Bức thư của Franz Kafka cho thấy cuộc đấu tranh với những bế tắc của nhà văn

Thứ Hai, 10/06/2024 06:24

Thư của Franz Kafka gửi người bạn và nhà xuất bản Albert Ehrenstein, sẽ được bán đấu giá vào tháng 6, trùng dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của Kafka.

Một bức thư hiếm hoi do Franz Kafka viết cho nhà xuất bản của ông cho thấy nhà văn đã phải đấu tranh đau khổ như thế nào để đặt bút viết, đặc biệt là khi sức khỏe của ông ngày càng sa sút.

Bức thư, sẽ sớm được bán đấu giá, trùng hợp với thời điểm Kafka được chẩn đoán mắc bệnh lao, căn bệnh cuối cùng sẽ giết chết ông và điều mà các học giả cho rằng rất có thể đã khiến ông thêm cảm giác tê liệt tinh thần và bất lực.

“Khi những lo lắng đã thâm nhập vào một tầng tồn tại nhất định, việc viết lách và phàn nàn rõ ràng sẽ dừng lại,” ông viết cho người bạn và nhà xuất bản của mình, nhà thơ người Áo Albert Ehrenstein. “Sức đề kháng của tôi cũng không mạnh đến thế.”

Không ghi ngày tháng, các học giả tin rằng bức thư được viết từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1920, khi Kafka đang được điều trị bệnh tại một phòng khám ở Merano, miền bắc nước Ý.

Được viết tay gọn gàng bằng tiếng Đức lịch sự, dễ đọc, bức thư được cho là phản hồi của Kafka trước yêu cầu của Ehrenstein về việc nhà văn đóng góp cho Die Gefährten (The Fellows), tạp chí văn học theo chủ nghĩa biểu hiện mà ông biên tập vào thời điểm đó. Thời gian này, Ehrenstein đã xem tác phẩm mới của Kafka được in, có thể là tuyển tập truyện ngắn Ein Landarzt (A Country Doctor), viết năm 1917 và xuất bản hai năm sau đó. Nhưng Kafka nhanh chóng xua tan ý niệm rằng nhà văn đang tích cực viết lách: “Tôi đã không viết gì trong ba năm rồi, những gì được xuất bản bây giờ đều là chuyện cũ, tôi không có tác phẩm nào khác, thậm chí không có tác phẩm nào tôi mới bắt đầu,” Kafka viết.

Bức thư được cho là phản hồi của Kafka trước yêu cầu của Ehrenstein về việc nhà văn đóng góp cho một tạp chí văn học. Ảnh: Sotheby’s

Gabriel Heaton, một chuyên gia về sách và bản thảo tại Sotheby's ở London, nơi sẽ đưa bức thư này ra đấu giá trực tuyến vào ngày 27 tháng 6, 100 năm sau khi nhà văn Kafka qua đời, cho biết những bức thư của Kafka đề cập đến công việc viết lách của ông là rất hiếm.

“Bức thư này là điều hiếm hoi, đồng thời mang nội dung quan trọng, gây cảm giác như kéo người đọc về phía nhà văn ở khía cạnh một con người và cảm giác về cá nhân,” Heaton nói.

Ông nói thêm, bức thư được kí tên đơn giản là “Kafka”, là của một nhà văn cũng như của một người nào đó đang nói chuyện với bạn mình, nhưng đó “không phải là một bức thư mang tính văn chương một cách tự giác”.

Heaton nói: “Trong số tất cả các nhà văn, việc Kafka nói chuyện với chúng tôi về trở ngại của nhà văn là điều đặc biệt sâu sắc và ý nghĩa. Ông ấy gần giống như người đoạt giải trong giới văn chương, như chúng ta thấy từ nhật kí của ông ấy.”

Những dòng nhật kí của Kafka viết về những chua cay và đau đớn của tình trạng này, có lẽ đã được nhiều độc giả biết đến. Chẳng hạn như những chia sẻ: “kết thúc việc viết lách, khi nào tôi mới bắt đầu lại”, “sự bất lực cũ” và “hoàn toàn bế tác. Những đau khổ không ngừng”. Nhà văn viết trong nhật kí ngày 30/1/1915: “Bạn phải lặn xuống và chìm nhanh hơn những gì chìm trước bạn”.

Heaton nói: “Chúng tôi nhận thức rõ mức độ mà công việc viết lách sáng tạo đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với Kafka và đòi hỏi nguồn sức mạnh nội tâm sâu sắc của ông. Bạn không bao giờ thấy việc viết lách là dễ dàng đối với ông ấy. Ông ấy kiệt sức vì nó, đó không phải là thứ dễ dàng tuôn chảy khỏi con người ông và đó là một tình cảm rất sâu sắc.”

Bất chấp giọng điệu u sầu, đó cũng là khoảng thời gian Kafka bắt tay vào mối tình được cho là mãnh liệt nhất trong đời mình, với nhà báo người Séc Milena Pollková-Jesenská, người vừa dịch tác phẩm Der Heizer (The Stoker) của ông. Cô được cho là người đã khuyến khích ông vượt qua sự trì trệ trong sáng tạo để viết những kiệt tác cuối cùng của mình, The Castle (Lâu đài) và A Hunger Artist (Kẻ biểu diễn tuyệt thực).

Bức thư vẫn còn trong phong bì đường hàng không mà Ehrenstein gửi cho nghệ sĩ gốc Séc Dolly Perutz ở Massachusetts vào năm 1948. Ảnh: Sotheby's

Heaton nói: “Mặc dù bức thư được viết trong một khoảnh khắc tuyệt vọng, nhưng đầy sâu sắc khi biết rằng nhà văn sắp có được trải nghiệm mang tính thay đổi, điều sẽ tiếp thêm năng lượng cho ông để bùng nổ sức sáng tạo cuối cùng”.

Dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của các nhà sưu tập đối với những bức thư viết tay nói chung – sự hiếm có ngày càng tăng trong thời đại kĩ thuật số – và những bức thư Kafka nói riêng, người ta ước tính rằng lô hàng sẽ có giá từ 70.000 đến 90.000 bảng Anh. Bức thư gần đây nhất được bán cách đây khoảng 11 năm. Chủ sở hữu hiện tại là một nhà sưu tập tư nhân quan trọng ở châu Âu, Sotheby's cho biết thông tin chung mà không cung cấp thêm thông tin cụ thể.

Kafka qua đời năm 1924 ở tuổi 40. Ehrenstein giữ bức thư cho đến năm 1948, nhà thơ về già lại gửi lá thư cho nghệ sĩ gốc Séc Dolly Perutz, người đã trốn thoát khỏi Tiệp Khắc do Đức Quốc xã chiếm đóng năm 1938, định cư ở Massachusetts, Mĩ. Bức thư vẫn còn trong phong bì gửi hàng không mà bà đã nhận được.

THÀNH NAM dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)