được lọc qua cái nhìn của nam giới, được miêu tả là những nạn nhân bất lực, là đối tượng bị lạm dụng và là con mồi để tranh đấu.

Các tác phẩm về Medusa ra mắt trong thời gian qua.

Nếu họ có vai trò nào đó thì cũng hoặc là những con quái vật như Circe và Medusa, hoặc là những kẻ hung ác như Clytemnestra, người đã giết chồng - chiến binh Agamemnon - và người vợ lẽ là công chúa thành Troy – Cassandra. Hoặc cũng có thể là Medea - một trong những nhân vật bị nguyền rủa nhất trong thần thoại, người đã trả thù người chồng Jason lừa dối bằng cách giết chết những đứa con của mình…

Đối với Madeline Miller – tác giả của Trường ca Achilles Circe, việc nhiều tác giả đang khai quật lại những câu chuyện cổ xưa và mang đến sức sống mới cho những nhân vật nữ này là một thực tế hiển nhiên. Cô nói: “Thật đáng kinh ngạc khi những giọng nói mà chúng ta nghe từ thế giới cổ đại đều là nam giới. Không chỉ những người phụ nữ trong các huyền thoại có cuộc sống bị áp bức mà thực chất là chúng ta không thể hiểu được dù chỉ một chút họ sống ra sao.” Như vậy chừng nào huyền thoại vẫn còn vang vọng thì các nhà văn sẽ còn rút ra được nhiều ý nghĩa từ chúng.

Natalie Haynes, người đang thực hiện tiểu thuyết về Medea của riêng mình, cho biết: “Có nhu cầu rất lớn đối với những câu chuyện thần thoại kiểu này bởi vì chúng có rất nhiều khoảng trống để các nhà văn có thể thêm vào khả năng tưởng tượng”. Tuy vậy thì không phải ai cũng đánh giá cao hành động kể lại các thần thoại này. Một số người cho rằng “bản sửa đổi” thần thoại theo hướng nữ quyền là đang bóp méo những câu chuyện cổ bằng cách áp đặt ý nghĩa nữ quyền.

Helen Morales, giáo sư nghiên cứu về văn hóa Hi Lạp tại Đại học California (Santa Barbara, Mĩ) nói rằng trong khi một số phiên bản ủng hộ nữ quyền gần đây vẫn trung thành với cái kết cũ, thì cũng có những tác phẩm thay đổi trọn vẹn những cái kết ấy, điều này ít nhiều làm biến đổi thần thoại.

Morales, tác giả của cuốn Antigone Rising khám phá cách các huyền thoại Hi Lạp và La Mã được khôi phục và diễn giải mới để nói lên những mối quan tâm đương thời, cho biết: “Một phần sức hấp dẫn của huyền thoại là nó phức tạp và không thể đoán trước. Nếu nó được trình bày theo cách khiến độc giả hài lòng hoặc khẳng định lại những gì đã biết hoặc là muốn nghe, thì tôi không nghĩ điều đó là tốt dù cho huyền thoại hay chủ nghĩa nữ quyền.”

Không chỉ phản đối về việc “bóp méo” thần thoại, cũng có những người đang phàn nàn rằng thể loại nói trên hiện quá bão hòa giống như bất kì xu hướng văn hóa đại chúng nào. Sự bùng nổ của các câu chuyện thần thoại đã tạo ra những tác phẩm có chất lượng rất khác nhau trong một thị trường “thượng vàng hạ cám”. Tuy nhiên, đối với những người hâm mộ cuồng nhiệt những câu chuyện này và các tác giả đang viết ra chúng, thì thần thoại Hi Lạp vẫn mang đến khả năng diễn giải vô tận, và điều nói trên thì quan trọng hơn bất cứ tranh cãi về sự thật nào.

Miller, người hiện đang viết một cuốn tiểu thuyết mới về Persephone và Demeter, cho biết: “Không thể có được khẳng định cuối cùng nào về xu hướng trên, bởi vì ngôn ngữ luôn luôn thay đổi, ý nghĩa của những huyền thoại cũng thế. Chúng không ngừng biến đổi và được nhìn nhận khác đi theo dòng chảy thời đại”.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The New York Times

----------

[1] Sinh vật nửa người nửa rắn và có cánh. Theo thần thoại Hy Lạp, họ có 3 chị em, trong khi 2 cô chị bất tử thì Medusa chỉ là á thần.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)